Kỷ luật bằng sự xấu hổ hay bạo hành tinh thần học sinh
Bằng cách làm học sinh xấu hổ, nhà trường cho rằng có thể dễ dàng điều khiển hành vi của học sinh và khiến học sinh ngoan ngoãn hơn.
Thẹn thùng với câu hỏi
Con gái tôi học cấp 2 ở một trường tư vốn thuộc dòng công giáo ở Pháp, mặc dù gia đình tôi không theo đạo. Trường học có những quy định khá nghiêm khắc, ví dụ như học sinh không được phép mặc quần soóc, áo hai dây, không mặc quần bò rách hay váy ngắn trên đầu gối, không nhuộm tóc…
Có lần, con tôi kể có bạn thân bị phạt vì trời nóng quá và bạn mặc áo hai dây tới lớp. Tôi hỏi, vậy hình phạt là gì? Có bị nêu tên trước lớp hay trước toàn trường không?
Tuổi học trò của tôi đã quá quen thuộc với những hình phạt kiểu ghi tên vào sổ đầu bài, bị nêu tên trước lớp trong giờ cô chủ nhiệm…
Con tôi tròn mắt hỏi, tại sao phải nêu tên, như thế thì bạn ấy xấu hổ chết mất. Có ai muốn người khác biết là mình bị phạm lỗi và bị phạt đâu mẹ. Giám thị phạt bạn ấy ngồi 1 tiếng trong phòng học, không được ra chơi; và đưa cho bạn ấy 1 chiếc áo khác để mặc ở bên ngoài.
Tôi chợt thẹn thùng với câu hỏi của mình.
Tuổi học trò của tôi đã quá quen thuộc với những hình phạt kiểu ghi tên vào sổ đầu bài, bị nêu tên trước lớp trong giờ cô chủ nhiệm và nặng hơn thì nêu tên bêu xấu trước toàn trường. Chỉ vì tôi luôn là con ngoan trò giỏi, chưa từng chịu bất kỳ hình phạt nào, nên tôi đã không nhận thức được, những hình phạt kiểu “bêu xấu” như vậy độc hại tới mức nào.
Nghề giáo là một công việc nhọc nhằn, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, giáo viên còn phải có kỹ năng quản lý lớp học và giải quyết các vấn đề liên quan tới hành vi, tâm tư tình cảm học trò trong khuôn viên nhà trường. Những vấn đề ngoài chuyên môn đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng con người thật tốt.
Để xây dựng kỷ luật trong trường học và lớp học, hình phạt “nêu tên” công khai được áp dụng rộng rãi. Bằng cách làm học sinh xấu hổ, nhà trường cho rằng họ có thể dễ dàng điều khiển hành vi của học sinh và khiến học sinh trở nên ngoan ngoãn hơn. Suy cho cùng, hình phạt này bắt nguồn từ một mục đích (được cho là) tốt.
Video đang HOT
Thời học trò của tôi chứng kiến không ít lần các học sinh được gọi tên, mời đứng lên trước toàn trường vì tội bỏ học, quậy phá trong giờ học hoặc vì một tội lỗi nào đó mà lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” có thể nghĩ ra nhằm giải phóng bớt nguồn năng lượng thừa thãi. Chủ yếu những bạn được nêu tên trong buổi chào cờ là nam, có lẽ các bạn nữ ngoan ngoãn hơn, hoặc có thể các bạn nữ “sợ” hình phạt này hơn các bạn nam nên chú ý hơn tới hành vi của mình.
Cũng không ít lần tôi được nghe các bài giảng đạo lý giáo viên chủ nhiệm vì bạn nọ bạn kia quên mặc đồng phục, đi học muộn làm cho lớp bị trừ điểm thi đua; hay nghe giáo viên bộ môn thoá mạ vì tội “học dốt như bò đội nón”, giảng mãi vẫn không hiểu bài.
Mục đích tốt?
Giáo viên, một lần nữa, vẫn cho rằng mình làm vậy vì mục đích tốt là muốn học trò chịu khó học hơn, học giỏi lên và cư xử ngoan hơn. Thế nhưng ngược lại, hình thức kỷ luật nêu tên khiến học trò xấu hổ, gây ra cảm giác nhục nhã, đau đớn, khiến cho học trò có những cảm giác tiêu cực về bản thân, cho rằng mình vô dụng. Hầu như giáo viên không hề nhận ra rằng mình đang “bạo hành tinh thần” học trò một cách thô bạo, xúc phạm trầm trọng tới nhân cách các em và thậm chí gây tổn thương về mặt tâm lý.
Có thể không phải học trò nào trong trường hợp này cũng bị tổn thương, nhiều em có thể chỉ cười “hềnh hệch” và bỏ qua; trong khi giáo viên thở dài thườn thượt bởi lũ học sinh “cá biệt”, nói thế chứ nói nữa vẫn như nước đổ lá khoai.
