Kiểm soát hoạt động du lịch mạo hiểm tự phát ở Lạc Dương
Cắm trại là một trong những hoạt động du lịch mạo hiểm được nhiều du khách quan tâm khi đến Lạc Dương nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, yếu tố sức khỏe được mọi người quan tâm nhiều hơn. Các hoạt động du lịch mạo hiểm vừa là cơ hội để du khách trải nghiệm, thử thách bản thân, cũng là cách để vận động và rèn luyện sức khỏe.
Chính vì vậy, loại hình du lịch này ngày càng phổ biến. Từ đây, các nhóm tự phát tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm cũng xuất hiện nhiều hơn. Nếu không có kinh nghiệm và chuyên môn, việc làm này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho du khách.
Hôm 30/8, nhóm 17 thiếu niên gặp nguy hiểm khi tự cắm trại ở khu vực ven suối chảy về thủy điện Ankroet, cách trung tâm xã Lát, huyện Lạc Dương khoảng 20 km.
Liên lạc với lãnh đạo huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), vị này cho biết: “Có lợi thế về mặt địa hình, nhiều rừng thông nên du khách thường lựa chọn địa bàn huyện để dựng lều, cắm trại”.
Hoạt động này chưa được cấp phép nhưng lại thu hút lượng khách lớn, chủ yếu là người trẻ. Cũng theo vị lãnh đạo, khách du lịch thường chỉ tổ chức những buổi cắm trại trong ngày chứ không ở lại qua đêm vì thời tiết không thuận lợi.
Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có địa hình khá lý tưởng cho các buổi cắm trại. Ảnh: GoCamping.
Video đang HOT
“Để tránh những rủi ro không đáng có, chúng tôi thường xuyên rà soát và kiểm tra các địa điểm được khách du lịch lựa chọn. Nếu xảy ra sai phạm sẽ nhắc nhở và đề nghị họ rời đi ngay”, ông nói.
Các buổi cắm trại tự phát được vị này nhận xét không làm ảnh hưởng đến việc quản lý khách lưu trú trên địa bàn huyện nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro liên quan đến cháy rừng, vệ sinh môi trường và tình hình an ninh trật tự.
Hiện, trên địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cũng chưa có cơ sở kinh doanh nào được cấp phép tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm nói chung và cắm trại nói riêng. Du khách cần lưu ý khi có ý định đến đây du lịch.
Ngày 6/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đưa ra văn bản đề nghị các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát, không cho phép các công ty lữ hành, khách du lịch tự tổ chức hoạt động, chương trình du lịch tham quan dã ngoại tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở trong mùa mưa.
Chỉ trong vòng hơn một năm, Sở đã đưa ra 2 văn bản với cùng một nội dung. Thế nhưng, nhiều du khách vẫn không nắm được thông tin và vẫn tiếp tục các hoạt động du lịch mạo hiểm tự phát.
Trao đổi với Zing, một lãnh đạo ngành du lịch tỉnh cũng khẳng định: “Từ trước đến giờ tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng vẫn chưa cho phép hoạt động cắm trại tự phát tại các khu vực nguy hiểm”.
Chấn chỉnh các nhà hàng bè nổi hoạt động tự phát ở Hòn Khô
Điểm du lịch Hòn Khô (gồm đảo Hòn Khô Nhỏ và đảo Hòn Khô Lớn) thuộc xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông du khách, góp phần đem lại sinh kế cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động tự phát của một số nhà hàng bè nổi, bè đưa khách lặn ngắm san hô và bè nuôi trồng thủy sản nơi đây có nguy cơ ảnh hưởng đến rạn san hô, hệ sinh thái tự nhiên và gây mất vệ sinh môi trường biển, mất an toàn cho du khách.
Tại khu vực đảo Hòn Khô Lớn có tám nhà hàng bè nổi hoạt động tự phát.
Nhiều bất cập hoạt động bè nổi
Ghi nhận tại điểm du lịch Hòn Khô, rất đông du khách đến đây tham gia các hoạt động tắm biển, đi ca-nô nước, lặn ngắm san hô, ăn uống tại các nhà hàng bè nổi. Trong đó, tại bè đưa khách lặn ngắm san hô (bè trung chuyển du khách trước khi xuống biển lặn ngắm san hô) của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải, ghi nhận bè có diện tích khoảng 70m2 nhưng trên bè có hơn 100 du khách chuẩn bị lặn ngắm san hô. Hầu hết du khách đều không mặc áo phao.
Vị trí của bè nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô phía tây đảo Hòn Khô Nhỏ (12ha) được thành phố Quy Nhơn giao quyền quản lý cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải. Cạnh bè đưa khách lặn ngắm san hô của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải còn có hai bè đưa khách lặn ngắm san hô khác đang thực hiện việc đón khách để chuẩn bị cho các hoạt động lặn ngắm san hô. Diện tích mỗi bè này từ 50-70 m2. Một số du khách đang có mặt trên bè cũng không mặc áo phao. Cả hai bè này cũng nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô. Nhiều du khách đã bơi lặn trực tiếp để ngắm san hô, một số ca-nô nước tự do di chuyển trong khu vực này.
Theo một số du khách, khi lên bè lặn ngắm san hô tại đây, họ thấy nhiều người không mặc áo phao nên cũng không mặc, nhân viên cũng không bắt buộc phải mặc áo phao. Hơn nữa, số lượng áo phao cũng không đủ cho tất cả người trên bè, những du khách trực tiếp xuống biển lặn ngắm san hô mới được trang bị mặc áo phao đầy đủ.
Trong khi đó, tại khu vực đảo Hòn Khô Lớn có một dãy nhà hàng bè nổi nằm cạnh nhau. Mỗi bè có diện tích khoảng 200m2. Đây là nơi du khách nghỉ ngơi, ăn uống hải sản và tắm nước ngọt. Trên các nhà hàng bè nổi này, nhân viên nấu nướng, chế biến thức ăn tại chỗ để phục vụ du khách. Một số cây cầu tạm bằng gỗ được xây dựng để du khách đi lại. Nhiều dây neo được thả xuống biển để giữ bè không bị trôi. Đặc biệt, một nhà hàng bè nổi tại đây còn sử dụng máy bơm để hút cát biển dưới chân bè đổ lên đảo.
Một nhân viên đón khách cho nhà hàng bè nổi tại đây cho biết, đã làm nhà hàng bè nổi từ 6-7 năm nay, mỗi ngày có khoảng 200-300 du khách đến ăn uống, nghỉ ngơi trên bè. Chủ nhà hàng bè nổi cũng đã cam kết với chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho du khách, không xâm hại rạn san hô. Trong khi đó, ghi nhận xung quanh khu vực đảo Hòn Khô Lớn, ngoài các nhà hàng bè nổi còn có trên 10 bè nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Các bè này cách đảo khoảng 50m và đang được thả nuôi tôm giống.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải (thuộc Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải) cho biết, khi thành phố Quy Nhơn giao cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải thực hiện quản lý, bảo vệ diện tích 12ha mặt nước có nhiều rạn san hô tại khu vực phía Tây đảo Hòn Khô Nhỏ, Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải nhận nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô tại đây kết hợp với việc đưa khách lặn ngắm san hô.
Tổ Bảo vệ rạn san hô xã Nhơn Hải đã lập biên bản xử lý đối với một số trường hợp bè tự phát đưa khách lặn ngắm san hô, không đảm bảo an toàn, không có đủ nhân viên hướng dẫn, cứu hộ, thiếu áo phao trang bị cho du khách. "Hiện, bè đưa khách lặn ngắm san hô của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải và bè tự phát của hai hộ dân địa phương đều nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô 12ha. Tuy nhiên, các bè chưa xâm phạm đến vùng lõi 2,1ha cần được bảo vệ nghiêm ngặt mà nằm ở vùng đệm được phép lặn ngắm san hô theo phương án bảo vệ", anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng cho biết.
Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, theo quy định thì vũng lõi bảo vệ rạn san hô phải được bảo vệ nghiêm ngặt, còn vùng đệm được phép hoạt động lặn ngắm san hô. Tuy nhiên, nếu lượng du khách lặn ngắm quá nhiều thì Tổ bảo vệ rạn san hô sẽ không quản lý hết được, du khách sẽ có những hoạt động như dẫm đạp làm ảnh hưởng đến rạn san hô ở vùng lõi.
Theo phương án quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản và du lịch giải trí tại khu vực phía Tây đảo Hòn Khô Nhỏ của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, việc đặt bè nổi cho khách lặn ngắm san hô phải theo hướng dẫn của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải, hạn chế bơi lặn ngắm trực tiếp, khuyến khích sử dụng thảm bè nổi, thúng đáy kín chèo tay tránh làm ảnh hưởng rạn san hô; vị trí đặt bè cho khách lặn ngắm san hô không gây tác động xấu đến rạn san hô, số lượng bè được quy định cụ thể theo ý kiến của cơ quan chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hải, hiện nay, tại khu vực xung quanh đảo Hòn Khô Lớn có tám nhà hàng bè nổi đang hoạt động. Đây là các bè của người dân địa phương hoạt động tự phát. Trước đây vào năm 2019, khi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành văn bản cấm tất cả các hoạt động của nhà hàng bè nổi tự phát, địa phương đã yêu cầu tám nhà hàng bè nổi này không được hoạt động nữa. Tuy nhiên, các nhà hàng bè nổi đem lại nguồn sinh kế cho người dân và hình thành trước khi tỉnh có văn bản cấm nên địa phương rất khó xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Nam thừa nhận, vì hoạt động tự phát nên các nhà hàng bè nổi tại đảo Hòn Khô Lớn có nhiều bất cập. Trước mắt chưa thể dừng hoạt động được nên địa phương yêu cầu các hộ dân cam kết phải đảm bảo môi trường, thu gom rác thải vận chuyển vào đất liền, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách, đặc biệt là mặc áo phao phòng hộ. Đối với các bè đưa khách lặn ngắm san hô, nếu lượng khách quá nhiều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng rạn san hô và mất an toàn nên cũng cần được chấn chỉnh. Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản hiện nay tại khu vực gần đảo Hòn Khô Lớn cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, nguồn nước.
Địa phương đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nên sắp tới sẽ vận động người dân vào khu vực này để nuôi trồng thủy sản đảm bảo. Tuy nhiên, vùng quy hoạch lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dễ gây thiệt hại nên người dân chưa thống nhất. Hiện, có khoảng 14 hộ nuôi trồng thủy sản tự phát tại khu vực gần đảo Hòn Khô Lớn.
Trải nghiệm loạt hoạt động siêu hấp dẫn ở đảo quốc sư tử dịp lễ 2/9 Nếu đang vi vu Singapore trong dịp tháng lễ 2/9 hoặc có kế hoạch du lịch đảo quốc sư tử trong tháng 9 này, bạn có thể tham khảo những hoạt động hấp dẫn dưới đây. Khám phá hơn 70 trải nghiệm đặc sắc tại lễ hội ẩm thực Singapore Food Fest 2022 (SFF 2022) Một món ăn hấp dẫn trong Lễ hội...