Kinh tế toàn cầu năm 2020: Từ góc nhìn dự báo
Năm 2019, thế giới trải qua những biến động phức tạp khó lường về an ninh nói chung, trong đó có an ninh kinh tế, khiến các tổ chức kinh tế – tài chính thế giới và khu vực buộc phải điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng. Năm 2020, được dự báo kinh tế toàn cầu tuy có một vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục “bấp bênh, ảm đạm”.
Dự báo kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục bấp bênh (ảnh: taichinhtoancau)
Từ sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng…
Cho đến nay các tổ chức kinh tế lớn như: OECD, WTO, ECLAC, IMF, WB, ADB,… đều đưa ra các dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020. Cách tiếp cận, phân tích, đánh giá và dự báo của mỗi tổ chức tuy có sự khác nhau, nhưng đều có điểm chung là nhận định: tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục “suy giảm”, “bấp bênh” bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là thương chiến Mỹ – Trung kéo dài và ẩn chứa nhiều nguy cơ.
OECD và IMF đều dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng giảm sút, nhưng mức tăng có sự khác nhau với 2,9% và 3,4% cho năm 2020. WTO sau khi hạ dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống chỉ còn một nửa và dự báo năm 2020 là 2,7%, giảm so với mức 3% trước đó.
Đối với Mỹ Latin ngày 11/11/2019, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của LHQ (ECLAC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2019 còn 0,1% và năm 2020 là 1,4%, bởi 17/20 quốc gia có tốc độ chậm lại. Với châu Á, ngày 11/12/2019 ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 5,2% cho cả 2 năm 2019 và 2020.
Điều đáng chú ý là, cả OECD và IMF đều nhận định kinh tế thế giới năm 2021 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi với mức tăng chỉ là 3,0%, thậm chí, IMF cho rằng, “kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ năm 2008-2009″, còn Tổng giám đốc WTO lại đánh giá triển vọng là “không mấy tươi sáng”.
Theo IMF, kinh tế Mỹ năm 2020, tuy mức tăng trưởng sụt giam chỉ còn 2,0% – 2,1%, thấp hơn năm 2019, nhưng vẫn được đánh giá là “điểm sáng” trên vũ đài kinh tế toàn cầu. Với ADB trong khi hạ dự báo khu vực, nhưng lại nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020. Còn WB lại tỏ ra lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế của Nga với 1,6% cho năm 2020 và 1,8% cho năm 2021.
Đối với các nước và khu vực khác như: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Anh, Eurozone… cũng tăng trưởng chậm lại. Theo đó, khu vực Eurozone năm 2020 chỉ tăng ở mức 1,4%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó. Đức và Anh cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 1,2% và 1,4% trong năm 2020.
Đến những rủi ro cho nền kinh tế…
Video đang HOT
Theo giới nghiên cứu, dự báo năm 2020 sẽ có một số rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Sự kiện bầu cử ở Mỹ, liên quan đến sự phân hóa giàu nghèo, việc đảng Dân chủ đưa ra chính sách tăng thuế đối với những người giàu; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết; và sự không rõ ràng trong các chính sách, khiến giới đầu tư và người tiêu dùng quan ngại. Những rủi ro đối với thị trường năm 2020 có thể được phân ra các nhóm sau:
Về chính trị – xã hội: Sựgia tăng bất bình đẳng của cải, thu nhập và chăm sóc y tế; bầu cử Tổng thống tác động đến chính sách thuế, quản lý Nhà nước và đầu tư tài sản cố định; nhà đầu tư nước ngoài quay lưng lại với thị trường tín dụng và trái phiếu chính phủ Mỹ sau cuộc bầu cử; sự kiện luận tội Tổng thống Trump và nguy cơ Chính phủ bị đóng cửa.
Về quan hệ thương mại. Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 2 vẫn đang trong quá trình đàm phán, tiếp tục gây bất ổn, kiềm chế đầu tư tài sản cố định; vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số, các quy định chống độc quyền, bảo hộ quyền riêng tư… dẫn đến gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh EU.
Sự tăng trưởng chậm lại ở các nước. Trung Quốc, EU, Nhật Bản, việc Fed giữ nguyên lãi suất trong năm bầu cử… khiến đồng USD liên tục lên giá; Mỹ và EU có thể mở rộng chính sách tài khóa và lãi suất đáo hạn dài kỳ; Cung – cầu trái phiếu chính phủ Mỹ mất cân đối trong lãi suất giao dịch mua, bán lại chứng khoán có kỳ hạn (repo) gây ra; sự phân biệt giữa xếp hạng tín dụng tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng rõ nét hơn.
Về giá trị chứng khoán. Với nợ lãi suất âm tăng lên khiến nhà đầu tư toàn cầu trở lại cuộc săn tìm lãi suất tín dụng Mỹ; Lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm dẫn tới chi tiêu cho mua lại cổ phiếu giảm sút; ngành công nghiệp ô tô toàn cầu tụt dốc; giá nhà ở Australia, Canada và Thụy Điển rơi tự do; bất ổn liên quan đến Brexit, khiến gia tăng rủi ro cho thị trường toàn cầu. Ngoài ra những nhân tố an ninh phi kinh tế như: quân sự, chính trị, ngoại giao và môi trường… cũng tác động xấu đến an ninh kinh tế toàn cầu.
Và những tác động không mong muốn
Theo giới chuyên gia, tác nhân lớn và xuyên suốt nhất trong năm 2020 đối với an ninh kinh tế toàn cầu là cuộc thương chiến Mỹ – Trung. Bởi đây là cuộc chiến giữa 2 cường quốc nhằm giữ và giành ngôi vị số 1 trong trật tự thế giới mới đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình. Vì thế, các kịch bản cho hồi kết hiện vẫn khó đoán định. Tuy nhiên, năm 2020 giới chuyên gia cũng đưa ra dự báo các kịch bản như sau:
Một là, Cuộc thương chiến Mỹ-Trung được kiểm soát. Theo đó, 2 bên sau khi ký thỏa thuận giai đoạn 1 và định hướng đàm phán giai đoạn 2 nhằm vào các bất đồng mang tính cốt lõi. Kịch bản này sẽ giúp thúc đẩy triển vọng kinh tế toàn cầu, qua việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng, khiến kinh tế thế giới có thể được cải thiện ít, nhiều.
Hai là, Thương chiến chuyển hóa thành chiến tranh công nghệ. Theo đó, 2 bên đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, nhưng gác lại định hướng đàm phán tiếp theo. Sự “đình chiến” để chuẩn bị cho cuộc đấu mới với lý do an ninh quốc gia. Theo đó, Nhà Trắng sẽ chặn đà bành trướng của Huawei. Đây là kịch bản sẽ dẫn tới sự “ảm đạm” của các nền kinh tế lớn và tác động toàn cầu.
Ba là, Cuộc chiến tranh hỗn hợp. Theo đó, thỏa thuận thương mại (giai đoạn 1) bị suy yếu, trong khi 2 bên không đạt được định hướng đàm phán dài hạn. Thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ sẽ cản trở đầu tư nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu. Khiến kinh tế thế giới phải hứng chịu các hậu quả tồi tệ nhất, đặc biệt khi Mỹ viện tới các công cụ quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao… để kiềm chế sự đáp trả của Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là sự cọ sát giữa 2 đại chiến lược nước Mỹ trên hết và Trung Quốc soán ngôi số 1 vào năm 2035. Vì thế, lời cảnh báo của IMF về nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào giai đoạn “giảm tốc đồng bộ”, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đi chệch khỏi kịch bản 1, thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Như vậy, năm 2020 được dự báo tiếp tục là một năm ghi dấu ấn của chính sách “Nước Mỹ trên hết” và tham vọng “Ngôi vị số một thế giới của Trung Quốc”, cùng với sự điều chỉnh chiến lược và chính sách của các cường quốc thế giới, khu vực… khiến cho nền kinh tế toàn cầu tiếp tục “ảm đạm và bấp bênh”. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, an ninh kinh tế toàn cầu sẽ diễn biến hết sức phức tạp và sự bất ổn có thể còn kéo dài sang cả năm 2021 là có cơ sở.
Theo Nguyễn Nhâm/dangcongsan.vn
Suy thoái và câu chuyện lãi suất âm
Đề cập tới chính sách tiền tệ của Tổng thống Donald Trump, các học giả kinh tế đúc kết lại một câu: Mỹ phải có mức lãi suất thấp nhất trên thế giới. Đây sẽ là lợi thế đối với các nhà sản xuất và nhất là các nhà xuất khẩu Mỹ vì lãi suất thấp hơn sẽ gây sức ép giảm giá đồng USD, khiến hàng hóa Mỹ trở nên rẻ hơn ở nước ngoài.
Câu chuyện Nhật Bản
Đó là câu chuyện khi lãi suất của Nhật Bản đã trượt xuống mức âm khi chính phủ và ngân hàng trung ương nước này tìm cách đối phó với thời kỳ đình trệ dai dẳng sau khi bong bóng khổng lồ trên thị trường bất động sản và chứng khoán nước này tan vỡ vào năm 1990. Hạ lãi suất là nhằm mục đích khuyến khích các công ty đầu tư và đồng thời cũng có xu hướng làm tăng lạm phát - hai mục tiêu mà Nhật Bản khi ấy muốn đạt được trong bối cảnh giá cả và tiền lương không ngừng đi xuống. Trong khi đó, chính phủ phát động các chương trình chi tiêu theo từng đợt liên tiếp, đẩy nợ của nước này lên mức cao kỷ lục.
Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trong lịch sử chuyển sang chính sách lãi suất bằng 0 vào năm 1990, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tìm cách ngăn không cho nền kinh tế nước này rơi vào giảm phát bằng việc cho phép người dân tiếp cận vốn vay mà hầu như không một chút phí tổn nào. Họ hy vọng rằng sau đó các ngân hàng sẽ cấp vốn cho các công ty xứng đáng và rồi những công ty này sẽ đầu tư, đem lại kết quả là sẽ gia tăng nguồn cung tiền dẫn tới lạm phát.
Biện pháp này không đạt hiệu quả như kế hoạch và nền kinh tế vẫn vướng vào bẫy thanh khoản mà ở đó các nhà đầu tư, khi phải đối mặt với lợi nhuận gần như bằng 0, gửi tiền trở lại vào các tài khoản ngân hàng, nơi mà khoản tiền đó trên thực tế được rút ra khỏi nền kinh tế.
Việc viện tới những biện pháp cực đoan như vậy để kích thích một nền kinh tế trì trệ dai dẳng từng bị coi là "vấn đề Nhật Bản", phản ánh bản chất khác thường của nền kinh tế và tính cách dân tộc của Nhật Bản.
Chính sách kích thích của Nhật Bản đã trở nên quyết liệt hơn trong năm 2013 dưới thời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Haruhiko Kuroda, người đã cam kết tiến hành các biện pháp còn mạnh mẽ hơn chính sách nới lỏng định lượng mà FED đã khởi xướng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông đã tiến hành một đợt mua sắm ồ ạt mà chưa ngân hàng trung ương nào từng thực hiện và gọi đó là "nới lỏng tiền tệ về định lượng và định tính".
Mục tiêu của Kuroda là bơm đủ tiền để kéo việc tăng lạm phát lên mức 2% trong 2 năm. Quả thật đã có một số tiến bộ. Thay vì giảm phát với tỷ lệ từ 0,5% đến 1,0%, ông đã tạo ra lạm phát với tỷ lệ khá ổn định, dao động quanh mức gần 1%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giờ đây chi tới 80.000 tỷ yên (735 tỷ USD) mỗi năm để mua vào trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Họ cũng hoạt động trong thị trường chứng khoán, mua vào cổ phiếu của các quỹ hoán đổi danh mục và các quỹ đầu tư ủy thác bất động sản.
