Kinh nguyệt quá ít cũng phải coi chừng
Nếu kinh nguyệt quá ít nhưng không xuất phát từ nguyên do bệnh tật thì bạn cũng không nên lo lắng quá.
Chào bác sĩ, em năm nay 24 tuổi. Từ khoảng 2 năm trở lại đây, em phải “đối phó” với tình trạng kinh nguyệt ra rất ít. Mỗi lần “đến tháng”, kinh nguyệt của em nhiều nhất là ngày (trước đây ít nhất là 5 ngày), lượng băng vệ sinh dùng cho mỗi ngày cũngchỉ bằng một nửa so với bình thường.
Em chưa từng có quan hệ tình dục hay nạo phá thai, cũng không dùng bất kì biện pháp thô bạo nào để can thiệp vào “vùng kín”. Em chỉ uống thuốc điều hòa kinh nguyệt duy nhất một lần từ cách đây rất lâu (khoảng 3 năm trước, khi đó kinh nguyệt của em thất thường, 2 tháng mới có 1 lần).
Chính vì lượng kinh nguyệt quá ít như hiện nay mà em vô cùng lo lắng vì em sợ ảnh hưởng đến kì kinh nguyệt. Bác sĩ có thể tư vấn cho em cách nào để “đối phó” với tình trạng này không? Em xin cảm ơn! (Thu Nguyễn)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Video đang HOT
Thu Nguyễn thân mến,
Kinh nguyệt là một đặc điểm sinh lý mà chỉ có ở người phụ nữ, nhưng rõ ràng là nếu kinh nguyệt quá ít so với bình thường thì chị em nào cũng vô cùng lo lắng. Thực tế, kinh nguyệt ra nhiều hay quá ít là do đặc điểm cơ địa của mỗi người. Nhưng trong trường hợp lượng máu kinh bất thường (khác hẳn so với trước đó) thì đều có thể là dấu hiệu phản ánh một số bệnh phụ khoa và chị em cần đi khám sớm.
Ảnh minh họa
Hiện tượng kinh nguyệt ra ít có thể xuất phát từ nguyên nhân màng trong tử cung bong ra bất thường (có thể là do màng tử cung không được sản sinh ra nên không có nhiều để bong), hoặc do những bệnh ở tử cung như u xơ tử cung, viêm cổ tử cung… gây nên.
Một số nguyên nhân chủ quan như không chú ý vệ sinh kinh nguyệt, bị lạnh hoặc nóng quá, tinh thần căng thẳng… cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kinh nguyệt quá ít.
Có nhiều nguyên nhân làm kinh nguyệt không đều, ví dụ như chế độ ăn không hợp lý, thiếu chất đạm, thiếu vitamin, chủ yếu là nhóm vitamin có liên quan trực tiếp đến hoạt động nội tiết sinh dục (vitamin E, C và A), do áp lực, căng thẳng trong công việc, trong học tập, trong gia đình, cơ quan, tình cảm cá nhân…
Trong trường hợp của bạn, bạn không nói rõ sự thay đổi về kinh nguyệt có gần với thời điểm bạn uống thuốc điều hòa kinh nguyệt hay không nên rất khó để cho rằng loại thuốc này có tác động đến “đèn đỏ” của bạn. Kinh nguyệt quá ít trong 2 năm nhưng lại đều đặn và không có biểu hiện bất thường kèm theo như đau bụng, máu kinh có mùi môi, màu sắc đậm đặc… thì bạn không cần quá lo lắng. Có thể tại thời điểm cách đây 2 năm, cơ thể bạn có sự thay đổi hormone kéo theo thay đổi kinh nguyệt. Sau đó, sự cân bằng hormone được giữ ổn định và chu kì kinh của bạn cũng ổn định theo hướng thay đổi đó.
Để yên tâm hơn, bạn có thể đi khám phụ khoa để biết liệu có nguyên nhân nào khác gây ra tình trạng kinh nguyệt quá ít hay không. Nếu kinh nguyệt quá ít nhưng không xuất phát từ nguyên do bệnh tật thì bạn cũng không phải lo lắng quá. Bạn có thể học cách đối phó với tình trạng này bằng các biện pháp sau đây:
- Tạo cho mình có cuộc sống vui vẻ thoải mái, chế độ ăn uống, học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
- Thường xuyên vận động thể dục thể thao giúp máu huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng thần kinh và stress.
- Vệ sinh phụ nữ đúng cách để tránh viêm nhiễm sinh dục (sau mỗi lần tiêu tiểu vệ sinh sạch sẽ và lau khô ráo vùng kín. Nên thay băng vệ sinh sau 3- 4 giờ để đảm bảo vệ sinh chứ đừng vì thấy kinh nguyệt quá ít mà không thay thường xuyên).
Bạn cần lưu ý giảm lượng muối trong lúc chế biến, đồng thời kiểm soát cả lượng caffeine, đường và đồ uống có cồn mà bạn tiêu thụ hàng ngày. Hãy đi khám phụ khoa nếu như lượng máu ra nhiều kèm theo những cơn đau không bình thường.
Chúc bạn vui, khỏe!
Theo VNE