Kiến tạo môi trường cùng hạnh phúc
Là một trong những nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Thuý Liên luôn quan niệm: “ Lớp học hạnh phúc chính là lớp học cho trẻ được phép sai và sửa sai, được nói ra cảm xúc của mình. Lớp học đó cần đáp ứng 3 tiêu chí: An toàn, yêu thương và tôn trọng”.
Cô Liên cùng các học trò
Khuyến khích học sinh… được phép sai
Là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), cô Liên tâm sự: Muốn có một lớp học hạnh phúc phải kiến tạo một môi trường học tập – nơi mà giáo viên, học sinh (HS) và phụ huynh đều hạnh phúc và cảm thấy hài lòng. Ai cũng biết đến khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Tuy nhiên, cô Liên cho rằng, để trẻ đến trường cảm thấy vui, thích học thì chính thầy, cô phải là người truyền lửa. Nhưng nếu chỉ để HS vui thích đến trường thì chưa đủ, mà cần tạo môi trường để các em thấy hạnh phúc mỗi khi đến lớp.
Đó chính là lý do mà cô Liên luôn gần gũi, thân thiện với HS trong mỗi giờ lên lớp và tạo được niềm tin từ HS, phụ huynh. Qua đó cũng giúp HS tiếp thu bài giảng tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. “Từ kinh nghiệm dạy học của mình, tôi thấy tôn trọng cảm xúc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên Lớp học hạnh phúc. Vì vậy, trong quá trình dạy học, tôi luôn chú ý đến tâm trạng, cảm xúc của HS, chuẩn bị chu đáo cho giờ lên lớp. Từ đó, giáo viên sẽ là người truyền cảm hứng, truyền lửa cho các em” – cô Liên trao đổi.
Trong vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cô Liên đánh giá HS đã có hiểu biết nhất định về thế giới quan. Vậy nên nếu chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa thì chưa đủ. Theo đó, trong giờ học, cô luôn khuyến khích các em nói ra suy nghĩ của bản thân về những kiến thức trong bài. “Đừng sợ sai, đừng lo các bạn khác cười câu trả lời của mình!” – đó là câu nói mà tôi thường xuyên nhắc học sinh của mình. Chú ý lắng nghe, tôn trọng câu trả lời hay những chia sẻ của các em, sau đó tôi mới giải thích, dẫn dắt các em đến tri thức” – cô Liên chia sẻ.
Theo cô Liên, để xây dựng được Lớp học hạnh phúc, cần sự thay đổi của cả giáo viên và HS. Đặc biệt, giáo viên phải thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của mình; Thay đổi bản thân để rút ngắn khoảng cách thầy và trò; Thay đổi để vươn tới một môi trường học tập mà có thể khơi dậy tâm huyết của người thầy, sự tự tin, hào hứng, say mê của học trò.
Chủ động đổi mới dạy, học
Video đang HOT
Cô Liên cho biết, trong suốt 16 năm dạy học của mình, cô đã gặp rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Có những em gia đình khó khăn về kinh tế hay không còn bố hoặc mẹ; Có những em thiếu sự yêu thương của cả bố mẹ, chỉ nhận được sự chăm sóc của ông bà. Còn có trường hợp các em bị sốc tinh thần khi bố mẹ li hôn… Với mỗi trường hợp cô đều có cách quan tâm, chăm sóc để giúp các em vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình.
Cô Liên nhớ lại: Năm đầu tiên về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cô đã dành tình cảm đặc biệt cho một cậu học trò nhỏ, khá yếu ớt vì mang trong người căn bệnh tim bẩm sinh. Đó là một HS lớp 5 hiền lành, chăm chỉ, học lực ở mức khá. Trong giờ học, cậu luôn nghiêm túc lắng nghe bài giảng của cô giáo, hoàn thành bài thật chỉn chu. “Có lẽ vì thế mà tôi không ấn tượng nhiều về cậu.
Cho đến một ngày, bố của cậu đến xin cho con nghỉ vì phát hiện con bị bệnh tim. Hôm đó, phụ huynh đã nói chuyện với tôi khá lâu. Trong câu chuyện của mình, phụ huynh luôn miệng nói cảm ơn cô giáo vì cô đã dạy con những bài học bổ ích qua những câu ca dao, tục ngữ. Con đã cảm nhận được tình cảm và tâm huyết của cô nên luôn hứng thú học tập” – cô Liên kể lại.
