Kiểm soát chất lượng tiến sĩ sau cấp bằng còn đang bị thả nổi?
Chúng ta chỉ quan tâm đến việc làm sao để có bằng tiến sĩ nhưng lại không có một quy định nào để đo chất lượng công việc của những người đã có bằng tiến sĩ.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến thảo luận đa chiều xoay quanh Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
Cụ thể, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT không còn yêu cầu bắt buộc nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus hoặc tương đương (cùng với các điều kiện khác), thay vào đó, nghiên cứu sinh có thể công bố bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn là “các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình”.
Ông Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT. (Ảnh: Thùy Linh)
Khó đánh giá chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay
Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, chúng ta không bị áp lực về số lượng tiến sĩ phải có, chính vì vậy, tiêu chuẩn đối với quy chế đào tạo tiến sĩ nếu không tăng thì cũng không nên giảm.
Trong khi đó, chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay chưa thực sự tốt nên việc hạ một số tiêu chuẩn theo thông tư 18/2021/TT-BGDĐT tạo nên những ý kiến tranh luận, bất bình cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới đang quan tâm đến việc bằng tiến sĩ được cấp như thế nào, nhưng vấn đề quan trọng hơn là những người có bằng tiến sĩ rồi họ phải làm gì và làm được những gì, điều này chưa được bàn luận và chưa có quy định cụ thể nào.
“Chất lượng tiến sĩ không chỉ được thể hiện trong thời gian 3 -4 năm anh học để lấy bằng, đây chỉ là bước khởi đầu, phản ánh chất lượng thời gian học mà thôi.
Vấn đề trong quy chế đào tạo tiến sĩ chỉ liên quan đến câu chuyện nghiên cứu sinh đầu vào thế nào, cần có mấy bài báo, đăng ở tạp chí nào, hội đồng bảo vệ như thế nào, người hướng dẫn ra sao,…
Nhưng nói đến chất lượng tiến sĩ là phải trả lời câu hỏi then chốt: có bằng tiến sĩ để làm gì, ngoài cái học vị, cái danh mà người mang bằng có được? Chất lượng công việc của những người có bằng tiến sĩ được đo như thế nào quan trọng hơn nhiều so với việc phải làm thế nào để có bằng tiến sĩ. Bởi thực tế, không ít người sau khi được cấp bằng tiến sĩ nhưng không làm công việc liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình nữa”, ông Lê Trường Tùng nhận định.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Trường Tùng, để đo được chất lượng công việc của những tiến sĩ ở Việt Nam là điều rất khó, bởi lẽ, chúng ta chưa có nguồn lực, chưa có thị trường, môi trường nghiên cứu khoa học để các nhà khoa học thực hiện các hoạt động nghiên cứu.
Một trong những câu hỏi lớn nhất hiện nay là tiền đâu để trả lương cho hoạt động nghiên cứu của các giảng viên trường đại học.
Theo thông tư 20/2020/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học đã nêu rõ, giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Theo ông Lê Trường Tùng, đây là một quy định cần thiết, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, vấn đề là kinh phí ở đâu để chi trả cho những hoạt động nghiên cứu đó, nội dung này chưa được nêu trong một quy định nào.
Trong bối cảnh các trường tự chủ về tài chính, kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư đã bị cắt thì nhà trường lấy tiền ở đâu phục vụ hoạt động nghiên cứu? Nếu chỉ trông chờ vào học phí của người học để trả tiền cho nghiên cứu thì con số đó cũng không đủ đáp ứng. Điều đáng nói là có những nghiên cứu còn không liên quan đến nội dung bài học thì không thể dùng học phí để chi trả.
Tất nhiên, bên cạnh đó sẽ có những nghiên cứu từ quan hệ hợp tác để doanh nghiệp trả tiền cho nghiên cứu nhưng con số đó cũng vô cùng ít.
Còn thực tế, các nghiên cứu của chúng ta hiện nay vẫn là thực hiện theo ngân sách nhà nước và thực hiện để lấy danh tiếng.
Chỉ có 2% ngân sách nhà nước dùng chi cho hoạt động nghiên cứu. Trong khi đó hoạt động nghiên cứu này còn phân chia theo các bộ, ngành, thử hỏi trong một năm, đề tài nhà nước chia ra cho tất cả các trường đại học được bao nhiêu?
