Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học: Thay đổi là tất yếu
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Bước đầu một số chuyên gia bày tỏ ủng hộ những quy định theo dự thảo mới với các tiêu chuẩn, tiêu chí cập nhật.
Ảnh minh họa.
Đây là dự thảo sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT đã được ban hành từ năm 2017. Theo đó, dự thảo đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí.
Cần thiết xây dựng bộ tiêu chuẩn mới
Theo Bộ GDĐT, tính đến ngày 31/10/2021, Việt Nam có 164 cơ sở giáo dục ĐH và 10 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước và 7 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài. Như vậy, vẫn còn gần 80 trường ĐH và nhiều trường cao đẳng vẫn chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, từ năm 2004, Việt Nam đã có một bộ tiêu chuẩn và tiêu chí về chất lượng giáo dục ĐH. Sau đó, có bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường ĐH Việt Nam bao gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí và tới năm 2017, bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường ĐH Việt Nam được ban hành với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN. Tuy nhiên, đến nay bộ tiêu chuẩn này đã có những điểm không còn phù hợp với rất nhiều nội dung mới của giáo dục ĐH, trong đó có chức năng được nhấn mạnh nhiều hơn trước nhưng chưa được đề cập đến. Với xu thế đó, việc bổ sung những đánh giá mới về chất lượng giáo dục ĐH là cần thiết.
“Các tiêu chuẩn đánh giá chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định nên sự thay đổi là cần thiết. Các trường ĐH càng phát triển bao nhiêu thì các tiêu chí đòi hỏi càng lớn lên bấy nhiêu” – ông Khuyến nhận định.
Chung quan điểm này, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng hiện nay, hệ thống văn bản để đảm bảo cho kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của mỗi nhà trường và hoạt động đánh giá ngoài về cơ bản đã đầy đủ, thể hiện từ Nghị định của Chính phủ, Luật Giáo dục ĐH, các thông tư, các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung và giáo dục ĐH nói riêng, đòi hỏi những tiêu chuẩn đánh giá mới bắt kịp những đổi thay của các trường cũng như xu hướng của thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng đặt ra để các trường lấy đó làm thước đo đánh giá, tiếp tục duy trì điểm mạnh, từng bước khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực.
Chú trọng tự đánh giá
Video đang HOT
TS Lê Viết Khuyến quan tâm đến quy trình đánh giá và tự đánh giá của cơ sở giáo dục ĐH. Cụ thể, để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục dù theo bộ tiêu chuẩn trong hay ngoài nước, do các tổ chức khác nhau đánh giá thì trước hết, các cơ sở giáo dục cần thực hiện tự đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị dựa trên bộ tiêu chuẩn do Bộ GDĐT ban hành. Đây chính là bộ tiêu chuẩn chung để tất cả các trường soi chiếu chất lượng.
Ông Khuyến nhấn mạnh, sau khi các trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá, cần được kiểm định một cách chặt chẽ, khách quan và khoa học bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã được nhà nước cấp phép hoạt động. Bởi trên thực tế, chất lượng tự báo cáo đánh giá của các nhà trường có thể mới ở mức độ nhất định, chưa đạt yêu cầu đặt ra nên cần có sự kiểm định lại.
Được biết, từ 1/9/2021, Thông tư 56/2021/TT-BTC hướng dẫn mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục chính thức có hiệu lực. Căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động đánh giá ngoài, giám đốc sở GDĐT quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương. Quy định này sẽ là một trong những yếu tố góp phần đưa chất lượng đánh giá ngoài đạt được thực chất.