Cô Liên cũng khá bất ngờ với câu chuyện về cậu học trò nhỏ. Lúc đó cô mới nhận ra rằng, những lời nói, cử chỉ tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ, tình cảm của HS. Từ đó, cô đã chú ý đến cậu học sinh đó nhiều hơn. Khi biết được ước mơ của em là trở thành bác sỹ, cô luôn động viên em cố gắng trong học tập để đạt ước mơ của mình. “Thời gian học THCS rồi THPT, em vẫn cùng các bạn về thăm tôi, vẫn nhắc lại những ấn tượng trong các giờ học của cô.
Năm thi đại học, em báo tin trúng tuyển vào Học viện Quân y mà tôi thấy vui hơn mình đỗ đại học vậy. Thế mới nói, ước mơ nào cũng có thể thực hiện được khi chúng ta lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống. Phải chăng đó chính là hình ảnh của Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc và nó đã chắp cánh cho ước mơ của những cô, cậu học trò bay cao, bay xa” – cô Liên bộc bạch.
Qua tìm hiểu, cô Liên còn là một trong những giáo viên tích cực chủ động sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Cô luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tốt nhất từ Ban giám hiệu nhà trường trong quá trình dạy học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, từ việc mời chuyên gia về tọa đàm, trao đổi về chuyên môn đến việc trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiên tiến.
Nhằm thu hút sự hứng thú học tập của học sinh, cô đã áp dụng kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp dạy học như: Ứng dụng CNTT trong dạy học; Tổ chức hoạt động trải nghiệm; Tổ chức trò chơi học tập; Hướng dẫn học sinh ghi bài bằng sơ đồ tư duy; Tạo không khí vui vẻ trong giờ học bằng hoạt động vui nhộn hoặc đơn giản chỉ là câu đố vui; Đặt những câu hỏi mở, khuyến khích học sinh tìm lời giải đáp; Tăng tương tác giữa giáo viên và học sinh không chỉ trong giờ học mà cả giờ nghỉ, giờ chơi, giờ ăn ngủ bán trú.
“Thông qua những hoạt động này, tôi hiểu rõ hơn về tâm tư, tình cảm của HS, để có thể lựa chọn cách dạy học phù hợp nhất” – cô Liên chia sẻ.
“Chỉ khi mỗi một học sinh trong lớp học cảm thấy hạnh phúc thì mới có Lớp học hạnh phúc, Trường học hạnh phúc. Đó là điều không chỉ những người trong ngành Giáo dục mà cả xã hội cùng quan tâm, mong muốn”. – Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên
Minh Phong
Theo GDTĐ
Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22-2019: Tôn vinh những "anh hùng thầm lặng"
Sáng 24-11, tại Nhà hát TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22-2019.
Đến tham dự lễ có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP và Lý Việt Trung, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP.
Thắp sáng niềm tin vào nghề giáo
Chia sẻ tại buổi giao lưu trước giờ diễn ra lễ trao giải, cô Phạm Trần Mỹ Hương, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3, cho biết, sau gần 30 năm theo nghề giáo, giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là phần thưởng xứng đáng cho những miệt mài và tâm huyết cô đã dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến. Không kiềm được những giọt nước mắt xúc động, cô Phạm Trần Mỹ Hương bày tỏ mong muốn chia sẻ niềm hạnh phúc và vinh dự to lớn này đến tập thể sư phạm tại đơn vị đang công tác, tất cả đồng nghiệp cùng các em học sinh đã đồng hành với cô trong suốt 30 năm qua.
Cùng tâm trạng đó, cô Triệu Thị Huệ, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), bày tỏ, giải thưởng Võ Trường Toản là nguồn động lực to lớn không chỉ đối với các giáo viên, cán bộ quản lý được xét trao tặng giải thưởng mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần quý giá đối với những thầy, cô chưa đạt giải, qua đó tiếp thêm sức mạnh cho các thầy, cô tiếp tục cống hiến, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc làm tròn thiên chức "trồng người".
