Kịch bản quốc hội Mỹ chặn đường tái tranh cử của Trump
Ngoài mục tiêu gạt Trump khỏi Nhà Trắng trong những ngày cuối nhiệm kỳ, phe Dân chủ dường như còn muốn ngăn ông trở lại bộ máy chính quyền.
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát hôm 11/1 công bố điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, xoay quanh vai trò của ông trong vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1. Ông chủ Nhà Trắng bị cáo buộc đưa ra những phát biểu “kích động bạo loạn” và khuyến khích hành vi phạm pháp.
Đây là động thái tiếp theo của phe Dân chủ trong nỗ lực phế truất Trump, sau khi nghị quyết kêu gọi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 bị các thành viên đảng Cộng hòa chặn bỏ phiếu tại Hạ viện. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cận kề, việc phế truất Trump trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc có lẽ không phải hình phạt nghiêm khắc nhất mà quốc hội Mỹ có thể đưa ra.
“Trump cần bị luận tội và xét xử, loại bỏ khỏi nhiệm sở, đồng thời truất quyền nắm giữ và thụ hưởng bất kỳ chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích nào tại nước Mỹ”, điều khoản luận tội mới công bố của phe Dân chủ tại Hạ viện có đoạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị phát biểu trước đám đông ủng hộ gần Nhà Trắng hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Thượng viện Mỹ có thể tiến hành kịch bản này theo quy trình được quy định trong Hiến pháp. Dù khả năng hiện thực hóa được đánh giá khá thấp, nhưng nếu điều này xảy ra, Trump sẽ không thể tái tranh cử tổng thống vào năm 2024 bất chấp tầm ảnh hưởng rộng lớn của ông trên chính trường Mỹ.
Điều II, mục 4 Hiến pháp Mỹ quy định một tổng thống phải bị phế truất nếu bị kết tội trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện. “Tổng thống, phó tổng thống cùng tất cả quan chức dân sự của Mỹ đều sẽ bị cách chức nếu bị luận tội và kết tội phản quốc, tham nhũng, hoặc những trọng tội và sai phạm khác”, tài liệu có đoạn.
Hồi năm 2019, Trump bị luận tội lần đầu tiên, xoay quanh nghi vấn nhờ Ukraine hỗ trợ để gây bất lợi cho Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, với hai điều khoản cáo buộc gồm lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Khi đó đã có tranh luận rằng hai điều khoản này có thuộc phạm vi định nghĩa mơ hồ về “trọng tội và sai phạm” trong hiến pháp hay không.
Phe Dân chủ tại Hạ viện dường như đã rút kinh nghiệm. Trong nghị quyết luận tội Trump công bố hôm 11/1, với cáo buộc “kích động bạo loạn”, họ nêu rõ lý do hành vi của Trump là một sai phạm có thể luận tội.
“Tổng thống Trump đã gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh Mỹ và các thể chế của chính phủ. Ông ấy đe dọa tính toàn vẹn của hệ thống dân chủ, can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, đẩy một nhánh của chính quyền vào nguy hiểm. Do đó, ông ấy đã phản bội lòng tin vào một tổng thống, với sự tổn thương rõ rệt của người dân Mỹ”, nghị quyết có đoạn.
Tuy nhiên, điều I, mục 3 trong Hiến pháp trao cho Thượng viện quyền lực duy nhất đối với việc xét xử tất cả điều khoản luận tội. “Không ai có thể bị kết tội nếu không có sự tán thành của 2/3 số thượng nghị sĩ có mặt. Phán quyết trong các trường hợp luận tội sẽ không vượt quá việc cách chức và truất quyền nắm giữ và thụ hưởng bất kỳ chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích nào tại nước Mỹ”, Hiến pháp quy định.
