Kiến nghị bỏ quy định chưa hợp lý khi tuyển dụng thư ký toà
Đa phần bạn đọc đều cho rằng quy định điều kiện tuyển dụng thư ký tòa án như hiện nay là không công bằng cho những sinh viên học tại các cơ sở đào tạo luật.
Ảnh minh họa
Tuần qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã có thông tin phản ánh về vấn đề cơ hội việc làm cho các cử nhân luật khi thi tuyển vào ngành toà án. Các bài viết “Cơ hội nào cho cử nhân luật vào ngành tòa án?”, “Đừng để cử nhân luật bị bít cửa vào ngành tòa án”, “Bàn tiếp về điều kiện tuyển thư ký tòa án” đã thu hút được sự quan tâm lớn của bạn đọc.
Theo Thông báo số 607/TB-TANDTC ngày 18-9-2020 của TAND Tối cao (về việc tuyển dụng công chức vào ngành tòa án năm 2020), đơn vị này tuyển dụng 195 công chức ngạch thư ký viên cho 34 TAND các tỉnh, thành trên cả nước.
Ngoài các tiêu chuẩn là có trình độ cử nhân luật trở lên, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản thì điều kiện nữa là: Đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử.
Trong khi môn học nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử, hiện nay chỉ có Học viện Tòa án (HVTA) thuộc TAND Tối cao mới đào tạo.
Với điều kiện nói trên thì một cử nhân trường luật dù tốt nghiệp loại giỏi cũng không đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ tuyển dụng vào ngành tòa án.
Đa số bạn đọc đều cho rằng việc quy định điều kiện liên quan đến nghiệp vụ mà chỉ sinh viên (SV) ở Học viện Tòa án (HVTA) thuộc TAND Tối cao mới được đào tạo là quy định mang tính độc quyền, không có sự công bằng cho cử nhân luật của các cơ sở đào tạo luật khác trong cả nước. PLO xin trích dẫn một số ý kiến bình luận của bạn đọc về vấn đề này:
- Sinh viên luật nào cũng có thể tham gia lớp luật sư của Học viện Tư pháp. Trong khi nghiệp vụ xét xử thì chỉ sinh viên học viện tòa án được đào tạo. Quy định như trên là không công bằng và không có nước nào lại quy định nhân lực của tòa án lại chỉ tốt nghiệp từ một trường thuộc tòa cả.
Thật bất công và vô lý, về đào tạo luật thì Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM, Khoa Luật Đại hoc quốc gia Hà Nội là những trường tốt nhất, truyền thống nhất. Không thể lấy lý do chưa có nghiệp vụ về thư ký tòa hay xét xử mà tước đi cơ hội của những sinh viên luật có nguyện vọng vào tòa, trở thành thẩm phán bảo vệ công lý được.
Video đang HOT
Tòa giới hạn như thế là không công tâm với các em ấy cũng như hạn chế phát triển của đội ngũ nhân lực tòa án sau này - bạn đọc Phạm Yến
- Ngày trước Học viện Tư pháp đào tạo lớp nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát thì bây giờ lại chỉ đào tạo gộp, gây nhiều khó khăn cho những cử nhân luật muốn cống hiến trong ngành tòa án, kiểm sát.
Thiết nghĩ Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải ngồi lại với nhau về việc đào tạo luật hiện nay , – bạn đọc Le An.
- Với quy chế hiện nay, rõ ràng có sự phân biệt giữa sinh viên HVTA với sinh viên luật của các trường khác. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng, hạn chế đi cơ hội của các sinh viên luật trường khác. Đặc biệt là những trường có chất lượng đã được khẳng định, hàng đầu của Việt Nam như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP.HCM.
Việc đưa ra điều kiện tuyển dụng phải có chứng chỉ nghiệp vụ là bất ổn (vì chỉ có HVTA và HVTP được đào tạo nghiệp vụ này). Và sinh viên của HVTA trong chương trình cử nhân bốn năm đã được học luôn nghiệp vụ đó. Đây là điểm không công bằng với các trường luật khác không được đào tạo nghiệp vụ.
