Kiếm bộn tiền nhờ đầu cơ tên miền đẹp ở Việt Nam
Tại Việt Nam có những người đã và đang kiếm được hàng trăm đến cả ngàn USD mỗi tháng bằng nghề đầu tư vào thị trường tên miền đẹp.
Ít ai biết tại Việt Nam có những người đã và đang kiếm được hàng trăm đến cả ngàn USD mỗi tháng nhờ việc đầu tư vào thị trường tên miền đẹp. Một nghề kinh doanh trực tuyến có thể thu lãi lớn nhưng lại không dễ để thành công.
Thu lợi từ việc đầu tư vào tên miền đẹp ở Việt Nam
Cách đây không lâu, ông chủ Thế Giới Di Động từng khẳng định giá trị tên miền Dienmay.com của mình không dưới 10 tỷ đồng. Con số khiến người thường phải giật mình, bởi bấy lâu nay, ít ai nghĩ tên miền Việt lại đắt đến như vậy. Ở đây, chúng tôi xin không bình luận về Dienmay.com vì thứ gì cũng chỉ thực sự có giá khi tìm được đúng người cần mua.
Mới 29 tuổi nhưng Duy, một Việt kiều sống tại Mỹ, đã có kinh nghiệm trên 6 năm trong lĩnh vực kinh doanh tên miền đẹp. Mặt hàng anh thường đầu tư là các tên miền tiếng Anh nhưng trong thời gian gần đây các tên miền tiếng Việt (không dấu, đuôi .com hoặc .vn, .com.vn) cũng được để ý nhiều hơn. Trao đổi với chúng tôi, Duy không giấu diếm khi cho biết thu nhập trung bình từ công việc này vào khoảng 400 USD/ tháng.
“Dân trong nghề vẫn so sánh việc đầu tư vào tên miền như đầu tư vào bất động sản. Nếu có kinh nghiệm, vốn và một chút may mắn thì chẳng thiếu những phi vụ nhà đầu tư ăn lợi nhuận tới 1000% (một nghìn phần trăm)”. Theo anh Duy, số lượng nhà đầu tư tên miền ở Việt Nam chưa nhiều, nhưng cũng có không ít nhân vật đang theo đuổi mức thu nhập cao từ cái nghệ đặc biệt này. Thậm chí, có những người đang “ôm” số lượng lên tới hàng ngàn tên miền Việt Nam.
Công ty du lịch tại Mỹ đã phải trả rất nhiều tiền để mua được Vietnam.com.
Khi được hỏi, giới đầu tư tên miền trong nước chắc chắn không thể không biết Quốc Huy (người Việt sống tại Canada) nhân vật này sở hữu trực tiếp và môi giới một lượng cực lớn các tên miền Việt. Hay Satoshi Shimoshita (sống tại Việt Nam, không rõ danh tính thật) nắm trong tay khoảng 3000 tên miền, gồm nhiều tên tỉnh thành, Mypham.com, KhachSan.com… và hầu hết là đăng ký trong giai đoạn năm 2000-2002.
Thông thường, một nhà đầu tư nhỏ cùng lúc có thể sở hữu từ vài chục tên miền đẹp. Chỉ cần giao dịch thành công 2 đến 3 tên miền trong số này đã đủ bù được chi phí duy trì cả kho tên miền trong 1 năm. Như vậy, với số tên miền còn lại, chỉ cần trừ đi vốn mua vào (thường không cao) hoặc lệ phí đăng ký mới rất nhỏ (với tên miền do nhà đầu tư tự nghĩ ra) thì giao dịch thành công sẽ đem về mức lợi nhuận lớn.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc sàn giao dịch Tenmien.com cho biết dịch vụ này đã từng tham gia các giao dịch tên miền Việt Nam có giá trị rất cao như: Vietnam.com (khoảng 8 tỷ đồng), TravelVietnam.com (trên 500 triệu), VietnamFlights.com (trên 500 triệu), ChungKhoan.com (200 triệu), TuyenSinh.com, DaiHoc.com (xấp xỉ 190 triệu)… Hay cách đây ít lâu, giới kinh doanh tên miền đẹp trong nước cũng từng xôn xao trước giao dịch thành công của tên miền hsbc.com.vn cho ngân hàng HSBC với giá trị gần 1 tỷ đồng.
