Kiểm tra, đánh giá trong Chương trình mới: Cơ bản ổn định hình thức, thay đổi về nội dung
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cho biết: Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, về hình thức thi, kiểm tra đánh giá cơ bản không thay đổi gì so với hiện nay.
Chỉ có nội dung đề thi, bài kiểm tra sẽ thay đổi theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá sự ghi nhớ kiến thức 1 cách đơn thuần.
Ảnh minh họa/internet
Không phụ thuộc vào sách giáo khoa
Theo PGS Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giáo dục phổ thông mớithực hiện một chương trình nhiều SGK, nên việc dạy học, kiểm tra đánh giá và thi phải theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào các ngữ liệu cụ thể trong SGK, qua đó đảm bảo công bằng cho học sinh học các bộ sách các nhau. Đây cũng là tinh thần của một chương trình phát triển phẩm chất, năng lực.
Làm rõ hơn điều này, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: SGK là phương tiện để tổ chức hoạt động dạy học, trong đó, học sinh làm việc với các ngữ liệu cụ thể (kênh chữ, kênh hình) trong SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức theo quy định của chương trình.
Dù ngữ liệu trong SGK khác nhau nhưng kiến thức “chứa” trong đó để học sinh tiếp nhận, vận dụng là giống nhau, vì phải đáp ứng theo yêu cầu của chương trình. Do đó, khi chuyển trường, học sinh học SGK khác, làm việc với ngữ liệu khác, vẫn không bị ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức để phát triển phẩm chất, năng lực.
Ví dụ, cùng dạy về chủ đề “sống cần kiệm”, ngữ liệu trong SGK khác nhau có thể chọn câu chuyện khác nhau để giao cho học sinh khai thác. Nhưng kết quả cuối cùng, học sinh vẫn nắm được và vận dụng được kiến thức về sống cần kiệm.
Ngay cả việc vận dụng kiến thức về sống cần kiệm để giải quyết tình huống trong thực tiễn, thì tình huống cần giải quyết cũng có thể là khác nhau với 2 học sinh khác nhau, nhưng đều có thể đánh giá được sự phát triển năng lực, phẩm chất của 2 em đó về vấn đề này.
“Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này” – PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Ảnh minh họa/ INT
Hình thức kiểm tra, đánh giá cơ bản ổn định
Video đang HOT
PGS Nguyễn Xuân Thành thông tin: Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá, thi – về cơ bản là giữ ổn định. Điểm khác chỉ là ở nội dung của các bài thi. Trong đó, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Ví dụ: Để đánh giá về phẩm chất, năng lực của học sinh đối với chủ đề “sống cần kiệm”, thay vì yêu cầu học sinh phát biểu “thể nào là sống cần kiệm” thì đề thi đánh giá năng lực phải ra một tình huống cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể, đứng trước tình huống đó yêu cầu học sinh phải xử lý.
Chính cách xử lý đó của học sinh sẽ thể hiện được sự nắm vững kiến và phát triển phẩm chất năng lực của học sinh với chủ đề này.
Hoặc, với Vật lý, thay vì kiểm tra những kiến thức về chuyển động thẳng, thì có thể yêu cầu học sinh thiết kế một đường trượt tuyết cho người yêu thích tốc độ từ đỉnh một quả đồi xuống, với 3 phương án: đường thẳng, đường vồng lên, đường lõm xuống, để học sinh phải lựa chọn và giải thích.
“Một chương trình, nhiều SGK, nhưng việc dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi là theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình – điều đó là thống nhất, nên sẽ đảm bảo công bằng cho mọi học sinh học các SGK khác nhau” -PGS Nguyễn Xuân Thành.
Không yêu cầu ghi nhớ kiến thức máy móc
Trong các bài học, học sinh được tổ chức để hoạt động chiếm lĩnh kiến thức và vận dụng kiến thức với sự hỗ trợ của SGK và các phương tiện dạy học khác. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy học được thực hiện thông qua các sản phẩm hoạt động học nói trên.