Muốn vào làm việc trong hệ thống Tòa án thì phải học thêm nghiệp vụ dù đã trải qua bốn năm cử nhân Luật. Không phải ai cũng có điều kiện về thời gian, tiền bạc… đó là sự cản trở, giảm cơ hội của họ.
Hơn nữa, ở các quốc gia phát triển về pháp luật, hệ thống tòa án của họ không bao giờ có việc chỉ tuyển dụng cử nhân do trường đào tạo thuộc Tòa án, mà cơ hội luôn bình đẳng cho mọi sinh viên được đào tạo về ngành luật - bạn đọc Lê Văn Tốp .
- Điểm thi vào Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP.HCM thường cao hơn HVTA và chắc chắn giáo viên của hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM giỏi và rất có kinh nghiệm.
Do vậy việc TAND Tối cao qui định về điều kiện mà chỉ có sinh viên HVTA mới có như vậy là không công bằng và Nhà nước đang rất phí một lực lượng sinh viên ngành luật chính qui, chuyên sâu. Do đó chúng tôi đề nghị TAND tối cao bỏ qui định tuyển dụng như thời gian vừa qua - bạn đọc Bay Chương .
- Tòa án hay kiểm sát thì cũng đều tuyển cử nhân luật, đều là những luật gia thôi chứ không phải riêng biệt như ngành quân đội hay cảnh sát. Do đó, không thể có tư duy bó hẹp chỉ tuyển trường mà mình mở ra như vậy được.
Như vậy vừa không công bằng cho sinh viên các trường luật khác, vừa hạn chế phát triển đội ngũ công chức tòa, viện sau này. Mong PLO tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các cơ sở đào tạo luật khác để kiến nghị bỏ quy định bất hợp lý này - bạn đọc An Khánh .
Cơ hội nào cho cử nhân luật vào ngành tòa án?
Theo quan điểm của Tòa án Nhân dân Tối cao, điều kiện phải có chứng chỉ thư ký tòa án mới được tuyển vào ngành là đúng quy định.
Theo Thông báo số 607/TB-TANDTC ngày 18-9-2020 của TAND Tối cao (về việc tuyển dụng công chức vào ngành tòa án năm 2020), đơn vị này tuyển dụng 195 công chức ngạch thư ký viên cho 34 TAND các tỉnh, thành trên cả nước.
Phải có chứng chỉ thư ký mới được tuyển
Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn là có trình độ cử nhân luật trở lên, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản thì điều kiện nữa là: Đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử.
Trong khi môn học nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử, hiện nay chỉ có Học viện Tòa án (HVTA) thuộc TAND Tối cao mới đào tạo. Kể cả hai ĐH luật lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM trong chương trình giảng dạy cũng không có môn học này. Với điều kiện nói trên thì một cử nhân trường luật dù tốt nghiệp loại giỏi cũng không đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ tuyển dụng vào ngành tòa án.
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: BYC
Sau Thông báo tuyển dụng số 607, ngày 1-10-2020, TAND Tối cao có Thông báo số 636 bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành 20 chỉ tiêu công chức. Trong số 20 chỉ tiêu thì một người làm việc tại Vụ Hợp tác quốc tế bằng hình thức xét tuyển với tiêu chuẩn khá cao. 19 công chức được thi tuyển vào làm việc tại các bộ phận hành chính, văn phòng, kế toán, công nghệ thông tin thuộc TAND Cấp cao tại TP.HCM và không yêu cầu phải trải qua lớp nghiệp vụ xét xử hay nghiệp vụ tòa án.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM , em Lê Văn Tốp, sinh viên (SV) khóa 43, Trường ĐH Luật TP.HCM, đánh giá: Với điều kiện như trên thì cái lợi là ngay khi vào làm việc tại tòa, thư ký đã có kiến thức về nghiệp vụ không phải đi học thêm.
