Kinh nghiệm quốc tế về cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra cho cơ sở Giáo dục đại học công lập
Cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra cho cơ sở giáo dục đại học công lập là chủ đề nhận được chú ý gần đây trên nhiều diễn đàn chính sách và học thuật tại Việt Nam.
Bài viết giới thiệu một số cơ chế cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới như: Cấp ngân sách theo công thức đầu ra, hợp đồng chất lượng, quỹ cạnh tranh và học bổng cho sinh viên xuất sắc. Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng cho các nhà làm chính sách trong việc thiết kế các chính sách cho giáo dục đại học trong thời gian tới.
Cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra cho cơ sở giáo dục đại học công lập. Nguồn: Internet.
Một số cơ chế cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra trên thế giới
Về mặt bản chất, cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra được xem như là một giải pháp để thay thế cho cơ chế cấp ngân sách hiện hành bị chỉ trích vì không hiệu quả và nhiều lãng phí (Boer và cộng sự, 2015) chủ yếu theo cơ chế thường xuyên và dựa vào dữ liệu lịch sử. Có 4 mô hình cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra đang được áp dụng tại một số nước trên thế giới: (i) Cấp ngân sách căn cứ theo công thức đầu ra; (ii) Cấp ngân sách theo hợp đồng chất lượng; (iii) Cấp ngân sách theo quỹ cạnh tranh; (iv) Cấp học bổng.
Cấp ngân sách nhà nước căn cứ theo công thức đầu ra
Cấp ngân sách nhà nước (NSNN) căn cứ theo công thức đầu ra (Mills, 2014) là phương thức cấp ngân sách hay được đưa ra để so sánh với cơ chế cấp NSNN theo công thức đầu vào (Jongbloed, 2001).
Các tiêu chí thường được dùng làm căn cứ để cấp ngân sách đầu ra là: Số lượng/tỷ lệ tốt nghiệp (các cấp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) đúng hạn; Số lượng/tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm; Số lượng/chất lượng bài báo khoa học được công bố. Trong khi đó, tiêu chí thường được dùng để cấp ngân sách đầu vào là: Số lượng sinh viên nhập học; Số lượng cán bộ/giảng viên. Một số nước đang áp dụng phương thức cấp ngân sách dựa trên kết quả đầu ra bao gồm: Đan Mạch, Anh Quốc, Hà Lan…
Cấp ngân sách nhà nước theo hợp đồng chất lượng
Cấp ngân sách theo hợp đồng chất lượng là phương thức theo đó Chính phủ và các trường đại học đạt được thỏa thuận như yêu cầu chung (Salmi & Hauptman, 2006). Nhiều quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu đã trích ra một phần NSNN để cấp tiền cho các trường đại học theo phương thức này. Trong khối các nước MENA (các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi), Ma rốc và Tunisia là 2 nước đã áp dụng phương thức kể trên.
Tại Ma rốc, trong khuôn khổ đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) bắt đầu năm 2000 và trong “Chương trình Khẩn cấp 2009 – 2012″ (Emergency Programme 2009-2012), Chính phủ nước này đã bắt đầu các thỏa thuận với các trường đại học công từ năm 2009. Theo đó, các trường đàm phán về kết quả đầu ra (thay vì đầu vào) và ngân sách được cấp cho các trường tương ứng với mức cam kết đầu ra của các trường. Cũng trong năm 2009, Tunisia cũng giới thiệu một chương trình tương tự. Sau những giải thích về mặt phương pháp, các trường đại học công đã nộp “đề án” nhằm thảo luận với Chính phủ, qua đó hướng tới các hợp đồng tuân theo kết quả.
Cấp ngân sách nhà nước theo cơ chế quỹ cạnh tranh
Video đang HOT
Cấp ngân sách theo cơ chế quỹ cạnh tranh là phương thức cấp ngân sách mà theo đó, Chính phủ sẽ dành một khoản ngân sách nhất định giữ lại ở một cơ quan cấp trung ương (có thể là Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính hoặc một Ủy ban quốc gia) (Srlin, 2007) (Mora & Villarreal, 1996). Khoản ngân sách này sẽ dành để phục vụ một mục tiêu cụ thể phục vụ cho hoạt động của GDĐH. Các trường định kỳ (hàng năm hoặc vài năm một) có thể nộp hồ sơ đăng ký và cạnh tranh lẫn nhau để lấy ngân sách bổ sung cho hoạt động của mình (Salmi & Hauptman, 2006). Một số nước đã áp dụng phương thức này (các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi). Thông qua chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Ai Cập, Jordan, Palestine và Tunisia đã thành lập và vận hành các quỹ cạnh tranh (Jaramillo & Melonio, 2011).
