Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm nhất trong hơn một năm qua
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/10 cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong quý III đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.
Một phố mua sắm ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo đó, trong quý III, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ đạt 2%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6,7% ghi nhận trong quý trước đó và là mức thấp nhất kể từ quý II/2020. Chi tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, tăng 1,6% sau khi tăng mạnh mẽ 12% trong quý II trước đó.
Nhà kinh tế cấp cao tại Moodys Analytics – ông Ryan Sweet, nhận định biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 là nguyên nhân lớn nhất khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc đáng kể. Tuy vậy, ông cho rằng đà tăng sẽ quay trở lại vào quý IV và nửa đầu năm 2022 khi tình hình dịch COVID-19 lắng dịu.
Theo khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III có thể ở mức 2,7%. Tuy nhiên, cuộc khảo sát này được tổng hợp trước khi dữ liệu công bố ngày 27/10 cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng mạnh trong tháng 9/2021 trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm.
Thâm hụt thương mại hàng hóa cao kỷ lục đã khiến một số ngân hàng niêm yết ở thị trường chứng khoán Phố Wall hạ dự báo tăng trưởng GDP của kinh tế Mỹ, trong đó Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng khoảng 0,5 điểm phần trăm xuống mức 2,75%.
Chủ tịch FED: Còn 'quá sớm' để tăng lãi suất cơ bản
Bất chấp nguy cơ lạm phát cao ở Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng sẽ là "quá sớm" nếu tăng lãi suất và gây rủi ro tới các nỗ lực phục hồi nền kinh tế.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một phát biểu ngày 22/10, ông Powell thừa nhận rằng những hạn chế và thiếu hụt về nguồn cung đã khiến giá cả tăng mạnh và tình trạng này "dường như sẽ kéo dài hơn so với dự kiến trước đây, cõ lẽ là tới năm sau". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh "cần phải kiên nhẫn".
Theo Chủ tịch FED, ngân hàng này đang "đi đúng hướng" để giảm mua các khoản trái phiếu hằng tháng khổng lồ và công việc này được dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ còn quá sớm nếu thực sự thắt chặt chính sách bằng cách tăng lãi suất ngay thời điểm này, vì điều đó sẽ khiến làm chậm tốc độ tăng trưởng việc làm.
Các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ thông báo việc giảm mua trái phiếu tại cuộc họp chính sách của FED vào đầu tháng tới, nhưng mức chuẩn lãi suất cho vay được dự báo sẽ vẫn ở mức 0 ít nhất cho đến cuối năm sau.
Lạm phát ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà ngân hàng này đặt ra. Tuy nhiên, ông Powell cho biết các nút thắt nguồn cung có khả năng sẽ được nới lỏng dần, theo đó áp lực lạm phát và tiền lương cũng giảm theo. Chủ tịch FED khẳng định ngân hàng này sẽ có biện pháp để kiềm chế lạm phát trong trường hợp cần thiết.
Theo báo cáo được chuẩn bị trước cuộc họp chính sách tiếp theo của FED vào ngày 2-3/11 tới, ngân hàng này dự kiến công bố kế hoạch bắt đầu thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng. Khi lạm phát liên tục tăng từ đầu năm đến nay, FED dự báo lãi suất cơ bản tại Mỹ có thể thoát mức 0% sớm nhất là trong năm tới. Trong biên bản sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, công bố ngày 13/10, các quan chức FED cho rằng lạm phát có nguy cơ tiếp tục tăng vì tâm lý lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu lao động có thể kéo dài và kéo theo những tác động lớn hơn hoặc dai dẳng hơn đến giá cả và tiền lương so với những dự tính hiện tại. Các quan chức cũng nhất trí nếu đà phục hồi kinh tế tiếp tục duy trì đúng lộ trình hiện nay, việc thu hẹp dần và tiến tới chấm dứt chương trình kích thích kinh tế vào giữa năm 2022 là hợp lý.
Theo số liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/10, lạm phát tại nước này trong tháng 9 vẫn tiếp tục tăng khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài đã nhiều tháng. Theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 9, sau khi tăng 0,3% hồi tháng 8. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 9, chỉ số trên đã tăng 5,4%, nhích nhẹ so với mức 5,3% ghi nhận trong 12 tháng tính đến hết tháng 8.
Goldman Sachs cảnh báo 'rủi ro thực sự' về việc Mỹ có thể 'vỡ nợ' Thị trường Phố Wall ngày càng lo ngại về các cuộc tranh cãi giữa các nghị sỹ Mỹ về trần nợ công của chính phủ. Ngày 6/10, ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo các khách hàng rằng Quốc hội Mỹ có thể không tăng hoặc đình chỉ trần nợ công trước thời hạn ngày 18/10. Đồng đô la Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN...