Kinh ngạc người khổng lồ cao hơn 2 mét
21 tuổi, chàng trai D.T.D. ở Long Khánh, Đồng Nai đã cao 2,03m. Các bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh khổng lồ và cần được phẫu thuật.
Bác sĩ Trần Quang Khánh, trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết lần đầu tiên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận một bệnh nhân mắc bệnh khổng lồ là bệnh nhân D.T.D..
Mắc cỡ vì quá cao!
“Triệu chứng của bệnh khổng lồ rất mơ hồ, thường khó phát hiện được cho đến khi có các triệu chứng của bệnh to đầu chi cùng triệu chứng chiều cao tăng lên”
“Thấy bất kỳ ai nhìn mình em đều ngại. Em chỉ quanh quẩn ở nơi mình sống. Các bạn cùng lớp rủ đi chơi xa em đều từ chối vì sợ người khác nhìn thấy mình” đó là tâm sự của D.T.D. ở xã Bảo Quang, Long Khánh.
D. kể ngày nhỏ D. chỉ cao hơn chút so với các bạn, nhưng từ khi học lớp 7 D. đột ngột cao vọt lên hẳn. Từ đó chiều cao của D. ngày càng cách biệt so với các bạn cùng trang lứa. Năm 18 tuổi, D. đã cao tới 1,9m. Các bạn cùng lớp đặt cho D. biệt danh “Peter Crouch”- tên chàng cầu thủ người Anh cao nhất thế giới. D. mỉm cười nói: “Dù Peter Crouch là cầu thủ cao nhất thế giới (2,01m) nhưng vẫn thua chiều cao 2,03m của em”.
Bệnh nhân D. được các bác sĩ khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM kiểm tra chiều cao – Ảnh: Minh Đức
Rất nhiều người đang mong muốn được cao hơn nữa nhưng đối với D. chiều cao đặc biệt này lại luôn gây cho em mặc cảm, khó chịu bởi những ánh nhìn lạ lùng, tò mò. D. sợ nhất những buổi tập trung đông người vì khi đó mọi người dễ dàng nhìn ra chiều cao khác biệt của D…
Video đang HOT
Chiều cao quá khổ này cũng làm D. gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Lúc D. ngủ thường phải nằm xéo vì nằm thẳng sẽ bị đụng đầu vào thành giường. Đi lựa quần áo cũng cực kỳ khó khăn vì rất ít quần áo cho cỡ người D.. Còn khi D. mặc vừa thì giá những bộ quần áo này thường mắc tiền trong khi thu nhập chính trong năm của ba mẹ D. là những mùa thu hoạch chôm chôm. Đi taxi D. không thể ngồi được vào chiếc xe taxi bốn chỗ…
Lúc đầu D. chỉ cảm thấy mặc cảm và e ngại với chiều cao của mình trong sinh hoạt. Nhưng mới đây, khi vừa thi tốt nghiệp THPT, D. được người anh nói sẽ đưa đến bệnh viện khám vì anh D. mới đọc một trường hợp người Trung Quốc cao trên 2m được bác sĩ phát hiện mắc bệnh.
Phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng
Ngày 15-6, D. được giới thiệu đến khám tại khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bác sĩ Khánh cho biết mới nhìn thấy D. và nghe giọng nói ồm ồm đã nghĩ đến bệnh khổng lồ (Gigantism). Tuy nhiên sau đó, các bác sĩ đã cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để đánh giá các hormone của tuyến yên như hormone tăng trưởng, chụp cộng hưởng từ để định vị khối u tuyến yên… để chẩn đoán.
Qua kết quả các xét nghiệm, hình ảnh học này, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh khổng lồ. Nguyên nhân gây ra bệnh khổng lồ là do khối u của tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng trước tuổi dậy thì ở trẻ (ở nam là dưới 11 tuổi).