Góp ý về dự thảo, một chuyên gia giáo dục cho rằng một trong những điểm khác rõ với bộ tiêu chuẩn hiện hành đó là việc xây dựng các cấp độ công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, thay vì các tiêu chí được đánh giá theo thang đánh giá 7 mức, từ không đạt yêu cầu đến thực hiện xuất sắc, đạt mức của các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới thì dự thảo lần này đưa ra các mức đánh giá chi tiết đối với các tiêu chí (chưa đạt, đạt mức 1, đạt mức 2), tiêu chuẩn (chưa đạt và đạt) và cơ sở giáo dục ĐH (chưa đạt, đạt có điều kiện và đạt). Như vậy, việc đánh giá sẽ chi tiết hơn để các cơ sở nắm rõ nội dung nào cần cải thiện, cải tiến để từ đó tập trung khắc phục từng phần theo lộ trình và khuyến cáo từ các đơn vị, tổ chức kiểm định.
Theo phân tích của GS Lâm Quang Thiệp, hiện nay kiểm định chất lượng giáo dục ĐH đang thực hiện theo hợp đồng kinh tế, như vậy không ổn. Lý do là hợp đồng kinh tế thì thuận mua vừa bán, có thể xảy ra tình trạng nơi nào trả nhiều tiền thì làm tốt, hoặc đánh giá tốt, nơi nào không có tiền thì không đánh giá tốt. Vì vậy, cần chế tài để giám sát các trung tâm kiểm định và được quy định rõ.
Kiểm định theo chuẩn AUN-QA: Nhà trường được nhiều hơn mất
Trong xu thế hội nhập, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tư thục tích cực theo đuổi những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của quốc tế như ABET, AUN-QA, CTI, ACBSP, FIBAA...
Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng tham gia cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp.
Trong đó, tham gia kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT) theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á, được nhiều trường lựa chọn.
Vạn sự khởi đầu nan
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), nhà trường đang khởi động đánh giá AUN-QA cho 4 CTĐT tiếp theo là các ngành Ngôn ngữ Anh, Kế toán, Dược, Quản trị kinh doanh.
Các ngành này của trường đã tiến hành đợt đánh giá sơ bộ về cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin dưới sự theo dõi, giám sát của Ban thư ký AUN-QA.
"Đây là bước khởi động trong chuỗi các hoạt động đánh giá sau khi trường nộp báo cáo toàn văn và hồ sơ minh chứng của 4 ngành này để chuẩn bị cho công tác đánh giá chính thức vào cuối tháng 6/2021", Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ.
Trước đó, 2 CTĐT của LHU là Công nghệ Kỹ thuật điện - Điện tử và Công nghệ thông tin đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA vào năm 2019. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, để có khởi đầu thuận lợi, nhà trường đã chuẩn bị 52 điểm cơ sở vật chất của trường và 4 khoa gửi về AUN-QA.
Đồng thời, các đơn vị có liên quan trong trường như Trung tâm Thông tin tư liệu, Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng cùng các khoa có CTĐT được đánh giá cũng rà soát lại hệ thống mạng, các phương án kỹ thuật và nhân sự quay livestream, bố trí trình tự các điểm quay phù hợp với mốc thời gian làm việc mà AUN-QA đề ra.
Cùng khuynh hướng này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU, TPHCM) có 4 CTĐT đạt chuẩn kiểm định AUN-QA. Theo đại diện NTTU, thông qua lần kiểm định này, các khoa khác trong nhà trường có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, chuẩn bị một cách tốt nhất để tiến hành đánh giá ngoài theo chuẩn khu vực và quốc tế trong tương lai. Với kết quả này, nhà trường trở thành cơ sở GDĐH ngoài công lập đầu tiên tại khu vực phía Nam có nhiều chương trình kiểm định chất lượng AUN-QA.
Tương tự, Trường ĐH Văn Lang (VLU) chính thức trở thành thành viên liên kết của tổ chức AUN-QA vào ngày 19/2/2019. TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng VLU, cho biết: Nhà trường đã xác định các tiêu chuẩn chất lượng về CTĐT theo AUN-QA phù hợp với sự phát triển của trường trong tương lai.
