Kiến nghị Bộ GD-ĐT làm rõ việc cho sử dụng điện thoại trong lớp
Bộ đã yêu cầu giáo viên “không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại để phục vụ học tập… các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả các học sinh phải có điện thoại để sử dụng …”.
Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ GD-ĐT làm rõ việc cho sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/3, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết nhiều ý kiến cử tri phản ảnh về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học.
Ông Bình nêu lại Thông tư số 32 của Bộ GD-ĐT có quy định về các hành vi học sinh không được làm có việc “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri 8 địa phương (Quảng Bình, Hà Nội, Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng, Bạc Liêu, An Giang, Long An) đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn.
Trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT cho rằng, về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.
Video đang HOT
Bộ đã yêu cầu giáo viên “không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại để phục vụ học tập… các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả các học sinh phải có điện thoại để sử dụng …”.
“Qua giám sát cho thấy, Bộ GD-ĐT giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy”, Trưởng ban Dân nguyện nói.
Vì vậy, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.
Đồng thời, đề nghị cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện sự tác động của việc thực hiện quy định này trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước hiện nay cũng như khả năng quản lý của nhà trường và giáo viên đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh để ban hành quy định phù hợp.
Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Trưởng ban Dân nguyện cho hay, từ kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị có văn bản hướng dẫn kinh phí cho Kỳ thi THPT quốc gia để các địa phương có căn cứ thực hiện và kịp thời ban hành quy định mức chi chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2020 theo quy định.
Theo báo cáo từ năm 2018 đến nay, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản trao đổi về việc ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 66. Tuy nhiên đến nay, hai bộ vẫn chưa thống nhất ý kiến về những nội dung hướng dẫn nên văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.
Vì vậy, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn kinh phí cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Chuyển đổi số trong giáo dục Quảng Ninh: Biến thách thức thành cơ hội
Tại Quảng Ninh, việc chuyển đổi số trong giáo dục đang được triển khai mạnh mẽ. Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục ở các nhà trường.
Tiết học lịch sử có sử dụng bảng thông minh do thầy giáo Hoàng Kim Phương, Trường THCS Mạo Khê 2, TX Đông Triều giảng dạy.
Lịch sử thường được coi là một môn học khô khan, nhiều sự kiện và rất khó nhớ. Thế nhưng, khái niệm đó không còn đúng trong các tiết lịch sử tại Trường THCS Mạo Khê 2, TX Đông Triều hiện nay. Dự một tiết Lịch sử của học sinh lớp 9D8, chúng tôi nhận thấy, tiết học được giảng dạy dưới nhiều phương pháp và hình thức khác nhau, kết hợp cùng các thiết bị thông minh, giúp giáo viên hạn chế phần thuyết giảng, học sinh thì có thêm thời gian thảo luận.
Thầy giáo Hoàng Kim Phương, giảng dạy bộ môn Văn Sử, Trường THCS Mạo Khê 2, TX Đông Triều cho hay: Việc học trên bài giảng điện tử hiệu quả hơn nhiều. Bởi, học sinh đã được trực quan sinh động với những sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể, giúp kích thích quá trình tư duy của học sinh. Từ đó, nội dung kiến thức lịch sử được thu thập đủ hơn, in sâu hơn vào trong trí nhớ của các em.
Từ năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên thực hiện một số phần mềm phục vụ cho việc quản lý như: Phần mềm SMAS quản lý cơ sở dữ liệu nhà trường gồm quản lý hồ sơ, tuyển sinh, đánh giá xếp loại học sinh; phần mềm Temis bồi dưỡng trực tuyến, đánh giá giáo viên...
Trường cũng chỉ đạo giáo viên làm quen, sử dụng thành thạo mạng xã hội zalo, facebook, email công vụ để kịp thời nhận nhiệm vụ ngay khi có chỉ đạo. Thầy giáo Phạm Ngọc Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Hạ Long chia sẻ: Chỉ cần thao tác một vài đúp chuột trên máy vi tính cá nhân, tôi đã có thể theo dõi tình hình học tập của trên 2.300 học sinh, hơn 100 giáo viên, nhân viên tại 3 cơ sở của trường. Quản lý ngôi trường có số lượng học sinh đông thứ 2 của thành phố, việc ứng dụng CNTT trong quản trị nhà trường đã giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức như khi phải đến từng cơ sở, từng lớp để kiểm tra so với trước đây.
Học sinh Trường THCS Mạo Khê 2 sử dụng máy vi tính trong tiết học Lịch sử.
Ứng dụng các thiết bị số vào hoạt động quản lý, giảng dạy là 2 trong những ví dụ của chuyển đổi số trong giáo dục. Theo đó, tác động, hiệu quả lớn nhất mà chuyển đổi số đã và đang mang lại với giáo dục Quảng Ninh chính là tạo ra kho học liệu mở khổng lồ cho người học.
Đối với người quản lý, việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm thông minh cũng giảm bớt hồ sơ, sổ sách giấy tờ, các thủ tục hành chính rườm rà, từ đó, quản trị nhà trường một cách hiệu quả.
Được biết, được sự quan tâm của tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh đã rất tích cực, đi tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, dạy và học. Ngành đã được tỉnh trang bị gần 1.500 phòng học thông minh tại 90 trường học trên địa bàn tỉnh, với kinh phí gần 400 tỷ đồng. Hiện nay, toàn ngành đã hoàn thiện được hệ thống cơ sở dữ liệu Giáo dục trên toàn tỉnh.
Ngành cũng xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình của ngành Giáo dục; triển khai thành công Đề án tăng cường ứng dụng CNTT tiên tiến trong ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2018. Thông qua các dự án, đề án, trong 3 năm qua, Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức được 17 lớp đào tạo CNTT cho 15 trường học và 2 lớp đào tạo cho cán bộ CNTT.
Giáo viên Trường THPT Hòn Gai tương tác với bảng thông minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, việc chuyển đổi số trong giáo dục tại Quảng Ninh vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Nguồn nhân lực CNTT còn thiếu và yếu, chưa có biên chế giáo viên tin học cho các trường tiểu học, THCS. Hệ thống thiết bị mới được trang cấp có số lượng rất lớn, hiện đại nên nhiệm vụ vận hành, bảo trì có khối lượng lớn...
Có thể thấy, ứng dụng CNTT hay chuyển đổi số vào dạy học và quản trị nhà trường giúp nâng cao chất lượng dạy học nhưng yếu tố quyết định vẫn ở người dạy và người học. Tin tưởng, thời gian tới, hoạt động này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng cấp học, vùng miền, biến thách thức thành cơ hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bối rối với quy định cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh không bắt buộc 100% học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Tại Thông tư 32/2020/BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học không còn cấm học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ...