Kỳ thi chuẩn hóa ACT thay đổi
Từ mùa thu 2020, bài thi chuẩn hóa ACT sẽ có ba thay đổi được cho là có lợi với thí sinh khi sử dụng kết quả thi để ứng tuyển vào đại học.
ACT cùng SAT là hai bài thi chuẩn hóa được hầu hết đại học Mỹ sử dụng để đánh giá ứng viên trong quá trình tuyển sinh. Cấu trúc bài thi ACT có bốn phần: Anh văn, Đọc hiểu, Toán và Khoa học. Ngoài ra, thí sinh lựa chọn ACT Plus Writing cần làm thêm một bài kiểm tra Viết.
Ngày 8/10, ACT thông báo ba thay đổi để những học sinh dự định tham gia kỳ thi này hiểu rõ và có chiến thuật phù hợp. Đầu tiên là học sinh từng thực hiện bài thi chuẩn hóa ACT đầy đủ các phần ít nhất một lần có thể lựa chọn thi lại một hoặc một số phần cụ thể mà họ làm kém. Chẳng hạn, trong lần thi đầu tiên, một học sinh đạt tối đa (36/36 điểm) ở phần Anh văn, Toán, Đọc hiểu, nhưng chỉ đạt 30/36 điểm Khoa học. Nếu muốn cải thiện điểm số, em đó chỉ cần thi lại môn Khoa học thay vì phải thi lại tất cả bốn phần như quy định hiện nay.
Việc thi lại sẽ mất phí. Mức phí cụ thể từng phần chưa được thông báo nhưng ACT khẳng định sẽ thấp hơn so với thi lại cả bốn phần. Hiện, chi phí thi ACT là 52 USD (hơn 1,2 triệu đồng) nếu thi bốn phần và 68 USD (gần 1,6 triệu đồng) nếu lựa chọn thi thêm bài Viết.
Ảnh: S hutterstock
Thay đổi thứ hai là bài thi ACT sẽ được mở rộng thi trực tuyến trên máy tính tại một số trung tâm. Học sinh có thể lựa chọn thi trên giấy hoặc trên máy. Nếu thi trên máy, kết quả sẽ được trả về trong vài ngày; còn thi trên giấy thì phải đợi hai tuần.
Một thay đổi khác có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả tuyển sinh là ACT sẽ tự động thực hiện các phép tính để đưa “superscore” vào báo cáo điểm. Theo đó, học sinh đã làm bài thi này nhiều lần hoặc làm lại từng phần nhiều lần sẽ được ghi nhận số điểm cao nhất nhờ kết hợp những điểm tốt nhất mà các em đã đạt được ở mỗi phần. Trước đây, một số trường chấp nhận “superscore” ACT phải tự tính điểm của ứng viên khi nộp kết quả thi từ hai lần trở lên.
Mary Michael Pontzer, Phó chủ tịch ACT, cho biết những thay đổi nhằm phục vụ học sinh tốt hơn và giúp các em không phải tốn quá nhiều thời gian cho các bài kiểm tra. Bà cũng nhấn mạnh những thay đổi không nhằm cạnh tranh với SAT trong bối cảnh số người thi ACT những năm gần đây thấp hơn so với SAT (năm 2018, số người thi hai bài này lần lượt là 1,9 và 2,1 triệu).
“ACT là tổ chức phi lợi nhuận. Chúng tôi hướng tới lợi ích của học sinh. Chúng tôi rất vui khi thấy những thay đổi này sẽ giúp học sinh thể hiện được tiềm năng tối đa của mình”, bà Pontzer nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một số người theo dõi SAT và ACT cho rằng sự ra đời của việc thi lại từng môn và “superscore” có thể mang lại lợi ích nhiều hơn cho học sinh con nhà giàu. Nó cũng có thể gây thêm căng thẳng không cần thiết trong khi điểm thi chuẩn hóa cao đang ngày càng phổ biến và khó tạo ra sự khác biệt trong hồ sơ của ứng viên.
Jayne Caflin Fonash, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tuyển sinh đại học quốc gia, nhận định đối với một học sinh học kém ở một phần nhất định trong khi các phần khác làm tốt, chính sách mới của ACT là hữu ích. Nhưng đôi khi nó có thể gây ra một số căng thẳng khác. “Sẽ tốt hơn khi để học sinh phát triển các kỹ năng khác trong cuộc sống thay vì phải cố gắng cải thiện điểm kiểm tra vốn dĩ đã khá tốt rồi”, Fonash nói.
