Kỳ thi THPT Quốc Gia 2015: Nỗi lo phần mềm xét tuyển
Kỳ thi THPT Quốc gia đã cận kề, thế nhưng phần mềm xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không được các trường đồng thuận mà phản ứng gay gắt. Thậm chí, nhiều trường đề nghị không sử dụng phần mềm xét tuyển này của Bộ GD&ĐT.
Còn nhiều lỗ hổng
Mới đây, các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) trên cả nước đã được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) tập huấn phần mềm xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015.
Nên để các trường chủ động trong xét tuyển thí sinh dựa trên dữ liệu bộ cung cấp.
Video đang HOT
Nhiều trường sau khi tham dự buổi tập huấn đều có chung lo lắng: Nếu sử dụng phần mềm xét tuyển của Bộ GD&ĐT thì sẽ phải giải quyết rất nhiều khiếu nại và thắc mắc của thí sinh (TS) vì không biết tại sao trúng tuyển, tại sao trượt và bao nhiêu điểm thì trúng tuyển. Bởi lẽ, phần mềm chỉ cho kết quả: đỗ – trượt.
Hơn nữa, khi sử dụng phần mềm xét tuyển này, nếu những thí sinh có điểm bằng nhau thì các trường phải làm thủ công bằng cách mời từng TS một ra để bổ sung, kiểm tra các điều kiện phụ rồi sau đó mới xét tiếp.
Với những trường hợp ưu tiên xét tuyển (TS thuộc diện tuyển thẳng đăng ký ưu tiên xét tuyển vào các ngành khác thì điểm trúng tuyển được xác định bằng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định), thì phần mềm chưa tính tới. Nếu cứ theo lập trình “đỗ – trượt” của phần mềm thì những thí sinh này chắc chắn sẽ trượt và thí sinh sẽ kiện.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì các trường phải cố gắng cập nhật và công bố thông tin thí sinh trúng tuyển tạm thời lên website. Quy định này hoàn toàn không thể thực hiện, vì trong mẫu thông tin đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT không có thông tin về điểm ưu tiên đối tượng, khu vực thì làm sao các trường có thể xác định được thí sinh trúng tuyển tạm thời.
Một cái khó lớn nhất mà các trường đang hoang mang chính là làm sao để xử lý thông tin “bốn lựa chọn” của thí sinh khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng một. Trong khi đó, thực tế hiện nay đối với từng ngành ở mỗi trường sẽ có các điều kiện xét tuyển khác nhau để lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp.
Chưa dừng lại đó, ở các nguyện vọng bổ sung, tình trạng ảo sẽ càng lớn hơn khi thí sinh có tới ba phiếu để đăng ký xét tuyển. Nếu thí sinh nộp một lúc ba phiếu vào ba trường khác nhau thì mức ảo sẽ là gần 70%. Như vậy, sử dụng phần mềm của Bộ GD&ĐT chỉ chống ảo được nguyện vọng một, còn các điều kiện khác lại không tích hợp được, nên việc xác định thí sinh trúng tuyển sẽ không bảo đảm độ chính xác.
Đề xuất chỉnh sửa
Trước những lỗ hổng của phần mềm xét tuyển do Bộ GD&ĐT đưa ra, nhiều trường cho rằng đây là cách làm lạ lùng. Một bên giỏi về phần mềm nhưng không biết gì về tuyển sinh kết hợp với một bên không rành về tuyển sinh và cũng không biết về phần mềm, nên mới cho ra một phần mềm mà các trường không dám sử dụng.
PGS, TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nêu ý kiến: “Theo Luật Giáo dục thì các trường ĐH tự chủ thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển vừa xét tuyển. Vì vậy, phần mềm của Bộ GD&ĐT đưa ra không ổn thì các trường có quyền sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển, miễn sao không vi phạm quy chế và bảo đảm sự công bằng, chính xác.
Thế nhưng, khi các trường đề xuất sử dụng phần mềm xét tuyển riêng thì Bộ GD&ĐT lại không cung cấp dữ liệu chính xác, như vậy làm sao các trường xét tuyển. Nếu Bộ GD&ĐT không cung cấp dữ liệu đầy đủ để các trường thực hiện xét tuyển thì rõ ràng Bộ GD&ĐT đã độc quyền”.
Một cán bộ làm công tác tuyển sinh tại Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Về nguyên tắc thì phần mềm mà Bộ GD&ĐT tập huấn là ổn nếu sử dụng thuần túy dữ liệu của bộ. Tuy nhiên, xét đến đặc thù của từng ngành, từng trường thì phần mềm không tích hợp đầy đủ các điều kiện để các trường an tâm sử dụng trong xét tuyển”.
Cũng theo chuyên gia này, thang đo kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm cơ sở xét tuyển là tốt rồi. Nhưng sử dụng thang đo đó như thế nào để thỏa mãn các điều kiện xét tuyển của từng trường thì nên để các trường thực hiện. Do đó, Bộ GD&ĐT nên để các trường sử dụng phần mềm xét tuyển riêng dựa trên dữ liệu thi THPT quốc gia mà bộ cung cấp.
Vì những lý do trên, hiện tại có trường đề xuất: Mở rộng lựa chọn khi thí sinh đăng ký dự thi vào từng ngành cho phù hợp từng chương trình; các trường được chủ động trong xét tuyển để lựa chọn thí sinh dựa trên dữ liệu bộ cung cấp.
Như vậy, nếu phần mềm chưa đủ độ tin cậy thì Bộ GD&ĐT nên tiếp thu và chỉnh sửa. Nếu không thể chỉnh sửa, tích hợp được các điều kiện để xét tuyển thì Bộ GD&ĐT cũng chớ vội cho áp dụng mà nên để các trường sử dụng phần mềm xét tuyển riêng dựa trên dữ liệu do bộ cung cấp.
Theo tamguong.vn