Kon Tum: 74 HS dân tộc thiểu số có dự án thi KHKT cấp tỉnh
Ngày 14/1, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh Trung học năm học 2020 – 2021.
Đây là cuộc thi được Sở GD&ĐT tổ chức hàng năm nhằm mục đích phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Bên cạnh đó, khuyến khích học sinh sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, góp phần đổi mới hình thức dạy và học…
Cuộc thi khoa học, kĩ thuật năm nay có 143 dự án (tăng 58 sự án so với năm học 2019-2020) của 258 học sinh thuộc các trường THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, số lượng học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn là 74 học sinh.
Trường THPT Lê Lợi với dự án “Đàn Ting Ning của các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Trong cuộc thi, lĩnh vực có nhiều dự án tham gia nhất là Kỹ thuật cơ khí với 26 dự án, Khoa học xã hội và hành vi có 24 dự án… Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô, Phòng GD&ĐT huyện Kon Plong, Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi, Trường THPT Trường Chinh… có nhiều dự án tham gia dự thi.
Các thí sinh tham dự Cuộc thi phải trải qua 2 phần thi: Kết quả hồ sơ dự thi và trưng bày, trình bày dự án, trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo.
Video đang HOT
Cuộc thi diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/1/2021.
"Góp gạo, thổi cơm chung" nuôi học trò vùng nghèo khó
Để góp phần duy trì sĩ số học sinh đến lớp đều đặn, thầy cô giáo trường tiểu học Đắk Hà ở xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã nghĩ ra ý tưởng "góp tiền" nấu ăn trưa cho 82 học sinh tại điểm trường lẻ. Nhờ vậy các em được ăn ngon và có sức để học con chữ...
Cô Hồ Thị Thủy Vân chia thức ăn cho các em học sinh ở điểm trường thôn Ty Tu
Từ TP Kon Tum vượt gần 70 km theo đường Hồ Chí Minh rồi rẽ vào Quốc lộ 40B, chúng tôi tìm đến trường Tiểu học Đắk Hà (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông). Ngôi trường nằm sát ngay bên tuyến đường huyết mạch chạy ngang qua trung tâm huyện, xung quanh được bao bọc bởi rừng núi và các con suối. Học sinh ở đây đa số là người Xơ Đăng.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Hồ Thị Thủy Vân, hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2020 - 2021 toàn trường có 42 cán bộ, giáo viên, 622 học sinh trong đó có 587 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Trường có 5 điểm trường với 24 lớp.
Trong số này có điểm trường thôn Ty Tu cách xa điểm trường chính khoảng 4km, điều kiện đi lại còn khó khăn. Điểm trường này có 3 lớp (1, 2, 3) với 82 em học sinh, chủ yếu sinh sống ở các làng Ty Tu, Đắk Tờ Trang và Kon Linh. Trước đây, học sinh ở điểm trường này học 2 buổi/ngày nên sau khi học xong buổi sáng các em lại về nhà ăn cơm.
Tuy nhiên, do nhà xa nên sau khi tan học buổi trưa các em về nhà rồi nghỉ luôn buổi học chiều. Thương học trò, cô Vân cùng với tập thể cán bộ, giáo viên trong trường đã tự nguyện góp tiền (mỗi tháng 100.000 đồng) để nấu bữa cơm trưa để các em tiếp tục bám trường học chữ.
"Sau khi về trường tôi tìm hiểu và nắm được tại điểm trường thôn Ty Tu học sinh đến lớp buổi chiều rất ít, nhiều khi chỉ được 50% học sinh, dù giáo viên đã nỗ lực vận động. Nguyên nhân chủ yếu là đời sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn nên phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con cái.
Hơn nữa, bố mẹ các em lo đi làm rẫy đến tối mới về nên thường bữa trưa các em ở nhà chỉ có cơm nguội với cá khô được chuẩn bị từ sáng. Thậm chí, có nhiều em còn nhịn đói buổi trưa, nên không thể học hết buổi. Các em cũng không thể ngày nào cũng đi bộ 4km về nhà ăn cơm rồi quay lại trường học tiếp", cô Vân chia sẻ.
Thầy giáo A Knốt (56 tuổi, làng Kon Pia, xã Đắk Hà) cho biết: "Tôi dạy ở trường này đã nhiều năm. Học sinh nơi đây thường chỉ đi học đều vào buổi sáng, còn buổi chiều đi không đầy đủ. Vì vậy, khi cô Vân đề xuất tổ chức bữa cơm trưa để giữ chân học trò là tôi tán thành ngay. Tất cả giáo viên trong trường đều đồng ý tự nguyện góp mỗi người 100.000 đồng/tháng".
Thức ăn sau khi được nấu ở điểm trường chính được thầy cô giáo xếp gọn gàng trong thùng xốp rồi vận chuyển đến điểm trường thôn
Do điểm trường thôn Ty Tu cách xa điểm trường chính, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, cho nên nhà trường quyết định tổ chức nấu ăn ở điểm trường chính, sau đó các thầy, cô sẽ vận chuyển đến điểm trường thôn cho các em học sinh.
Khi thức ăn chở đến, các thầy cô giáo dạy tại điểm trường thôn cùng 2 thầy giáo chở thức ăn tiến hành phân phát, chia đồ ăn cho từng học sinh. Thầy Nguyễn Quốc Hợi cho hay, trước đây khi chưa có bữa ăn, do gia đình khó khăn nên khi đi học về có em học sinh phải ăn cơm trắng với muối, cá khô. Có em còn nhịn đói vì cha mẹ đi làm rẫy, ở nhà không ai nấu cơm cả.
Đặc biệt, là buổi chiều học sinh thường vắng rất nhiều. Nhưng kể từ khi bữa ăn được tổ chức, các em đến lớp đều và đủ hơn nhiều. Lũ trẻ giờ lại thích đi học và chịu khó học tập. "Nhìn những đứa trẻ ăn ngon miệng, gọn gàng, sạch sẽ, sau đó còn tự giác mang bát đến nhà dân gần đó (vì điểm trường không có nước) rửa sạch sẽ điều đó càng tiếp thêm động lực để thầy cô giáo ở đây tận tâm hơn nữa chăm lo cho sự nghiệp giáo dục", thầy Hợi xúc động nói.
Đánh giá về việc làm này, ông Dương Thái Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà nói: "Việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh ở điểm trường thôn Ty Tu của trường tiểu học Đắk Hà là một mô hình mang đậm tính nhân văn, đầy tình thương và trách nhiệm.
Thời gian tới, chính quyền xã Đắk Hà sẽ tạo mọi điều kiện và phân bổ kinh phí từ nguồn huy động xã hội hóa để thầy cô tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình bữa ăn tình thương đến các điểm trường khó khăn". Ông An Văn Sáu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện hầu hết các trường đều khó khăn, nằm ở vùng đồi núi hiểm trở.
Đồng thời, các phụ huynh còn chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục nên các giáo viên phải rất vất vả đi vận động học sinh đến trường. Để duy trì sĩ số và tăng chất lượng giáo dục, một số trường trên địa bàn huyện đã tổ chức "bếp tình thương" để giữ chân học trò. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phát động phong trào các trường nuôi gà, lợn để cải thiện bữa ăn cho học sinh.
"Chúng tôi luôn ghi nhận và tự hào với sự đóng góp của cán bộ giáo viên nơi đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân quan tâm, hỗ trợ để các em học sinh vững bước đến trường", thầy An Văn Sáu bày tỏ.
Việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh ở điểm trường thôn Ty Tu của trường tiểu học Đắk Hà là một mô hình mang đậm tính nhân văn, đầy tình thương và trách nhiệm. Thời gian tới, chính quyền xã Đăk Hà sẽ tạo mọi điều kiện và phân bổ kinh phí từ nguồn huy động xã hội hóa để thầy cô tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình bữa ăn tình thương đến các điểm trường khó khăn.
(Ông DƯƠNG THÁI KHOA, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà)
Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Kon Tum: Còn nhiều khó khăn Trường MN Bằng Lăng (xã Vinh Quang, TP Kon Tum) có 4 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường chính và 3 điểm trường phụ. Trường có 267 học sinh là người dân tộc Banar, chiếm 66% tổng số học sinh toàn trường. Thực hiện Đề án 1008/QĐ-TTg ngày 2-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiếng Việt cho trẻ...