Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 20.11-2021) (*): Thầy cô nâng bước trên mọi nẻo đường
Dù bám trường lớp ở vùng sâu hay nơi biên giới xa xôi, đội ngũ thầy cô giáo cống hiến cả tuổi thanh xuân vì tương lai tươi sáng hơn của những học trò còn nhiều thiệt thòi
Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nằm lưng chừng trên đỉnh núi cao, cách cột mốc biên giới 270 khoảng 2 km theo đường chim bay, nơi đây gọi là ngã ba biên giới của Thanh Hóa do tiếp giáp với Lào và tỉnh Sơn La. Bản Ón có 115 hộ (100% là người Mông), sống rải rác trên những triền đồi. Vừa đặt chân tới điểm trường, chúng tôi đã nghe vọng ra tiếng giảng bài của thầy cô và tiếng ê, a tập đọc của những trẻ nhỏ.
Cô Quách Thị Minh – nữ giáo viên cắm bản tại điểm trường Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: THANH TUẤN
Dành cả thanh xuân gieo chữ nơi biên giới
Điểm trường này hiện có 8 giáo viên (GV) cắm bản, trong đó có 5 GV tiểu học và 3 GV mầm non. Cô Quách Thị Minh (SN 1990) là GV nữ duy nhất của khu tiểu học, công tác tại Mường Lát từ năm 2013. Sau nhiều lần chuyển trường khắp các bản vùng cao, năm 2019, cô Minh chuyển về dạy học tại Trường Tiểu học Tam Chung và được phân công về đây cắm bản. “Những ngày đầu, cứ tối đến, điểm trường trở nên vắng vẻ, tĩnh mịch giữa núi rừng. Nhiều lần em đã khóc vì chạnh lòng, vì nhớ nhà. Nhưng ngày qua ngày, chứng kiến những đứa trẻ phong phanh trong tấm áo cũ, chân trần lội bộ hàng km để tới trường tìm con chữ, em lại thêm vững tin và quyết tâm ở lại” – cô Minh tâm sự.
Thầy giáo Nguyễn Thế Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung, đã kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu gian nan vượt núi, băng rừng để đến với những đứa trẻ vùng cao. Đến nay, qua 17 năm dạy học ở Mường Lát, thầy Cường lặn lội khắp các điểm trường vùng cao, hầu hết những nơi xa xôi, những điểm trường đặc biệt khó khăn đều in dấu chân thầy. Với thầy, việc dạy chữ cho học trò vùng cao, hơn nữa lại là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, còn khó hơn việc vượt núi băng rừng. Bởi thời ấy, theo thầy Cường, dân bản vùng cao hầu hết là mù chữ và không biết tiếng phổ thông; cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn đủ bề…
Nhưng nhờ những hy sinh không biết mệt mỏi của những người như thầy Cường, cô Minh mà rất nhiều trẻ nhỏ được nâng bước tới trường, nhiều em lớn lên trở thành tấm gương sáng hiếu học của bản làng. Đây là nguồn động lực lớn lao để các thầy cô cắm bản vững tin cho chặng đường gieo chữ còn nhiều gian nan nơi vùng cao biên giới.
Dìu dắt, quan tâm bằng cả tấm lòng
Không chỉ giỏi chuyên môn, tận tâm với công việc, cô Phan Thị Thảo – GV Trường THPT Phan Đình Phùng (ngôi trường vùng xa ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) – luôn được đồng nghiệp, các thế hệ học trò kính phục bởi sự tâm huyết, hết lòng vì học trò nghèo. Cô Thảo là 1 trong 2 GV của tỉnh Đắk Lắk được vinh danh GV tiêu biểu toàn quốc.
Trong những năm qua, cô Phan Thị Thảo đã đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi GV giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, có 9 sáng kiến kinh nghiệm được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk công nhận. Cô cũng bồi dưỡng, dìu dắt hàng chục học sinh (HS) đoạt danh hiệu HS giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Em Đỗ Mạnh Hảo (HS lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng) cho biết năm ngoái, lúc đang học lớp 11, em được cô Thảo dìu dắt, em đoạt giải ba cuộc thi HS giỏi cấp tỉnh môn địa lý và huy chương đồng tại kỳ thi Olympic 10-3. “Bất kể giờ nào, mỗi lần gặp câu hỏi khó em đều được cô chỉ dạy đáp án hay nhất. Ngoài thời gian trên lớp, cô Thảo thường tranh thủ những ngày nghỉ để ôn tập, hướng dẫn cho em. Cô luôn hỗ trợ tài liệu, chăm lo từng bữa cơm, ly nước những ngày cô trò ôn tập” – em Hảo cho biết thêm.
