Kỳ tích 2 lần đỗ thủ khoa
Những bảng điểm ấn tượng
Trước khi trở thành thủ khoa kỳ tuyển sinh của HV BC & TT năm 2006, Lê Minh Đức (sinh năm 1988, quê Hải Dương) đã có thành tích học tập thực sự ấn tượng. Là học sinh giỏi toàn diện thời phổ thông, anh bạn “sở hữu” vô số giải thưởng học sinh giỏi Văn cấp tỉnh/thành (Hải Dương và Hà Nội) khi học Trường THPT Chí Linh (Hải Dương) và THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội). Thi tốt nghiệp THPT, Đức được 53,5 điểm/6 môn.
Lê Minh Đức (ngoài cùng bên trái) tại lễ bế giảng của Học viện báo chí
và Tuyên truyền vào tháng 6 năm 2010.
Đối với chặng đường đại học, dấu ấn đầu tiên là hai điểm 9,5 môn Toán của hai khối A và D tại hai hội đồng thi ĐH Tài chính – Kế toán (đợt 1) và HVBC&TT (đợt 2). Tiếp đó, Đức đỗ thủ khoa đầu vào HVBC & TT, vào học lớp Thông tin đối ngoại K26, khoa Quan hệ Quốc tế.
Trong 6 trên 8 kỳ học, Đức đạt học bổng loại giỏi và xuất sắc. Rồi anh bạn còn làm chủ nhiệm và tham gia hai đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đạt kết quả xuất sắc của trường; khóa luận tốt nghiệp đại học của Đức được 10 điểm. Ngay khi ngồi trên ghế giảng đường ĐH, Đức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Mới đây nhất, Đức giành danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp năm 2010 của HV BC & TT.
Bí quyết học giỏi của tân thủ khoa
Vào ĐH, Đức lựa chọn là chuyên ngành Thông tin Đối ngoại với ước mơ trở thành một người hoạt động trong lĩnh vực thông tấn ngoại giao. Đức cho rằng mình may mắn vì chọn đúng chuyên ngành phù hợp bởi cậu được rèn luyện nhiều kỹ năng chuyên môn của cả hai lĩnh vực báo chí và ngoại giao. Trong 4 năm ĐH, Đức rèn luyện từ chuyên môn, ngoại ngữ, đến các kỹ năng khác như ca hát, khiêu vũ, tổ chức sự kiện…
Tuy nhiên, vượt trên tất cả các yếu tố đó, theo Đức, bí quyết cơ bản và quan trọng nhất đối với thành công của một sinh viên chính là khả năng tập trung cao độ cho việc tự học và tự nghiên cứu. Đức cho rằng mình không phải là kiểu học trò gối đầu lên sách vở để ngủ.
“Bạn vẫn có quyền đi chơi, vẫn có quyền chat chit, vẫn có quyền chơi game…, nhưng miễn là phải dành một lượng thời gian để tự học. Và trong quãng thời gian tự học đó, hãy tập trung cao độ, quên hết điện thoại, Internet, truyện kiếm hiệp đi. Học như thế cực kỳ hiệu quả và giúp ta nhớ lâu. Và một bí quyết quan trọng nữa là bạn phải có khả năng bao quát bài thông qua các ý chính” – Đức khẳng định.
Chàng tân thủ khoa cho rằng, không ai có thể nhớ hết được tất cả nội dung bài học, bởi vậy hãy chọn cho mình cái nội dung cốt lõi nhất để ghi nhớ. Đó là cơ sở để bạn đối diện với mọi thử thách từ các câu hỏi thi.
Bên cạnh đó, là một sinh viên trường báo, nhất là khoa Quan hệ quốc tế, việc tìm tòi tài liệu và theo dõi các tin tức thời sự trong và ngoài nước cũng trang bị cho Đức rất nhiều tri thức thực tiễn bổ ích.
Cuối cùng, đóng góp vô cùng quan trọng vào những thành công hôm hay của Đức chính là gia đình. Đức chia sẻ: “ở nhà, bố Đức (đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ) và anh rể luôn là người định hướng đặt ra những yêu cầu cao để Đức phấn đấu. Mẹ (giáo viên dạy giỏi trường THCS Văn An, Hải Dương) và chị gái (giảng viên đại học, từng là học sinh giỏi văn toàn quốc) thì đóng vai trò là người chia sẻ, cổ vũ, động viên trong mọi hoàn cảnh. Những điều đó đã thôi thúc Đức tiếp bước truyền thống hiếu học của gia đình.”
Video đang HOT
Không chỉ có học
Lê Minh Đức (ngồi, bên trái) đã đạt kỳ tích tại Học viện báo chí và tuyên truyền
khi hai lần đỗ thủ khoa của trường.