Rõ ràng, chúng ta không có động lực, không có nguồn lực cho việc thực hiện nghiên cứu. Như vậy thì sẽ rất khó để đánh giá được chất lượng tiến sĩ hiện nay.
Video đang HOT
Theo ông Lê Trường Tùng, ở nhiều nước, kinh phí nghiên cứu khoa học phần lớn do nhà nước cấp, phần lương tương ứng với khoảng thời gian giảng viên dạy học được trích từ học phí người học, khoảng thời gian giảng viên làm nghiên cứu thì có ngân sách cung cấp.
Theo mô hình các trường đại học khác ở nước ngoài, hàng năm đều phải công khai tài chính, thu học phí bao nhiêu, bao nhiêu nghiên cứu được cấp từ ngân sách nhà nước.
Giảng viên ở các nước tiên tiến như nước Anh, Mỹ, Úc,… công việc giảng dạy và nghiên cứu được đảm bảo hài hòa, bởi vì họ được đảm bảo về nguồn lực tài chính, từ mức học phí thu khá cao và bao gồm cả nguồn thu lớn từ kinh phí đặt hàng của nhà nước.
Tóm lại, vấn đề đặt ra là không chỉ là quy chế đào tạo tiến sĩ ra sao mà còn là đào tạo ra tiến sĩ để làm gì. Tuy nhiên, khi đánh giá chất lượng tiến sĩ thì không đơn thuần là đo chất lượng công việc của tiến sĩ mà còn phải đo nguồn lực xã hội chi bao nhiêu cho hoạt động nghiên cứu.
Đây là hai yếu tố song song tồn tại, nếu như chúng ta có nguồn nhân lực giỏi nhưng không có nguồn lực tài chính, không có hệ thống môi trường nghiên cứu chuẩn chỉnh thì hoạt động nghiên cứu không thể đảm bảo.
Còn nếu đã có nguồn lực chi cho hoạt động nghiên cứu nhưng không đạt kết quả, không tạo ra giá trị thì khi đó chúng ta mới có cơ sở để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực – những người được cấp bằng tiến sĩ.
“Chi phí nghiên cứu khoa học của Việt Nam đang rất thấp, thấp đến mức vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn còn rất mờ nhạt.
Chúng ta không có thị trường khoa học công nghệ, không có nguồn lực tài chính và không tạo được môi trường để các nhà khoa học làm nghiên cứu.
Chính vì vậy, rất dễ hiểu vì sao nhiều nhà nghiên cứu giỏi ở nước ta phải ra nước ngoài làm việc, vì ở đó, họ có đồng nghiệp, có phòng thí nghiệm, có quan hệ quốc tế, có tài chính, họ có cả một môi trường tổng thể tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc và phát huy khả năng của mình.
Muốn đảm bảo chất lượng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, muốn đo được chất lượng của tiến sĩ thì nhà nước phải thực sự quan tâm, phải đảm bảo được nguồn lực tài chính chi cho công việc nghiên cứu.
Nhà nước có sẵn sàng cung cấp ngân sách đủ lớn cho hoạt động nghiên cứu hay không, phải quy định rõ kết quả của nghiên cứu như thế nào thì sẽ được cấp ngân sách, không phải tất cả các công bố đều được chi trả.
Bởi lẽ, bản thân các công bố không mang lại tiền, để công bố ngoài hoạt động nghiên cứu để có kết quả, chúng ta phải chi trả tiền để công bố chứ không phải công bố thu về được tiền.
Và mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu không phải bài báo công bố, không phải các chỉ báo, số lượng mà phải là những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, tạo ra giá trị xã hội, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, hay mang lại những giá trị nhân văn,…”, ông Lê Trường Tùng nhận định.
Cần có quy định đánh giá chất lượng tiến sĩ
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở Việt Nam hiện nay, chưa có một quy định cụ thể nào để đánh giá chất lượng của những tiến sĩ sau khi đã được cấp bằng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NEU)
Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, cần phải phân biệt rõ hai nhóm tiến sĩ, thứ nhất là tiến sĩ chuyên về nghiên cứu (PhD), khi tốt nghiệp thường giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học hoặc Viện nghiên cứu với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, đăng bài báo quốc tế để đăng ký bản quyền cá nhân, chứng tỏ sản phẩm là của chính mình và cũng tăng xếp hạng ranking cho đơn vị.
