Kiến nghị duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa kiến nghị một số giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế.
Do cuộc chiến Nga – Ukraine, lạm phát ở Mỹ, Châu Âu và các chính sách thắt chặt với COVID-19 từ Trung Quốc, Nhật Bản… hiệu ứng thu hút khách quốc tế hiện nay hạn chế. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN.
Mặc dù có nhiều giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và phục hồi.
Trên cơ sở làm việc với 16 tổ chức, hiệp hội, để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, Ban IV đề xuất Chính phủ duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ, nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi; đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như: Bất động sản, chứng khoán, Ban IV đề xuất NHNN nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như: Du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.
Để hỗ trợ ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi, đặc biệt phục hồi lượng khách quốc tế tới Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác công tư để lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế, đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước (như Anh, Úc – đã được Hội đồng tư vấn du lịch TAB và các doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển bước đầu).
Ban IV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất – nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch; giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Ngoài ra, đối với các cải cách tới đây liên quan tới hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, đề xuất Chính phủ tăng cường các chương trình đối thoại, chia sẻ công – tư để doanh nghiệp nhận thức được tác dụng, hiệu quả và gia tăng sự ủng hộ, niềm tin với nỗ lực của ngành.
Video đang HOT
Qua nhiều phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội, đại diện Ban IV cho biết: Hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn hết sức lớn về tài chính do thiếu vốn lưu động. Hệ lụy của hơn 2 năm đại dịch, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu.
Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng, làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như: Yên Nhật hay đồng tiền chung châu Âu (Euro), khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.
Vốn cho doanh nghiệp phục hồi - Bài 2: Mạnh tay hỗ trợ, sớm đưa dòng vốn đến doanh nghiệp
Nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các doanh nghiệp cũng đang từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực; trong đó có chính sách giảm lãi suất. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn nhiều bất cập.
Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty CP thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang ở KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh minh họa: TTXVN
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Thưa ông, nền kinh tế đã dần trở lại bình thường. Ông đánh giá thế nào về nhu cầu vốn của doanh nghiệp cho phục hồi sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay?
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đi vào một giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Các doanh nghiệp dù không bằng với trước kia nhưng cũng dần dần trở lại sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, nhu cầu tín dụng tăng cao trong 5 tháng đầu năm nay và tôi tin từ nay đến cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ lại càng tăng cao hơn nữa.
Chúng ta đi qua giai đoạn phục hồi nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn. Trước tiên, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do nhiều nguyên nhân như: Căng thẳng giữa Nga - Ukraine kéo theo nhiều lệnh cấm vận từ phương Tây đối với Nga, tác động mạnh đến lĩnh vực năng lượng, khí đốt; tình hình kiểm soát COVID-19 tại Trung Quốc... Trong khi đó, Việt Nam là nước có xuất nhập khẩu hai chiều lên đến hơn 1,5 lần GDP nên chuỗi cung ứng đứt gãy tác động mạnh lên lĩnh vực xuất nhập khẩu nước ta với chi phí bị đội lên cũng nhiều.
Thêm nữa, tình hình giá cả tăng cao cũng là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất trong nước đang phải đối mặt. Do đó, nhu cầu vay vốn các doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ông kỳ vọng ra sao về chương trình hỗ trợ trên?
Chúng ta có gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp phục hồi. Nhưng theo tôi như vậy là chưa đủ, nền kinh tế cần khoảng 800.000 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế một cách nhanh chóng trong hai năm 2022-2023.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất cần được triển khai nhanh chóng hơn. Bởi có rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật để "sống", chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy hoạt động. Vì thế, các cơ quan liên quan, chính quyền từ Trung ương tới địa phương khi tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ duyệt xét, thiếu sót hồ sơ đến đâu yêu cầu bổ sung ngay tới đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, tránh lỡ nhịp kinh doanh, sản xuất.
Ngoài ra, việc đảm bảo sự minh bạch khi phân phối ngân sách của Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ cũng là yếu tố cần đặc biệt lưu tâm, kiểm soát.
Có một thực tế là ngay cả khi lãi suất cho vay ở mức rất ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này. Theo ông, cần giải pháp nào cho thực trạng trên?
Về phía doanh nghiệp, để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tiên phải có kế hoạch, phương án hoạt động, kinh doanh hiệu quả, phương án sử dụng vốn vay minh bạch để Chính phủ có thể duyệt xét một cách nhanh chóng.
Về phía ngân hàng, tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước có thể phân bổ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đến tất cả các ngân hàng thương mại tùy theo quy mô, khả năng của từng ngân hàng chứ không chỉ gói gọn tại một số ngân hàng lớn có vốn Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước khi đó nên có những quy định chung về việc hỗ trợ lãi suất để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại thực hiện và báo cáo.
Bên cạnh những giải pháp đang triển khai, theo ông, cần làm gì để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong thời điểm này?
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Chính phủ, vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp còn có thể huy động nguồn vốn từ chứng khoán, gồm phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng tại thời điểm này, vốn ngân hàng là có lẽ là phương án khả thi và dồi dào nhất.
Lí do bởi nguồn ngân sách đang rất hạn hẹp, còn phát hành cổ phiếu đòi hỏi doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính tốt, có khả năng để phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán, phải tuân thủ một số quy định về luật chứng khoán; còn thị trường trái phiếu hiện cũng đang gặp khó sau loạt vụ lùm xùm xảy ra thời gian gần đây.
Là nguồn tài trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp, tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình làm việc với các ngân hàng trong việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp phù hợp với từng hoàn cảnh. Ở đây, tôi không đề nghị ngân hàng cho vay dưới chuẩn, mà ngược lại vẫn phải đảm bảo các quy định về an toàn vốn, quản lý rủi ro nghiêm ngặt. Nhưng với những doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng được các tiêu chí cho vay của ngân hàng thì cần một quy chế riêng, có thể là các quỹ bảo lãnh tín dụng để mà các quỹ đó bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng. Hiện tại, chúng ta đã có quy định về các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng các quỹ này vẫn rất nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Tôi mong rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xem xét thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi vay vốn. Từ đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp yếu kém có thể vay được mà không bắt buộc phải hạ chuẩn tín dụng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ban IV đề xuất cải thiện một số rào cản trong mở cửa du lịch quốc tế Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa đề xuất một số giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương mở cửa du...