Nhưng đối với những học sinh có tính cách yếu đuối, điều đó lại trở thành một trải nghiệm chẳng vui vẻ gì, ngược lại, là sự đánh giá tiêu cực đau đớn về bản thân, khiến cho học sinh có cảm giác tội lỗi, rằng mình tồi tệ, không xứng đáng, không đủ năng lực.
Điều tiêu cực nhất ở hình phạt này là, học sinh bị làm cho xấu hổ thường không suy nghĩ về lý do tại sao hành vi của mình lại sai, mà chỉ nghĩ rằng chắc hẳn mình đã sai vì thầy, cô nói thế. Thậm chí, các em còn có thể có những hành động tiêu cực để phản kháng lại hình phạt này, nhất là khi các em cho rằng mình bị oan ức. Trường hợp cô nữ sinh An Giang là một ví dụ tiêu biểu.
Không nên bi quan
Nhiều người nói với tôi rằng, đừng nên quá bi quan, vì giáo viên bây giờ đang thay đổi rất nhiều rồi. Hiện tượng chửi bới, đánh đập học trò đã giảm hơn trước.
Tôi cũng công nhận rằng, qua quan sát, tôi thấy thời điểm hiện tại có rất nhiều chuyên gia về tâm lý học đường đang nỗ lực nâng cao nhận thức của giáo viên, đặc biệt là phổ biến rộng rãi các lý thuyết về tâm lý học tích cực. Nhưng tại sao suốt 30 năm qua hình phạt này vẫn còn tồn tại?
Tôi từng được nghe một cô giáo cấp 2 nói rằng, giờ giáo viên cũng sợ học sinh lắm, trên lớp phải giữ mồm giữ miệng chứ không chúng nó lại cho hết lên mạng xã hội. Vậy hoá ra, việc thay đổi của các giáo viên không phải là vì nhận thức từ bên trong, mà chẳng qua là vì các thầy cô sợ áp lực từ bên ngoài, sợ ảnh hưởng tới bản thân mình?
“Yêu cho roi cho vọt”, “thuốc đắng dã tật” là những đúc kết từ đời xưa của ông bà ta, mà nhiều bậc người lớn vẫn mang ra để giải thích cho những hình phạt nghiêm khắc của mình. Tuy nhiên, nếu bản thân giáo viên cũng không muốn bị đánh đập, bị nhục mạ, tại sao họ lại nghĩ mình được phép làm thế với học sinh? Nếu cấp trên cho phép sử dụng hình phạt đòn roi và nêu tên trước toàn trường đối với giáo viên, tôi tự hỏi, người giáo viên có lên mạng phản đối hay không.
Tôi còn nhớ, trong cuốn Hoàng tử bé, tác giả có viết 1 câu rất thấm thía: Người lớn nào cũng từng là trẻ con, nhưng ít ai trong bọn họ còn nhớ điều đó. Ngày còn đi học, chúng ta đã từng mong gặp được những thầy cô như thế nào?
Hậu quả từ việc học sinh không được chia sẻ
Lo lắng, hoảng sợ khi bị la mắng, kỷ luật; áp lực điểm số, thành tích... dẫn đến rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, không tìm ra lối thoát, đã có học sinh tìm đến cái chết
Trường học và gia đình là hai yếu tố quyết định hình thành suy nghĩ trong học sinh. Giáo viên, phụ huynh cần có phương pháp giáo dục phù hợp, lắng nghe học sinh khi các em phạm lỗi để không có hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Áp lực lớn từ trường lớp
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh, phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, kể lại trường hợp N., học sinh lớp 12 tại TP HCM, bị ba mẹ la mắng vì điểm thấp, bạn bè và thầy cô đổ lỗi do em mà lớp tụt hạng thi đua. Từ đó, em có ý định tự tử.
May mắn, giáo viên chủ nhiệm cũ của em N. khi tâm sự mới biết chuyện, thông báo cho gia đình và đưa em đến bệnh viện khám kịp thời. Em thoát "lưỡi hái tử thần" trong gang tấc.
Trước đó, mỗi lần được điểm thấp, N. lại bị phụ huynh đánh, mắng. Khi N. giải thích thì bị phụ huynh cho rằng chống chế, lấp liếm, không chịu nhận lỗi và tiếp tục mắng chửi, dẫn đến em luôn trong trạng thái hoang mang, lo sợ, căng thẳng. Khi đến lớp, em muốn tâm sự với bạn bè nhưng bạn không hiểu nên không chia sẻ được, thậm chí còn bị đổ lỗi lớp tụt hạng thi đua là do em. Do bị cô lập, N. luôn trong cảm giác nặng nề, hoảng sợ kéo dài cả học kỳ I. Từ đó, N. muốn tự tử và ý nghĩ đó luôn thôi thúc em.