Trong quá trình học, để chuẩn bị tay nghề của một người làm việc cho lĩnh vực thông tấn trong trương lai, Đức còn thuyết phục gia đình tạo điều kiện cho học một khóa thiết kế đồ họa của Arena Multimedia. Sự tín nhiệm về tay nghề và óc sáng tạo của Đức được khẳng định bằng khả năng tổ chức quay, dàn dựng và đạo diễn các clip, phóng sự hình ảnh cho rất nhiều các chương trình văn hóa, văn nghệ của khoa và trường. Năng khiếu này đã mang đến cho Đức những đơn đặt hàng thiết kế bìa sách giáo trình của thầy cô giáo. Thậm chí, lãnh đạo của một tờ báo nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế đã từng ngỏ lời mời cậu sinh viên năm 4 về làm phụ trách thiết kế và tiếp thị hình ảnh cho tờ báo mình.
Bàn về phong cách cá nhân, đúng như Đức chia sẻ, nếu ai đó đi tìm hình ảnh của một thủ khoa đại học phải là kính cận, quần áo chỉn chu, suốt ngày miệt mài trên thư viện hay giảng đường với một núi sách vở thì chắc gặp Đức, họ sẽ thấy ngạc nhiên.
Nếu bạn chỉ biết tới Đức bởi thành tích học tập thì thì quả là một thiếu sót. Từ năng khiếu ca hát, chơi ghita, nhảy breakdance đến game online, Đức đều thể hiện khả năng “chinh chiến” rất “đỉnh”.
Những ngày này, Đức đang tranh thủ thời gian học lái xe vì theo cậu là để “tránh tụt hậu”. Bên cạnh niềm vui của một tân thủ khoa khi có được sự ghi nhận của gia đình, bạn bè, thầy cô với một vài đề xuất công việc tương lai, Đức vẫn có những dự định riêng.
“Mình đang chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Anh lấy điểm IELTS. Mặc dù điểm tốt nghiệp đại học cho mình cơ hội chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn nhưng mình vẫn phải nỗ lực cố gắng rất nhiều”, Đức chia sẻ.
Theo Dân trí
Cựu HS Trường Ams "rinh" học bổng toàn phần của 6 ĐH Mỹ
Nhận được học bổng toàn phần của 6 trường ĐH nổi tiếng của Mỹ gồm Harvard, Colgate University, University of Chicago, University of Richmond, Connecticut College và Drexel University, cậu bạn 9X Trịnh Đức Minh đã chọn ĐH Harvard là điểm dừng chân.
Trịnh Đức Minh sinh năm 1991 tại Hà Nội. Năm lớp 10, Minh học Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, sau đó nhận học bổng toàn phần tại Trường St. Joseph"s Institution International ở Singapore và tốt nghiệp xuất sắc với số điểm 43/45. Mới đây, Minh đã nhận được học bổng toàn phần của 6 trường ĐH Mỹ và chọn ĐH Harvard nơi em có mức học bổng toàn phần 236.000 USD/4 năm.
Ngoài thời gian học tập, Minh tham gia nhiều tổ chức hoạt động tình nguyện tại Việt Nam, Singapore và Thái Lan.
Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Trịnh Đức Minh tại Hà Nội nhân dịp em về Việt Nam tổ chức hội thảo du học VietAbroader 2010.
Được biết, em nhận được học bổng toàn phần của 6 trường ĐH nổi tiếng của Mỹ. Em chia sẻ bí quyết để nhận được các học bổng này?
Trong suốt những năm đi học, em luôn cố gắng tìm niềm vui trong học tập, chỉ học khi mình cảm thấy thoải mái và tập trung nhất, không gò bó, ép buộc. Nếu biết đặt mục tiêu một cách hợp lý thì luôn có thể cân bằng giữa việc học và chơi.
Bí quyết của em khi làm hồ sơ là làm sao để hồ sơ phản ánh đúng con người thật của mình, từ những điều nhỏ nhất. Rất nhiều bạn đã sai lầm khi nghĩ rằng phải ghi vào hồ sơ những thành tích vượt trội hay những điều "đao to búa lớn" để được các trường thích và nhận. Sự thật là các trường đại học của Mỹ luôn chú trọng đến những điều khác biệt trong tính cách của từng học sinh.
Trong đợt tuyển sinh vừa qua cùng đỗ vào ĐH Harvard có 2 thí sinh Việt Nam là em và Phan Đức Toàn. Với Toàn thì bài luận riêng gửi tới Harvard viết về kỷ niệm đá bóng với các bạn hàng xóm trong ngõ nhỏ. Còn bài luận gửi Harvard của em như thế nào?