Đằng sau tất cả là biện pháp này đã mở rộng bảng cân đối kế toán của ngân hàng Nhật Bản tới mức có thể gây nguy hiểm. Tài sản và nợ phải trả của ngân hàng này đang lớn gấp 2,5 lần so với khi ông Kuroda nhận chức và lớn hơn toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản chi tới 80.000 tỷ yên mỗi năm để mua vào trái phiếu chính phủ.
Lý giải
Theo lý thuyết kinh tế truyền thống, việc mở rộng tiền tệ như vậy sẽ thúc đẩy siêu lạm phát mà trên thực tế sẽ khiến một quốc gia phá sản, như trường hợp nước Đức trước chiến tranh. Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua trái phiếu cho phép chính phủ tiếp tục chi tiêu thâm hụt mà không phải chịu rủi ro từ việc lãi suất tăng làm giảm tốc độ tăng trưởng hơn nữa. Dù phản đối mạnh mẽ quan điểm cho rằng họ đã tiền tệ hóa nợ công nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện nắm giữ khoảng 45% tổng số trái phiếu chính phủ của Nhật Bản.
Và Nhật Bản không phải là nước duy nhất. Sau khi thử áp dụng lãi suất âm vào năm 2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu giờ đây đã quyết liệt trở lại với chính sách này khi ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi xuống -0,5% vào tháng 9-2019 dù đã có những bước đi nhằm bảo vệ một số khoản tiền gửi trước mức lãi suất mới này.
Theo Chỉ số nợ lợi tức âm toàn cầu của Bloomberg Barclays, nợ có lợi tức âm đã đạt mức kỷ lục 17.000 tỷ USD vào tháng 8. Từ đó đến nay con số này đã giảm nhưng loại hình nợ này vẫn tương ứng với khoảng 15% đến 25% thị trường trái phiếu toàn cầu.
Martin Schulz, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo cho biết: "các ngân hàng trung ương về cơ bản chỉ sử dụng lãi suất âm như một biện pháp tình thế nhưng cuối cùng họ cũng hiểu ra rằng giai đoạn này sẽ kéo dài hơn nhiều so với họ tưởng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hoàn toàn đúng về xu hướng này".
Bản thân khái niệm lãi suất âm đã trái với lẽ thường. Vì lẽ gì mà người ta phải đưa tiền của mình cho ai đó chỉ để nhận lại ít hơn sau một khoảng thời gian? Khi thị trường tài chính giao sau của Nhật Bản bắt đầu thay đổi hệ thống phần mềm giao dịch của họ vào năm 2001 để các nhà giao dịch thị trường tiền tệ có thể nhập vào các số âm, nhiều người đã tỏ ý hoài nghi. Hóa ra trong hệ thống tài chính, các nhà đầu tư vẫn có những lý do để mua chí ít là nợ ngắn hạn với lãi suất âm.
Một trong số đó là vấn đề về sự tiện lợi - các chứng khoán có thanh khoản cao như tín phiếu kho bạc Mỹ là cách dễ dàng để các ngân hàng quản lý lượng tiền mặt mà họ nắm giữ và đáp ứng các quy định về mức vốn của họ. Ngoài ra, người ta còn mua nợ có lợi tức âm dựa trên một lý do đi ngược lại logic thông thường: Họ kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong tương lai, điều sẽ làm gia tăng giá trị của các trái phiếu hiện tại.
Ngọc Lan (theo Foreign Policy)
Fed bác bỏ ý tưởng đưa lãi suất chuẩn xuống mức âm Fed đã bác bỏ ý tưởng đưa lãi suất chuẩn xuống mức âm, dù đây là điều mà Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi ngân hàng trung ương này thực hiện trong thời gian qua. Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN Biên bản cuộc họp tháng Mười mới công bố của Cục...