Video đang HOT
Em H’Quỳnh Niê (HS lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng), cha mẹ đau yếu, gia đình chỉ có hơn 2 sào đất nên hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Kết thúc năm học 2020-2021, em gái của H’Quỳnh Niê phải nghỉ học khi vừa xong lớp 9 và em cũng tính nghỉ học để giúp gia đình. Khi biết tin, cô Thảo đã tìm gặp em H’Quỳnh Niê động viên và hứa sẽ lo toàn bộ học phí để em tiếp tục tới trường. Khi vào năm học mới, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, em H’Quỳnh Niê phải học trực tuyến trong khi không có điều kiện mua trang thiết bị học tập, cô Thảo đã sắm điện thoại, trả tiền mạng hằng tháng cho em. “Nếu cô Thảo không giúp đỡ, em đã phải bỏ học. Cô là người giúp em viết tiếp ước mơ” – em H’Quỳnh Niê xúc động.
Cô Phan Thị Thảo kết nối tặng xe đạp, tiếp sức tới trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGUYỄN ĐẠT
Thầy Lê Ngọc Chương, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Phan Đình Phùng, cho biết H’Quỳnh Niê là một trong nhiều thế hệ học trò được cô Thảo dìu dắt, hỗ trợ để con đường tới trường của các em bớt chông chênh. Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của trường, những năm qua, cô Thảo miệt mài tìm kiếm, kết nối nhà hảo tâm, các nguồn tài trợ để hỗ trợ các HS có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, cô Thảo cũng đang hỗ trợ thường xuyên cho một số địa chỉ nhân đạo trên địa bàn huyện theo tinh thần cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Cô đã nhiều lần được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk tặng bằng khen, kỷ niệm chương.
Không chỉ giúp đỡ học trò, có những người thầy tận tâm làm công tác thiện nguyện giúp đỡ HS nghèo và người dân khó khăn. Thầy giáo Trương Vĩnh Đặng, GV Trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cùng các thầy cô trong trường thực hiện “bếp ăn 0 đồng” ròng rã suốt 2 năm qua. Cô giáo Trương Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ, cho hay khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Đà Nẵng đầu năm 2020, nhiều người lao động rơi vào khó khăn. Thầy Đặng khi đó đã đề xuất ý tưởng với ban giám hiệu nhà trường xin phép được sử dụng bếp ăn bán trú để nấu cơm phát miễn phí cho người dân. Lãnh đạo nhà trường cũng như GV của trường đã ủng hộ nhiệt tình ý tưởng đẹp của thầy Đặng.
Thời điểm dòng người từ các tỉnh phía Nam đổ về quê vào tháng 9 vừa qua, thầy Đặng ngoài những ngày gắn với “bếp ăn 0 đồng” còn cùng cha là ông Trương Vĩnh Luân tham gia tiếp sức người dân. Thầy Đặng tâm sự những đoàn xe máy mệt mỏi từ miền Nam qua Đà Nẵng để về quê vì dịch Covid-19 cứ thôi thúc anh phải làm một điều gì đó. 14 ngày trụ trên đèo Hải Vân hỗ trợ người dân về quê, thầy Đặng và cha mình đã tiếp sức cho hàng ngàn lượt người. “Có thể một bữa ăn là không lớn nhưng đó là niềm động viên, chia sẻ. Chỉ mong bà con có thể vững vàng vượt qua khó khăn trước mắt” – thầy Đặng nói.
Thầy cô là những bông hoa rực rỡ nhất
Gặp mặt đoàn đại biểu giáo viên tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 nhân dịp 20-11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ những khó khăn, vất vả của sự nghiệp “trồng người”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến công tác dạy và học thời gian qua phải thay đổi về nhiều mặt. Vượt lên những thách thức đó, các thầy cô vẫn không ngừng nỗ lực, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo vừa trở thành chỗ dựa cho học trò, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo…
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và luôn đặt đội ngũ giáo viên ở vị trí trung tâm của các chiến lược phát triển giáo dục. Các thầy cô giáo tham gia chương trình đã góp phần quan trọng hun đúc bản lĩnh, trí tuệ, giúp học trò “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, đồng thời dìu dắt, động viên, định hướng cho các em rèn luyện những chuẩn mực đạo đức cần thiết, trở thành người có ích cho xã hội.
Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những hình thức giảng dạy hiện đại, sáng tạo mà các đại biểu đã áp dụng hiệu quả trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời nhấn mạnh các thầy cô giáo chính là những bông hoa rực rỡ nhất trong rừng hoa của ngành giáo dục nước nhà.
Y.Anh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-11
Cô giáo 9x lội suối, vượt đèo gần 40km "gieo chữ" nơi vùng cao
Vượt qua bao khó khăn, con đường gập gềnh sỏi đá và trải dài bùn đất khiến mỗi lần tới trường trơn ngã phải bỏ cả xe để kịp giờ lên lớp, cô giáo 9x - Đào Thùy Linh vẫn nguyện lên vùng cao "gieo chữ" cho các em học sinh.
Gần 5 năm nay, cô giáo Đào Thị Thùy Linh, sinh năm 1995 vẫn ngày ngày miệt mài gieo con chữ, chăm sóc tận tình cho các em nhỏ Trường mầm non Nậm Mười - xã Nậm Mười - Huyện Văn Chấn - Tỉnh Yên Bái. Từ bỏ nhiều cơ hội ở môi trường làm việc tốt hơn, vượt qua những ngăn cản của gia đình, Thùy Linh quyết gắn bó với vùng cao - nơi không phải người trẻ nào cũng đủ can đảm bám trụ.
