Kỳ thi giông bão của nữ sinh đi xe cứu thương 130 km đến TP.HCM
Trong ký ức của Nguyễn Đinh Hồng Nhung, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có nhiều nỗi lo nhưng vẫn tràn đầy hy vọng. Em và nhiều bạn gọi đây kỳ thi đầy giông bão.
-Dạ, em quê ở Bình Phước, lên TP.HCM để dự thi ạ.
-Thế lúc trước em học ở đây à?
-Vâng!
Nhung – cô nữ sinh dáng người nhỏ nhắn, vừa xem danh sách phòng thi vừa trò chuyện với một giáo viên làm công tác tổ chức tại điểm thi trường THCS Lam Sơn, quận 6 (TP.HCM).
Đó là ngày 6/7, Nhung đến điểm trường làm thủ tục dự thi và nghe cán bộ phổ biến quy chế theo quy định.
Nhung đến trường THCS Lam Sơn, quận 6 làm thủ tục dự thi ngày 6/7.
Quê nhà ở Bình Phước nhưng Nhung học và nội trú tại trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP.HCM) trong suốt 3 năm. Thế nên kỳ thi này, em phải di chuyển từ quê lên thành phố để thi, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.
Giữa tâm dịch, Nhung không có phương tiện để đi. Đến những giờ chót, cha mẹ em quyết định nhờ một chuyến xe cứu thương hoạt động tuyến Bình Phước – TP.HCM để cho nữ thí sinh quá giang.
Đây là chuyến xe của một tổ chức từ thiện, họ làm công việc chuyên chở bệnh nhân, hỗ trợ người dân trong mùa dịch.
Từ cơ duyên này, Nhung trở thành thí sinh đặc biệt khi đi thi bằng chuyến xe cứu thương liên tỉnh. Từ quê nhà em đến TP.HCM khoảng 130 km.
Đêm trước của kỳ thi ‘may mắn khó tưởng’
Để được tham gia kỳ thi đợt 1, tất cả thí sinh TP.HCM đều phải tham gia xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính. Vì không kịp đợt xét nghiệm tập trung cùng bạn bè trong ngày 3/7, Nhung khá vất vả tìm nơi làm xét nghiệm ở TP.HCM. Lúc này, các bệnh viện đều quá tải, thành phố thêm nhiều ca dương tính.
Nhận được phiếu xét nghiệm âm tính với Covid-19 chiều 5/7 – tấm vé thông hành để bước vào kỳ thi, em tâm sự mình mừng đến phát khóc và gọi điện báo cho cha mẹ.
“Em đã vượt qua những chướng ngại trước mắt rồi. Đến TP.HCM bằng xe cứu thương, rồi được làm xét nghiệm ngay trước ngày làm thủ tục thi khi bị lỡ lần xét nghiệm đầu… Bây giờ, em đủ điều kiện dự thi – một điều may mắn khó tưởng”, Nhung tâm sự.
Khu nội trú của trường không hoạt động, Nhung sẽ ở lại nhà em họ. Đêm trước ngày thi đầu tiên, trong mớ cảm xúc xen lẫn hồi hộp và hy vọng, nữ sinh tranh thủ ghi lại một số thông tin tác giả tác phẩm quan trọng để nhớ lại một lần nữa. Một số công thức môn Toán vẫn cần đọc qua lần cuối.
Chiều và tối 6/7, Nhung tranh thủ ôn bài mọi lúc mọi nơi.
Gần 22h đêm 6/7, thầy giáo Ngữ văn vẫn tranh thủ online nhắc nhở lớp những phương pháp làm bài, cách giữ tâm lý trong phòng thi.
Nhung không rời chiếc điện thoại smartphone. Em lắng nghe lời căn dặn của thầy. Nhung cần dung nạp càng nhiều càng tốt với những kiến thức, kỹ năng cho hành trình chinh phục giới hạn sắp diễn ra.
Video đang HOT
Các thầy cô căn dặn Nhung nhiệm vụ kép đó là hoàn thành tốt bài thi bằng kiến thức ôn luyện suốt 12 năm, giữ an toàn cho mình bằng các biện pháp phòng dịch.
Nhung lắng nghe buổi giảng dạy online môn Ngữ văn của thầy Hồ Hoài Khanh đêm trước kỳ thi.
Ở nhà em họ có 2 chú mèo rất thích “làm phiền” Nhung khi đang học bài. Dù đi học ở nội trú tại trường nhưng thỉnh thoảng cuối tuần em vẫn qua đây chơi với em họ nên thân thuộc với chúng.
Nhung đùa nghịch với chú mèo lúc ngừng ôn bài.
Đến 23h, Nhung chuẩn bị giấy báo dự thi, nước sát khuẩn, bút thước, giấy chứng nhận xét nghiệm cho buổi sớm mai.
Rời bàn học, em suy nghĩ về hành trình thi môn đầu tiên vào sáng hôm sau. Nhung cũng trằn trọc nhớ lại những điều “diệu kỳ” từ chuyến xe cấp cứu đã mang cho mình cơ hội đến với thành phố trong thời điểm căng thẳng này.
