Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đà Lạt
Chùa Linh Quang được biết đến là ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đà Lạt, nơi đây mang phong cách kiến trúc đậm chất Á Đông cầu kì và nổi bật thu hút du khách thập phương.
Tọa lạc tại số 133 đường Hai Bà Trưng, phường 6, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chùa Linh Quang (Linh Quang Tổ đình) được xem là ngôi chùa đầu tiên đặt nền móng khơi nguồn đạo pháp tại tỉnh Lâm Đồng và là ngôi chùa cổ đầu tiên ở TP Đà Lạt mộng mơ.
Năm 1921, Hòa thượng Thích Nhơn Thứ (pháp danh Tâm Trung, pháp tự Nghĩa Đạo thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 43), theo chân đoàn người di dân từ Khánh Hòa vào Đà Lạt lập nghiệp. Lúc bấy giờ nơi đây chỉ là rừng thiêng thú dữ, quanh năm sương mù rét lạnh, dân cư thưa thớt. Sau khi tìm được một khu đất hẻo lánh rộng khoảng 1ha trên một ngọn đồi chưa có người khai phá, Ngài dừng chân và tạo dựng một ngôi thảo am đặt tên hiệu là Linh Quang tự.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều tín đồ Phật tử từ khắp nơi về đây tu học càng đông. Để thu nhận hết các phật tử, nhà chùa đã quyết định xây mới với không gian rộng rãi và thoải mái hơn. Năm 1933, được sự giúp đỡ của nhiều Phật tử, Hòa thượng Thích Nhơn Thứ đã cho xây chùa mới trên nền đất của thảo am cũ với diện tích là 49m2.
Năm 1938, Đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu và vua Bảo Đại đã ban biển ngạch sắc tứ cho chùa. Bởi thế, chùa Linh Quang được xem là ngôi chùa đầu tiên và là tổ đình của Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Và mãi cho đến năm 1941 chùa mới bắt đầu được thực hiện trùng tu.
Video đang HOT
Chùa Linh Quang được thiết kế theo lối cổ kính, có khuôn viên khá rộng rãi.
Điểm nổi bật của chùa Linh Quang mà ngay từ khi đặt chân tới đây bạn sẽ thấy ấn tượng chính là bức tượng rồng dài bằng xi măng cốt thép được tạc rất nổi bật. Ngoài ra, ở không gian ngoài trời chùa còn có 3 tòa bảo tháp hoành tráng.
Phần mái của chùa được chạm trổ tinh xảo. Ở 4 góc mái có Long, Lân, Quy, Phụng uốn lượn được tạo từ những mảnh sành sứ nhiều màu nổi bật.
Chùa Linh Quang vẫn còn giữ được những chiếc chuông, trống từ thời xa xưa.
Trong chánh điện chùa Linh Quang đang thờ tượng Đức Bổn Sư. Sau chánh điện là hậu tổ, thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma, chư vị Hòa thượng quá cố. Hai bên là bàn thờ chư vị nam nữ quá cố chư Hương Linh. Tại ngay phía sau của tổ đường chính là nơi đặt nhà tăng và tàng kinh các.
Chùa Linh Quang tính đến thời điểm hiện tại đã được hơn 90 năm và đã trải qua rất nhiều các thế hệ trụ trì cũng như các bậc cao tăng đức độ khác nhau. Chùa ngày nay còn được biết đến là một trong những địa điểm tham quan du lịch tâm linh nổi tiếng và được rất nhiều du khách yêu thích khi đặt chân tới Đà Lạt.
Hang São - ngôi chùa cổ độc đáo trong hang đá ở Yên Bái
Chùa Hang São là ngôi chùa cổ độc đáo, linh thiêng nằm trong hang đá ở thôn làng São, huyện Lục Yên, Yên Bái.
Tương truyền, động chùa này được phát hiện từ thời Vua Hùng Vương thứ 6. Trong một chuyến kinh lý, nhà vua thấy thế núi "long chầu hổ phục", có hang động đẹp nên sau đó đã đem di hài Thái mẫu lên hung cát ở đây, nay vẫn còn cung Thái mẫu ở trong động. Đến thời tiền Lê, một nhà vua đến động này và đặt tên là "Động Hương Thảo tự" để sánh với động Hương Tích tự ở trấn Sơn Tây. Ngày nay, người dân địa phương quen gọi là chùa Hang São.
Chùa Hang São ở thôn làng São, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN
Theo Sư cô Thích nữ Diệu Hiếu, Hang São là ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở Yên Bái. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên rất ít du khách hành hương về chùa. Hàng ngày chỉ có các phật tử trong vùng về thắp hương cầu phật. Chùa có ba động: Động Chào hạ (Đền Hạ), động Chùa Trung (Đền Trung) và động Chùa Thượng (Đền Thượng).