Theo bác sĩ Khánh, những trường hợp khối u của tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng quá mức sau tuổi dậy thì bệnh viện vẫn thường gặp. Bệnh này được gọi là to đầu chi, nhưng chiều cao của người bệnh không tăng, chỉ có mũi, cằm… to ra. Ở bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi, bàn chân, bàn tay đều to ra, gò má gồ ra, khuôn mày gồ lên, trên đầu sẽ có những bướu xương, hàm dưới nhô ra, răng thưa ra.
Bệnh nhân D. ngoài chiều cao tăng nhanh, hàm mặt còn bị nhô ra. Nếu bệnh diễn tiến lâu ngày không được chẩn đoán và điều trị, những người mắc bệnh khổng lồ có những biến chứng như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh viêm khớp, viêm cột sống dính khớp…
Để ngăn ngừa những biến chứng cho bệnh nhân D., các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh sẽ phẫu thuật khối u tuyến yên cho bệnh nhân. Khối u của bệnh nhân này nhỏ hơn 10mm nên tỉ lệ thành công trong phẫu thuật là 97%. Trường hợp này, nếu được phát hiện và phẫu thuật sớm sẽ ngăn chặn được sự phát triển bất thường về chiều cao.Dự kiến, trong tuần tới bệnh viện sẽ lên lịch tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo vietbao
Cách sơ cứu khi bị ngạt nước
Những ngày trẻ được thỏa thích vui chơi lại là những ngày mà các bệnh viện nhi thường tiếp nhận nhiều ca tai nạn ở trẻ như ngạt nước ở hồ bơi, ong đốt, rắn cắn...
Chỉ trong hơn một tuần lễ, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận hai trẻ em bị hôn mê sâu do ngạt nước ở hồ bơi. Trong đó một trẻ không đáp ứng với điều trị nên gia đình đã xin về và một trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nguy kịch.
Trẻ biết bơi càng dễ ngạt nước
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết từ cuối tháng 5 đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận gần 10 trẻ bị ngạt nước, rắn cắn, ong đốt đến điều trị. Mẹ của một trẻ bị tử vong do ngạt nước trong ao nhà kể với bác sĩ rằng bà luôn để mắt đến con (27 tháng tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM), nhưng bà vừa vào nhà một lát rồi đi ra là chỉ thấy đôi dép của con trên bờ ao. Lúc vớt lên bé đã ngưng tim, ngưng thở.
PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết cả mùa hè năm trước Bệnh viện Nhi Đồng 2 không có bệnh nhân nào bị ngạt nước ở hồ bơi, nhưng chỉ hơn một tuần lễ qua bệnh viện đã tiếp nhận hai bệnh nhi bị hôn mê do ngạt nước ở hồ bơi. Đó là em V.C.T., 9 tuổi, ở Gò Vấp, TP.HCM và em V.C.D., 8 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương.
Khi tiếp nhận ca thứ hai bị ngạt nước tại hồ bơi, các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều giật mình vì chỉ trong một thời gian ngắn đã có đến hai bệnh nhân bị ngạt nước với hoàn cảnh xảy ra tai nạn gần giống nhau. Cả hai bệnh nhi này đều là những trẻ em lớn 8-9 tuổi và cùng biết bơi. Các bậc cha mẹ thường để mắt đến trẻ nhỏ hơn, ít ai nghĩ trẻ 8-9 tuổi, biết bơi vẫn có thể bị ngạt nước. Trong khi đó, trẻ lứa tuổi này thường được xếp bơi ở hồ bơi trẻ em nhưng do biết bơi nên thường thích sang khu vực người lớn để nghịch hoặc bơi. Chẳng hạn như em T., sau khi bơi ở khu vực dành cho trẻ em, em lên thành hồ giỡn với người bạn thì bị trơn, té xuống khu vực dành cho người lớn. Còn trường hợp em D., em cũng sang khu vực dành cho người lớn bơi và bị chìm xuống nước lúc nào không rõ.
