Khủng hoảng nợ công làm hé lộ một châu Âu rạn nứt
Cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung euro ( Eurozone) – thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu – đang đe dọa đẩy nhanh quá trình rạn nứt giữa một bên là các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung và bên kia là các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), cùng với lời cảnh báo của Anh rằng những nước không nằm trong liên minh tiền tệ có thể sẽ bị gạt ra rìa.
Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: Getty)
Phát biểu trước báo giới sau hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 23/10, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng mâu thuẫn nảy sinh là do 17 quốc gia Khu vực đồng euro thảo luận các chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế mà không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của toàn bộ 27 nước thành viên EU, chính điều này càng làm gia tăng lo ngại về một châu Âu có hai xung lực.
Video đang HOT
Theo ông, điều nguy hiểm là những nước không thuộc Eurozone có thể phải chứng kiến các nước thành viên Eurozone đưa ra các quyết định làm ảnh hưởng đến thị trường chung.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng bất cứ quyết định nào của Eurozone cũng cần phải “tôn trọng đầy đủ tính nhất thể của toàn bộ EU”.
Cùng với sự khó chịu đang gia tăng về cách thức “bộ đôi” Pháp, Đức áp đặt với Khu vực đồng euro, các quốc gia nằm ngoài Eurozone cũng bắt đầu tỏ ra bất mãn về việc những nước thuộc nhóm đồng tiền chung đặt họ vào tình thế “việc đã rồi.”
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên tuyên bố các quốc gia thuộc Eurozone không thể tự đẩy mình vào chân tường rồi lại thông qua những quyết sách ảnh hưởng đến toàn bộ EU. Hai nước thành viên Khu vực đồng euro là Hà Lan và Phần Lan cũng cho rằng tất cả mọi quốc gia thành viên EU đều phải được tham gia trong việc thông qua các quyết định có ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu.
Sự chia rẽ càng trở nên sâu sắc sau một quyết định được thông qua vào cuối phiên họp, theo đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy được giao thêm trọng trách là nhà lãnh đạo chính thức của Khu vực đồng euro, cương vị hiện do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Jean Claude Juncker đảm nhiệm không chính thức.
Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc đã không đưa ra được bất kỳ quyết định cụ thể nào. Mọi quyết định quan trọng sẽ phải chờ tới ngày 26/10, khi các nhà lãnh đạo EU và Khu vực đồng euro có một hội nghị thượng đỉnh kép bàn về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng châu Âu và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ./.
Theo TTXVN
Eurozone cứu trợ thêm 158,6 tỷ euro cho Hy Lạp
Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính phủ 17 quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bế mạc ngày 21/7 với những quyết định quan trọng được đưa ra nhằm giải cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của khối.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, Herman Van Rompuy tuyên bố: "Các nhà lãnh đạo đã tìm ra câu trả lời chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay."
Tại hội nghị khẩn cấp này, lãnh đạo các nước thành viên Eurozone đã thống nhất dành cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ hai trị giá 158, 6 tỷ euro nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, trong đó 109 tỷ euro đến từ các nước thành viên Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi 49,6 tỷ euro còn lại do khu vực tư nhân đóng góp (37 tỷ euro do đóng góp tự nguyện, 12,6 tỷ euro do mua lại các khoản nợ trên thị trường).
Ngoài việc thông qua gói cứu trợ mới, các nước Eurozone cũng đồng ý giãn nợ cho Hy Lạp từ các khoản vay từ Quỹ Cứu trợ Tạm thời (EFSF) từ 7,5 năm thành ít nhất 15 năm và nhiều nhất là 30 năm, đồng thời nhất trí giảm lãi suất vay cho Hy Lạp xuống còn 3,5% - so với mức 4%-5% hiện nay.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết việc khu vực tư nhân tham gia gói cứu trợ mới cho Hy Lạp là một ngoại lệ đối với Eurozone. Các nhà lãnh đạo Eurozone khẳng định sự tham gia này là "tự nguyện" và sẽ không phải là một phần trong bất kỳ gói cứu trợ nào trong tương lai cho các quốc gia khác.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp Hy Lạp vẫn không trả được hết khoản nợ 350 tỷ euro (tương đương với 160% GDP của nước này), ngân hàng trung ương châu Âu và các ngân hàng tư nhân sẽ tiếp tục can thiệp.
Theo Tổng thống Sarkozy, việc quyết định trợ giúp Hy Lạp là động thái mang tính lịch sử, tạo ra "sự khởi đầu cho Quỹ Tiền tệ châu Âu," và thông qua cuộc khủng hoảng nợ này việc quản lý kinh tế sẽ được tăng cường. Giới chuyên gia cũng bày tỏ hy vọng sẽ có những biện pháp tiến gần hơn tới sự hợp nhất về kinh tế và tài chính của khối sau hội nghị thượng đỉnh nói trên./.
Theo TTXVN
Đức, Pháp sẽ có cách giải quyết nợ công Eurozone Tuyên bố tại một cuộc họp báo chung ở Berlin, Đức cuối ngày 9/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết sẽ sớm đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng euro (Eurozone). Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh minh họa....