Kỳ thi THPT quốc gia: Các địa phương “tăng tốc” cho công tác chuẩn bị
Các nhà trường đang hệ thống lại kiến thức cho học sinh
GD&TĐ – Đến thời điểm này, nhiều địa phương, các nhà trường đã khẳng định quyết tâm tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia.
Các trường đại học chủ trì cụm thi đã lên kế hoạch, chủ động làm việc với các địa phương để cùng xây dựng các phương án triển khai, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.
Thể hiện sự tin tưởng vào kỳ thi, các trường phổ thông đã tăng cường hoạt động tư vấn, trợ giúp và đặc biệt là tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Nhiều học sinh đã chủ động ôn luyện, sẵn sàng tâm thế tốt nhất để bước vào cuộc.
Hà Nội tạo thuận lợi nhất cho các trường tổ chức thi
Video đang HOT
Mới đây, lãnh đạo của 8 trường đại học tổ chức cụm thi liên tỉnh Kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về các công tác tổ chức cho kỳ thi.
Được biết, Hà Nội dự kiến có khoảng trên 110.000 thí sinh của 6 tỉnh, thành phố dự thi, kể cả thí sinh tự do. Trong đó, Hà Nội có số thí sinh dự thi đông nhất là 68.219 thí sinh, Nam Định 15.704 thí sinh, Bắc Ninh là 8.500 thí sinh, Hà Nam và Vĩnh Phúc mỗi tỉnh có 6.000 thí sinh, Hòa Bình có 4.500 thí sinh.
Trong buổi làm việc, 8 trường đại học đã đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Nội về địa điểm thi, chi phí phục vụ thi, tiền thuê giáo viên phổ thông chấm thi và coi thi. Ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết:
Sáng 15/4, UBND TP Hà Nội cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thi quốc gia và giao cho Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Ngọc Bích làm trưởng ban. Thành phố cũng chỉ đạo các trường phổ thông tạo thuận lợi cho các trường đại học tổ chức thi. Thành phố sẽ thành lập khoảng 2 ban đề thi cho 9 cụm thi. Ngoài 8 cụm thi liên tỉnh, Hà Nội có một cụm thi riêng cho 13.000 thí sinh chỉ có nhu cầu lấy điểm xét tốt nghiệp.
Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về Kỳ thi THPT quốc gia, các trường THPT và ĐH trên địa bàn Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và giải đáp thắc mắc cho thí sinh về Kỳ thi THPT quốc gia với những điểm mới cần lưu ý. Trong các trường THPT, ngoài việc giao nhiệm vụ cho các giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn trực tiếp tư vấn về kỳ thi, để giải tỏa hết những băn khoăn của các em.
Thanh Hóa căn cứ thực tế để thành lập hội đồng coi thi
Kỳ thi THPT quốc gia tại Thanh Hóa sẽ được tổ chức ở 2 hội đồng thi, một hội đồng thi do Trường Đai học Hồng Đức chủ trì và một hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho các thí sinh của 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.
Được biết, hội đồng thi do Trường Đại học Hồng Đức chủ trì dành cho các thí sinh 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, thi tại thành phố Thanh Hóa và các huyện lân cận. Còn hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho các thí sinh của tỉnh Thanh Hóa chỉ xét công nhận tốt nghiệp THPT, thi tại các điểm thi đặt tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Các công việc liên quan đến kỳ thi THPT đang được lên kế hoạch triển khai bài bản. Ban in sao đề thi, làm phách, chấm thi cho cả 2 hội đồng thi được giao cho Trường Đại học Hồng Đức chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu, căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể để thành lập Hội đồng coi thi tại các trường THPT cho phù hợp với quy định. Tại mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập từ 1 – 2 hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thi do Sở GD&ĐT quyết định thành lập đảm bảo nguyên tắc thành viên hội đồng không tham gia làm phách, không chấm bài thi của học sinh trường mình.
Do đặc thù Thanh Hóa là tỉnh có đông học sinh dân tộc cư trú ở miền núi đi lại khó khăn nên địa phương này cũng đặc biệt quan tâm đến đối tượng này.
Tỉnh đã quy định, đối với các trường THPT miền núi, tổ chức các hội đồng coi thi hoặc các điểm thi độc lập theo cụm dân cư để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi. Những việc làm kịp thời và tích cực của các cấp chính quyền và ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã khiến phụ huynh, học sinh thêm yên tâm khi kỳ thi ngày một đến gần.
TPHCM giải tỏa lo lắng cho các trường tổ chức thi
Dự kiến sẽ có khoảng 162.000 thí sinh dự thi tại đây, trong đó 70.000 là thí sinh của thành phố, số lượng thí sinh vãng lai vào khoảng 30.000 và khoảng 62.000 thí sinh di chuyển từ 7 tỉnh lân cận lên TPHCM dự thi.
Dự kiến, cụm thi của ĐHQG TPHCM đảm nhận khu vực quận Tân Bình, Bình Thạnh với khoảng 11.014 thí sinh/khoảng 24 điểm thi; Cụm thi của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM có khoảng 11.885 thí sinh/khoảng 40 điểm thi; Cụm thi của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có khoảng 8.112/tối đa 28 điểm thi; Cụm thi của Trường ĐH Sư phạm TPHCM với14.179 thí sinh/ khoảng 39 điểm thi;
Cụm thi của Trường Đại học Sài Gòn có 9.264 thí sinh/tối đa 94 điểm thi; Cụm thi Trường Đại học Tôn Đức Thắng có 3.678 thí sinh thi/khoảng 18 điểm thi; Cụm thi Trường Đại học Y Dược TPHCM có 4.961 thí sinh/13 điểm thi; Cụm thi của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM 6.037 thí sinh, có 19 điểm thi.
Thành phố đã lên kế hoạch hỗ trợ cho 8 cụm thi, chuẩn bị lực lượng giám thị, kể cả giám khảo sẵn sàng khi trường đại học chủ trì cụm thi có nhu cầu. Được biết, dự kiến thành phố huy động hơn 6.200 giám thị và trên 2.300 giám khảo.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sẽ không bố trí điểm thi ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh do nhà trọ rất ít và xa điểm thi.
Một cuộc họp với sự tham gia của các bên đã được tổ chức nhằm giải tỏa được những lo lắng trong khâu kỹ thuật tổ chức. Sở GD&ĐT thành phố cũng đã chủ trì phối hợp, báo cáo UBND TPHCM về các giải pháp về an ninh, điện nước, y tế… để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc.
Theo giaoducthoidai.vn