"Đầu năm 2020, trường đăng ký đánh giá ngoài thành công 4 CTĐT: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Thiết kế đồ họa, Kế toán và Quản trị khách sạn. Dự kiến sẽ đánh giá ngoài vào đầu năm 2022.
Hiện tại, cán bộ, giảng viên, nhân viên của 4 ngành này và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện báo cáo tự đánh giá và chuẩn bị chuyến thăm thực địa của AUN-QA. Dựa trên kết quả đánh giá, VLU tiếp tục xem xét, cải tiến và triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của nhà trường...", TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng VLU trao đổi.
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường VLU trong giờ học thực hành.
Nhà trường thay đổi thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, kết quả kiểm định AUN-QA giúp người sử dụng lao động có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, từ một CTĐT có những tham chiếu mang tính quốc tế hóa.
"Với quy trình kiểm định chặt chẽ, minh bạch, bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo và được công nhận bởi hệ thống giáo dục của các quốc gia trong và ngoài trong khu vực Đông Nam Á, kiểm định AUN giúp LHU cũng như các cơ sở GDĐH khác ở Việt Nam từng bước xác định vị thế của mình trên trường quốc tế", PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin.
Đại diện LHU cho rằng, việc tham gia kiểm định AUN-QA khẳng định sự cam kết của nhà trường đối với người học, xã hội và nhà tuyển dụng về chất lượng sản phẩm đầu ra của CTĐT, đó là nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt.
Sinh viên của trường cũng dễ dàng tham gia chương trình trao đổi (student exchange) hoặc chuyển đổi tín chỉ với các trường ĐH trong khu vực. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình này sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm trong thị trường khu vực và quốc tế...
Đồng quan điểm này, TS Võ Văn Tuấn (VLU) cho rằng, thực tiễn cho thấy đánh giá và kiểm định CTĐT mang lại nhiều lợi ích cho người học, người dạy, CTĐT, cơ sở GDĐH, hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia và cả người sử dụng lao động.
"SV được học CTĐT được kiểm định/đánh giá chất lượng tại cơ sở GDĐH đã được kiểm định chất lượng bảo đảm được tính ngang bằng hoặc không quá khác biệt so với các CTĐT của cơ sở GDĐH khác trong cùng khu vực.
Đồng thời, cơ sở GDĐH được công nhận chất lượng tạo ra vị thế mới cho trường, thu hút SV giỏi, GV giỏi và các đối tác lớn tầm cỡ quốc tế... Điểm quan trọng nhất trong quá trình xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cơ sở GDĐH hình thành văn hóa chất lượng, toàn thể đội ngũ thực hiện công việc theo quy trình và tiêu chuẩn mà đơn vị hướng đến...", TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.
TS Phạm Văn Toản - Trưởng khoa Cơ điện - Điện tử LHU, đơn vị có CTĐT Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử đã hoàn thành đánh giá AUN-QA năm 2019 và tiến tới kiểm định theo chuẩn ABET vào năm 2022, chia sẻ: Trước đây, phương pháp giảng dạy của giảng viên chưa đa dạng, nhưng sau kiểm định mọi chuyện đã thay đổi, phương pháp giảng dạy của giảng viên đa dạng và phù hợp hơn với sinh viên, mức độ đồng đều của giảng viên cũng tốt hơn, đa phần thầy cô đều áp dụng các phương pháp tiên tiến để giúp sinh viên học tốt hơn.
Tư duy nhận thức của giảng viên cũng tích cực hơn, giảng viên sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các bên liên quan với tinh thần cầu thị. Cơ sở vật chất được đầu tư bài bản hơn, hoạt động trong khoa, trong trường cũng được nâng tầm đạt chất lượng tốt hơn.
Kiểm định chất lượng giáo dục: Chưa mặn mà, do đâu? Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 30/6/2021, có 160 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và 10 trường CĐ Sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GD. Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thực hành tại xưởng trường. Trong khi đó, cả nước có 242 trường...