Sàn giao dịch Sedo – nơi giới đầu tư tên miền trong nước thường tham gia.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tên miền Việt Nam mới chỉ là một ngành nhỏ, thu nhập của người kinh doanh tên miền trong nước đến chủ yếu đến từ việc buôn bán tên miền quốc tế. Các giao dịch này thực hiện được nhiều hơn và khá dễ dàng quá các dịch vụ trung gian như Sedo.com, Afternic.com, Tdnam.com…
Ngoài ra, ngay cả khi tên miền chưa bán được, chủ sở hữu vẫn có thể kiếm được tiền từ nó hàng tháng qua dịch vụ parking tên miền (dịch vụ cho đơn vị khác thuê tên miền để đặt quảng cáo). “Tùy theo lượt click mà bạn có thể kiếm được vài cent đến vài USD mỗi ngày cho một tên miền. Con số này ít nhưng nhân với số lượng vài chục tên miền đang giữ thì tiền thu được được cũng không nhỏ. Đây là cách lấy ngắn nuôi dài mà người đầu tư tên miền thường áp dụng” – anh Duy giải thích thêm.
Kinh nghiệm, vốn và sự may mắn để thành công
Khi được hỏi về bí quyết để thành công với tên miền đẹp, hầu hết các nhà đầu tư trong nước đều cho rằng ba yếu tố: kinh nghiệm, vốn và may mắn không thể tách rời. Anh Duy từng cho biết, cách đây 6 năm khi mới tham gia vào lĩnh vực này, anh đã phải mất tới 6 tháng tìm hiểu về thị trường, tích lũy kiến thức. “Người ngoài suy nghĩ rất đơn giản là chỉ cần có tiền, ngồi canh để đăng ký các tên miền đẹp sau đó bán lại kiếm chênh lệch. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, rất ít khi người ta có cơ hội thực hiện theo cách này.”
Tên miền ban đầu được cấp phát theo hình thức “ai đến trước, đăng ký trước” nên ngay từ những năm 199x, khi nhiều người còn chưa biết đến internet, thương mại điện tử chưa có mặt thì nhiều tên miền đẹp của Việt Nam, quốc tế đã bị giới đầu cơ nước ngoài đăng ký hết. Với xuất phát điểm sau, giới đầu tư trong nước phải nhờ tới các dịch vụ Backorder của GoDaddy, SnapNames… (đặt chỗ để đăng ký, trước khi tên miền hết hạn), anh Duy giải thích thêm.
GoDaddy – Một nhà cung cấp dịch vụ tên miền nổi tiếng trên thế giới.
Giải thích rõ ràng hơn, nếu biết tên miền abcxyz.com sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới thì bạn có thể đặt trước chỗ đăng ký từ ngay bây giờ. Khi bạn đặt chỗ thành công, người khác kể cả canh đúng từng giây tên miền kia hết hạn cũng không bao giờ đăng ký được. Sử dụng những dịch vụ như vậy, bạn sẽ mất tiền phí tối thiếu cho đơn vị cung cấp nếu bạn là người duy nhất đặt chỗ cho tên miền đó. Nếu có nhiều người cùng đặt chỗ, tất cả sẽ phải đấu giá – đây chính là cuộc đấu ngầm giữa các nhà đầu tư tên miền đẹp mà ít ai biết.
Bên cạnh đó, các kiến thức về định giá tên miền cũng được đánh giá rất quan trọng. Theo chia sẻ của người trong cuộc thì mỗi người có một quan điểm định giá tên miền khác nhau. Nhưng nhìn chung đều đồng ý với việc tên miền ngắn, thông dụng, dễ nhớ, có traffic, pagerank lớn… lớn thì giá càng cao. “Có những tên miền chưa hẳn ấn tượng, nhưng có chứa các từ khóa được search nhiều trên Google, có thứ hạng cao trên các bộ máy tìm kiếm thì tên miền đó đương nhiên được coi là đẹp.” – một nhân viên kinh doanh tại nhà đăng ký tên miền FPT cho biết. Sai sót ở khâu định giá tên miền sẽ khiến bạn mất rất tiền thời gian duy trì, chi phí vốn mà không đem lại hiệu quả kinh tế.
