Kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến: Đặt niềm tin vào sự tự giác, trung thực của học sinh
Dịch bệnh khiến học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải học tập trực tuyến từ đầu năm học 2021-2022. Vì vậy, việc tổ chức kiểm tra đánh giá giữa kỳ từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 cũng đang được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Việc tổ chức kỳ kiểm tra được thực hiện trên tinh thần nhẹ nhàng, tạo sự thoải mái, tự tin cho học sinh Ảnh minh họa
Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) tổ chức kiểm tra trực tuyến giữa kỳ I trên ứng dụng Microsoft Team. Để đảm bảo tính khách quan, nhà trường yêu cầu học sinh và giám thị đều phải mở camera trong suốt thời gian làm bài, trong đó khuyến khích học sinh sử dụng hai thiết bị, một để nhận đề, scan bài làm và một để bật camera cho giám thị quan sát. Trong quá trình làm bài, học sinh không được nhận các cuộc gọi từ bên ngoài, không tự ý rời vị trí.
Trước kỳ kiểm tra, trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn học sinh các quy định và làm quen thao tác kiểm tra trực tuyến. Sau đó, học sinh viết tay một bản cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định khi tham gia làm bài. Mẫu bản cam kết được chụp và gửi lên phần mềm thi và nhà trường sẽ lưu làm mẫu chữ viết của học sinh.
Còn tại Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh, TP.HCM), việc kiểm tra giữa kỳ được thực hiện từ đầu tháng 11. Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo tính công bằng minh bạch nhất có thể.
Cụ thể, giáo viên theo dõi học sinh làm bài trực tuyến bằng phần mềm Google Meet; học sinh nộp bài qua Google Form, Azota.vn hoặc hệ thống LMS, tùy thuộc vào phương tiện, đường truyền học sinh sử dụng. Còn bài làm viết tay học sinh sẽ lưu giữ lại để nộp giáo viên kiểm tra.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, nhiều trường cũng linh hoạt hình thức kiểm tra giữa kỳ nhằm giảm áp lực cho học sinh. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho biết, chủ trương của trường là kiểm tra giữa kỳ theo hướng mở. Lịch kiểm tra giữa kỳ được thực hiện từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 và giáo viên sẽ quyết định hình thức thực hiện với môn của mình.
Thực tế có rất nhiều cách ra đề kiểm tra vừa đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách khách quan cũng vừa đánh giá tính trung thực của các em. Giáo viên có thể giao dự án cho từng nhóm, có phân chia trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên để nhóm thực hiện; hay giao cho nhóm học sinh thực hiện một số sản phẩm gần gũi với cuộc sống có liên quan, ứng dụng kiến thức được học trên lớp.
Thầy cô có thể ra đề mở để học sinh tự tìm đọc từ các nguồn tài liệu trên Internet. Những cách ra đề này sẽ phát huy tính sáng tạo của học sinh, đồng thời rèn luyện cho học sinh nhiều kỹ năng cần thiết chứ không đơn thuần là kiểm tra kiến thức.
Video đang HOT
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TP.HCM) cho rằng, trong quá trình tổ chức kiểm tra, trường không quá đặt nặng các giải pháp kỹ thuật để giám sát học sinh mà luôn đặt niềm tin vào sự tự giác, trung thực của các em.
Việc tổ chức kỳ kiểm tra cũng được thực hiện trên tinh thần nhẹ nhàng, tạo sự thoải mái, tự tin cho học sinh. Trường tổ chức kiểm tra giữa kỳ trong 2 tuần đầu tháng 11 theo hình thức trực tuyến, qua hệ thống LMS, bằng hình thức trắc nghiệm và tự luận tùy từng môn.
Về việc thực hiện kế hoạch giáo dục trực tuyến, đầu năm học Sở GD&ĐT TP.HCM đã yêu cầu các trường xây dựng, bổ sung tiêu chí, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh khi học trực tuyến vào quy chế kiểm tra, đánh giá của trường.
Khi thực hiện kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực. Nhà trường cần xây dựng thành quy trình và đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
Kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ 1: Phụ huynh và học sinh cần lưu ý điều gì?
Theo chia sẻ từ một số trường, để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc trong kiểm tra giữa học kỳ 1, rất cần sự phối hợp giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Năm học 2021 - 2022 đang bước sang tuần học thứ 8. Ảnh minh họa: Nhật Nguyên.
Nếu gian lận sẽ bị xử lý nghiêm
Là đơn vị đang diễn ra kiểm tra giữa học kỳ 1 các môn, Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, kế hoạch về lịch thi cùng một số lưu ý đã được trường thông báo tới toàn thể học sinh, phụ huynh từ hai tuần trước.
Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nguyên.
Cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, cho dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nhưng kiểm tra trực tuyến cũng có quy định rõ ràng theo hướng dẫn của các cấp để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc. Trong suốt quá trình làm bài thi, học sinh phải luôn luôn mở míc, mở camera. Giáo viên sẽ giám sát mọi hoạt động hay dấu hiệu bất thường nào của các em để có hướng xử lý phù hợp.
Đa số các môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn (khối 6, 7); Toán (khối 6, 7, 8) thi theo hình thức kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Với môn Ngữ văn (khối 8, 9) và Toán (khối 9) thi tự luận 100%. Các môn thi tự luận được chấm trên phần mềm Azota, bài thi trắc nghiệm được máy tự chấm.
Thời gian thi được tiến hành vào buổi tối, có em dùng điện thoại thì cần 2 thiết bị; mỗi ngày kiểm tra một môn để giảm áp lực cho học sinh. Giáo viên vất vả làm việc buổi tối trong hai tuần nhưng vì học trò thân yêu nên các cô đều cố gắng.
"Các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện tốt nhất về thiết bị, đường truyền và vị trí không gian yên tĩnh để con làm bài kiểm tra. Đồng thời động viên con tự giác làm bài nghiêm túc. Nếu phụ huynh can thiệp vào bài của học sinh, bài thi của em đó sẽ bị xử lý theo quy định.
Trước đây chúng tôi đã phát hiện và xử lý một trường hợp nên học sinh cũng biết lấy đó làm bài học và tăng tính răn đe. Với môn tự luận, giáo viên có thể căn cứ vào chữ viết của học sinh ở mỗi lần gửi bài để xác định xem có phải do cùng một người viết hay không để có cách xử lý kịp thời", cô Lý nói.
Các trường đang chuẩn bị thi giữa kỳ
Thầy Nguyễn Đức Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) nhấn mạnh, để đảm bảo đánh giá học sinh công bằng, khách quan và đúng thực lực học sinh thì việc coi, chấm bài kiểm tra trực tuyến sẽ vất vả hơn.
Khâu ra đề đảm bảo theo ma trận ở các mức độ như nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Đề kiểm tra được bộ phận chuyên môn nhà trường kiểm duyệt trước. Nội dung kiến thức theo hướng giảm tải, phù hợp với việc tổ chức kiểm tra trực tuyến theo chỉ đạo của cấp trên.
Việc dạy - học trực tuyến của học sinh Hà Nội vẫn đang diễn ra và dần đi vào nề nếp. Ảnh minh họa: Nhật Nguyên.
Việc chấm bài của giáo viên vất vả hơn, đặc biệt là các môn phải kiểm tra theo hình thức tự luận. Toàn trường có 510 học sinh chia làm 14 lớp với 28 giáo viên. Thiết bị của học sinh chủ yếu là điện thoại nên việc kiểm tra trực tuyến sẽ vất vả hơn. Nhiều điểm hạ tầng mạng, sóng viễn thông còn hạn chế nên ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng học/thi trực tuyến của các em.
"Hình thức dạy hay thi online là rất vất vả cho thầy cô do nền tảng công nghệ thông tin chưa thống nhất và đồng bộ. Tuy nhiên, khó khăn thì phải cố gắng khắc phục để thích ứng với điều kiện tình hình mới. Hi vọng sang tháng 11, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để thầy trò có thể được tới trường", thầy Dương chia sẻ thêm.
Hiện có 2.078 học sinh đang theo học, thầy Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, hình thức kiểm tra trực tuyến đã được áp dụng từ học kỳ 2 của năm học trước nên thầy và trò không còn quá bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, để kỳ thi diễn ra được an toàn, nghiêm túc, nhà trường đã sớm xây dựng kế hoạch để giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng nắm và thực hiện. Trường yêu cầu cả phụ huynh và học sinh có cam kết không vi phạm các quy định, không gian lận khi kiểm tra trực tuyến.
Các giáo viên vẫn ra đề bình thường để bộ phận tin học cập nhật lên phần mềm. Trong quá trình học sinh làm bài kiểm tra, có 2 giáo viên coi thi thông qua một phương tiện và phần mềm quan sát khác. Mọi hành động, lời nói của học sinh đều được ghi lại.
Cô Cao Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) nhìn nhận, với học sinh tiểu học, việc dạy hay thi trực tuyến chất lượng không thể bằng được học sinh các khối trên. Việc ra đề kiểm tra giữa học kỳ sẽ do giáo viên chủ động thực hiện trên cơ sở tuân thủ các văn bản hướng dẫn liên quan.
Theo nhà giáo Vũ Thị Thu Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên (Hà Nội), hiện tại học sinh toàn thành phố vẫn trong thời gian học trực tuyến. Về công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, các trường trên địa bàn quận đang thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội và kế hoạch giáo dục của từng trường.
Tại Điều 6, Thông tư 09/2021 của Bộ GD&ĐT ngày 30/3/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đã nêu rõ: Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD&ĐT.
Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Kiểm tra bằng hình thức trực tuyến sao cho khách quan? Đến ngày 4.5 cả nước đã có 8 địa phương phải cho học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19. Đây là giai đoạn kiểm tra học kỳ cuối năm học nên việc có kiểm tra trực tuyến hay không là điều đang được quan tâm. Học sinh trên cả nước đang trong giai đoạn thi học kỳ khi dịch Covid-19 diễn biến phức...