Bác sĩ Nhân cho rằng trẻ biết bơi có tâm lý không thích bơi ở hồ nhỏ mà thích sang hồ lớn bơi. Khi không được khởi động kỹ trước khi bơi, đùa nghịch trong lúc bơi (có trường hợp nhiều em nằm đè trên một em ở dưới nước) dễ bị vọp bẻ, trượt, ngạt nước.
Không được sơ cứu đúng cách
Hầu hết các trường hợp ngạt nước được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 không được sơ cứu đúng cách.
Khi trẻ ngạt nước được phát hiện trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, thay vì phải hô hấp nhân tạo, ấn tim ngoài lồng ngực nhằm hồi sức ngay tại hiện trường, người sơ cứu lại mất thời gian vàng để làm động tác xốc nước. Bác sĩ Nhân cho biết nhiều trẻ em bị ngạt nước ở dưới hồ ao, người thân vớt trẻ lên không sơ cứu ngay mà còn chạy sang nhà hàng xóm nhờ sơ cứu. Các bác sĩ cho rằng khi trẻ bị ngưng tim ngưng thở có nghĩa là hệ hô hấp và tuần hoàn không thể cung cấp máu chứa đủ oxy đến các cơ quan, sau năm phút não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
Năm phút này cũng là thời gian vàng trong sơ cứu cho trẻ ngạt nước. Đa số các trường hợp ngưng tim ngưng thở, người phát hiện cũng không biết trẻ chìm dưới nước bao lâu và ngưng tim ngưng thở từ lúc nào. Vì vậy phải thực hiện ngay tức khắc thao tác thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ấn tim ngoài lồng ngực.
Bác sĩ Diệp cho biết không phải trường hợp nào bị ngạt nước cũng có nhiều nước trong phổi. Khoảng 15% trẻ ngạt nước bị ngưng thở do phản xạ co thắt thanh quản, ngay cả khi trẻ chỉ hít một lượng nhỏ nước vào đường hô hấp. Động tác xốc nước thường không đem lại hiệu quả và làm mất thời gian vàng trong sơ cứu cho trẻ ngạt nước có ngưng tim ngưng thở.
Theo bác sĩ Diệp, nhân viên cứu hộ hồ bơi cần được huấn luyện sơ cứu ngạt nước có ngưng tim ngưng thở tại hiện trường để sơ cứu đúng cách cho các trường hợp bị ngạt nước xảy ra tại hồ bơi. Sau đó, cần chuyển nhanh đến bệnh viện gần nhất. Bác sĩ Diệp cho biết mùa hè là khoảng thời gian các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều ca tai nạn ở trẻ. Do vậy, trong những ngày trẻ được nghỉ hè cha mẹ cần phải giám sát trẻ, đặc biệt là những bé trai trên 8 tuổi do các em tuổi này hiếu động, có thể tự ra ngoài một mình.
Làm gì khi bị rắn cắn, ong đốt?
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn đều cần theo dõi sát như là rắn độc cắn, ít nhất trong sáu giờ đầu. Cách sơ cứu: cho nạn nhân nằm yên, trấn an bệnh nhân, đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc, rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước, phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Hầu hết trẻ bị ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Khi trẻ bị ong đốt, dùng nhíp lấy ra nhẹ nhàng, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông, chườm lạnh lên vết cắn để giảm đau. Nếu thấy trẻ nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, nước tiểu màu đỏ, tiểu ít, hay bị ong vò vẽ đốt hơn 10 vết cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1)
Theo vietbao
"Yêu" ra mồ hôi nhiều có ảnh hưởng đến tinh trùng? Tôi năm nay 25 tuổi, chồng tôi 27 tuổi. Chúng tôi lấy nhau được 2 năm. Hiện nay chồng tôi vẫn đang sử dụng bao cao su để tránh thai vì chúng tôi chưa muốn có con. Trong lúc quan hệ, trước khi xuất tinh thì anh ấy không đổ mồ hôi. Nhưng sau khi xuất tinh thì chồng tôi lại đổ mồ...