Kiến nghị Đoàn giám sát làm rõ tổng chi phí đổi mới CT, SGK là bao nhiêu?
‘Việc thành lập Đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa vào thời điểm này là rất hợp lý cả về mặt thời gian cho đến nội dung giám sát’.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề “ nóng”, được nhiều cử tri quan tâm. Vì vậy, việc thành lập Đoàn giám sát vào thời điểm này là rất hợp lý cả về mặt thời gian cho đến nội dung giám sát.
Là Đại biểu Quốc hội và cũng là một phụ huynh học sinh, bà Nga mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ những nội dung sau:
Thứ nhất, tại thời điểm năm học mới cận kề, rất nhiều giáo viên phản ánh chưa tiếp cận được sách giáo khoa mới, công tác tập huấn còn vội vàng. Đối với sách giáo khoa cũ, giáo viên đã quen với nội dung, việc dạy học có thể diễn ra dễ dàng, thuận lợi. Thế nhưng, đây lại là một chương trình sách giáo khoa hoàn toàn mới, tài liệu đến tay giáo viên muộn như vậy, liệu chất lượng dạy học sẽ như thế nào? Và tại sao lại có sự chậm trễ đó?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn
Thứ hai, nguyên nhân khiến sách giáo khoa tăng giá đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời trước Quốc hội, báo chí nhiều lần nhưng dư luận vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời đó. Chính vì vậy, đoàn giám sát cũng cần làm rõ vấn đề vì sao giá sách giáo khoa mới cao đột biến, đặc biệt là việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “lãi đậm” (năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi ròng sau thuế tới 287 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch và là mức lãi kỷ lục của đơn vị này- PV)
Thứ ba, việc áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng cần được đánh giá cụ thể, chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai. Để khách quan hơn, Đoàn giám sát nên lấy ý kiến từ chính giáo viên, các bậc phụ huynh, học sinh.
Video đang HOT
Thứ tư, trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến phản ánh và cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thật sự chủ động khi triển khai chương trình Lịch sử trung học phổ thông khi gần đến năm học mới đưa ra thay đổi Lịch sử từ môn lựa chọn trở thành môn học bắt buộc. Sự thay đổi này cũng cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Theo Đại biểu Nga, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, qua lần giám sát này, bà Nga hy vọng Đoàn giám sát sẽ lắng nghe, ghi nhận những khó khăn chung của ngành giáo dục. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
“Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiên cứu đổi mới ngay trong hoạt động đào tạo giáo viên ở trường sư phạm để phù hợp với thực tiễn dạy và học khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Cải cách giáo dục là một quá trình dài với nhiều khâu nên khi đổi mới chúng ta phải có cái nhìn tổng thể, tránh đổi mới kiểu cắt khúc.
Để triển khai tốt chương trình thì khâu chuẩn bị là quan trọng nhất. Một bài học kinh nghiệm chúng ta phải lưu tâm đó là không để bị động trước mọi tình huống vì sơ suất trong giáo dục sẽ đem lại hậu quả rất lớn, tác động đến rất nhiều học trò”, bà Nga nêu quan điểm.
Cũng bàn về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nội dung mà Đoàn giám sát cần làm rõ nhất đó chính là chất lượng, nội hàm của các bộ sách giáo khoa. Các bộ sách giáo khoa mới đã phù hợp với người học và người dạy hay chưa?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Quochoi.vn)
Tiếp đến là câu chuyện về ngân sách. Tính đến hiện tại, tổng chi phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa là bao nhiêu? Chi có đúng theo dự toán ban đầu của đề án hay không? Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có phát sinh khoản nào không? Tất cả các khoản chi đều phải được hạch toán và công khai rõ ràng.
Ngoài ra, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt khi thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần phải được đánh giá, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương. Do đó, những thành viên trong Đoàn giám sát phải thật công tâm, trách nhiệm.
“Cũng nhân dịp này, tôi rất mong nhà nước có thể định giá, bình ổn giá sách giáo khoa. Nên nhìn từ xuất phát điểm của người học có mức sống thấp nhất để định giá sách giáo khoa thì sẽ phù hợp và đáp ứng được tất cả các đối tượng trong xã hội.
Cuối cùng, tôi rất mong Đoàn giám sát chú ý đến vấn đề bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc”. Đây là hành vi không trong sáng, khiến phụ huynh thêm gánh nặng về tài chính. Nếu đó là chủ trương của trường, của một nhóm lợi ích thì cần phải lên án, quy rõ trách nhiệm, xử lý thật nghiêm”, bà Sửu chia sẻ.
Có giáo viên tại TP.HCM muốn nâng chuẩn phải đi học tận Nghệ An
Hiện quận 6 còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên tin học.
Sáng 13-9, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát tại UBND quận 6 về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng giáo dục quận 6, cho biết hiện quận có 78 cơ sở giáo dục và 17 nhóm lớp. Với áp lực tăng dân số không nhiều như những quận/huyện khác nên các trường học đáp ứng tốt chỗ học cho con em trong quận.
Tính đến năm học này, 100% học sinh tiểu học và THCS của quận đều được học hai buổi/ngày. 100% giáo viên tham gia tập huấn để thực hiện chương trình mới đều đạt chuẩn, có đẩy đủ và sử dụng hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới. Công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục tốt, từ tập huấn, hướng dẫn, chuẩn bị trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học, giáo viên chủ động sáng tạo, phụ huynh đồng thuận...
Tuy nhiên, theo ông Uyên, vấn đề còn hạn chế tại quận hiện nay để đáp ứng chương trình mới là còn thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học. Hiện quận còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên tin học. Thậm chí một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Việc học nâng chuẩn lên đại học để theo đúng quy định ở một số bộ môn còn gặp khó khăn vì phải chờ đủ số lượng đăng ký mới mở được lớp.
Cụ thể hơn vấn đề này, bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, cho biết trường cơ bản có đội ngũ đáp ứng thực hiện chương trình mới. Ban đầu trường cũng gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc tập huấn, kết nối với học sinh, phụ huynh còn hạn chế. Một số giáo viên lớn tuổi còn chậm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp chương trình nhưng đến nay đã quen dần.
Bà Hồng cho biết hiện trường còn 4 giáo viên chưa có bằng đại học để đạt chuẩn theo quy định mới. Trong đó có ba người đang học tiếp lên đại học. Riêng một một giáo viên dạy Âm nhạc chưa có lớp để đăng ký học lên đại học tại TP.HCM. Sau thời gian tìm hiểu, giáo viên này phải đăng ký học ở tận Trường Đại học Vinh (Nghệ An) mới có lớp. Hiện giáo viên này đang chờ lịch học để biết được học online hay trực tiếp, nếu trực tiếp cũng sẽ có những khó khăn dù nhà trường hỗ trợ kinh phí đi học.
Hiệu trưởng Phạm Thị Phương Hồng báo cáo tại buổi làm việc
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng tiểu học của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết việc thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học tại quận 6 cũng là khó khăn chung của TP.HCM. Bởi mặc dù là địa phương đi đầu triển khai dạy tiếng Anh và Tin học rất sớm cho học sinh nhưng lâu nay thực hiện theo dạng hợp đồng, phối hợp giảng dạy với đơn vị ngoài nên khi triển khai chương trình mới phải có giáo viên biên chế sẽ khó. Hiện Sở và các Phòng GD&ĐT cũng đang nỗ lực tuyển dụng để có nguồn giáo viên cho các trường.
Thứ hai, ông Hoàng cho hay một khó khăn nữa của các trường tiểu học hiện nay là các lớp thực hiện chương trình mới không có hướng dẫn về dạy buổi hai. Nếu các trường thực hiện đúng chương trình theo quy định số tiết thì các em sẽ tan học vào lúc 14 giờ, 15 giờ, như vậy sẽ khó khăn trong việc đưa đón con của phụ huynh, nguồn thu tăng thêm của các trường cũng bị ảnh hưởng. Do đó, hiện hướng giải quyết của Sở là cho phép các trường tổ chức những hoạt động ngoài giờ như tăng cường tiếng Anh, tin học, Kỹ năng sống, câu lạc bộ... Việc này vừa tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh, vừa tạo thêm thu nhập, nâng cao trình độ cho giáo viên.
Ngoài ra, ông Hoàng cũng bày tỏ thêm một khó khăn về việc hiện nay TP đang có một lượng lớn học sinh theo học tiếng Hoa và tiếng Pháp vì nhu cầu của người dân, nhất là đồng bào người Hoa. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới lại chưa có sách giáo khoa hai ngoại ngữ này vì chưa có đơn vị nào đứng ra biên soạn. Ông Hoàng cho biết hiện Sở đã có kiến nghị đến Bộ GD&ĐT để làm sao nhanh chóng tổ chức biên soạn sách này nhằm đáp ứng lộ trình và nhu cầu học ngoại ngữ 1 cho học sinh TP.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ghi nhận những nỗ lực của quận 6 và những kiến nghị của quận cũng như các cơ sở giáo dục trên địa bàn để sau quá trình giám sát sẽ bàn hướng giải quyết.
Tuy nhiên, bà Tuyết lưu ý tiếp tục phát huy những hiệu quả mà quận đã đạt được. Để chương trình mới được thành công, thực hiện tốt hai Nghị quyết 88 và 51, bà Tuyết yêu cầu quận cần linh hoạt tuyển dụng giáo viên để đáp ứng giảng dạy. Quận cần chủ dộng quy hoạch mạng lưới trường để tiếp tục mở rộng chỗ học, kéo giảm sĩ số cho con em trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là khối lớp 3 và 7 đang triển khai năm học này để nâng chất lượng giáo dục cho các em.
Hà Nội: Chung khảo 'Giải thưởng nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo' Ngày 13/9, Phòng GD&ĐT Đan Phượng (Hà Nội) đã tổ chức Chung khảo 'Giải thưởng nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo' năm học 2021-2022. Chung khảo giải thưởng "Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo năm học 2021-2022" đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tham dự chương trình có TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo...