Kỳ 1: ‘Đốt tiền’ vào lò luyện thi
Để giành ‘ tấm vé vàng’ vào lớp 6 nguồn Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu), nhiều phụ huynh đã không tiếc tiền và công sức đưa con đến các lò luyện thi từ năm lớp 3, lớp 4.
Thực tế, kết quả có như mong đợi?
Lò luyện lớp 6 nguồn của cô Ng.
Chi hàng chục triệu đồng luyện thi lớp 6 nguồn
Gần 80 triệu đồng là số tiền gia đình chị Trần Thị Thu(*) (trú tại phường 9, TP. Vũng Tàu) chi cho các lò luyện thi với hy vọng con có thể giành được tấm vé vào lớp 6 nguồn Trường THCS Nguyễn An Ninh.
Chị Thu kể, khi con lên lớp 4, biết chị có nguyện vọng cho con thi vào lớp 6 nguồn, một người bạn đã giới thiệu chị tới “lò luyện thi” của cô Đ.T.Ng., một trong những GV ôn thi vào lớp nguồn có tiếng tại TP. Vũng Tàu. Ròng rã suốt 2 năm, ngoài thời gian học chính khóa tại trường, mỗi tuần 4 buổi, chị đưa con đến lò luyện thi của cô Ng. ôn Toán- tiếng Anh, Toán-tiếng Việt và 2 buổi/tuần tại lò luyện của cô D. (cũng là GV ôn thi vào lớp nguồn) để ôn tiếng Anh. Học phí của cô Ng. là 125 ngàn đồng/buổi, cô D. là 100 ngàn đồng/buổi.
Chị Thu cho hay, trung bình mỗi tháng, chị phải chi gần 3 triệu đồng cho lò luyện thi lớp nguồn. Trong giai đoạn HS phải dừng đến trường do dịch bệnh, lò luyện của cô Ng. vẫn hoạt động bằng hình thức trực tuyến với mức học phí không hề giảm. Chưa kể, cuối năm học lớp 5, khi bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, học phí lên tới gần 10 triệu đồng. Như vậy, để luyện thi cho con vào lớp 6 nguồn, gia đình chị Thu đã chi khoảng 80 triệu đồng trong 2 năm học vừa qua.
Còn chị Nguyễn Thị Minh(*) (trú tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) biết đến cô Ng. qua lời giới thiệu từ GV chủ nhiệm lớp 5 của con. Sau khi kết thúc năm học, chị mới đăng ký cho con luyện thi cấp tốc tại lò luyện của cô Ng.. Chỉ luyện trong 2 tuần, nhưng số tiền học phí chị phải đóng lên tới 3,5 triệu đồng.
Chị Minh cho hay, nhiều buổi học, cô Ng. thông báo dạy miễn phí một số buổi tăng cường. Tuy nhiên, khi chị đưa con tới học thì cô Ng. nói rằng không có lớp. Bên cạnh đó, chị Minh, chị Thu cũng như nhiều phụ huynh khác cho biết, khi cô gửi thông báo đóng học phí, phụ huynh phải lập tức nộp học phí trong ngày, bởi trong thông báo, bao giờ cô Ng. cũng ghi chú rõ ràng: “Ghi tên con, không ghi tên phụ huynh và chỉ đóng trong ngày hôm nay vì cô rất bận. Gửi lệnh chi cho cô”.
Thậm chí, để con vào được lớp 6 nguồn, nhiều phụ huynh không tiếc công sức, tiền bạc, đưa con tới luyện ở 2-3 địa điểm khác nhau.
Video đang HOT
Chị Vũ Thị Hương(*), một phụ huynh có con vừa thi đậu lớp 6 nguồn cho hay, ngoài cô Ng., cô D., chị còn cho con theo học cô L., GV tiếng Anh một trường THCS trên địa bàn thành phố.
Một tin nhắn cô Ng. gửi cho nhóm phụ huynh với lời lẽ được cho là phóng đại.
Những lời “ru ngủ”
Ngày 3/8, trong vai phụ huynh có nhu cầu cho con luyện thi lớp nguồn, chúng tôi tìm đến Cơ sở bồi dưỡng văn hóa và ngoại ngữ Nguyễn Bỉnh Khiêm 2 (nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường 7, TP. Vũng Tàu), nơi cô Ng. đang thuê địa điểm để mở lớp luyện thi. Tại đây, chúng tôi được một nhân viên của trung tâm khẳng định như đinh đóng cột: “Ôn cô Ng. chỉ cần 2 tháng là HS quá giỏi… HS cô dạy đậu gần hết. Giai đoạn gần thi, cô Ng. dạy kín lịch từ 7 giờ sáng tới 10 giờ đêm. Còn hiện giờ cô dạy ngày 2 ca”.
Liên hệ với cô Ng., ngay khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng cho con trai sắp lên lớp 5 luyện thi lớp nguồn, cô Ng. đã sốt sắng gửi lịch học, địa chỉ và các lưu ý để HS có thể theo học ngay. Đồng thời, cô cũng giới thiệu mình đang là GV của 1 trường TH công lập trên địa bàn phường 10 (TP. Vũng Tàu) và có kinh nghiệm công tác, giảng dạy nhiều năm. Cô cho biết sẽ luyện thi cho HS theo chuyên đề.