Tên miền người nổi tiếng được rao bán với vài chục ngàn USD.
Phạm Nguyên, người sở hữu khá nhiều tên miền đẹp ở Việt Nam từng đưa ra nhận xét cho rằng: “Nhiều nhà đầu tư trong nước cách đây vài năm đã sai lầm khi ôm nhiều tên miền ăn theo tên người nổi tiếng, ca sĩ, nghệ sĩ trong nước thay vì chọn các tên miền 3,4 ký tự (khi đó còn có thể đăng ký)”.
Vốn cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư đau đầu, có những tên miền phải giữ tới vài năm chủ nhân mới tìm được khách mua với giá hời. Khi sở hữu vài chục tên miền như vậy thì chỉ riêng chí phí duy trì đã là cả một vấn đề. Các hình thức “parking” tên miền như đã nói ở trên có thể là một cứu cánh nhưng trên hết là khả năng tài chính thật sự, dám theo đuổi cuộc chơi lâu dài của nhà đầu tư, bởi với nhiều tên miền, giá mua vào đã lên tới 3 số 0 (giá USD) và thời gian duy trì đến 6-7 năm trước khi có thể bán.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Duy cho biết mình vừa mua vào được 5 tên miền .vn khá hay, nhưng tất cả chỉ đưa vào kế hoạch kinh doanh trong dài hạn. Anh dự đoán trong ít nhất 2 năm nữa, các tên miền này sẽ chưa được khách quan tâm. Cuộc chơi của anh vẫn tiếp diễn và cũng giống như những nhà đầu tư khác, anh Duy luôn mong sự may mắn đến với mình để sớm tìm được khách hàng có nhu cầu thực sự.
Theo Bưu Điện VN
Tên miền - "sản phẩm" xuất khẩu hàng đầu của Colombia
Người dùng vốn quen gõ các địa chỉ trang web đuôi .com, .net hay gần đây là đuôi .co mà không biết rằng đằng sau đó là cả những vụ kinh doanh lên tới hàng triệu đô la.
Các thương hiệu toàn cầu như Twitter hay Amazon đang tiến hành các vụ thương thảo để mua các tên miền của Colombia do tên viết tắt của nước này chỉ có 2 chữ là "co". Tên miền này phần nào giúp được các công ty đã bị mua mất tên miền .com hay chỉ đơn giản là những công ty đã có tiên miền .com muốn rút ngắn lại chỉ còn .co.
Trước thời điểm tên miền .co được Colombia cho phép các công ty ngoài nước đăng ký, số lượng tên miền .co chỉ là 28 000, một con số quá khiêm tốn nếu so với hàng triệu như hiện nay.
Con số tên miền .co đã lên tới hàng triệu.
Juan Diego Calle, giám đốc của .CO Internet, cơ quan đăng ký tên miền cấp cao .co cho biết: "Tên miền .co được công nhận trên toàn cầu, bởi sự ngắn gọn và những công nghệ hết sức tuyệt vời đứng đằng sau nó".
Calle cho biết thêm, công ty thu hút người mua chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ không tìm được tên miền .com phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Tuy nhiên các thương hiệu lớn cũng đã biết đến và lần lượt đăng ký tên miền.co. Hiện đã có 90 triệu tên miền .com được đăng ký, bởi vậy để tìm được một tên miền .com ưng ý quả là không dễ chút nào.
Twitter hiện đã nhanh chóng mua được tiên miền t.co, và Amazon cũng đã có trong tay tên miền a.co, trong khi hãng bán lẻ trực tuyến Overstock của Mỹ đang tìm cách làm mới thương hiệu của mình bằng tên miền quốc tế o.co.
Twitter hiện đang sở hữu tên miền t.co.
Là một doanh nhân người Colombia, Calle đã dùng số vốn lên tới 5 tỉ USD để xây dựng công ty tên miền .CO Internet, công ty sau đó đã đánh bại công ty đối thủ là VeriSign, cơ quan đăng ký tên miền .com và .net, để giành được bản hợp đồng của chính phủ Colombia và trở thành công ty duy nhất cấp phép tên miền .co.
Công ty của Calle đã chính thức cung cấp các tên miền .co từ tháng 7/2010. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào chỉ cần bỏ ra 11,9 USD (tương đương 240 nghìn đồng) là có thể sở hữu một tên miền .co thông qua các đại lý của .CO Internet như Go Daddy, một công ty chuyên cung cấp tên miền của Mỹ.
Go Daddy là một trong những đại lý của .Co Internet.
Những tên miền "độc" chỉ gồm 1 chữ cái như t.co sẽ không được giao dịch qua các đại lý mà phải đàm phán riêng với .CO Internet. Vụ thương thảo tên miền .co có giá cao nhất hiện nay thuộc về Overstock với giá 350000 USD (tương đương 7 tỉ đồng) cho địa chỉ o.co. Tuy nhiên, theo Calle, nhận thức của các công ty về tên miền .co ngày càng cao, kèm theo đó là nhu cầu sở hữu các tên miền ngắn gọn phục vụ các ứng dụng di động sẽ khiến giá mỗi tên miền .co còn cao hơn gấp nhiều lần trong tương lai.
"Sau khi Amazon và một số công ty khác mua những tên miền ngắn trong những tháng vừa qua, hiện giá của mỗi tên miền 1 chữ cái sắp đạt ngưỡng 1,5 triệu USD." Calle cho biết trong cuộc nói chuyện với phóng viên Reuters.
Việc bán các tên miền cũng mang lại cho các quốc gia khác một nguồn thu đáng kể. Cụ thể như tên miền .tv của đảo Tuvalu của Polynesia đang tỏ rõ sự hấp dẫn đối với các tổ chức truyền hình thế giới. Trong khi đó, tên miền .me của Montenegro ngày càng phổ biến với các ứng dụng cho smartphone như Apple iPhone.
Các tên miền có mã quốc gia hiện được tổ chức tổ chức phi lợi nhuận phối hợp với cơ quan cấp phát tên miền Internet ICANN quản lý. Các mã tên miền này được tổ chức Tiêu chuẩn hóa toàn cầu ISO lần đầu ban hành vào năm 1974, trước khi World Wide Web ra đời.
Các tên miền hàng đầu hiện đang bị giới hạn đăng ký, tuy nhiên theo xu hướng tự do hóa , đối tượng cá nhân hay các tổ chức có thể xin đăng ký các tên miền "hot" như .paris hoặc .green trong thời gian không xa.
ICANN là cơ quan cấp phép sử dụng các mã tên miền quốc gia.
Calle cho biết, ông không tin việc hạn chế đăng ký các tên miền hàng đầu sẽ làm giảm nhu cầu đăng ký tên miền .co. "Chúng tôi sẽ rất vui nếu có thêm các tên miền hàng đầu mới. Hiện người dùng vẫn quen với các tên miền phổ biến như .com, hay .co.uk, bởi vậy khi mới tiếp xúc với tên miền .co họ sẽ không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên chúng tôi sẽ có các chiến dịch quảng bá để nâng cao nhận thức của người dùng đối với tên miền mới này", Calle phát biểu.
Theo Bưu Điện VN
Internet đạt ngưỡng 210 triệu tên miền Theo dự đoán của các chuyên gia công nghệ, số địa chỉ IP theo chuẩn IPv4 sẽ được cấp phát hết trong năm nay. Tuy nhiên, điều này dường như không ảnh hưởng đến thị trường tên miền trên thế giới. Theo bảng báo cáo về thị trường tên miền được hãng phân tích thị trường công nghệ VeriSign đưa ra thì tính...