Khuyến đọc từ trường học
Sau thời gian tạm ngưng vì ảnh hưởng dịch Covid-19, khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống dần trở lại bình thường, thời gian gần đây, nhiều đơn vị xuất bản và tác giả đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu, truyền cảm hứng đọc sách đến các trường học.
Chính từ những chương trình này, hoạt động khuyến đọc đã được lan tỏa sâu rộng, góp phần vào hành trình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nhà văn Phương Huyền truyền cảm hứng đọc sách đến các em nhỏ tại Ngày hội đọc sách ở quận 6 (TPHCM)
Nâng cao ý thức đọc sách
Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty Chibooks tổ chức ký kết hợp tác với Trường Đại học Công nghệ TPHCM, và trao tặng tủ sách “Lan tỏa yêu thương” với 600 cuốn sách. Trước đó, Công ty Chibooks đã trao tặng tủ sách cho 6 trường đại học trên địa bàn TPHCM. Bên cạnh trao tặng tủ sách với hy vọng góp phần giúp các bạn sinh viên yêu thích việc đọc sách hơn, khuyến khích sinh viên đến thư viện trường, Công ty Chibooks còn giới thiệu các tác giả đến giao lưu, chia sẻ cùng sinh viên về văn hóa đọc với đa dạng lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa – văn học, góp phần bồi dưỡng đời sống tinh thần cho các sinh viên.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Chibooks, hiện tại đơn vị này đang triển khai dự án xây dựng 300 tủ sách thư viện miễn phí cho các trường tiểu học, THCS, THPT và các trường cao đẳng, đại học trong thời gian 5 năm (2020-2025). Ngoài Trường Đại học Công nghệ TPHCM, từ năm 2020 đến nay, tủ sách “Lan tỏa yêu thương” đã về với thư viện của nhiều trường học trên khắp cả nước, như: Trường Đại học Huế (400 cuốn sách), Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa – 199 cuốn), Trường Tiểu học số 1 (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Sơn La – 425 cuốn sách), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (400 cuốn sách), Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM (400 cuốn sách)…
“Số sách này được các tổ chức và cá nhân tài trợ, Công ty Chibooks hỗ trợ chiết khấu từ 50%-80% giá bìa. Thông qua dự án này, chúng tôi hy vọng góp phần nâng cao ý thức đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt lan tỏa ảnh hưởng sâu rộng đến lứa học sinh từ tiểu học, THCS đến sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Qua đó, có thể gieo mầm khát khao khám phá, mở rộng trí tưởng tượng và tri thức cho các em thông qua sách vở”, bà Lệ Chi cho biết.
Khởi động từ cuối năm 2016, đến nay, chuỗi chương trình “Cùng trang sách bước đến tương lai” của NXB Kim Đồng đang được các trường học trên địa bàn TPHCM cũng như các tỉnh lân cận (Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre…) quan tâm và bày tỏ mong muốn được tổ chức tại trường. Chương trình gần nhất là vào ngày 5-12 vừa qua tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TPHCM) và ngày 12-12 tới là Trường Tiểu học Kết Đoàn (quận 1, TPHCM).
Trong mỗi chương trình, NXB Kim Đồng đều mời diễn giả là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, biên tập viên, chuyên viên của các chương trình kỹ năng sống… đến trường trò chuyện, trao đổi với học sinh. Trong nhiều câu chuyện, những người thực hiện luôn khuyến khích các em đọc sách và nâng cao tinh thần yêu sách.
Sau loạt chương trình được tổ chức gần đây, thời gian tới, NXB Tổng hợp TPHCM sẽ cùng tác giả Isabelle Mller đến giao lưu tại các trường học trên địa bàn TPHCM, như: Trường Đại học Fulbright Việt Nam (quận 7, ngày 13-12), Trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan (quận 7, ngày 16-12).
Tôi ước thư viện là một phòng đọc thú vị, thậm chí thành nơi các em được chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình. Nếu cho trẻ có một không gian thực sự cởi mở với sách, chắc các em sẽ không còn sợ hay ngán sách
Nhà văn Phương Huyền
Cộng hưởng từ gia đình và trường học
Video đang HOT
Theo chia sẻ của chị Võ Thiên Hương, đại diện truyền thông NXB Kim Đồng, doanh thu, lợi nhuận không phải là mục đích của chương trình “Cùng trang sách bước đến tương lai”. “Những người đang làm sách chưa thật sự kết nối tốt với thư viện, nên mục đích chính của chúng tôi là khuyến đọc ở các điểm trường. Nói cách khác, chúng tôi mang sách tiếp cận giáo viên, học sinh, tạo điều kiện cho các thầy cô, các em biết đến nhiều loại sách, dòng sách…”, chị Võ Thiên Hương cho biết.
Bên cạnh các NXB, các công ty sách, gần đây nhiều tác giả như Võ Thu Hương, Phạm Minh Mẫn, Phương Huyền… cũng thường xuyên có những chương trình giao lưu, trò chuyện với các em học sinh về văn hóa đọc, qua đó khích lệ và truyền cảm hứng cho các em đọc sách.
Nhà văn Phương Huyền truyền cảm hứng đọc sách đến các em nhỏ tại Ngày hội đọc sách ở quận 6 (TPHCM)
Từ nhiều năm trước, việc khuyến đọc đã được nhà văn Phương Huyền quan tâm và chú trọng. Trong vai trò của một nhà báo theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật, chị thường chú trọng chia sẻ về việc đọc, đến khi triển khai chương trình “Trò chuyện với tương lai” trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, chị cũng đưa mục “Khuyến đọc” vào để các em đọc sách và viết lên cảm nhận của mình, qua đó lan tỏa tinh thần đọc sách.
Được bắt đầu từ năm 2021, đến nay, chương trình “Trò chuyện với tương lai” của nhà văn Phương Huyền đã đến với 10 trường THPT của TPHCM và các tỉnh như Phú Yên, Ninh Thuận. Trước mỗi chương trình, nhà văn Phương Huyền thường cho các em viết thư cho chính mình trong tương lai với chủ đề: 5 năm, 10 năm nữa bạn muốn mình là ai, trở thành người như thế nào? Sau khi các em viết xong, chính thầy cô dạy văn sẽ là người đọc trước, để hiểu học trò mình có mơ ước gì, rồi chọn ra những bài hay nhất. Sau đó, chị cùng các diễn giả khác về trường chia sẻ với các em, đồng thời truyền cảm hứng đọc sách đến thầy cô và học sinh của nhà trường.
Nhà văn Phương Huyền cho biết: “Trong chuyến đến với tỉnh Ninh Thuận vừa rồi, tôi có cơ hội chia sẻ cảm hứng đọc sách ở một trường tiểu học. Tôi cảm thấy cực kỳ hứng thú khi các em rất mạnh dạn kể chuyện, diễn kịch trực tiếp cùng diễn giả. Sự tự tin, linh hoạt đó nhờ trường có hoạt động khuyến đọc rất tốt. Các em thường xuyên được cô giáo khuyến khích đọc và kể chuyện trên lớp, dưới cờ. Điều này cho thấy, việc tạo thói quen đọc sách cực kỳ quan trọng, phải được xuất phát từ gia đình và sự cộng hưởng mạnh mẽ phía nhà trường. Có như vậy, các em mới có thói quen đọc sách, biết quý sách và cần sách”.
Tạo động lực để nhà giáo nỗ lực phấn đấu
Bên cạnh chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều trường học đã tiết kiệm chi tiêu nội bộ... để khen thưởng, khích lệ kịp thời cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) đạt thành tích xuất sắc trong dạy và học.
Cô Hà Thị Lệ (áo vàng) cùng đội ngũ giáo viên Trường THPT Mường Lát.
Động viên kịp thời
"Những chính sách đãi ngộ của Nhà nước, ngành Giáo dục hiện nay đã góp phần giúp đội ngũ GV an tâm công tác và cống hiến". Đây là những chia sẻ của thầy giáo Thao Văn Cụa, GV Toán - Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).
Thầy Cụa là người đồng bào dân tộc H'Mông, công tác tại trường hơn 2 năm nay. Tuy thời gian công tác tại trường chưa dài, song với thầy Cụa, ngôi trường là một nơi đặc biệt bởi đã in dấu bao nhiêu kỷ niệm trong quãng đời HS của mình.
Cũng như thầy Cụa, cô Hà Thị Lệ (GV Ngữ văn, Trường THPT Mường Lát) từng học tập tại đây và giờ lại được giảng dạy ở chính ngôi trường này.
Cô Lệ cho rằng, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện vẫn còn thiếu thốn. Song, nhà trường đã làm rất tốt công tác khen thưởng, góp phần động viên, khích lệ kịp thời đội ngũ GV, HS.
"Trước đây, khi chưa có Nghị định 76 của Chính phủ, đời sống của GV vùng cao còn rất vất vả. Bởi, thầy cô công tác tại trường phần lớn là từ miền xuôi lên, vì vậy phải lo lắng từ nơi sinh hoạt cho đến nhu yếu phẩm...