“Toán Tiểu học có chuyên đề số học, hình học, tỷ lệ thuận, tỷ lệ nghịch… Mỗi ngày học đều có dạng bài mới. HS đã học luôn từ bây giờ đến sát ngày thi. Khi học xong tại trường, cô sẽ cho ôn dồn dập, đến ngày thi tổng hợp kiến thức toàn cấp, trong đó trọng tâm là Toán”, cô này cho hay.
Đặc biệt hơn, chúng tôi cũng nhận được những thông tin đầy hứa hẹn: “Em cứ nhớ rằng, hơn một nửa HS Trường Nguyễn An Ninh là của cô Ng.. HS của cô Ng. chiếm 3 lớp trên 6 lớp. Năm nay cô Ng. dạy khoảng 150 em, như vậy tỷ lệ đậu cực kỳ cao. Cứ chịu khó học là đậu…”.
Tin nhắn cô Ng. trấn an phụ huynh.
Giấc mộng tan vỡ
Sự thật đằng sau những lời khẳng định đầy sức thuyết phục đó là gì?
Chị Vũ Thị Hương, phụ huynh học sinh bức xúc: “Cô ôn đâu có trúng đề mà lại “nổ” là trúng đề hết. Cô nói HS đậu nhiều nhưng ngoài con mình ra thì PH đâu biết ai đậu ai rớt”.
Một phụ huynh khác cũng cho hay: “Cô ôn không trúng đề nhưng vẫn khẳng định trúng đề 100% trên nhóm luyện thi. Đến khi công bố kết quả, trong nhóm luyện thi của con tôi có 20 HS thì chỉ có 3 em vừa đủ điểm đậu. Trong số các em không đậu, nhiều em đã được cô Ng. chỉ đích danh là sẽ đậu. Tuy nhiên, cô không hề thống kê số lượng hay danh sách HS đậu cho phụ huynh được biết mà vẫn thao thao bất tuyệt: “Các con đậu rất nhiều”. Cô vẫn khoe trên nhóm phụ huynh thành tích của một số HS Trường Chuyên Lê Quý Đôn mà cô tự nhận các em từng là HS của cô”.
Kỳ tuyển sinh lớp 6 nguồn đã khép lại, nhưng dư âm của của những ngày tháng luyện thi dài đằng đẵng tại trung tâm của cô Ng. thì chắc hẳn rất khó quên, thậm chí ám ảnh với một số HS và phụ huynh. “Cô Ng. dữ lắm, la cả HS, phụ huynh luôn! HS làm bài sai hay chưa hiểu bài mà hỏi lại bị nói xối xả… Muốn học được cô thì phải vô tư, “chịu được nhiệt”, đừng quan tâm cô nói gì. Mà đã học cô thì khó mà nghỉ được. Phụ huynh không cho con học nữa, cô sẽ gọi điện hỏi lý do tại sao và cho một “bài ca” bất hủ…”, chị Hương nhớ lại.
Hiện nay, dù con trai chị Hương vừa đủ điểm đậu lớp 6 nguồn nhưng chị cũng khẳng định sẽ không cho bé sau (hiện đang học TH) theo các lò luyện thi như thế này.
Còn chị Trần Thị Thu cho biết, chị cảm thấy hối tiếc với quyết định đưa con vào lò luyện thi lớp nguồn. Bởi không kể đến thời gian, công sức và tiền bạc mà con và gia đình đã bỏ ra nhưng không mang lại kết quả như mong đợi, thì những ngày tháng luyện thi còn khiến con trai chị cảm thấy thực sự mệt mỏi và áp lực khi gần như không có thời gian vui chơi, giải trí.
(*)Tên của nhân vật đã được thay đổi
Khi học sinh lớp 6 muốn trở thành một người thợ hồ
Khi hỏi học sinh lớp 6 rằng các em muốn làm gì, bên cạnh các câu trả lời như Youtuber, kỹ sư, bác sĩ, có một học sinh đã trả lời rằng muốn làm thợ hồ khi quan sát những người thợ hồ làm việc với niềm hạnh phúc...
Học kinh doanh sớm để làm gì?
Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm với chương trình học kinh doanh - hướng nghiệp trong môn công nghệ.
Kinh doanh - hướng nghiệp tổng hòa nhiều kiến thức, giúp học sinh huy động nhiều kỹ năng và vận dụng những gì đã học vào giải quyết tình huống thực tế. Đây là một điều quan trọng để việc học tập mang nhiều tính thực tiễn hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, môn học này cũng làm tiền đề cho hoạt động hướng của học sinh trong tương lai. Các chuyên gia hướng nghiệp cũng nhận định rằng, hoạt động hướng nghiệp diễn ra càng sớm, học sinh sẽ càng có thời gian hiểu bản thân và định hướng tương lai.
Tại nước ngoài, học sinh được học về giá trị của tiền bạc, được thực hiện các hoạt động kinh doanh để gây quỹ, từ thiện hay quyên góp từ rất sớm. Nhìn về Việt Nam, việc học các kiến thức kinh doanh gắn liền với thực tế còn hạn chế.
Chúng tôi xây dựng chương trình môn Kinh doanh - Hướng nghiệp dựa trên giáo trình của tổ chức Junior Achievement (JA), JA là tổ chức có hơn 100 năm lịch sử cung cấp các chương trình đào tạo về Kinh tế, kỹ năng dành cho giới trẻ toàn cầu. JA được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2022. Thông qua bộ môn kinh doanh - hướng nghiệp, học sinh được nâng cao tư duy tài chính cá nhân, tư duy hướng nghiệp, tư duy khởi nghiệp và cải thiện 4 kỹ năng trụ cột bao gồm giao tiếp, sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Tôi tin rằng những kỹ năng và kiến thức đó sẽ cần thiết cho nhiều môn học cũng như cuộc sống của học sinh.
Cụ thể, học sinh khối 6 sẽ được học về tiền bạc, ngân sách, lên lớp 7 sẽ bắt đầu tìm hiểu về doanh nghiệp khởi nghiệp và quảng cáo. Chương trình cho học sinh lớp 8 sẽ tập trung vào hướng nghiệp cơ bản và chương trình lớp 9 sẽ xoay quanh việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Những nội dung trên sẽ được phát triển với kiến thức sâu hơn hơn trong chương trình phổ thông.
Bài học từ đôi Biti's tới lon Pepsi
Trên thực tế, với đặc thù là một môn học mới, không dễ để học sinh có thể bắt nhịp nhanh với nội dung học. Các giáo viên phải thực sự sáng tạo, đầu tư vào nội dung giảng dạy để việc học hiệu quả và học sinh tìm được niềm hứng khởi trong môn học kinh doanh - hướng nghiệp.
Chúng tôi sử dụng rất nhiều các trò chơi, hoạt động tương tác trong giờ học để đạt được mục đích giúp học sinh làm chủ kiến thức, có khả năng vận dụng trong thực tế. Ngoài các bài giảng trên lớp, thầy cô cũng tìm cơ hội để học sinh có thể tham quan các mô hình kinh doanh thực tế, tìm hiểu các công ty, hình thành phẩm chất nghề nghiệp. Học sinh sẽ có cơ hội trở thành giáo viên, học tập chủ động và truyền thụ kiến thức tới bạn bè.
Đặc biệt, các giờ học kinh doanh - hướng nghiệp không bắt đầu bằng những kiến thức khô khan. Luôn mở đầu bằng những câu hỏi để xem thế giới đang có gì biến động, những câu chuyện kinh doanh - marketing nào đang trở thành xu thế. Ở đó, phải kéo học sinh vào cuộc trò chuyện, thảo luận, tạo một không gian chia sẻ mở và học sinh thấy kiến thức không còn xa lạ. Các bài học thường đi từ những case study (tình huống thực tế) phù hợp và gần gũi với học sinh.
Chẳng hạn, khi học về quảng cáo, tôi cho học sinh xem series clip "Đi để trở về" của Biti's để cùng nhau thảo luận về những thông điệp đằng sau sản phẩm. Học sinh đa phần đều biết tới ca sĩ Soobin Hoàng Sơn cũng như những MV trẻ trung, gần gũi với các bạn. Hoặc trong bài học về xây dựng thương hiệu với học sinh khối 9, chiến dịch Pepsi cùng ban nhạc Black Pink được đưa ra làm ví dụ khi các sản phẩm Pepsi in hình thành viên Black Pink được săn lùng ráo riết trên thị trường. Muốn dạy học sinh được với môn học mới phải nói đúng "ngôn ngữ" của các bạn, hiểu được những điều người trẻ quan tâm và hứng thú.
Kỉ niệm đáng nhớ là khi hỏi học sinh lớp 6 rằng các em muốn làm gì, bên cạnh các câu trả lời như Youtuber, kỹ sư, bác sĩ, có một bạn học sinh đã trả lời rằng muốn làm thợ hồ khi quan sát những người thợ hồ làm việc với niềm hạnh phúc, bởi "niềm hạnh phúc của một người thợ hồ đâu có ít hơn niềm hạnh phúc của một giám đốc".
Vì thế, những bài học ở môn kinh doanh - hướng nghiệp không chỉ quan trọng với học sinh. Đôi khi chính các quan sát tinh tế của học sinh lại mang đến cho mình những góc nhìn đa dạng về cuộc sống và giáo viên cũng là người được học rất nhiều.
ThS Nguyễn Trọng Tùng - Trưởng bộ môn Kinh doanh - Hướng nghiệp, Trường Phổ thông Dewey.
Yêu cầu trả lại hơn 300 triệu đồng nhà trường thu sai của phụ huynh học sinh Ngày 15/8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phán, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết đang đôn đốc, giám sát Trường THCS thị trấn Núi Đối trả lại toàn bộ số tiền hơn 300 triệu đồng thu sai của phụ huynh học sinh. Trước đó, theo phản ánh của một số phụ huynh, khi đi làm thủ...