Kỳ 3: Một trường có… 9 sinh viên
Buổi thực hành của SV một trường ĐH (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: NAM AN
Với cả chục triệu dân, TP.Hồ Chí Minh – vùng trọng điểm kinh tế, văn hóa xã hội phía Nam nhưng nhiều trường ĐH, CĐ vẫn không “sống” nổi bởi tuyển không ra sinh viên. Nhiều trường đang phải ráo riết tìm nhà đầu tư, tìm kiếm sinh viên để hy vọng tiếp tục tồn tại.
Loạn “thị trường” giáo dục đại học
Thành lập từ năm 1997, tuyển sinh mạnh với quy mô ngang ngửa với các trường công lập, nhưng đến năm 2013, Trường ĐH Văn Hiến phải chuyển giao cho nhà đầu tư mới. Trước khi được bán, nhiều năm liền trường không tuyển đủ chỉ tiêu, cơ sở giảng dạy phải đi thuê. Năm 2014, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM cũng đã được sang chủ mới – Cty CP Đầu tư phát triển giáo dục Hutech. Thời điểm đó, mức học phí tại trường lên đến gần 80 triệu đồng/năm, việc tuyển sinh của trường trong nhiều năm chưa đạt 50% chỉ tiêu. Và mới đây nhất, giữa năm 2015, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đã chính thức được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng.
ĐH Hùng Vương hiện vẫn đang phải gồng mình tìm đối tác để… sang nhượng. Tháng 7.2015, đại diện nhà trường khẳng định đã giải quyết mâu thuẫn nội bộ, có đủ đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của bộ. Thế nhưng năm 2015, trường tiếp tục bị ngừng tuyển sinh. Hiện trường chỉ còn 9 sinh viên ngành xây dựng (học bốn năm rưỡi) và đây là số sinh viên cuối cùng trong năm học này.
Năm thứ tư bị ngừng tuyển sinh, cơ sở tại Nguyễn Trãi của ĐH Hùng Vương TPHCM gần như vắng người ra vào. Trước đó, tháng 3.2012, Bộ GDĐT ra quyết định ngừng tuyển sinh đối với ĐH Hùng Vương vì lý do mất đoàn kết nội bộ lãnh đạo, mất khả năng điều hành hoạt động của trường, mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng uy tín của trường và môi trường giáo dục. Cuối năm 2013, mâu thuẫn và tranh chấp trong nội bộ của trường tiếp tục xảy ra khi “hai bên” giành quyền kiểm soát cơ sở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình), buộc công an phải có mặt để giải quyết. Hàng nghìn sinh viên sau đó không được cấp bằng tốt nghiệp đúng thời gian khiến uy tín nhà trường bị giảm sút. Tháng 3.2015, trường có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị xem xét cho trường tuyển sinh năm 2015 nhưng vẫn không được bộ cho phép, bởi vẫn còn đơn thư khiếu nại. Đại diện nhà trường cho biết, trong thời gian qua vẫn còn một số ý kiến của vài cá nhân mang tính “không xây dựng” dẫn đến việc nhà trường tiếp tục bị đình chỉ tuyển sinh. Hiện tại trường còn 9 sinh viên khóa cuối và không còn nguồn thu.
Đại diện phòng đào tạo của một trường ĐH công lập chia sẻ, xảy ra tình trạng trên là bởi quy luật cạnh tranh của thị trường. Ở đây các trường là người kinh doanh, mà kinh doanh trong giáo dục thì tôn chỉ đầu tiên phải là chất lượng, chứ không thể là những nói suông, hứa hão. Một khi tôn chỉ nằm ngoài điều này thì sớm muộn gì việc kinh doanh đó cũng sẽ thất bại. Bởi khách hàng là những người sinh viên, họ chọn trường vì nhìn thấy được chất lượng của nó. Khi điểm duy nhất để khách hàng lựa chọn mà anh không có thì làm sao có thể tồn tại lâu dài?
Mịt mờ chất lượng đào tạo
Vẫn còn nhiều trường ĐH, CĐ tư thục thành lập ồ ạt mà chưa xác định đúng hướng đi. Bằng chứng là thay vì đầu tư lâu dài thì từ cơ sở giáo dục cho đến giảng viên của các trường kể trên gần như đi thuê. Trong khi sinh viên vẫn phải bỏ ra số tiền học phí cao ngất mà không nhận được sự giáo dục tương xứng, điều này làm cho uy tín nhà trường giảm sút. Sự mâu thuẫn về nội bộ nhà trường mà cụ thể là những nhà đầu tư khiến cho họ không còn thời gian để quan tâm đến chất lượng giáo dục. Cuối cùng những sinh viên đã “trót lỡ” bước chân vào những ngôi trường này, bỏ ra số tiền không nhỏ lại bị vướng trong tình thế sống dở, chết dở.
Thực tế hiện nay, sau khi được chuyển giao chủ mới, một số trường đã bắt đầu khởi động lại. Trong đó, ĐH Văn Hiến đã chuẩn bị khởi công xây dựng cơ sở của trường tại quận Bình Thạnh. Trường ĐH Hồng Bàng dự kiến sẽ được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đào tạo cũng như hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Đại diện trường cho biết, từ bộ máy quản trị đến các chức vụ từ hiệu trưởng nhà trường cũng được thay đổi để phù hợp với quá trình tái cơ cấu toàn diện. Thế nhưng để chờ đợi những cơ sở này thành hình và những chương trình như các trường cam kết được đưa vào thực hiện thì phải mất 10-20 năm nữa mới có thể chứng thực được chất lượng giáo dục.
Một cuộc hỗn loạn khác xảy ra ngoài khuôn khổ các trường kia chính là việc giáo dục đại học tăng cao đã đẩy số lượng “thầy” nhiều hơn “thợ” ra xã hội. Điều này lại mâu thuẫn với nhu cầu của thị trường.
TS Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TPHCM – nhận định, giáo dục Việt Nam đang đi theo hình tháp ngược, đào tạo thừa thầy thiếu thợ. Trong khi đó để tái cấu trúc thì không chỉ nhìn ở bậc ĐH, mà phải quan sát rộng ra cả những bậc học khác như cao đẳng, trung cấp, trường nghề. Tất cả đều cần được xem xét để điều chỉnh số lượng trường, số lượng học viên phù hợp. Không phải việc tăng trường ĐH khiến cho giáo dục bị xáo trộn, mà vì sự tăng lên chưa gắn với thực tế xã hội, mà đặc biệt là chất lượng đào tạo đi kèm đã tạo nên sự hỗn loạn. Vì vậy, không chỉ chính các trường nên thay đổi mà cả nền giáo dục này phải được thay đổi thì mới mong đạt được mục đích giáo dục là tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho xã hội trong tương lai.
Theo Laodong