Nhưng từ ngày có Nghị định 76, đời sống được ổn định hơn nhiều, thầy cô cũng vì vậy mà yên tâm công tác.
Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa - văn nghệ để thầy, trò có nhiều niềm vui khi tới trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hoạt động này cũng bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh", cô Lệ chia sẻ.
Theo thầy Trần Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, bên cạnh chính sách đãi ngộ của Nhà nước, ngành Giáo dục, nhà trường cũng xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Thông qua đó, khen thưởng tương xứng cho GV đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy.
Buổi tuyên dương, khen thưởng giáo viên có thành tích xuất sắc đạt chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2020-2021 của Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Hàng năm, nhà trường cũng tổ chức thăm hỏi GV có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Trong môi trường học tập, nhà trường cố gắng tạo cảm giác thoải mái, không áp đặt cho cả GV và HS khi tới trường.
"Việc khen thưởng theo đúng quy định của Nhà nước, ngành Giáo dục góp phần động viên, khích lệ kịp thời cho đội ngũ GV", thầy Văn nói.
Theo thầy Văn, năm học 2021 - 2022, nhà trường có hơn 800 HS và 34 GV. Trong đó, tỷ lệ GV là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm từ 30 - 35%, tỷ lệ GV đạt chuẩn 100%.
"Những năm qua, chất lượng giáo dục của nhà trường được cải thiện rõ rệt so với trước. Cụ thể, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm gần nhất chiếm 90%, trong khi những năm trước tỷ lệ này chỉ dừng lại ở khoảng 70%", thầy Văn cho hay.
Nhiều hình thức khích lệ
Tại Trường THPT Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), công tác tuyên dương, khen thưởng GV, HS có thành tích xuất sắc trong dạy và học cũng được nhà trường quan tâm, chú trọng.
Tuy nhiên, việc khen thưởng được nhà trường triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, ngoài khen thưởng bằng tiền mặt, hàng năm nhà trường còn tổ chức cho GV, HS đoạt giải từ cấp tỉnh trở lên dâng hương, báo công tại các di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh.
"Trước đây, nhà trường đã tổ chức cho GV và HS đoạt giải viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Lam Kinh hay dâng hương tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thanh Hóa...
Thông qua những hoạt động này nhằm khích lệ thầy và trò, đồng thời giáo dục cho HS nhà trường về truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các em có cơ hội tìm hiểuvề các di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh", thầy Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Thầy Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Bỉm Sơn (đứng giữa) trong buổi tuyên dương giáo viên thuộc Top 4 nhân vật xuất sắc của năm (năm học 2020 - 2021).
Bên cạnh khen thưởng, công tác chăm lo đời sống tinh thần nhà giáo cũng được trường chú trọng. Nhà trường đã lập các câu lạc bộ: Cầu lông, bóng chuyền hơi, câu lạc bộ sở thích cho học sinh...
Mục đích của các câu lạc bộ không chỉ là rèn luyện sức khỏe mà còn tạo ra sân chơi gắn kết giữa thầy, cô và HS trong trường. Ngoài ra, các câu lạc bộ sở thích còn giúp các em rèn luyện kỹ năng, sự sáng tạo và phong thái tự tin.
Phụ trách công tác khuyến học, cô Lý Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bỉm Sơn cho biết: Hàng năm, nhà trường vẫn duy trì tổ chức khen thưởng cho HS và GV có HS giỏi Quốc gia, giỏi cấp Tỉnh, Trường... nhằm khích lệ kịp thời cho GV và HS.
Đặc biệt, với HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp Quốc gia, tỉnh, GV bồi dưỡng đội tuyển xếp thứ hạng cao... nhà trường sẽ tổ chức thưởng "nóng".
Theo cô Oanh, kết thúc học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, nhà trường tổ chức khen thưởng 14 GV và khoảng 50 HS (gồm HS đạt giải tại các cuộc thi) đạt thành tích cao trong dạy và học.
"Quỹ khuyến học của nhà trường được xây dựng và duy trì từ chính sự ủng hộ của GV, phụ huynh và các nhà hảo tâm", cô Oanh nói.
'Đại dịch bạo lực' phủ bóng trường học thế giới Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ước tính mỗi năm, 246 triệu trẻ em bị bạo lực trong và xung quanh trường học. Nhiều học sinh thích học trực tuyến vì giáo viên không thể đánh các em. Trong đó, việc trừng phạt thân thể vẫn còn tính hợp pháp ở hơn 60 quốc gia. Bà Susannah Hares, chuyên gia giáo dục...