Theo bác sĩ Minh Khuyên, học sinh chưa trưởng thành thường không đủ tâm lý để đối kháng lại tiêu cực, chịu không nổi khi bị dồn đến chân tường dẫn đến tâm lý hoảng loạn, chán nản, trầm cảm nặng. Cuối cùng học sinh này phải tìm đến cái chết để cảnh tỉnh mọi người.
Mặt khác, các hình thức kỷ luật tiêu cực như bêu tên trước lớp, trước trường, lên mạng xã hội nói xấu học sinh cũng gây ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, việc học sinh không đi học thêm cũng bị làm khó khi đến lớp; môi trường học đường không an toàn, thiếu phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình cũng thêm nguyên nhân gây áp lực dẫn đến rối loạn tâm lý cho học sinh.
Bác sĩ Minh Khuyên cho biết số lượng học sinh bị rối loạn lo âu, trầm cảm ngày càng cao và độ tuổi ngày càng thấp. Trong 10 bệnh nhân thì có đến 8 ở lứa tuổi học sinh. Khi các em bị rối loạn lo âu, trầm cảm dễ dẫn đến hội chứng tự hủy hoại bản thân bằng cách tự tử.
"Tự tử là hệ lụy của việc học sinh bị trầm cảm, sang chấn tâm lý trong thời gian dài. Đó là giọt nước tràn ly, do phụ huynh , nhà trường thiếu sự quan tâm" - bác sĩ Minh Khuyên nhìn nhận.
Học sinh cần được quan tâm hơn nữa từ gia đình và giáo viên
Vài trò của giáo viên và phụ huynh
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho rằng giáo viên gây nhiều áp lực, kỷ luật thẳng tay khi học sinh vi phạm, bêu tên công khai, dẫn đến học sinh bị hoảng loạn, suy nghĩ bế tắc rồi quyết định bỏ nhà đi hoặc tự tử. Học sinh là nạn nhân của kỷ luật tiêu cực.
"Trước những hình thức kỷ luật, nhiều học sinh chịu đựng được nhưng cũng không ít em thì không. Vì vậy, giáo viên cần có phương pháp kỷ luật phù hợp với từng em, cá nhân hóa, không nêu tên trước lớp, trước trường" - thầy Bảo nhận định.
Theo thầy Bảo, giáo viên phải có kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng ứng xử, luôn đặt câu hỏi tại sao học sinh lại mắc lỗi như vậy. Đồng thời có hình thức khen thưởng phù hợp, với học trò chỉ cần một lời khen cũng là sự khích lệ lớn. Bên cạnh đó, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để có phương án giáo dục tốt nhất.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Microsoft, gợi ý nên xây dựng những quy định, hướng dẫn phương pháp để học sinh chủ động không vi phạm nội quy, có tính chủ động, hướng đến ngăn chặn hành vi tiêu cực xảy ra. Việc đó quan trọng hơn là đưa ra những cách xử lý học sinh. Nhà trường là nơi định hướng, xây dựng và hình thành phẩm chất năng lực cho trẻ, không phải nơi để đưa ra phán quyết trừng phạt.
"Học sinh cần định hướng tốt để chủ động không vi phạm, như vậy giáo viên không cần luôn theo sau để phát hiện và xử lý" - bà Quyên nói.
Bà Quyên cho rằng khi học sinh có suy nghĩ tiêu cực, lỗi không hoàn toàn ở giáo viên mà còn ở phía phụ huynh khi chưa lắng nghe con mình, không cho con có cơ hội đưa ra chính kiến. Từ đó, trẻ rất dễ nổi nóng, bất bình và không hợp tác.
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, thay vì thông báo các quy định, giáo viên nên chia sẻ với phụ huynh kỹ năng để tương tác với các con. Đồng thời, giáo viên nên chú ý đến cách đánh giá học sinh, không phải để phân loại học sinh. Đánh giá để chỉ cho học sinh biết cần thay đổi điều gì, bổ sung điều gì, phát triển ra sao. Như vậy, học sinh sẽ nhìn nhận được phải làm gì để tốt hơn.
Cần có bộ phận tư vấn tâm lý trong trường
Bác sĩ Trần Minh Khuyên khẳng định vai trò của phòng tư vấn tâm lý là vô cùng quan trọng trong trường. Nếu học sinh có chuyện gì có thể nhờ tư vấn, hay những trường hợp nào vượt quá sự hiểu biết của giáo viên thì sẽ nhờ đến chuyên gia tâm lý học đường. Qua đó khéo léo can thiệp được những trường hợp có ý định tự tử. Nhiều trường còn xem nhẹ việc tư vấn tâm lý cho học sinh.
Vụ nữ sinh An Giang nghi tự tử: Hy vọng thầy cô lắng nghe và thấu hiểu Theo dõi vụ việc nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc tự tử do không đồng tình với cách kỷ luật từ nhà trường, giáo viên và học sinh đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về cách ứng xử giữa giáo viên với học sinh khi học trò mắc lỗi. Sau vụ việc nữ sinh ở...