Nhóm thứ hai liên quan đến nghề nghiệp (professional doctors), ví dụ như tiến sĩ về giáo dục trong lĩnh vực quản trị trường học, tiến sĩ về y khoa, tiến sĩ về quản lý kỹ thuật trong các nhà máy,… Họ không bắt buộc chuyên sâu về nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà thực hiện các công việc, chuyên môn sâu theo lĩnh vực ngành nghề của mình.
Do đó, yêu cầu và tiêu chí đánh giá đối với hai nhóm tiến sĩ này cũng khác nhau, nhóm thứ hai không cần phải có bài báo quốc tế.
Ở một số quốc gia trên thế giới, đối với các tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học và Viện nghiên cứu, nếu muốn bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư thì họ phải đảm bảo được số lượng công trình nghiên cứu, bài báo xuất bản. Nếu trong vòng 5 năm không đáp ứng được tiêu chí đặt ra thì họ có thể bị đánh trượt. Publish or perish – Công bố hay là biến mất!
Sự cạnh tranh có tác động đến hoạt động nghiên cứu của mỗi nhà khoa học. Tiến sĩ chưa có việc làm thì họ đăng ký làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (post-doctorate), tiến sĩ có việc làm rồi họ vẫn phải thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tiếp tục tìm những hướng mới cho công trình của mình.
“Ở Việt Nam không quy định rõ ràng như vậy. Với các tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học, nếu muốn đánh giá được chất lượng tiến sĩ thì cần phải có những quy định và tiêu chí đánh giá cụ thể.
Ví dụ, trong một khoảng thời gian nhất định, nếu tiến sĩ không có công trình nghiên cứu mới, không có công bố ở các tạp chí khoa học thì tấm bằng sẽ không còn giá trị. Và những nghiên cứu, những công bố như thế nào cũng cần phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng.
Bằng tiến sĩ cũng phải có thời hạn, nếu anh không đảm bảo hoàn thành những yêu cầu về hoạt động nghiên cứu thì tấm bằng sẽ bị xóa bỏ. Làm được điều này sẽ nâng cao chất lượng tiến sĩ.
Bản thân các trường đại học có thể ban hành quy chế, đặt ra yêu cầu đối với các tiến sĩ khi thực hiện công việc nghiên cứu. Thậm chí, các trường có thể đánh vào bài toán kinh tế. Một người có bằng tiến sĩ sẽ có mức lương cao hơn thạc sĩ, vậy nếu trong một năm, anh không có bài báo nào thì phần lương tăng thêm sẽ giảm dần. Đó cũng là một cách để đảm bảo và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Riêng với những tiến sĩ theo chuyên môn quản lý với tính chất và môi trường công việc khác thì có thể đánh giá theo hiệu quả công việc”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.
Theo thầy Dũng, mục tiêu học tiến sĩ ở nước ta hiện nay chủ yếu là để phục vụ công tác giảng dạy ở trường đại học, để đảm bảo một mức lương cao hơn.
Bên cạnh đó, cũng có những người học vì danh tiếng, vì một “vị trí” công việc – đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện các “lò ấp” tiến sĩ.
Bàn về chất lượng tiến sĩ, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng đề cập đến những khó khăn về môi trường nghiên cứu cho đến tiềm lực tài chính đối với các hoạt động nghiên cứu.
Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu là rất lớn. Thậm chí công nghệ nhanh chóng lạc hậu theo thời gian đòi hỏi chúng ta cần đổi mới liên tục. Vậy bài toán về kinh phí là vô cùng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển.
“Nhiều người làm nghiên cứu ở nước ngoài với môi trường rất tốt, phòng thí nghiệm của họ hằng năm được nhà nước, được các công ty hỗ trợ đầu tư.
Nhưng khi về Việt Nam, họ bị hụt hẫng, những người làm nghiên cứu đơn thuần về lý thuyết cơ bản thì vẫn tiếp tục được, còn nghiên cứu liên quan đến các thiết bị thí nghiệm thì vô cùng khó khăn vì chúng ta chưa có sự đầu tư công nghệ, thiết bị,…
Trong khi đó ở trường đại học, nhiều thầy cô đã hài lòng với mức thu nhập từ giảng dạy nên không còn tha thiết công việc nghiên cứu, có thầy cô muốn làm nghiên cứu cũng không có môi trường để làm. Một bộ phận tiến sĩ giỏi, thực sự có năng lực tốt thì họ đi làm bên ngoài, thực hiện chuyển giao công nghệ, thành lập công ty, thu nhập còn cao hơn từ việc giảng dạy nghiên cứu.
Đó chính là thực trạng về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Bài toán đặt ra là làm sao để có một môi trường tốt nhất để nhà khoa học làm nghiên cứu”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhận định.
Mặc dù chúng ta có quy định giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhưng quy định đó chưa đủ để đảm bảo chất lượng tiến sĩ.
Một mặt, quy định này vừa khuyến khích hoạt động nghiên cứu để tăng số lượng công trình, bài báo khoa học.
Mặt khác cũng xuất hiện tiêu cực như một số người không có khả năng nghiên cứu hoặc do không đảm bảo điều kiện về kinh phí, trang thiết bị mà không thể làm nghiên cứu nên sẽ cố tình gian dối, đứng tên chung với sản phẩm, công trình của người khác hoặc thực hiện những đề tài cũ để hợp thức hóa số điểm, đảm bảo thời lượng nghiên cứu.
“Chính vì vậy, ngoài việc ban hành những quy định đánh giá chất lượng tiến sĩ thì nhà nước cũng phải có vai trò trong việc đầu tư, tạo một môi trường tốt nhất để các nhà nghiên cứu được sáng tạo và nghiên cứu thực sự”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.
PGS Phan Thị Hà Dương: Không nên 'hạ chuẩn' tiến sĩ với hiện trạng ở Việt Nam
"Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ" cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay.
Chúng ta không nên áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.
Đây là quan điểm của PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương trước những tranh luận về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18/2021 của Bộ GD-ĐT. VietNamNet trân trọng giới thiệu với độc giả:
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2021. Ảnh: NAG Nguyễn Á
Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT mới ban hành (và dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) đã gây xôn xao trong giới khoa học, trong đó có nhiều ý kiến phản biện về việc 'hạ chuẩn' đầu ra của tiến sĩ.
Đặc biệt, ngày 15/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng 'nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ'.
Tôi cũng có một số ý kiến đóng góp về tiêu chuẩn đầu ra của việc đào tạo tiến sĩ như sau:
Cần đi thẳng vào hiện trạng giáo dục
Như chúng ta biết, Thông tư có nội dung và mục đích nhằm hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định chung trong các văn bản pháp luật, có hiệu lực 45 ngày sau khi ban hành; và thời gian hiệu lực của Thông tư có thể chỉ 4 năm (như trường hợp ta đang bàn là Thông tư 08/2017 sẽ bị thay thế bằng Thông tư 18/2021 này).
Do đó, Quy chế theo Thông tư 18 sẽ được áp dụng ở ngay hiện tại và trong tương lai gần, chứ không phải ở một tương lai xa, khi ta giả thiết đã có những điều chúng ta muốn xây dựng. Vì vậy, chúng ta nên phân tích việc áp dụng Quy chế trong hiện trạng giáo dục và xã hội ta hiện nay.
So với các nước tiên tiến được không?
Khác với Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ cũ (Quy chế 2017), Quy chế mới (Quy chế 2021) không yêu cầu luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế.
Có ý kiến cho rằng ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Pháp, không có yêu cầu công bố với tiến sĩ. Theo tôi, ta cũng nên xét một cách tổng thể. Trước hết, ở Pháp thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng Tiến sĩ khoa học (Habilitation - bằng cấp cao nhất trong khoa học, kết quả của một quá trình tối thiểu 3 năm nghiên cứu cao cấp hơn sau bằng tiến sĩ) - đảm bảo vấn đề từ gốc là thầy hướng dẫn đã có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu. Trong khi đó, Quy chế mới của ta đã 'hạ chuẩn' so với Quy chế cũ khi không yêu cầu thầy hướng dẫn phải có công bố quốc tế. Ngoài ra, luận án ở Pháp được hai phản biện đánh giá với các tiêu chí cao - hầu hết các kết quả nghiên cứu trong luận án đã được gửi đi và sớm được công bố trên các tạp chí hay hội thảo khoa học uy tín.