Nói cách khác, quyền kết tội và phế truất Trump thuộc về Thượng viện, và chỉ có thể thực hiện với 2/3 số phiếu ủng hộ. Thượng viện cũng có thể cấm Tổng thống giữ các chức vụ trong chính quyền một lần nữa nếu ông bị kết tội, nhưng Hiến pháp lại không quy định rõ liệu phán quyết này có cần tới 2/3 phiếu đồng thuận hay không.
Thượng viện từng truất quyền giữ chức vụ trong tương lai của tổng cộng ba người, tất cả đều là thẩm phán liên bang, với số phiếu chỉ cần quá bán. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ chưa từng ra phán quyết nào về vấn đề này, nên nếu Thượng viện chỉ bỏ phiếu quá bán để ngăn Trump trở lại chính quyền trong tương lai, đây sẽ là tình huống chưa có tiền lệ và có nguy cơ gây tranh cãi lớn.
Mặc dù vậy, khả năng cao Thượng viện sẽ không kết tội Trump, từ đó không dẫn đến quá trình bỏ phiếu định đoạt tương lai chính trị của ông. Cần tới 67 thượng nghị sĩ tán thành việc kết tội, có nghĩa là nếu tất cả thượng nghị sĩ Dân chủ đồng tình, vẫn cần thêm 17 phiếu từ các thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Số lượng này được cho là khó có thể đạt được, bởi trong phiên tòa luận tội năm 2019 chỉ có một thượng nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với Trump. Các nguồn thạo tin cũng tiết lộ phần lớn thượng nghị sĩ Cộng hòa hiện không muốn luận tội Tổng thống.
Cuộc bỏ phiếu nhằm thông qua điều khoản luận tội Trump tại Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 13/1. Tuy nhiên, theo lịch trình được vạch ra, phiên tòa luận tội tại Thượng viện chỉ có thể bắt đầu một giờ sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức vào 12h ngày 20/1. Chưa từng có tổng thống nào phải đối mặt với một phiên tòa luận tội khi đã rời Nhà Trắng.
Một số học giả lập luận rằng kịch bản này vẫn có thể được chấp thuận. “Các hình phạt đặc biệt đi kèm với việc bị kết tội được thiết lập nhằm bảo vệ nền cộng hòa khỏi những người lạm dụng chức vụ công, theo cách nghiêm trọng đến mức họ không bao giờ nên được trao cơ hội nắm giữ quyền lực nữa”, Michael Gerhardt, giáo sư tại Trường Luật Đại học Bắc Carolina, cho biết.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng tình với quan điểm này, và chưa có tòa án nào từng ra phán quyết liên quan đến vấn đề. Vì vậy, bất cứ nỗ lực nào nhằm truất quyền tái tranh cử của Trump cũng có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý gay cấn.
Đặc nhiệm Mỹ bị điều tra vì dẫn người ủng hộ Trump đến Washington
Lục quân Mỹ điều tra một đặc nhiệm do nghi sĩ quan này dẫn người ủng hộ Trump tới dự mít tinh trước vụ bạo động ở tòa quốc hội.
Đại úy Emily Rainey, 30 tuổi, được cho là đã dẫn 100 người thuộc nhóm Công dân hạt Moore vì Tự do đến dự mít tinh ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Washington hôm 6/1. Trang Facebook của nhóm cho biết họ là "nhóm phi đảng phái của công dân hạt Moore chuyên thúc đẩy các giá trị bảo thủ" tại địa phương.
Rainey nói rằng nhóm của cô không vi phạm pháp luật và bản thân là "một công dân làm đúng mọi thứ trong quyền hạn". Rainey nói "không biết bất cứ ai xâm nhập tòa nhà quốc hội Mỹ" và nhóm của cô "đã quay lại xe buýt vài giờ trước khi lệnh giới nghiêm khẩn cấp có hiệu lực" tại thủ đô Washington.
Cuộc mít tinh ngày 6/1 nhanh chóng trở thành bạo động khi những người ủng hộ hưởng ứng lời kêu gọi của Trump, tuần hành tới Đồi Capitol trong lúc các nghị sĩ họp chứng nhận kết quả bầu cử đại cử tri đoàn.
Đoàn biểu tình sau đó tràn vào tòa nhà quốc hội, tấn công cảnh sát, truy lùng các nghị sĩ và phá hoại nhiều tài sản. Ít nhất 5 người thiệt mạng trong vụ bạo loạn, bao gồm một sĩ quan cảnh sát quốc hội Mỹ, hàng chục người bị thương.
Đại úy Emily Rainey. Ảnh: Instagram, US Army .
Thiếu tướng Daniel Lessard, phát ngôn viên của lục quân Mỹ, cho biết đang điều tra Rainey để "xác định sự thật" về vai trò của sĩ quan này trong các sự kiện tuần trước. Rainey là sĩ quan tâm lý chiến thuộc Nhóm Tâm lý chiến số 4, đóng quân tại căn cứ Fort Bragg ở bang Bắc Carolina.
Đơn vị này là một trong hai nhóm tâm lý chiến thuộc Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm số 1 (Lính dù), có nhiệm vụ tuyên truyền và áp dụng chiến thuật tâm lý nhằm tác động đến cảm xúc hoặc gây hoang mang cho đối phương.
CBS ngày 11/1 đưa tin Rainey đã từ chức "sau khi nhận thư cảnh cáo kết thúc sự nghiệp vì hành vi tại cuộc mít tinh ở khu vực Fort Bragg trước đó". Rainey vẫn là sĩ quan tại ngũ vào thời điểm tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô Washington hồi tuần trước.
Tướng Lessard cho biết Rainey đã nộp hồ sơ từ chức vào tháng 9/2020, song phải nộp lại sau đó một tháng do các vấn đề giấy tờ. Tướng Lessard cho biết đại úy Rainey dự kiến giải ngũ vào tháng 4.
Một quan chức lục quân Mỹ cho biết nếu nhận được bất cứ bằng chứng nào cho thấy binh sĩ tại căn cứ Fort Bragg tham gia vào "những việc làm trái pháp luật hoặc vi phạm quy định của lục quân Mỹ", họ sẽ mở các cuộc điều tra khác. Tuy nhiên, lục quân Mỹ chưa nhận được các bằng chứng về binh sĩ liên quan đến vụ bạo loạn tuần trước.
Hơn 4 giờ hỗn loạn ở quốc hội Mỹ. Video: CNN .
Rainey bị chú ý từ tháng 5/2020, khi bị buộc tội phá hoại tài sản cá nhân do xé băng rôn cảnh báo tại một sân bóng bị đóng cửa theo quy định hạn chế nhằm ngăn nCoV lây lan. Rainey sau đó bị cấm đến các công viên tại Southern Pines, Bắc Carilina, do hành vi phá hoại tài sản cá nhân nói trên.
Rainey cho biết được nghỉ vào tuần trước và "đã thông báo với chỉ huy" về việc tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Washington. "Chúng tôi tin rằng công lý sẽ chiến thắng để chứng minh sự vô tội của chúng tôi", Rainey nói.
Các quan chức quân đội Mỹ cho biết Cục Điều tra Liên bang (FBI) ngày 1/11 mở 25 cuộc điều tra khủng bố trong nước sau vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ. Truyền thông Mỹ đưa tin một số binh sĩ Mỹ tham gia vào cuộc biểu tình ủng hộ Trump hôm 6/1, song chưa rõ liệu họ có nằm trong số 25 người đang bị cơ quan này điều tra hay không.
Trận lính Anh thiêu rụi Đồi Capitol năm 1814 Vụ bạo loạn do người ủng hộ Trump gây ra hôm 6/1 không phải là lần đầu tiên Đồi Capitol thất thủ. Quân Anh từng tấn công, phá hủy nhà quốc hội Mỹ 200 năm trước. Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump ngày 6/1 xông vào tấn công tòa nhà quốc hội, khiến ít nhất 5 người chết,...