Các cách áp dụng khác nhau dẫn tới các kết quả khác nhau. Các bài học rút ra từ các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi là:
- Dành thời gian nghiên cứu về thiết kế đề án: (i) Đưa ra các mức kinh phí tương ứng với từng loại quỹ thành phần; (ii) Xác định rõ tiêu chuẩn, mục tiêu, quy trình của chương trình; (iii) Đảm bảo mức độ khuyến khích phù hợp để các bên liên quan có động lực tham gia cạnh tranh;
- Đảm bảo thực hiện minh bạch và đủ khả năng quản lý: (i) Đảm bảo quy trình chọn lọc chặt chẽ với các tiêu chí công bằng, cụ thể; (ii) Tổ chức và sắp xếp các nguồn kinh phí dựa theo tầm quan trọng, mức độ phức tạp, kinh nghiệm sử dụng quá khứ của từng công cụ; (iii) Đảm bảo việc thẩm định các đề xuất một cách trung lập, khách quan, tin cậy; (iv) Lập ra các quy định thực thi đơn giản đảm bảo tính trách nhiệm giải trình và mức độ tin cậy.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát và đánh giá thường xuyên.
Cấp học bổng
Hình thức phổ biến nhất là cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi, có năng lực vượt trội (Cornwell & Mustard, 2007). Việc cấp học bổng có thể được cấp từ đầu khoá học cho toàn bộ chương trình đào tạo hoặc cấp theo từng năm. Nga là ví dụ tiêu biểu đã áp dụng phương thức cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc. Chính phủ Nga bắt đầu thử nghiệm toàn diện hệ thống tài chính mới dựa trên nghĩa vụ tài chính cá nhân của chính phủ với 5 mức trợ cấp học phí (từ 0 tới 100%) dựa trên số điểm trong kỳ thi đầu vào quốc gia (Marcucci & Johnstone, 2007).
Ngoài việc cấp học bổng cho sinh viên, nhiều nước duy trì hình thức cấp học bổng cho giảng viên. Học bổng này có thể là để giảng viên đi học tiến sỹ hoặc làm hậu tiến sỹ ở nước ngoài. Học bổng cũng có thể dùng để trả lương cho giảng viên xuất sắc trong một khoảng thời gian nhất định. Một trong những chương trình tiêu biểu thuộc nhóm học bổng này là chương trình ARC fellowship của Chính phủ Australia (Akerlind, 2009). Về bản chất, học bổng khác 3 cơ chế kể trên ở chỗ: Nhà nước sẽ cấp tiền trực tiếp cho người dùng (sinh viên, giảng viên) thay vì cấp cho nhà trường, nghĩa là ngân sách được cấp cho bên cầu thay vì bên cung.
Để Việt Nam có thể áp dụng các cơ chế cấp ngân sách theo kết quả đầu ra
Có thể thấy, cơ chế cấp ngân sách theo công thức đầu ra chưa được áp dụng ở Việt Nam. Ngược lại, cơ chế cấp ngân sách theo hợp đồng chất lượng, cơ chế cấp ngân sách theo cơ chế quỹ cạnh tranh và cơ chế cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc đã được áp dụng ở Việt Nam nhưng với phạm vi rất nhỏ.
Mặc dù vậy, cơ chế đầu tư tài chính công chính ở Việt Nam cho GDĐH vẫn là cơ chế cấp ngân sách thường xuyên, dựa trên dữ liệu lịch sử. Thống kê của nhóm tác giả thực hiện từ một cuộc khảo sát với 17 cơ sở GDĐH công phần nào phản ánh điều này. Theo đó, vào năm 2017, trong số 17 cơ sở GDĐH công lập được khảo sát, có đến 77,4% từ nguồn chi của Nhà nước là nguồn thường xuyên căn cứ dữ liệu lịch sử (22,6% còn lại là các nguồn không thường xuyên như: Chi đầu tư cơ sở vật chất, chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của nhà khoa học thông qua cơ chế tuyển chọn, xét chọn hoặc giao nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương…). Điều này là tương đối trái ngược với dữ liệu tương ứng thu thập được từ một số nước trên thế giới.
Như vậy, trong tương lai gần, để đảm bảo hiệu quả của đầu tư công cho GDĐH, việc mở rộng quy mô của các cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả đầu ra là việc cần xem xét. Trong 4 cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả đầu ra kể trên, nhóm tác giả cho rằng, cơ chế cấp ngân sách dựa trên công thức đầu ra là khó khả thi. Điều này xuất phát từ 2 lý do sau:
Thứ nhất, không có chỉ số và phép đo nào là không có nhược điểm, việc chỉ dựa vào một vài chỉ số định lượng mà thiếu đi các đánh giá định tính có nguy cơ dẫn đến đánh giá bị thiên lệch xuất phát từ nhược điểm của các chỉ số.
Thứ hai, việc hoàn toàn dựa vào công thức để cấp ngân sách sẽ có nguy cơ tạo ra vấn đề vỡ ngân sách nếu như NSNN không đảm bảo chi trả được theo số tiền cần đầu tư do tính toán từ công thức.
Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất không sử dụng cơ chế cấp ngân sách hoàn toàn dựa vào chỉ số đánh giá. Tuy nhiên, các chỉ số đánh giá định lượng này vẫn rất quan trọng và cần được sử dụng như là một phần/một khâu của 1 trong 3 cơ chế cấp sách dựa theo kết quả đầu ra. Ví dụ, các chỉ số định lượng có thể được sử dụng như là điều kiện cần hay điều kiện sàn để cơ sở GDĐH có thể chính thức nộp hồ sơ xin ngân sách từ cơ quan cấp ngân sách của Nhà nước.
Để vận hành được các cơ chế cấp ngân sách căn cứ theo kết quả đầu ra, các nước trên thế giới thường lập ra một cơ quan cấp chính phủ làm nhiệm vụ đánh giá chất lượng GDĐH. Cơ quan này thường đảm nhiệm một số nhiệm vụ sau: Đưa ra các công thức, chỉ số đánh giá chất lượng; Tổ chức việc thu thập, kiểm soát kết quả đánh giá chất lượng do các cơ sở GDĐH gửi lên (hoặc do bên thứ 3 cung cấp); Tổ chức việc đánh giá chất lượng và phân loại các cơ sở GDĐH theo chất lượng. Trên cơ sở kết quả đánh giá chất lượng do cơ quan này gửi đến, cơ quan quản lý nhà nước về cấp ngân sách sẽ quyết định mức đầu tư cho từng cơ sở GDĐH công lập theo từng giai đoạn.
Về mặt cơ cấu tổ chức, cơ quan đánh giá chất lượng thường là một tổ chức đánh giá độc lập với một bộ phận hành chính làm nhiệm vụ điều hành; bộ phận chuyên môn thì thường là một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập, làm việc theo nhiệm kỳ được bầu trong cộng đồng khoa học hoặc được bổ nhiệm bởi cơ quan quản lý nhà nước (Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Giáo dục).
Tóm lại, có thể thấy, cấp ngân sách cho cơ sở GDĐH công lập theo chất lượng đầu ra là một xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, thay thế cho cơ chế cấp cấp ngân sách thường xuyên theo các chỉ số đầu vào hoặc theo dữ liệu lịch sử. Động cơ chính của cơ chế mới này là giúp nâng cao hiệu quả của đầu tư công trong GDĐH. Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh GDĐH mở rộng nhanh chóng và việc duy trì cơ chế đầu tư toàn bộ chi phí cho GDĐH công không còn bền vững. Để giúp các cơ chế cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra có thể hoạt động thực sự hiệu quả, các vấn đề cần đặc biệt quan tâm thời gian tới là: Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng đầu ra và xây dựng cơ quan đánh giá chất lượng đại học hoạt động độc lập.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 về việc tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025;
2. Boer, H. de, Jongbloed, B., Benneworth, P., Cremonini, L., Kolster, R., Kottmann, A., … Vossensteyn, H (2015), Performance-based funding and performance agreements in fourteen higher education systems. Retrieved from Center for Higher Education Policy Studies;
3. Akerlind, G (2009), Postdoctoral research positions as preparation for an academic career. International Journal for Researcher Development, 1(1), 84-96;
4. Alexander, F. K (2000), The Changing Face of Accountability: Monitoring and Assessing Institutional Performance in Higher Education. The Journal of Higher Education, 71, 411-431.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019
Trường ngoài công lập muốn bình đẳng với trường công lập
Giáo dục ngoài công lập góp phần cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực chất lượng cao, thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng vai trò và vị thế của các trường ngoài công lập hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận đánh giá đúng mực, vẫn còn sự bất bình đẳng giữa các trường ngoài công lập và trường công lập.
Theo đánh giá của GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam, trong suốt 20 năm qua hệ thống các trường ngoài công lập đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của giáo dục ĐH cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại cần khắc phục.
Các trường ĐH ngoài công lập xác định rõ định hướng ứng dụng và thực hành.
