Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang các nước khối CPTPP tăng trưởng ấn tượng
Sau 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) các DN Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường này và đạt được những kết quả tích cực.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường khối CPTPP. Ảnh minh họa
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đạt kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.
Video đang HOT
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhận định, ngay trong năm đầu thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường lần đầu tiên có quan hệ thương mại tự do mới là Canada và Mexico đã tốc độ tăng trưởng gần 30%.
Đặc biệt, ngay trong năm đầu tiên Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD. Đây chính là tiền đề để Việt Nam đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô của nền kinh tế.
“Sau 3 năm thực hiện, kết quả còn đáng khích lệ hơn. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi điểm lại việc thực thi CPTPP, những con số Chính phủ báo cáo Quốc hội được đánh giá rất cao, đặc biệt những thị trường chúng ta mới mở, tăng trưởng tiếp tục duy trì ở tốc độ cao” – ông Lương Hoàng Thái cho hay.
Minh chứng là tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 sang khối thị trường CPTPP đạt khoảng 6 tỷ USD, đóng góp đáng kể cho thành tích chung về xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt hơn, ngoài những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu thì đây là một hiệp định mà lần đầu tiên đưa Việt Nam có một vị thế mới ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực thi CPTPP cũng là một bước đệm để Việt Nam có được cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác.
“Tất cả những nước ở trong khu vực châu Á Thái Bình Dương mà EU đặt mối quan hệ thì đều là thành viên của CPTPP. Nhật Bản, Singapore, Việt Nam là 3 nước ở khu vực phê chuẩn CPTPP đầu tiên đều có quan hệ thương mại tự do với EU. Đây là bàn đạp để chúng ta có được những cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác” – ông Lương Hoàng Thái khẳng định.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53,2 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%.
Ngành nông nghiệp tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có kim ngạch trên trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước. Ngành tích cực tháo gỡ các rào cản thương mại, nhờ đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.
Cụ thể, ngành đã đẩy mạnh thực hiện các đề án như: thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, đề xuất kịp thời các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ, xây dựng báo cáo Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ và Tổ điều hành thị trường trong nước.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm duy trì và mở rộng, xuất khẩu tăng cao.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách về xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu; ứng phó linh hoạt với tác động của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Bộ phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông.
Các đơn vị chuyên môn chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản; thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới; nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; hướng dẫn thực hiện quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc...
Hà Nội: 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 Tối 13/12, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trao danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022 cho 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp; trong đó có 10 sản phẩm của 10 doanh nghiệp có số điểm cao nhất được UBND thành phố Hà Nội công nhận TOP 10...