Các bài kiểm tra, đánh giá và thi cũng không yêu cầu ghi nhớ kiến thức một cách máy móc mà yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển về phẩm chất, năng lực của học sinh.
Chia sẻ điều này, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm: Việc đánh giá định tính sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh được thực hiện trong quá trình tổ chức hoạt động học, thông qua những sản phẩm học tập mà học sinh đã hoàn thành. Qua đó, giáo viên sẽ có những nhận xét, đánh giá để giúp học sinh tiến bộ.
Ví dụ: Khi học sinh được giao nhiệm vụ giải 1 bài tập, hay viết 1 đoạn văn, thì giáo viên có thể quan sát, đánh giá lời giải, hay bài viết để qua đó có những nhận xét mang tính định tính, để giúp học sinh hoàn thiện. Điều trên, tuy rằng có tính chủ quan của giáo viên, nhưng nó lại có một căn cứ quan trọng, đó chính là nội dung của hoạt động đó mà câu trả lời hay bài viết phải đáp ứng.
Còn đánh giá để cho điểm là đánh giá định lượng, thông qua các bài kiểm tra, hay các sản phẩm học tập như bài trình bày hay bài viết, thì sẽ có tiêu chí, bảng kiểm, thang điểm, để quyết định điểm số này (như chấm 1 bài văn). Điều đó sẽ đảm bảo sự khách quan trong đánh giá.
Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực là đánh giá việc sử dụng kiến thức, kĩ năng của người học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn.
Trong quá trình dạy học theo phương pháp dạy học tích cực, học sinh được tổ chức để thực hiện các hoạt động học và tạo ra các sản phẩm học tập cụ thể: hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập…
“Việc đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh sẽ dựa trên những sản phẩm đó. Vì vậy, không lo việc không có đủ phương tiện, công cụ để đánh giá” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Tất cả SGK đều được biên soạn theo chương trình, đảm bảo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình. Các tiêu chí để biên soạn SGK, trong đó có cấu trúc mỗi bài học trong SGK đã được quy định trong Thông tư 33, gồm 4 phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.
Cách thể hiện trong các SGK khác nhau có thể khác nhau về kênh chữ, kênh hình, ngữ liệu, nhưng phải bảo đảm yêu cầu của chương trình. Việc kiểm tra, đánh giá, thi theo chương trình, không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong SGK. Đó chính là ưu điểm của chương trình định hướng phát triển năng lực; cũng là ưu điểm của một chương trình, nhiều SGK. – PGS Nguyễn Xuân Thành
Hải Bình
Theo GDTĐ
Triển khai chương trình giáo dục mới: Chủ động đi tắt, đón đầu
Nhờ thực hiện tốt chương trình giáo dục nhà trường, các cơ sở giáo dục đã huy động thêm nhiều nguồn lực phục vụ cho các hoạt động dạy học; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên; tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục. Đây cũng là bệ phóng để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều trường học đã chủ động thực hiện chương trình mới.
Sức sống mới
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong thời gian dài, việc xây dựng và quản lí chương trình giáo dục phổ thông chủ yếu theo định hướng tập trung hóa. Cả nước thực hiện theo một chương trình và một bộ sách giáo khoa, kế hoạch dạy học thống nhất như nhau.
Việc quản lí và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông còn rập khuôn máy móc, áp đặt từ Bộ đến cơ sở GD nên không phát huy được vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên, cán bộ quản lí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục; chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục của các vùng miền khác nhau, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Chính vì vậy, việc giao quyền tự chủ trong thực hiện chương trình, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh, phát huy vai trò sáng tạo của nhà trường và giáo viên trong thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục đang được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt.
Công việc phát triển giáo dục nhà trường còn có ý nghĩa phản hồi, giúp các cơ quan nghiên cứu và phát triển chương trình giáo dục quốc gia, tham khảo, điều chỉnh nội dung và chuẩn chương trình. Giúp các tác giả sách giáo khoa rút kinh nghiệm về mức độ và cách thức thể hiện ngày càng phù hợp với thực tiễn hơn; khắc phục tình trạng một chiều trong quy trình thiết kế chương trình giáo dục lâu nay.
Trong những năm qua, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đi trước một bước trong việc vận dụng linh hoạt chương trình giáo dục quốc gia vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Nhà trường chủ động phân bổ lại kế hoạch dạy học, thêm bớt một số nội dung giáo dục, tổ chức hoạt động và các hình thức sinh hoạt đa dạng và phong phú mang đậm bản sắc của nhà trường. Thực chất đó chính là thực hiện công việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường.
Không chỉ định hướng phát triển năng lực học sinh, các cơ sở giáo dục đã huy động thêm nhiều nguồn lực phục vụ cho các hoạt động dạy học; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên; tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục.
Định hướng phát triển năng lực học sinh. Ảnh minh họa/ Internet
HS là trung tâm mọi hoạt động GD
Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) là đơn vị áp dụng thành công chương trình nhà trường trong những năm học vừa qua. Thầy Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm chia sẻ: Chất lượng cao không phải là đầu ra, mà là không ngừng nâng cao chất lượng.
Với quan điểm như vậy, lãnh đạo nhà trường đánh giá việc xây dựng kế hoạch nhà trường là vấn đề then chốt, quan trọng nhất để triển khai các hoạt động giáo dục làm sao cho phù hợp.
Việc xây dựng phát triển chương trình nhà trường là động lực để nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT, từ đó khẳng định vị thế trong xã hội, được cha mẹ học sinh và HS tin cậy.
Trong những năm qua, từ cán bộ quản lí đến đội ngũ giáo viên nhân viên có nhiều nỗ lực để đạt được kế hoạch giáo dục ngày càng hoàn thiện, đem đến những nội dung, hình thức hoạt động GD thích hợp, hiệu quả hơn đối với học trò.
Việc xây dựng chương trình giáo dục nhà trường bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thành phố, Sở GD&ĐT, sau đó dựa vào nhu cầu thực tiễn của nhà trường.
Với Trường THPT Phan Huy Chú, HS sẽ được chia làm 2 ban theo đăng kí là KHTN và KHXH. Ở cả 2 ban này về cơ bản các bộ môn Toán, Văn, Tiếng Anh được cấu trúc gần tương đương nhau. HS có nhiều lựa chọn qua việc xây dựng kế hoạch GD ở từng bộ môn. Vì có 2 lựa chọn như vậy nên mỗi học trò có một thời khóa biểu khác nhau. Khi HS thực hiện những lựa chọn này sẽ phá vỡ cơ cấu của lớp vì 2 HS trong cùng 1 lớp có nguyện vọng, nhu cầu khác nhau. Cho nên mỗi học trò có một thời khóa biểu.
Để làm được việc này, nhà trường phải xác định rõ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất xem có đáp ứng được không. Tiếp đến là làm thế nào để xếp thời khóa biểu đúng như nguyện vọng, nhu cầu của HS. Đây là việc khó khăn nếu không rà soát trước nguồn nhân lực, cơ sở vật chất thì chắc chắn không thể đáp ứng được.
Khi được hoạt động, học nhóm, trải nghiệm, sẽ phát triển nhiều năng lực cho HS. Hơn nữa, khi lồng ghép các kĩ năng sống, bổ sung thêm một số bộ môn như văn hóa đọc sẽ giúp HS có thói quen và kĩ năng đọc sách hiệu quả.
Vân Anh
Theo GDTĐ
Chọn sách khác nhau có ảnh hưởng việc kiểm tra đánh giá học sinh? Mỗi trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau có làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra đánh giá học sinh? Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, cho biết tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2% - B.THANH Đó là câu hỏi và băn khoăn của nhiều người tại Hội nghị triển khai chương...