Ông Nguyễn Cảnh Cam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động giáo dục Việt Nam đang tồn tại hai hệ thống là trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập. Tuy cùng chung một mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ cho đất nước, thế nhưng người học hai hệ thống trường này lại chưa có sự bình đẳng về chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chẳng hạn, sinh viên công lập có chính sách hỗ trợ về học phí của nhà nước, còn sinh viên ngoài công lập thì không. Điều này tạo sự không công bằng cho người học ở hai hệ thống trường học.
Cần có sự phân tầng trong tuyển sinh giữa trường ĐH công lập và ngoài công lập.
Tương tự, PGS.TS Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng, các trường ĐH ngoài công lập tại Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục ĐH, mỗi trường có sứ mạng riêng và tham gia vào hệ thống giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho phân khúc khác nhau của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay vai trò và vị thế của các trường ngoài công lập vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mực nên chưa có những chính sách, cơ chế, môi trường và điều kiện để tồn tại, phát triển bền vững. Chính vì vậy, số sinh viên theo học các trường ĐH ngoài công lập vẫn ở mức thấp, khoảng 13,16%.
PGS.TS Trần Quang Quý, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng chỉ ra, việc xây dựng và phát triển các trường ĐH ngoài công lập hiện gặp nhiều khó khăn, trở ngại về cơ chế chính sách, sự ràng buộc của một số văn bản luật và dưới luật; thông tư hướng dẫn còn thiếu và chưa hợp lý. Bên cạnh đó, phần lớn quy mô các trường ĐH ngoài công lập còn nhỏ, đội ngũ giảng viên có tỷ lệ tiến sĩ còn thấp, cơ sở vật chất còn nghèo, nguồn thu chủ yếu từ học phí nhưng công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn, dẫn đến việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo, chất lượng sinh viên tốt nghiệp chưa cao... Do vậy, niềm tin của xã hội vào chất lượng đào tạo thấp, dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm còn nhiều.
Để phát triển bền vững các trường ĐH ngoài công lập, PGS.TS Trần Quang Quý cho rằng cần phải loại bỏ tâm lý đối xử ngoài công lập, nhà nước cần xem các trường ĐH ngoài công lập là một bộ phận quan trọng của hệ thống ĐH và có chính sách ưu đãi đầu tư; quan tâm chăm lo đội ngũ giảng viên, coi đội ngũ giảng viên ĐH công lập như ngoài công lập, có chính sách hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ vay vốn, tăng cường quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập, công khai minh bạch chất lượng đào tạo, kể cả ngoài công lập và công lập...
Ngoài ra, PGS.TS Trần Thị Hồng cũng đã đưa ra một số đề xuất, như cần chia sẻ trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường các hoạt động của các câu lạc bộ, đưa các câu lạc bộ hoạt động có định hướng và chuyên sâu hơn. Bên cạnh đó, cần bình đẳng giữa công - tư và luật hóa về các vấn đề tự chủ ĐH, trách nhiệm giải trình. Trong đó, cần làm rõ "các trường được tự chủ cái gì?" "Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là kiểm soát hay giám sát"...
Ông Nguyễn Cảnh Cam cũng đề xuất nên tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tiếp cận nguồn tài chính lãi suất thấp trong và ngoài nước, có như vậy mới có thể tăng cường năng lực công nghệ và cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập để cơ sở có điều kiện tái đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện giảng dạy theo sự phát triển của công nghệ 4.0.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải có sự phân cấp trong tuyển sinh giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Cụ thể, trường công lập tập trung tuyển sinh theo hướng nghiên cứu, còn đào tạo theo hướng thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ do các trường ngoài công lập đảm nhiệm. Theo đó, các trường ngoài công lập sẽ đóng góp kinh phí ngân sách để nhà nước tập đầu tư cho trường công.
Thực tế, mục tiêu đào tạo của hai hệ thống công lập và ngoài công lập khác nhau. Trong đó, các trường công lập đào tạo ra nhân lực trình độ cao, còn trường ngoài công lập là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các trường ĐH ngoài công lập cũng xác định rất rõ phân khúc của thị trường, đó là định hướng ứng dụng, thực hành và có xu thế liên kết với các trường CĐ nghề có cơ sở thực hành tốt mang tính thực tế cao.
Đan Phương
Theo Báo Tin tức
Khi Đại học "lấn sân" đào tạo phổ thông và tiểu học Hiện nhiều trường đại học kiêm nhiệm đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp. Song gần đây có những trường đại học công lập "lấn sân" sang đào tạo phổ thông, tiểu học và tiến tới mở cả trường mầm non. Nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học công lập đang sử dụng ngân sách của Nhà nước sai mục...