Kịch bản năm học nên như thế nào?
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là khi TP.HCM, Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành tiếp tục cho học sinh nghỉ học, kịch bản năm học cùng kỳ thi THPT quốc gia 2020 nên như thế nào?
Học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Dịch bệnh COVID-19 ít nhiều ảnh hưởng đến kỳ thi THPT quốc gia 2020 – Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của những giáo viên, nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Ngát (hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk): Nghỉ tết bao nhiêu phải lùi hè bấy nhiêu
Về kế hoạch năm học, nhà trường hoàn toàn phụ thuộc vào kế hoạch của tỉnh, phòng GD-ĐT theo hướng lùi thời gian kết thúc năm học. Theo đó, thời gian nghỉ tết bao nhiêu thì lùi thời gian nghỉ hè bấy nhiêu để khớp với chương trình, kế hoạch đã ban hành.
Đối với việc tuyển sinh đầu cấp (lớp 6) hoặc thi chuyển cấp (lớp 9) cũng sẽ phụ thuộc kế hoạch điều chỉnh sau này của phòng GD-ĐT. Việc học hay ôn tập của các khối cũng như các em cuối cấp đều thực hiện theo kế hoạch chung của tỉnh, thành phố.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội): Tiếp tục nghỉ sẽ khó giữ các mốc năm học
Hiện chương trình THPT đang xây dựng 37 tuần, nhưng thực tế có một tuần dự phòng/học kỳ cho các công việc phát sinh. Trường tôi do chủ động xây dựng kế hoạch dạy học của năm học nên bình thường học sinh nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Vì thế khi trở lại học từ ngày 16-3 chúng tôi vẫn đủ quỹ thời gian thực hiện. Nhưng nếu học sinh tiếp tục nghỉ thì thực sự khó khăn nếu vẫn giữ nguyên các mốc thời gian năm học như đã điều chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân (phó giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh): Chuẩn bị tâm thế nếu kỳ nghỉ kéo dài
Tất cả các trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều chuẩn bị tâm thế nếu kỳ nghỉ chống dịch kéo dài. Trong đó các nơi chú trọng ôn tập kiến thức cho học sinh yếu kém và khai thác dạy bằng phương pháp trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn phải chờ quyết định của Bộ GD-ĐT. Dù học sinh còn nghỉ một tuần nữa mới trở lại trường thì chương trình vẫn còn nằm trong khung kế hoạch của năm học, và lịch thi đầu cấp vẫn đúng thời gian như bộ quy định.
Ông Nguyễn Vương Linh (hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An): Cắt giảm tiết một số môn không cần thiết
Theo lịch, từ ngày 9-3 toàn bộ học sinh THCS của trường sẽ đi học, nhưng kế hoạch này tiếp tục lùi lại. Thời gian qua chúng tôi cũng đã triển khai dạy học trực tuyến nhưng chỉ dừng lại ở việc ôn tập kiến thức cũ cho học sinh vì dạy bài mới không khả thi, thêm nữa không phải gia đình em nào cũng có thiết bị máy tính, mạng Internet để dạy trực tuyến.
Theo Bộ GD-ĐT, khung chương trình năm học tính tới thời điểm này sẽ lùi một tháng. Việc cho học sinh nghỉ học phòng dịch để đảm bảo an toàn cho các em. Nhưng chúng tôi lo ngại khi học kéo dài một tháng đúng vào mùa hè sẽ rất vất vả cho học sinh.
Video đang HOT
Do đó, chúng tôi mong ngành giáo dục nghiên cứu có thể cắt giảm tiết của một số môn không cần thiết để giảm tải cho học sinh khi trở lại trường. Ví dụ như môn thể dục, công nghệ có thể cắt giảm số tiết/tuần, thay bằng các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa, tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Tây Hồ (Hà Nội): Sẽ nhiều xáo trộn
Nếu tháng 4 học sinh mới trở lại học thì các trường sẽ khó đảm bảo dạy đủ chương trình, thời gian ôn tập cho học sinh lớp 12 để đáp ứng các yêu cầu về thời gian mà Bộ GD-ĐT mới ban hành. Khi ấy, kỳ thi THPT quốc gia phải dời sang tháng 8-2020. Cùng với đó sẽ có rất nhiều việc bị xáo trộn.
Ví dụ thời điểm bắt đầu năm học mới 2020-2021 sẽ phải lùi chậm hơn ở cả bậc mầm non, phổ thông và đại học. Những công việc lớn mà ngành GD-ĐT đang phải triển khai như chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có thể phải dời lịch.
Ông Phan Xuân Phàn (hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An): Kéo thêm điện nếu học sinh học hè
So với năm ngoái, năm nay lịch kết thúc chương trình và kết thúc năm học có thể bị lùi một tháng. Vào mùa hè rất nóng nên nhà trường cũng phối hợp với điện lực kéo thêm hệ thống điện, đảm bảo nguồn điện cung cấp đủ trong khi các em học tập vào ngày hè.
Học sinh ở TP.HCM học trực tuyến trong thời gian nghỉ học – Ảnh: NHƯ HÙNG
Nên lùi kỳ thi THPT quốc gia
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Với tình hình này, nếu học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 15-4 thì Bộ GD-ĐT cần thay đổi thời gian thi THPT quốc gia cho phù hợp. Bởi thời gian 3,5 tháng cho một học kỳ thì không ổn.
Các em học sinh lớp 12 phải hoàn thành chương trình THPT quốc gia và các trường THPT không được cắt xén chương trình. Đó là chưa kể thời gian các em ôn luyện trước khi chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Nhiều người cho rằng kỳ thi THPT quốc gia không thể trễ hơn vì các trường ĐH còn phải hoàn tất công tác tuyển sinh và khai giảng năm học mới.
Nhưng trên thực tế, thời gian bắt đầu năm học mới ở trường ĐH linh hoạt hơn ở phổ thông rất nhiều. Trước đây đã từng có thời điểm một số trường ĐH đến cuối tháng 10 mới khai giảng năm học.
Mặt khác, về lâu dài, VN cũng cần xúc tiến nhanh việc thành lập Trung tâm khảo thí quốc gia hoạt động độc lập với các cơ quan quản lý giáo dục. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi quốc gia một cách chuyên nghiệp và bài bản.
Mỗi năm ta có thể tổ chức nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT như ở các nước tiên tiến trên thế giới. Nếu kỳ thi lần này học sinh chưa tự tin hoặc thi rớt, hoặc thi điểm thấp, các em có thể tiếp tục ôn luyện và dự thi sau đó vài tháng.
TS Nguyễn Cam (nguyên trưởng khoa toán – tin, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Bộ GD-ĐT đã dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7-2020, nếu phải dời nữa tôi biết các cấp quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta đã xác định tính mạng con người, sự an toàn của học sinh là trên hết thì năm học có kết thúc chậm hơn 1 học kỳ (thậm chí cả năm học) cũng phải chấp nhận.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ở cấp quốc gia, liên quan đến số phận của cả triệu học sinh trên mọi miền đất nước. Vì vậy, Chính phủ nên có quyết định lùi kỳ thi này để học sinh lớp 12 có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Trước đây, ở nước ta kỳ thi tú tài cũng nhiều lần phải dời lại vì chiến tranh. Thì nay, khi ta gặp phải biến cố là dịch bệnh, việc dời kỳ thi cũng không có gì lạ.
H.HG. ghi
Theo Tuổi trẻ
Cán bộ, giáo viên đồng lòng, đổi mới giáo dục sẽ thành công
Các cơ sở giáo dục đã và đang chủ động đón đầu Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng tích cực đổi mới phương pháp dạy học và quản trị hoạt động dạy học.
Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, khi cán bộ quản lý, giáo viên đồng lòng, đổi mới giáo dục sẽ thành công.
Một lớp học của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: T.G
Nhu cầu tự thân
Cô Nguyễn Thị Mai - giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) đã tham gia tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bản thân cô cũng chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận Chương trình mới. Theo đó, mỗi giờ lên lớp, cô chủ động tìm kiếm tài liệu để bổ sung cho bài giảng của mình.
"Tôi tự xác định, sách giáo khoa chỉ là phương tiện để mình giảng dạy. Vì thế trong nhiều tiết học, tôi đã thoát ly, không coi sách giáo khoa là pháp lệnh nhưng vẫn không để chệch kiến thức chuẩn" - cô Nguyễn Thị Mai chia sẻ, đồng thời cho biết: Tôi tự thiết kế bộ tài liệu giảng dạy dành riêng cho lớp 1; sau đó xin ý kiến góp ý của tổ chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường. Sau khi được thảo luận kỹ và thực hiện một số tiết dạy mẫu, bộ tài liệu của cô đã được vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế giảng dạy đối với từng lớp 1 của trường.
Cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học không phải là vấn đề mới nhưng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giáo viên, cô Mai Thị Hà - Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Để nâng cao chất lượng dạy học, đón đầu Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng sáng tạo.
"Ở Trường THPT Yên Hòa, đổi mới, sáng tạo trở thành yêu cầu và nhiệm vụ của mỗi giáo viên. Cùng với chỉ đạo của ban giám hiệu, đổi mới phương pháp dạy học là trách nhiệm của mỗi nhà giáo chúng tôi. Ban giám hiệu quy định, mỗi năm học, giáo viên phải có ít nhất một tiết dạy theo hướng đổi mới, phát triển năng lực. Giờ đây, đổi mới phương pháp dạy học trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên" - cô Mai Thị Hà cho hay.
Ảnh minh họa/ INT
Chủ động "đón đầu"
Để thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, mà trước mắt là đối với lớp 1, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thịnh - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ) trao đổi: Nhà trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về kế hoạch, phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với học sinh khối 1, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, giáo viên rất tích cực trong việc tiếp nhận những phương pháp dạy học mới, kỹ thuật dạy học mới.
"Tôi tin khi Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chính thức triển khai, các giáo viên sẽ tiếp cận rất nhanh" - cô Nguyễn Thị Minh Thịnh khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Nhà trường sẽ có kế hoạch và chiến lược riêng để triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả nhất.
Cụ thể, ngoài chương trình tập huấn, bồi dưỡng của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ có chương trình tập huấn, bồi dưỡng riêng cho đội ngũ giáo viên nói chung và cho giáo viên khối 1 nói riêng. Chúng tôi sẽ mời chuyên gia để bồi dưỡng cho giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm nhằm hỗ trợ giáo viên đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới" - cô Thịnh cho hay.
Cũng theo cô Thịnh, đến thời điểm này, cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tương đối đầy đủ, hiện đại, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà trường đang tích cực tham mưu với các cấp có thẩm quyền để được bổ sung thêm một số phòng học, phòng chức năng và một số thiết bị dạy học, để khi Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được triển khai là có thể ứng dụng được ngay.
Trở về từ khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán, thầy Dương Minh Khả - Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang) được hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phương pháp quản trị hoạt động dạy học và giáo dục. "Trên cơ sở đó, tôi sẽ quán triệt đến giáo viên trong toàn trường, đặc biệt là đối với giáo viên lớp 1; trong đó chú trọng đến đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục và thiết kế nội dung dạy học theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất có thể để giáo viên không phải "tự bơi" - thầy Khả nhấn mạnh.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị, thầy Dương Văn Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Easup, Đắk Lắk) nói: Trong năm học này, nhà trường sẽ thực hiện thí điểm dạy một số tiết theo hướng tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức thí điểm một vài hoạt động trải nghiệm sáng tạo đối với khối 1. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đây cũng là môn học mới, vì thế nhà trường sẽ chuẩn bị kỹ, chu đáo để phát huy hiệu quả của môn học. Theo đó, nhà trường sẽ có những chương trình, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên để tổ chức thành công hoạt động học trải nghiệm nghiệm sáng tạo. "Tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, khó đâu gỡ đấy và quan trọng là tinh thần đổi mới, sáng tạo luôn phải được bồi đắp, hun đúc" - thầy Tú nói.
Thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, hiệu trưởng phải là người tiên phong trong mọi chương trình hành động, kể cả đổi mới phương pháp dạy học. Nói cách khác, hiệu trưởng phải là "đầu tàu", phải "xắn tay" cùng giáo viên trong đổi mới dạy - học. Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh
Hải Minh
Theo giaoducthoidai
Gây hứng thú học tập môn Sử Theo cô Mai Thị Hà - Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội): Lịch sử là môn học hay. Mỗi giờ học, cô luôn cố gắng tạo một điểm nhấn gây sự tò mò hứng thú cho học sinh; có thể là câu chuyện về một sự kiện, nhân vật lịch sử, câu đố vui về lịch sử... Gây...