Bài luận riêng gửi Harvard em viết về xe máy và vai trò của nó đối với con người Việt Nam. Ý tưởng của bài luận bắt đầu từ một ngày em bị kẹt trong một đám tắc đường vào giờ tan tầm và thấy rằng xe máy đã rất hữu ích trong việc giúp em nhanh chóng thoát ra được khỏi đám tắc đường đó.
Được biết, thành tích học tập tại Việt Nam của em cũng rất đáng nể như giải thành phố môn tiếng Anh và giải quận môn Tin năm lớp 9, giải ba Olympic tiếng Anh Hà Nội năm lớp 10. Khi du học sang Singapore em có được thành tích gì?
Khi học năm lớp 10 tại Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, em thi và nhận được học bổng toàn phần Trường St. Joseph"s Institution International ở Singapore. Điểm tốt nghiệp bằng International Baccalaureate (Tú tài quốc tế) 43/45, em đứng đồng hạng 2 trong trường.
Tháng 8 tới đây em nhập học ĐH Harvard. Em dự định sẽ học 2 chuyên ngành: Kinh tế và Quan hệ quốc tế. Khi học xong em sẽ về Việt Nam làm việc nếu có những cơ hội thích hợp để đóng góp cho đất nước và nếu những sự đóng góp đấy được đánh giá đúng. Em quan niệm rằng sự đánh giá của xã hội là thước đo chính xác nhất cho hiệu quả công việc của những đóng góp em có thể đem lại cho xã hội toàn cầu.
Học xa nhà khi còn nhỏ như vậy, em có gặp nhiều khó khăn không?
Bố em làm cho một công ty tư nhân, mẹ em làm ở một tổ chức phi chính phủ. Ngay từ nhỏ, ba mẹ đã tạo cho em thói quen sống tự lập. Trong thời gian học tập ở nước ngoài, em luôn cố gắng làm cho bản thân bận rộn. Ngoài giờ học em tham gia các hoạt động ngoại khoá, chơi thể thao cùng bạn bè. Em cũng thường xuyên liên lạc với bố mẹ và gia đình qua Internet.
Đặc biệt, có lẽ em may mắn hơn nhiều bạn khác là em có một anh sinh đôi cũng học cùng em nên chúng em có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều trong cuộc sống và học tập.
Trịnh Đức Minh (bên phải ngoài cùng) cùng bạn học và anh trai sinh đôi.
Được biết, anh trai sinh đôi của Minh cũng được nhận học bổng toàn phần của Trường đại học Colgate University.
Được biết, em là đồng trưởng ban tổ chức hội thảo du học VietAbroader 2010 tại Hà Nội vào tháng 7 này. Em có thể giới thiệu về hội thảo này?
Hội thảo du học VietAbroader 2010 sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 16/7 và tại Hà Nội vào ngày 17/7. Hội thảo được tổ chức theo tiêu chí phi lợi nhuận, và hoàn toàn do các học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ tổ chức và điều hành. Hội thảo tập trung cung cấp miễn phí cho các học sinh có nhu cầu theo học tại các trường Hoa Kỳ những kiến thức và các kinh nghiệm trong việc nộp đơn và xin học bổng.
Theo em thì học sinh Việt Nam thiệt thòi nhất về vấn đề gì khi đi du học?
Theo em đánh giá, các sinh viên Việt Nam hiện nay gặp trở ngại lớn về mặt ngôn ngữ khiến cho việc tiếp cận với kiến thức và văn hoá tiên tiến của thế giới, do vậy thế giới quan còn có phần hạn hẹp. Các sinh viên Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém về kĩ năng mềm do trong quá trình học tập chỉ tập trung vào việc học kiến thức sách vở.
Tuy nhiên, các bạn không hề thua kém, thậm chí còn vượt trội so với bạn bè quốc tế về tinh thần học hỏi và lòng quyết tâm. Nếu tự tìm được cho mình con đường đúng, bổ sung cho mình những kĩ năng cần thiết thì tin rằng sinh viên Việt Nam sẽ đạt được những thành công không hề thua kém bạn bè thế giới.
Cám ơn em! Chúc em thành công trong con đường học tập sắp tới.
Theo dân trí
Sĩ tử khiếm thị và ước mơ vào đại học Năm nay, ĐH Huế có 9 thí sinh khiếm thị và mù đăng ký dự thi vào các trường ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm và Học viện Âm nhạc. Dù có trở ngại ở đôi mắt nhưng tất cả đều lộ rõ một quyết tâm thi đỗ đại học. Tại Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế năm nay có 4...