Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Các trường ĐH sẵn sàng phối hợp tổ chức thi
Năm 2019, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho 207 trường ĐH, học viện, các trường ĐH, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên phối hợp tổ chức Kỳ thi THPTQG tại 63 cụm thi trên cả nước.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các trường đã hoàn tất; nhiều trường đã lên đường đến địa phương được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi.
Ảnh minh họa
Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất
Được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tại Nam Định, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã huy động 680 cán bộ, giảng viên; trong đó có 23 phó điểm trưởng, 23 thư ký, 39 cán bộ giám sát, 571 cán bộ coi thi, 11 thanh tra cắm chốt, cùng các cán bộ tham gia chấm thi, tham gia BCĐ và hội đồng thi. Đội ngũ cán bộ đông đảo này sẽ thực thi nhiệm vụ ở 23 điểm thi tại 7 huyện/thành phố của Nam Định.
PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – Phó Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) thi THPTQG 2019 tỉnh Nam Định cho biết: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ phối hợp thi THPT tại tỉnh Nam Định, nhà trường đã chủ động liên hệ, trao đổi làm việc với BCĐ thi tỉnh Nam Định, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định để thống nhất phương án phối hợp. BCĐ thi tỉnh Nam Định đã họp 2 lần với các bên liên quan để phân công công việc, rà soát các khâu chuẩn bị. Đến nay, mọi công việc đã được hoàn tất và sẵn sàng cho kỳ thi.
“Theo kế hoạch, sáng 23/6/2019, Sở GD&ĐT Nam Định sẽ đón 23 phó điểm trưởng, 23 thư ký các điểm thi về triển khai nhiệm vụ và thống nhất qui trình phối hợp công tác giữa BCĐ với các điểm trưởng, điểm phó, các bên liên quan. Chiều 23/6 lãnh đạo điểm thi rà soát lần cuối công tác chuẩn bị tại từng điểm thi. Đúng 5 giờ sáng 24/6, nhà trường tổ chức lễ xuất quân cho 680 cán bộ, giảng viên đi làm nhiệm vụ” – PGS.TS Trần Thị Vân Hoa chia sẻ.
Năm nay, 802 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ làm nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tại 58 điểm thi thuộc 24 huyện của Thanh Hóa (tổng số điểm thi của tỉnh là 70). Đây đều là cán bộ cơ hữu từ các viện, phòng, ban của trường.
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã hoàn tất, từ điều động cán bộ, tập huấn cán bộ, liên hệ với các điểm thi, chuẩn bị ăn ở. Nhà trường lên phương án vận chuyển các đoàn về tận điểm thi, không trung chuyển để tiết kiệm thời gian.
Năm 2019, Trường ĐH Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi THPTQG với tỉnh Hưng Yên; đảm nhận 17/28 điểm thi. PGS.TS Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Chương cho biết, nhà trường đã huy động 480 cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi với các nhiệm vụ: Giám thị phòng thi, giám sát, thư ký, phó điểm trưởng; ngoài ra còn huy động một lực lượng tham gia chấm thi trắc nghiệm.
Nhà trường đã tham gia BCĐ thi; phối hợp với tỉnh ra các quyết định giám thị, phụ trách tại các phòng thi, thanh tra và các Ban phục vụ kỳ thi. Cán bộ của trường đã tham gia tập huấn công tác coi thi cho các điểm trưởng, điểm phó, thư ký của các điểm và thanh tra; tham gia kiểm tra cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo an toàn cho kỳ thi; chuẩn bị nơi nghỉ ngơi và sinh hoạt của các giám thị, BCĐ thicủa trường.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Mỗi cán bộ là một “đại sứ” của nhà trường
Đây là điều được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân quán triệt tới từng cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thi THPTQG 2019. Để làm được điều này, nhà trường đặc biệt lưu ý nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật cho mỗi thành viên trong suốt thời gian làm thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, thành công. An toàn, an ninh, truyền thông, kỷ luật phòng thi… là những “từ khóa” được nhấn mạnh tới từng cán bộ trước khi làm nhiệm vụ quan trọng tại địa phương.
Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, để thông tin được thông suốt, quán triệt đến từng cán bộ, trường đã thành lập nhóm các trưởng đơn vị, các trưởng đoàn, thường xuyên trao đổi về các vấn đề liên quan, phát sinh trên group. Chia sẻ của Trưởng phòng Tuyển sinh Trần Trung Kiên, dù cán bộ của trường đã tham gia công tác thi nhiều năm, nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng, coi đó vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi; đảm bảo tuyệt đối an toàn, đúng quy chế luôn luôn được đề cao và quán triệt đến từng cán bộ.
“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức 3 buổi tập huấn và 100% cán bộ làm công tác thi tham gia. Những thay đổi, điểm mới trong quy chế thi được nhấn mạnh, bảo đảm không có sai sót trong công tác thi tại các điểm mà trường làm nhiệm vụ” – PGS Trần Trung Kiên cho biết thêm.
Cho rằng năm nay Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo rất sát sao, đầy đủ, hạn chế sai sót, lỗ hổng trong kỳ thi trước, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cũng chia sẻ quyết tâm của Trường ĐH Giao thông Vận tải trong chỉ đạo, chuyển xuống thành nhiệm vụ của các đơn vị, các khoa và đến từng cán bộ, giảng viên trong phối hợp tổ chức thi THPTQG.
“Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, các vị trí điểm phó là các cán bộ quản lý của trường; giám thị, thư ký, giám sát là các cán bộ giảng viên, trong đó huy động chủ yếu là các giảng viên có kinh nghiệm. Đặc biệt, đây là lần đầu nhà trường tham gia chấm thi tại tỉnh, nên cũng nhận thấy phải chú trọng hơn, trước hết phải làm quen và diễn tập các tình huống theo phần mềm của Bộ GD&ĐT đối với bộ phận chấm thi trắc nghiệm”.PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho hay.
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Kiên quyết bịt lổ hổng trong khâu chấm thi
Chỉ còn 3 ngày nữa kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ chính thức diễn ra với sự tham gia của hơn 887.000 thí sinh. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, nhìn chung các địa phương đã cơ bản hoàn tất điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi. Một số địa phương đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng.
Với số lượng 32.000 thí sinh đăng ký dự thi, Nghệ An là một trong bốn tỉnh, thành phố có số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 đông nhất cả nước. Ông Đinh Viết Hồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Nghệ An) cho biết, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia, Nghệ An đã huy động trên 3.300 cán bộ, giám thị làm công tác coi thi và gần 5.000 người làm công tác phục vụ, bảo vệ kỳ thi.
Chú trọng khâu lựa chọn nhân sự
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra điểm thi Trường THPT Hùng An (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang)
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có kế hoạch bố trí cơ sở vật chất cho khu vực bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi, hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát theo đúng quy định của quy chế thi và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, để đảm bảo việc chấm thi được an toàn, nghiêm túc, Nghệ An sẽ tổ chức làm phách và chấm thi tập trung.
Theo đó, tất cả các cán bộ tham gia làm phách, chấm thi của Nghệ An sẽ không được phép sáng đi, chiều về như các tỉnh khác mà phải lưu trú tại khu vực làm phách, chấm thi từ lúc bắt đầu nhận nhiệm vụ đến khi hoàn tất công tác chấm thi, cách ly hoàn toàn. Hiện Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện theo phương án này.
Tại Hà Giang, theo ông Trần Đức Quý (Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang), ý thức được tầm quan trọng của việc tổ chức kỳ thi tại địa phương năm nay sau sai phạm xảy ra năm 2018, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Giang đã vào cuộc, chỉ đạo sát sao công tác tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng để lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Năm 2019, tỉnh Hà Giang có 5.180 thí sinh đăng ký dự thi. Địa phương đã bố trí 20 điểm thi với 224 phòng thi và 590 cán bộ địa phương làm công tác quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi.
