Kiểm duyệt nội dung – cuộc chơi mạo hiểm của Facebook
Facebook đứng trước áp lực phải loại bỏ nội dung không phù hợp khỏi nền tảng nhưng cũng phải tạo điều kiện cho tự do ngôn luận để thu hút người dùng.
Mô hình kinh doanh của Facebook không có gì bí mật. Nếu bài đăng hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của càng nhiều người, Facebook càng có nhiều dữ liệu về người dùng để sử dụng. Thứ những nhà quảng cáo thèm muốn từ Facebook là lượng người dùng khổng lồ. Chỉ riêng công thức kiếm tiền này đã giúp mang Facebook thu về 5,2 tỷ USD lợi nhuận trong quý II/2020. Tuy nhiên, gần đây họ đang trở thành tâm điểm chỉ trích bởi cách tiếp cận lỏng lẻo trong việc kiểm soát nội dung trên nền tảng.
Các phát ngôn gây hấn xuất hiện nhan nhản trên Facebook thường được ví như “cỏ mèo” giúp thu hút một lượng lớn người dùng tương tác trên mạng xã hội này. Bản thân Facebook cũng nhận thức được rằng lợi nhuận dài hạn của mình phụ thuộc vào “cỏ mèo” nhưng cũng phải đảm bảo không lợi dụng lòng tin của người dùng.
Sheryl Sandberg, COO của Facebook, chia sẻ trên Wall Street Journal: “Bạn biết đấy, quan điểm cá nhân của một người có thể trở thành phát ngôn gây thù ghét với một người khác”. Bà cũng tin tưởng vào tiêu chuẩn cộng đồng mà mạng xã hội này đang áp dụng với các bài đăng. Tuy nhiên, theo Sandberg, với một số người, quy chuẩn gắt gao đến mấy cũng không làm họ hài lòng.
Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Facebook.
Vậy làm thế nào Facebook có thể chứng minh mình tôn trọng ranh giới giữa dự do ngôn luận và phát ngôn thù hận mà không làm 3 tỷ người dùng phật ý? Đây chính là thách thức mà nền tảng này phải đối mặt.
Trong bài phát biểu tại Viện Chính trị và Dịch vụ công thuộc Đại học Georgetown năm ngoái, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố Facebook ủng hộ tự do ngôn luận. “Việc trao cơ hội lên tiếng cho những người ít có tiếng nói trong xã hội sẽ dần dần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ”, Zuckerberg nói.
Một số chuyên gia nhận định, cách tiếp cận mạo hiểm của Facebook có thể phản tác dụng khiến thông tin thiếu chính xác phát tán nhanh hơn. Tuy nhiên Sandberg phản đối và cho rằng chỉ riêng nền tảng Facebook đã xác định và gỡ xuống 95% bài đăng có dấu hiệu thù ghét, so với chỉ 24% vài năm trước. Ngày nay, nhờ AI, hãng có thể gỡ hàng triệu nội dung một cách nhanh chóng.
Video đang HOT
Xây dựng một doanh nghiệp như Facebook không khác gì phải đi thăng bằng trên dây. Nếu nghiêng về phía người dùng, ngăn chặn triệt để hiện tượng phát ngôn sai lệch trên nền tảng, hãng cũng đang chính tay làm chết “con gà đẻ trứng vàng” của mình bởi phát ngôn gây tranh cãi chính là chìa khóa cho thành công của Facebook.
Vị thế độc tôn mà Facebook đạt được không chỉ dựa vào số lượng người dùng mà còn nhờ vào cạnh tranh liên tục với các đối thủ khác. Hãng này mỗi năm bỏ ra hàng tỷ USD và hàng nghìn nhân lực để “vượt mặt” TikTok,Twitter,Snapchat và YouTube. Cổ đông sẽ phản ứng thế nào nếu COO Sandberg huy động tất cả nhân viên vào cuộc chiến chống phát ngôn thù ghét? Mỗi một đồng, một phút đầu tư cho an ninh an toàn của người dùng sẽ là từng ấy tài nguyên bị cắt giảm cho các kế hoạch khác của doanh nghiệp. “Đây thực ra là một sự đánh đổi rất lớn. Tôi có một nhân viên, tôi có thể giao cho cậu ấy chương trình để xây dựng và bán được nhiều quảng cáo hơn hay tôi giao cho cậu ta nhiệm vụ ngồi xác minh bài đăng?”, Sandberg lập luận.
Tháng trước, một điều tra độc lập được Facebook thuê thực hiện đã chỉ trích công ty này “quá chậm trễ và manh mún” trong việc đối phó với các nội dung gây chia rẽ.
Facebook và Twitter có quan điểm khác nhau về tổng thống Trump trên nền tảng của mình.
Trong báo cáo dài 89 trang, nổi bật lên việc liên quan đến tổng thống Trump, cụ thể là hướng giải quyết từ Facebook đối với các bài đăng mang tính phân biệt chủng tộc và gây hiểu nhầm của Tổng thống. COO Sandberg, tham gia chỉ đạo cuộc điều tra độc lập, cho biết, Facebook, dù không có lợi ích hay khuyến khích các nội dụng gây hấn, đã chần chừ xóa các nội dung này.
Nếu các bài đăng của ông Trump vi phạm nguyên tắc cộng đồng, nội dung đó sẽ bị xóa khỏi Facebook. Nhưng việc đưa ra hình phạt đối với một người có khả năng gây chia rẽ cực mạnh như Trump không phải dễ. Cuộc bầu cử tổng thống năm nay là cơ hội để Facebook chứng minh bản thân. Sandberg tuyên bố Facebook sẽ dồn lực để “đảm bảo cung cấp thông tin chính xác nhất trong cuộc bầu cử này”.
“Công việc của chúng tôi là ngăn bất kỳ thông tin độc hại nào trên nền tảng, tuy nhiên, kẻ xấu luôn tìm ra cách để vượt mặt”, Sandberg nói. Nhiệm vụ của Facebook là thuyết phục người dùng rằng đây trên thực tế là người tốt, bởi chỉ có vậy hãng này mới có thể lôi kéo được thêm người dùng.
Kiểm duyệt nội dung trên Facebook - Công việc nguy hiểm ít ai ngờ
Bên cạnh các công cụ tự động, Facebook còn có một đội ngũ nhân viên chịu trách nhiệm kiểm duyệt các nội dung được đăng tải. Công việc này tưởng như đơn giản, nhưng thực tế lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Nếu cho rằng kiểm duyệt nội dung trên Facebook là một công việc đơn giản, chỉ cần "lọc" những nội dung vi phạm rồi xóa đi, thì bạn đã nhầm.
Trên thực tế, kiểm duyệt nội dung Facebook là một công việc nguy hiểm ít ai ngờ, bởi lẽ có thể dẫn đến những sang chấn về tâm lý.
Với hơn 2,6 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng, lượng nội dung được đăng tải lên Facebook là rất lớn. Bên cạnh những bài đăng thông thường như ý kiến cá nhân, hình ảnh, video bạn bè, người thân..., không ít người dùng đăng tải lên mạng xã hội này những hình ảnh hay video kinh hoàng, gây sốc. Những nhân viên làm công việc kiểm duyệt nội dung của Facebook sẽ phải xem toàn bộ các nội dung này.
Phải tiếp xúc với những nội dung nhạy cảm và đáng sợ hàng ngày, nhiều nhân viên kiểm duyệt của Facebook đã bị sang chấn tâm lý
Tháng 9/2018, Selena Scola, một cựu nhân viên làm công việc kiểm duyệt nội dung cho Facebook, đã khởi kiện mạng xã hội này vì cô bị sang chấn tâm lý khi làm việc cho Facebook.
Trong thời gian làm công việc kiểm duyệt nội dung Facebook, Scola đã phải thường xuyên xem những hình ảnh và video cảnh hại người, tự sát, hiếp và nhiều nội dung kinh dị khác được người dùng đăng tải lên Facebook. Việc thường xuyên phải tiếp xúc với những nội dung đáng sợ này đã khiến cho Scola bị sang chấn tâm lý chỉ sau 9 tháng làm việc tại Facebook.
Sau Scola, nhiều nhân viên khác làm công việc kiểm duyệt nội dung cũng đã khởi kiện Facebook với lý do tương tự. Họ cho rằng, Facebook đã không cho họ môi trường làm việc an toàn, khiến họ bị sang chấn tâm lý và làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng.