Đền Hạ là động thiên tạo trong lòng núi rộng chừng vài trăm mét vuông, có khu ngoài và khu trong. Khu ngoài là nhập môn (cửa vào) nơi để phật tử, du khách nghỉ ngơi, sửa sang lễ vật. Khu trong là thủy cung mê lộ. Thiên nhiên đã tạo ra bàn thờ Thập bát long chầu (Mười tám vị thần dưới nước); cung thờ vua An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu và tượng chàng Trọng Thủy...
Đi lên lưng chừng núi là động Chùa Trung. Trước cửa động là các chuông bằng đá lớn buông xuống, gõ vào âm vang như trống đồng. Vào trong động có những khu rộng bằng phẳng, vòm động cao chừng mươi, mười lăm mét buông xuống muôn vàn nhũ đá với nhiều hình tượng như: Nàng vọng phu, hang tâm tình, Thánh Gióng cưỡi ngựa, sư tử, voi, trâu thần... bằng đá khổng lồ huyền ảo. Ở góc cao của động có đường lên trời.
Lên cao tiếp sẽ tới động Chùa Thượng với nhiều hang động sâu và dài. Chốn này là nơi bồng lai tiên cảnh được gắn vào các sự tích lịch sử như: Đền mẹ Âu Cơ, động bầu sữa mẹ Âu Cơ, Cung thái mẫu Vua Hùng Vương thứ 6, động Sơn Tinh, Thủy tinh... Đặc biệt, khu động đền thờ Hai Bà Trưng rộng chừng 300 mét vuông được thiên tạo như thật. Trước động là hai con voi trắng khổng lồ. Đầu voi có hình người đang cưỡi voi với tư thế lao về phía trước. Dưới chân voi có "hồ" thần nông nước trong vắt, được thiên tạo be bờ uốn lượn nghệ thuật. Dưới "hồ" là những tràn ruộng bậc thang nhỏ xíu được gọi là những "cánh đồng" thần nông. Cạnh đó là giếng tiên không bao giờ cạn nước và dòng suối nhỏ chảy nhẹ vào khe đá. Ở phía cuối động có "hồ" giải oan. Giữa động có một gò đá nổi lên như hòn non bộ cao chừng 2 m cùng nhiều tượng bằng nhũ đá và bát hương tự nhiên. Du khách đến đây có thể dừng chân thắp hương cầu bình an, hạnh phúc.
Theo ông Hoàng Tiến Long, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, khởi thủy chùa Hang São được các cư dân Tày bản địa xây vào thế kỷ XIII - XIV để thờ Phật. Tới thời Lê Trung Hưng, khi Vũ Văn Mật xây thành Đại Đồng tại châu Thu Vật, trấn Tuyên Quang, đã tiến cử con gái là Vũ Thị Ngọc Anh tinh thông văn võ lại am hiểu nghề nông với vua Lê và được phong chức Phó tướng, phụ trách quân lương hậu cần. Bà đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi phổ biến cho bà con Tày bản địa và quân binh trong vùng khai hoang ruộng nước, trồng bông dệt vải. Bà đã cùng chủ tướng Vũ Văn Mật xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu rộng khắp. Lúc này, chùa Hang São trở thành kho tập kết lương thực phòng khi chiến tranh với nhà Mạc.
Chiếc chuông bằng đá lớn ở động Đền Trung chùa Hang São, khi gõ vào âm vang như trống đồng. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN
Theo "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn, do có nhiều công lao trong xây dựng căn cứ và dạy dân trồng lương thảo, bà Vũ Thị Ngọc Anh được bà con trong vùng tôn vinh là "Bà chúa lương", "Bà chúa kho", "Bà chúa Bầu", "Bà Anh thần nông". Người địa phương còn gọi bà là "Bà Bụt" hay "Bà Ỏn". Để tưởng nhớ công ơn sau khi bà mất, người dân thôn, bản tôn thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh trong chùa Hang São.
Đến thời Nguyễn, với việc coi trọng tu bổ đình, đền, chùa và nghi thức tế tự, nhân dân bản São dựng thêm một ngôi chùa nhỏ với ba gian nhà tranh thờ Phật và bà Vũ Thị Ngọc Anh ở trước chùa. Tháng 12/1949, chùa Hang São, xã Tân Lập vinh dự là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ hai. Đây là dấu mốc quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện Lục Yên về việc huy động sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, góp phần tích cực vào chiến thắng Sông Thao. Vì vậy, ngày 17/9/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1395/QĐ-UBND công nhận chùa Hang São thuộc thôn São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
10 thị trấn cheo leo bên vách đá đẹp như trong truyện cổ tích Tuy nằm bên những vách đá cao chênh vênh dựng đứng, nhưng những địa điểm này lại mang một sức quyến rũ lạ thường. Những thị trấn được xây dựng bên những vách đá cheo leo luôn mang một vẻ đẹp mộng mơ và vô cùng cuốn hút. Du khách khi đến tham quan tại những địa điểm này đều bị thu hút...