Việc đánh giá luận án tiến sĩ ở Pháp hay nhiều nước tiên tiến là do cộng đồng khoa học đánh giá và đáng tin tưởng vì đó đã là một cộng đồng khoa học phát triển. Cộng đồng khoa học của chúng ta đã đủ phát triển chưa khi mà trong tấm bằng tiến sĩ của Pháp ghi đầy đủ tên các thành viên Hội đồng với quan trọng nhất là hai phản biện; còn ở ta, để tránh tiêu cực, tên của hai phản biện độc lập mãi mãi là bí ẩn với mọi người?
Đề xuất công khai tên của phản biện độc lập là rất hợp lý; nhưng chừng nào trong Quy chế chưa quy định những điểm mới như vậy, thì chúng ta vẫn phải xây dựng các điều khoản dựa trên các quy định cũ.
Có một số ý kiến cho rằng với Quy chế này, chúng ta vẫn có thể đạt được chuẩn mực cao bằng cách nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, giới hạn danh sách các tạp chí được Hội đồng Giáo sư công nhận. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, của tương lai xa, chứ chưa thể áp dụng ngay vào trong Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8 này.
Chính vì cộng đồng khoa học của chúng ta chưa đủ phát triển như vậy nên để có thể tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, chúng ta cần chấp nhận một số chế tài quy định các điều kiện hội nhập quốc tế. Do đó, để có thể nâng cao chất lượng, chúng ta chưa thể hạ chuẩn đầu ra.
Một trong những băn khoăn của nhiều người là có thể có những ngành/chuyên ngành mà khó để công bố quốc tế thì ý kiến "đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, bảo đảm chất lượng", có lẽ là thỏa đáng.
Có thực sự tự chủ tích cực?
Với các quy chế trước đây, từng cơ sở đào tạo vẫn có thể giữ nguyên chuẩn đầu ra hoặc nâng cao lên (như Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Vậy thì vấn đề tự chủ về công nhận trình độ tiến sĩ sẽ tạo điều kiện để những cơ sở đào tạo chưa đạt được chuẩn đầu ra như trước đây sẽ có chuẩn đầu ra thấp hơn?. Liệu chúng ta có thể tin rằng ở các cơ sở đạo tạo đó, các bằng tiến sĩ sẽ tiếp cận được chuẩn mực quốc tế? Và liệu chúng ta có thể chắc rằng xã hội sẽ phân biệt được bằng tiến sĩ của trường nào có giá trị hơn trường nào và chính thị trường sẽ đào thải các bằng tiến sĩ kém chất lượng?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét thực tế bằng tiến sĩ ở Việt Nam được sử dụng như thế nào? Tôi rất chia sẻ với ý kiến của GS Ngô Việt Trung rằng: Các cơ quan nhà nước hay các cơ sở đào tạo (công hay tư) là những nơi chủ yếu sử dụng bằng tiến sĩ như một yếu tố để nâng cao vị trí công tác; trong đó có nhiều nơi chỉ quan tâm đến tấm bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của tiến sĩ. Vì vậy, có thể nhiều người sẽ tìm đến những nơi đào tạo tiến sĩ dễ dãi để có tấm bằng; và xã hội chưa đủ phát triển để phân biệt và đào thải những bằng tiến sĩ kém chất lượng.
Tóm lại, theo tôi, Quy chế này cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. Chúng ta không thể áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.
Chúng ta ghi nhận là Quy chế mới đã có một số thay đổi tích cực như: Các cơ sở đào tạo có thể công nhận kết quả học tập lẫn nhau, yêu cầu nghiên cứu sinh sinh hoạt khoa học thường xuyên ở cơ sở đào tạo, có thể tiến tới việc tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh. Nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giữ một chuẩn đầu ra tiếp cận với trình độ quốc tế.
Tôi rất mong rằng tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh Quy chế này để có thể phát huy những mặt tích cực của Quy chế, nhưng không hạ chuẩn đầu ra, nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.
Hướng tới sự công bằng trong đào tạo trình độ tiến sỹ trong nước Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08, ngày 4/4/2017. Về cơ bản, Thông tư 18 tiếp tục kế thừa những nội dung quy định phù hợp của...