Đặc biệt, công tác lựa chọn và bố trí nhân sự tham gia làm thi THPT quốc gia năm 2019 của Hà Giang được thực hiện rất thận trọng. Quá trình này có sự phối hợp liên ngành, thẩm tra của Công an tỉnh và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh. Qua nhiều vòng lựa chọn từ cấp trường đến cấp Sở, Viện kiểm sát, Công an, Chủ tịch UBND tỉnh sau đó lại mời đại diện các ngành chức năng liên quan lên thẩm tra lần cuối mới quyết định lựa chọn, bố trí nhân sự vào các vị trí.
Còn tại Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến (Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) cho biết, cụm thi năm nay có 10.608 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Tỉnh đã bố trí 453 phòng thi tại 33 điểm thi và huy động 855 cán bộ địa phương phối hợp với hơn 540 cán bộ của 6 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) làm công tác quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, tất cả cán bộ tham gia làm thi của địa phương này đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an, những ai đảm bảo được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn... mới được lựa chọn. Điều này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc tổ chức một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đặc biệt, năm nay, tỉnh Sơn La gặp khó khăn về nhân sự do thiếu lãnh đạo cấp Sở, Phòng GD&ĐT để tham gia Hội đồng thi và các Ban của hội đồng. Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Sơn La đã đề nghị các trường ĐH, CĐ phối hợp, cử người tham gia các Ban của Hội đồng thi. Đến thời điểm hiện tại, các điều kiện về nhân sự của Sơn La đã hoàn tất.
Tỉnh đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng về điều kiện cơ sở vật chất, phương án đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi, hỗ trợ thí sinh dự thi, hỗ trợ cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng ở những điểm thi khó khăn.
Được biết đến là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất cả nước với hơn 74.000 thí sinh, thành phố Hà Nội cũng đã có kế hoạch điều động khoảng 10.000 người, trong đó riêng số lượng cán bộ coi thi là hơn 6.000 người. Khác với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, kỳ thi này có sự tham gia của 13 trường đại học. Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gian lận, đội ngũ cán bộ coi thi được điều động theo nguyên tắc: 50% số cán bộ coi thi là giáo viên các trường phổ thông, số còn lại là giảng viên các trường đại học.
Bảo đảm kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn
Theo ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT), để kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra nghiêm túc, công bằng, kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận; Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một số vấn đề về tổ chức và kỹ thuật trong tất cả các khâu tổ chức thi.
Cụ thể sẽ phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi. Theo đó, điều động các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường đại học, cao đẳng được tăng cường và quy định cụ thể hơn.
Đồng thời quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung Điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của Điểm thi). Phương án sắp xếp phòng thi, phòng chờ tại các Điểm thi được tối ưu hóa với sự trợ giúp của phần mềm nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn tại Điểm thi.
Quy định rõ ràng cách thức và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác in sao, vận chuyển đề thi đảm bảo tuyệt đối bảo mật, an toàn và chất lượng đề thi. Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát 24/24 giờ, có lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ.
Bên cạnh đó, các Điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan; phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi. Cụ thể là sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng một lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của Phó trưởng Điểm thi là cán bộ của trường đại học, cao đẳng; sau khi dán nhãn thì dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; tiến hành "đánh phách điện tử" Phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng; mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ Văn) do Sở GD&ĐT chủ trì; theo ông Mai Văn Trinh, Bộ GD&ĐT đã quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra; yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi Ngữ văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm Quản lý thi. Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi.
"Với việc chấm thi trắc nghiệm, toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm đến đâu mã hóa đến đó và do các trường đại học chủ trì. Với những giải pháp này, Bộ GD&ĐT hy vọng là sẽ không để xảy ra sự cố gian lận thi cử như năm 2018 để đảm bảo một kì thi THPT quốc gia 2019 an toàn, khách quan, công bằng" - ông Mai Văn Trinh chia sẻ.
P.Thảo
Theo laodongthudo
Coi thi ở vùng sâu, nhiều giảng viên ăn ở nhờ nhà dân Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 dù khó khăn vất vả, nhưng các trường cũng cố gắng khắc phục vì trách nhiệm xã hội, miễn sao đảm bảo nghiêm túc, thực chất. Ở tạm khu nội trú trường, nhờ dân nấu nướng hỗ trợ Chiều 21/6, các thầy cô của Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội vẫn đang...