Tuy nhiên, quy định này lại tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, không bình đẳng giữa các SV học tại HVTA với các trường khác có đào tạo ngành luật. Tức là SV luật dù giỏi đến đâu cũng không thể vào ngành tòa án nếu không học tại HVTA. Ngành tòa án mất đi cơ hội tuyển dụng các SV luật giỏi từ bên ngoài. "Em mong muốn tòa nên cân bằng nguồn tuyển sinh song song giữa HVTA với SV luật từ các trường khác" - em Tốp nói.
Một SV khóa 44 Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng nhiều SV học luật khi ra trường mong muốn được làm cán bộ tòa án, thư ký, thẩm phán. Nếu ngành tòa án tuyển dụng với điều kiện như trên thì vô tình đã bít cửa, tước đi cơ hội của nhiều cử nhân luật.
Quan điểm của Tòa Tối cao
Ngày 18-12-2020, TAND Tối cao nhận được công văn kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.
Công văn cho rằng TAND Tối cao quy định người tham gia thi tuyển công chức vào ngành tòa án phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử là chưa phù hợp. Bởi nếu quy định các điều kiện như trên thì SV mới ra trường sẽ không đủ điều kiện để tham gia thi tuyển vào ngành tòa án, đề nghị TAND Tối cao xem xét bỏ các quy định này.
Ngày 17-2, chánh án TAND Tối cao có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trả lời. Theo TAND Tối cao, ngành sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không trái quy định pháp luật, không phân biệt loại hình đào tạo.
Căn cứ quy định này và yêu cầu về việc nâng cao chất lượng đầu vào và nhu cầu, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều kỳ tuyển dụng, như việc xét tuyển SV các trường đại học nước ngoài hoặc thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi cho các vụ Giám đốc kiểm tra. Ngành đã tổ chức thi tuyển đối với SV tốt nghiệp loại giỏi cho các TAND Cấp cao (nhằm kịp thời cung cấp nguồn nhân sự chất lượng, hỗ trợ cho công tác giám đốc thẩm, tái thẩm đang bị quá tải của TAND Tối cao và TAND Cấp cao).
Ngành tòa án tổ chức thi tuyển đối với SV tốt nghiệp cử nhân luật trở lên nhưng đã được đào tạo nghiệp vụ tòa án, nghiệp vụ xét xử cho TAND địa phương. Việc này nhằm bổ sung lực lượng thư ký viên không cần phải qua đào tạo lại, để kịp thời hỗ trợ công tác xét xử trong bối cảnh COVID-19 đã tác động lớn đến công tác của ngành.
Theo TAND Tối cao, các kỳ tuyển dụng đã thu hút được nhiều thí sinh tốt nghiệp từ nhiều trường đại học (ĐH Luật TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH Vinh, Học viện Tư pháp, HVTA, ĐH Luật Hà Nội...), đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự thi. Kết quả đã lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng cho ngành, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác của ngành trong những năm qua, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.
Có thể nói việc thực hiện các quy định tuyển dụng nêu trên là đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành tòa án.
190 sinh viên của Học viện Tòa án đã được tuyển làm thư ký tòa
Ngày 24-3 vừa qua, HVTA đã tổ chức buổi lễ công bố quyết định tuyển dụng công chức ngạch thư ký viên cho hơn 190 SV khóa 1 - khóa SV đầu tiên của HVTA, tốt nghiệp vào tháng 7-2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chánh án TAND Tối cao, Giám đốc HVTA, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức Nguyễn Trí Tuệ thay mặt lãnh đạo TAND Tối cao, lãnh đạo học viện chúc mừng tất cả cán bộ, công chức mới, cùng các gia đình có con em được tiếp nhận vào làm công chức hệ thống tòa án.
Theo ông Tuệ, đây là lần đầu tiên trong hệ thống tòa án tuyển dụng tập trung và trao quyết định một lần, đánh dấu một phương thức tuyển dụng mới.
Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức thành công Workshop "Trò chuyện cùng Luật gia về nghề Pháp chế" Trong đời sống xã hội, pháp luật luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đặc biệt trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế. Tối ngày 15/12/2020 trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức thành công chương trình "Job Fair On The Way No.1" với chủ đề: "Trò Chuyện Cùng Luật Gia...