Trong khi ACT và SAT có một số điều chỉnh, ngày càng nhiều trường đại học đang cho ứng viên lựa chọn từ chối nộp điểm thi chuẩn hóa nhằm mở cánh cửa cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Các đại học đang thử nghiệm chính sách này thường là trường tư thục nhỏ nhưng cũng xuất hiện một số trường lớn, chẳng hạn Đại học Chicago.
Dương Tâm
Theo USA Today, Education Week/VNE
Trường trọng điểm hay chất lượng cao hãy để người học và xã hội đánh giá
Các trường đại học Mỹ được đánh giá cao là do qua thực tiễn cuộc sống chọn lọc, quy luật đó là tự nhiên. Trong khi nước ta hay dùng ý chí hành chính áp đặt.
Ngày 27/8/2019 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội II, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội II tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới.
Đây là hội thảo được Hiệp hội quyết định tổ chức đột xuất, nhằm hưởng ứng và triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2 tháng 8/2019.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên trong cả nước.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm. Trong đó, nhiều lo ngại xung quanh việc giải thể, sáp nhập... rồi quy hoạch các trường sư phạm theo hướng trọng điểm, không trọng điểm.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh Trinh Phúc).
Liên quan đến các vấn đề trên, phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo trung ương, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng:
"Trong quá trình tổ chức lại đừng để các trường sư phạm tan ra, rồi tản mát mỗi người đi mỗi nơi, cơ sở vật chất và đất đai thu lại làm mục đích khác.
Đừng để tình trạng đó xảy ra".
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm, không giải thể các trường sư phạm và ông lý giải quan điểm của mình rằng: Hiện nay, yêu cầu bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều. Ngành giáo dục đang tổ chức thay đổi chương trình, thay đổi cách dạy cách học, phát triển công nghiệp 4.0...thì câu chuyện chuẩn bị giáo viên vẫn còn nhiều việc chứ không phải hết việc.
Các đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên và các nhà khoa học, chuyên gia về giáo dục về tham gia hội nghị (ảnh Trinh Phúc).
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, các trường sư phạm nên theo hướng chuyển đổi sang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nòng cốt phải đào tạo sư phạm, đào tạo giáo viên, đào tạo nhà quản lý giáo dục, khoa học giáo dục, tâm lý học là mảng chính.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết:
"Nước Mỹ rất nhiều trường trong tổng số 100 trường hàng đầu thế giới. Khi sang Mỹ, tôi hỏi có ai quy định các trường đó hàng đầu không, thì họ trả lời là không có. Cũng không ai quy định các trường đó là trọng điểm, là chất lượng cao hay hàng đầu gì hết.
Kết quả các trường đại học ở Mỹ được đánh giá cao đó là tự nhiên hết, qua thực tiễn cuộc sống chọn lọc, quy luật đó là tự nhiên. Trong khi nước ta hay dùng ý chí hành chính áp vào trường này phải đầu đàn, phải trọng tâm.
Quy luật tự nhiên trong đàn Hải Âu có một con đầu đàn và không ai quy định nó đầu đàn hết. Tự nhiên nó khỏe biết đi thế nào tránh gió bão, đi thế nào đến vùng đất bình an nên tự nó thành đầu đàn.
Ta phải có tư duy đó chứ đừng xét trọng điểm thế này thế khác".
Còn về cơ chế như thế nào để các trường sư phạm hoạt động theo ông cần có thảo luận chuyên đề để thông qua cơ chế, chính sách như chính sách đất đai, tài chính, đào tạo theo đặt hàng...Liên quan đến ý kiến các trường sư phạm nên mở các trường phổ thông thực nghiệm, trường dịch vụ, đa cấp học kể cả mầm non, ngoại ngữ, tin học, phổ biến thông tin khoa học, câu lạc bộ khoa học... Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng cần đa dạng, mở rộng ra.
"Tôi cho rằng, chính sách không phân biệt trường địa phương hay trung ương; quốc tế hay trong nước; công lập và ngoài công lập mà phải tạo ra sân chơi chung, bình đẳng" - Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nêu ý kiến.
Cuối cùng tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh: "Cần có cuộc bàn riêng về cơ chế chính sách đến dạy học trong điều kiện mới. Bởi chỉ nói về dạy học sử đã nhiều chuyện lớn phải bàn".
Trinh Phúc
Theo GDTĐ
Sinh viên Trung Quốc trở thành "nạn nhân" trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung Quốc Năm học 2017 - 2018, khoảng hơn 360 nghìn sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Mỹ, con sô cao ân tượng nêu so với con sô 100 nghìn trước đó 1 thâp kỷ. Quá muốn tận hưởng cuộc sống du học ở Mỹ, cô gái Vivian 19 tuổi người Trung Quốc mới đây đã đi tàu 4...