Trong mớ suy nghĩ hỗn độn và chút nhạc nhẹ phát ra từ chiếc điện thoại, em ngủ thiếp đi trong căn phòng vài mét vuông.
Vượt qua kỳ thi giông bão
Sớm ngày thi đầu tiên (7/7), cô bạn thân đến chở Nhung qua nhà cùng ăn sáng rồi đến điểm thi. Nữ sinh bước vào phòng thi như người “từ tối trời bước ra ánh sáng” – theo cách nói của em.
Em mang trong mình tâm thế thở phào của người tưởng không thể tham gia được kỳ thi đặc biệt, diễn ra giữa lúc cơn bão Covid-19 có diễn biến khó lường nhất.
Nhung được đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi.
Em được yêu cầu rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt khi vào cổng trường. Loa thông báo của điểm thi liên tục nhắc thí sinh không tụm năm tụm ba nói chuyện, không đứng dưới sân trường.
- Phòng thi của Nhi nằm ở dãy nào đấy?
- Tầng trệt bên tay trái kìa
- Ôn Văn kỹ chưa, tôi mong đề ra văn xuôi hơn thơ?
- Thôi tới bây giờ rồi, thế nào cũng phải thi, cố gắng làm hết mình là được…
Nhung trò chuyện gãy gọn với 2 cô bạn thân và nhanh chóng bước vào phòng thi.
Nhung vào phòng thi, được cán bộ coi thi yêu cầu xuất trình các giấy tờ, thủ tục liên quan.
“Môn Văn không phải sở trường nên em không đặt nhiều kỳ vọng nhưng vẫn rất hồi hộp” – Nhung không lấy làm vui sau khi trải qua môn thi đầu tiên.
Chiều hôm đó và sáng 8/7, Nhung lần lượt vượt qua các môn Toán, tổ hợp Khoa học tự nhiên. Lần thi này, nguyện vọng của Nhung là đủ điều kiện xét tuyển vào ngành Marketing của ĐH Tôn Đức Thắng. Nguyện vọng 2 của em vẫn là ngành Marketing, nhưng là tại ĐH Tài chính – Marketing.
Nhung chuẩn bị bước vào môn thi Toán.
Trong những ngày thi, Nhung được bạn bè thông tin một số điểm thi xuất hiện ca F0, F1. Điểm thi THPT Lê Quý Đôn (quận 3) có nam sinh làm bài môn Văn được nửa thời gian thì ngất xỉu. Kết quả xét nghiệm xác định em dương tính với nCoV. Những thí sinh chung phòng phải cách ly tại trường.
“Ở quê, mẹ em cũng biết thông tin này, rất lo lắng, hỏi điểm thi của em có vấn đề gì không. Em trấn an mẹ rằng đó là điểm thi khác. Mẹ dặn đi dặn lại em phải cẩn thận hơn”.
Chiều 8/7, môn thi cuối cùng (Tiếng Anh) đến chóng vánh trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi Nhung nhận tin TP.HCM quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ 0h ngày 9/7.
Em như trút được gánh nặng khi hoàn thành môn thi cuối cùng – Tiếng Anh, chiều 8/7.
Nghĩa là ngay sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, thành phố sẽ bước vào giai đoạn chống dịch quyết liệt. Hết giờ thi, em vội gọi về gia đình để tìm xe về quê trước khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16.
Lúc trống đánh hết giờ làm bài môn Tiếng Anh, lên nộp bài, bước ra khỏi phòng, Nhung nói em thấy vai mình chùng xuống, cảm giác như vừa trút đi hòn đá tảng hàng chục kg đè nặng nhiều ngày.
“Văn em làm tạm tạm. Đề Toán, Hóa vừa sức với em, Lý lại khó, Tiếng Anh với Sinh thì em làm không tốt lắm. Em nghĩ điểm mình sẽ khá, đủ để xét tuyển vào ngành mình thích”, Nhung chia sẻ ngắn gọn những gì mình làm được sau kỳ thi.
Đi thi bằng xe cứu thương, về cũng xe cứu thương tới đón
Kết thúc kỳ thi chiều 8/7. Tuy nhiên Nhung được người thân thông tin rằng chiều và tối hôm ấy, chuyến xe cứu thương thiện nguyện em từng đi nhờ chưa thể lên tới TP.HCM để đón em về. Phải đến ngày 9/7 họ mới có chuyến đưa bệnh nhân từ TP.HCM về Bình Phước.
“Không còn cách nào khác, em chỉ có thể đi theo chuyến xe này. Hy vọng xe vẫn có thể hoạt động được, nếu không em sẽ mắc kẹt giữa thành phố lớn”, Nhung lo lắng.
13h chiều 9/7, Nhung mặc sẵn đồ bảo hộ, đứng bên đường chờ xe cứu thương. Lái xe đã gọi trước cho em một tiếng để kịp sắp xếp hành lý. Phiếu xét nghiệm âm tính trước kỳ thi vẫn đủ điều kiện để em có thể rời thành phố.