Ban Tổ chức và 50 giáo viên đoạt giải dâng hoa báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cô tâm tư: "Tôi xin chia sẻ vinh dự to lớn này đến tất cả đồng nghiệp, đặc biệt những thầy, cô giáo đang công tác ở mọi miền xa xôi của Tổ quốc đang ngày đêm không ngừng cố gắng, nỗ lực đem tri thức, kỹ năng và nhân cách vun trồng cho biết bao thế hệ học sinh khôn lớn".
Thay mặt 50 thầy cô được tôn vinh trong giải thưởng năm nay, cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn), khẳng định sẽ tiếp tục là những người truyền lửa cho các thế hệ đồng nghiệp, đưa giáo dục TP ngày càng vươn xa và gặt hái thêm nhiều thành công như kỳ vọng của lãnh đạo TP. Riêng đối với cô Vũ Hoàng Linh Chi, Trường Mầm non TP (quận 3), thầy cô giáo không chỉ phấn đấu truyền thụ tri thức mà còn phải nỗ lực về nhân cách, đạo đức, xứng đáng với sự tin tưởng, tình cảm yêu thương của học trò.
Buổi lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động như hai chị em gái trong cùng một gia đình được vinh danh tại giải thưởng, hay người mẹ già hơn 80 tuổi đi xe lăn đến chúc mừng con gái. Xúc động hơn cả là hình ảnh hơn 30 giáo viên Trường Tiểu học Phong Phú (quận 9) thuê xe buýt đến chúc mừng Hiệu trưởng Trương Thị Thảo được vinh danh tại lễ trao thưởng, đồng thời cũng hỗ trợ người lãnh đạo của mình về mặt sức khỏe khi chứng bệnh nan y của nhà giáo này đã vào giai đoạn cuối... Chứng kiến những câu chuyện xúc động đó, nhà báo Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, bày tỏ lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc trước tấm lòng và sự cống hiến không mệt mỏi của các thầy, cô giáo.
Lan tỏa ý nghĩa nhân văn
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm bày tỏ, xã hội luôn dành sự tôn trọng, trân quý cho những người thầy, người cô là những kỹ sư tâm hồn, những người đặt nền móng cho sự phát triển của các thế hệ tương lai của thành phố, là những tấm gương tiêu biểu, điển hình cho truyền thống hiếu học lâu đời của đội ngũ nhà giáo.
Đồng chí Lê Thanh Liêm tin tưởng 50 thầy cô giáo được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cũng như các thầy, cô giáo đã được vinh danh trong 21 kỳ trao giải trước đó sẽ hết sức tự hào, tiếp tục trau dồi đạo đức, phẩm chất, năng lực để cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục TP. Nhân dịp này, đồng chí Lê Thanh Liêm đề nghị ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần của các nhà giáo.
Bởi người thầy hạnh phúc khi đứng trên bục giảng mới có thể đem đến cho học sinh những giờ học vui tươi, sinh động, hấp dẫn, dạy cho các em hướng đến xây dựng một gia đình, cộng đồng và xã hội hạnh phúc. Đó là nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội luôn quan tâm, cùng đồng hành với ngành giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn biểu dương những thành tích, đóng góp xuất sắc của các thầy, cô giáo cho sự nghiệp phát triển giáo dục của TP. Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, vai trò của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục càng quan trọng, là những người trực tiếp triển khai, thể hiện và quyết định sự thành công của việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng như công tác quản lý trường học.
Từ 50 tấm gương nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh, đồng chí Lê Hồng Sơn mong muốn các thầy cô tiếp tục phấn đấu với mục tiêu "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", tiếp tục giữ vững và lan tỏa tình yêu nghề, sự tận tụy, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để truyền lửa cho các thế hệ đồng nghiệp và học sinh noi theo.
Thu Tâm
Theo saigondautu
Hạnh phúc từ những điều bình dị Với quan niệm, lớp học hạnh phúc đến từ những điều bình dị và nhỏ bé, cô Phạm Thúy Nhung - giáo viên Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) luôn chủ động thay đổi để tạo dựng mối quan hệ yêu thương, thấu hiểu giữa cô với trò và trò với cô, trò với trò. Cô Nhung (hàng 1, ngồi giữa)...