Đội ngũ các nhân viên kiểm duyệt được Facebook thuê từ năm 2016, sau khi mạng xã hội này chịu nhiều sự chỉ trích vì không loại bỏ các nội dung nhạy cảm. Trước đó, Facebook chủ yếu sử dụng các công cụ tự động để nhận diện và loại bỏ các nội dung vi phạm.
Theo trang công nghệ The Verge, các nhân viên làm nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung tại Mỹ nhận mức lương 28.800 USD mỗi năm, một mức thu nhập thấp tại Mỹ, nhưng lại phải làm việc trong môi trường hết sức áp lực, buộc họ phải kiểm duyệt các nội dung một cách chuẩn xác và không để lọt những nội dung nhạy cảm xuất hiện trên Facebook. Trong khi đó, các nội dung nhạy cảm mà các nhân viên này phải xem hàng giờ đôi khi đáng sợ và kinh dị đến mức có thể ám ảnh họ cả đời.
"Thật khó để quên đi những thứ khiến bạn ám ảnh. Bạn sẽ không bao giờ quên được nó. Nó vẫn sẽ mắc kẹt trong đầu bạn mãi mãi, mặc dù đó chỉ là những hình ảnh hay video bạn nhìn qua màn hình. Tôi ước rằng Facebook có thể nhận ra những điều kinh khủng mà chúng tôi đã phải chứng kiến", Shawn Speagle, một cựu nhân viên kiểm duyệt nội dung của Facebook, người đã bị sang chấn tâm lý sau khi rời khỏi Facebook vào năm 2018, chia sẻ.
Trang công nghệ The Verge cho biết, có tới hơn một nửa những người làm công việc kiểm duyệt nội dung cho Facebook bị sang chấn tâm lý và mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi hàng ngày phải chứng kiến những hình ảnh và video đáng sợ được đăng tải lên mạng xã hội này. Nhiều người trong số đó đã bị rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc nghiện chất kích thích để quên đi những nội dung mình bị ám ảnh.
Facebook bồi thường 52 triệu USD cho các nhân viên kiểm duyệt nội dung bị sang chấn tâm lý
Sau hàng loạt vụ kiện nhằm vào mình, mạng xã hội Facebook đã chấp nhận bồi thường 52 triệu USD cho các nhân viên kiểm duyệt nội dung bị sang chấn tâm lý và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong thời gian làm việc. Cả những nhân viên đang làm việc và nghỉ việc đều có thể được nhận số tiền bồi thường.
Số tiền tối thiểu mà các nhân viên được nhận là 1.000 USD, tùy mức độ sang chấn tâm lý cũng như các mức độ ảnh hưởng về tâm thần của họ. Mức tối đa mà mỗi nhân viên có thể được trả là 6.000 USD.
Bên cạnh số tiền bồi thường, những nhân viên đủ điều kiện còn có thể gửi bằng chứng về các thương tích và tổn thương mà họ phải chịu trong thời gian làm việc tại Facebook để có thể nhận thêm số tiền hỗ trợ thiệt hại trị giá 50.000 USD.
Facebook cũng sẽ cung cấp các nhân viên làm công việc kiểm duyệt nội dung những buổi tư vấn tâm lý với các chuyên gia. Những nhân viên bị sang chấn tâm lý có thể được tham gia các khóa trị liệu của các bác sĩ để vượt qua nỗi ám ảnh.
"Chúng tôi rất biết ơn những người làm công việc quan trọng này để giúp Facebook trở thành một môi trường an toàn cho mọi người. Chúng tôi cam kết sẽ mang đến cho họ những sự hỗ trợ cần thiết trong tương lai", Facebook cho biết.
Facebook cho biết sẽ triển khai các giải pháp thay thế để kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội này, giúp các nhân viên kiểm duyệt giảm tác động của việc xem những hình ảnh và video nhạy cảm. Một trong các giải pháp đó là sẽ tắt đi âm thanh trên những video nhạy cảm và chuyển các hình ảnh cần kiểm duyệt sang màu trắng đen để giảm mức độ đáng sợ trên các nội dung mà nhân viên kiểm duyệt phải xem.
Mark Zuckerberg có thể bị phế ngôi Nếu bị phát hiện khai man, Mark Zuckerberg có thể bị phế truất chức vụ CEO tại Facebook. Theo nguồn tin Thời báo Phố Wall, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cân nhắc lấy lời tuyên thệ của CEO Facebook Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg. Đây là một phần trong cuộc điều tra Facebook có vi phạm luật chống độc...