Vài người đi đường tò mò nhìn sang, có lẽ họ nghĩ em là bệnh nhân Covid-19 đang chờ y tế đến đưa đi điều trị.
Nhung rời nơi ở, di chuyển ra phía ngoài chờ xe cấp cứu đón. Trong lúc xe chưa đến, em tranh thủ mặc đồ bảo hộ theo yêu cầu.
-Nhung phải không em?
-Dạ!
-Lên xe về thôi em nhé!
Anh Nguyễn Minh Hùng trong trang phục bảo hộ kín mít cười với Nhung qua ánh mắt, tay vẫy em lên xe. Đó là chiếc xe cứu thương mà cha mẹ em đã nhờ họ đến đón giúp.
Nhung được đón lên chuyến xe cứu thương về quê nhà chiều 9/7.
Xe nhanh chóng băng đi như một cuộc tháo chạy đặc biệt mà Nhung là người được hưởng “đặc quyền”. Hành trình của em diễn ra giữa lúc thành phố đã ban bố thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội.
Anh Hùng và một người tài xế khác cũng trong trang phục bảo hộ, sẽ đồng hành với Nhung trong chuyến về lại quê nhà đáng nhớ.
Vậy là 12 năm học, quãng đời học sinh của em chính thức khép lại bằng một kỳ thi đầy bão giông. Kết quả còn phải chờ đợi ở phía trước.
Những người bạn thân thiết đã lên kế hoạch sẽ đi đâu chụp kỷ yếu, tụ tập ăn uống ra sao. Điều tiếc nuối nhất, là khi từ giã một thời cắp sách, các em không có được tấm ảnh cùng nhau, đầy đủ những gương mặt thân quen. Dịch bệnh đã phá vỡ hết mọi kế hoạch.
Áp lực kỳ thi đã đặt xuống nhưng em vẫn chưa hoàn toàn yên tâm vì không biết chừng điểm thi của mình có F0, F1. Ở nhà, mẹ đã chuẩn bị phòng riêng để em tự cách ly 21 ngày tại nhà.
Trong chuyến xe cứu thương đưa em rời TP.HCM về Bình Phước, Nhung soi mình trong gương, quay đầu nhìn lại thành phố và mỉm cười. Vừa trải qua một kỳ thi “có một không hai” nhưng em vẫn tràn đầy tự tin, hy vọng. Những cảm xúc tích cực này em đã trang bị cho mình suốt 3 năm qua, khi bắt đầu là cô gái từ tỉnh xa lên thành phố tự lập cuộc sống và học tập.
Thí sinh khuyết tật được tình nguyện viên đưa đón tận nhà
Bị tật bẩm sinh từ nhỏ không thể đi lại bình thường, Nguyễn Thị Linh đã được các tình nguyện viên tại Thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đến tận nhà đón tới Hội đồng thi.
Đôi chân bị tật bẩm sinh, Nguyễn Thị Linh (lớp 12A8, trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) không thể đi lại bình thường.
Linh là 1 trong hơn 500 thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại hội đồng thi Trường THPT Lý Tự Trọng.
Linh mồ côi bố từ nhỏ. Hàng ngày, em dùng xe điện ba bánh để đi học.
Linh được các lực lượng tình nguyện viên và công an thị trấn Thạch Hà đến tận nhà đưa đến điểm thi
Sau khi biết hoàn cảnh của em, các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi của thị trấn Thạch Hà phối hợp cùng Công an địa phương thay phiên nhau đến tận nhà chở Linh đến địa điểm thi. Khi đến điểm thi, Linh tiếp tục được các tình nguyện dìu đưa vào tận phòng.
Mặc dù, khuyết tật, khó khăn trong đi lại, nhưng suốt những năm học, Linh luôn vượt qua khó khăn, dành được thành tích tốt trong học tập. Đặc biệt, các môn về xã hội của Linh luôn đạt tổng kết trên 8.0.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Linh đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền với mong ước trở thành phóng viên trong tương lai.
Chị Phạm Thị Quỳnh Liên, Phó Bí thư đoàn thị trấn Thạch Hà cho biết: "Linh là một trong những thí sinh đặc biệt tại HĐT Lý Tự Trọng. Trước kỳ thi diễn ra, chúng tôi đã rà soát danh sách các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật để phân công lực lượng hỗ trợ các em trong quá trình diễn ra kỳ thi".
Thí sinh gãy chân nặng vẫn gắng ngồi xe lăn đến điểm thi Nữ sinh tại TP Huế dù bị tai nạn gãy chân phải mổ bắt vít, vẫn quyết tâm đến tham dự kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Đó là thí sinh Nguyễn Hoàng Oanh (sinh năm 2003, trú phường An Tây, TP Huế). Em Oanh là học sinh tại trường THPT Thuận Hóa - thí sinh đặc biệt tại điểm thi THPT...