Trường mầm non Nậm Mười - Xã Nậm Mười - Huyện Văn Chân - tỉnh Yên Bái
Ở vùng núi phía Bắc, để trẻ em biết chữ, người thầy phải mang lớp học đến tận các thôn bản. Hàng ngày, cứ 4 giờ sáng, cô giáo Thùy Linh phải đi qua những con đường gập gành, sạt lở núi đá sau để đến trường cách nhà 40km.
Đường đến điểm Trường Mầm non Nậm Mười, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn đầy gian nan, vất vả
Đào Linh tâm sự: "Những lúc trời mưa, đường rất trơn trượt, đi một đoạn bùn đất lại dính vào bánh xe không thể đi được. Để tiếp tục đi phải gạt hết đất ở bánh xe, rồi một người lái xe, một người đẩy phía sau. Không những thế, do tay lái yếu, đường lại trơn nên thường xuyên bị ngã xe, lúc đó chẳng nghĩ ngợi gì nhiều lúc bỏ cả xe để tiếp tục đến trường không muộn giờ lên lớp".
Tình huống này không còn gì xa lạ với Linh, có lúc cô bất lực bật khóc muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến các em nhỏ cơm không có ăn, áo không đủ ấm, Linh lại dặn lòng vực dậy.
Đoạn đường đến trường mùa mưa thường xảy ra sạt lở, dễ trơn trượt và bị ngã thường xuyên
Tuy quãng đường từ nhà đến trường xa xôi nhưng đi mãi cũng thành quen, trường mầm non Nậm Mười nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi sừng sững, điểm trường được dựng lên bằng những vật liệu thô sơ như tre, gỗ. Ở đây mọi cơ sở vật chất, các em học sinh đều đặc biệt khó khăn.
Đào Linh kể lại: "Lựa chọn lên vùng cao, khoảng thời gian đầu chỉ khóc là khóc, bếp và nhà ở quá tạm bợ, mình không tưởng tượng ra được, mưa gió vẫn bị dột, dù đã chuẩn bị hết tinh thần rồi nhưng không nghĩ nó như thế này. Tuy nhiên, cũng may thời điểm mình mới đi làm cũng mới cưới chồng, hai vợ chồng son chưa có mặt con nào nên việc đi giảng dạy của mình cũng thuận hơn, chồng cũng thông cảm cho đam mê đối với nghề giáo của mình.
Bữa trưa của các cô giáo Trường Mầm non Nậm Mười
Bữa ăn hàng ngày thiếu thốn của các cô giáo chỉ vỏn vẹn 2 món
Dù có vất vả, khó khăn, lội suối vượt đèo thì cứ nghĩ đến ánh mắt của các con, những lúc ăn uống khó khăn, chỉ toàn ăn cá khô, hãy vài sợi mì tôm thay canh, nhà nào khá giả hơn thì có trứng để ăn, thậm chỉ thời tiết đông lạnh giá khắc nghiệt còn không đủ quần áo ấm để mặc. Xót xa, thương lắm, nhiều lúc rơi nước mắt. Chính vì vậy, lại càng làm động lực cho mình không thể từ bỏ nơi đây".
Hình ảnh các em học sinh Trường Mầm Non Nậm Mười- Xã Nậm Mười- huyện Văn Chấn
Dẫu núi cao vực sâu đến mấy, nhưng ở đâu có tình yêu thương, có sự hi sinh cố gắng thì ở nơi đó ắt có niềm hạnh phúc. Cô giáo Linh cũng như những thầy cô giảng dạy ở vùng cao như những ngôi sao nhỏ tỏa tình yêu thương lấp lánh cho các em bé còn gặp nhiều khó khăn ở núi rừng Tây Bắc này.
"Có những lúc mưa kéo dài nhiều ngày, mình và thầy cô cùng công tác tại Trường Mầm non Nậm Mười cũng phải ở lại bản. Xa gia đình, nhiều lúc rất khó khăn, có công việc bận cũng không thể về được vì phải giảng dạy, mọi người quen dần với khái niệm xa gia đình và dần dần có động lực hơn, niềm tin ngày một lớn hơn.
Nghề giáo là một nghề đặc biệt, khác lại với các nghề khác... Một phần quan trọng của nghề đó là làm thầy cô không thể nhận chức sắc, tiền bạc, vật chất là mục tiêu của nghề. Điều mong nhận lại phải xuất phát từ tấm lòng mà một người thầy người cô chân chính phải hi vọng và tự hào khi có được nó" - cô giáo Linh cho biết.
Người thầy giáo lặng thầm gieo chữ nơi 'trời cao đất thấp' Bản Phà Nọi, xã Đoọc Mạy là bản xa xôi, hiểm trở của huyện biên giới Kỳ Sơn. Ở nơi trời cao đất thấp này, thầy giáo Nguyễn Trọng Toàn đang âm thầm gieo chữ, xây ước mơ cho những em học sinh người Mông. Đoọc Mạy là xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, nằm tiếp giáp với nước bạn Lào, được...