Không về quê, sinh viên vẫn học thêm mùa Tết
Trong không khí rộn ràng, nôn nao được nghỉ học về quê thì vẫn có rất nhiều sinh viên phải vật vã với lịch học vào mùa Tết.
Vì những lý do khác nhau, nhiều sinh viên chọn cách ở lại thành phố để học thêm mùa Tết thay vì về quê nghỉ ngơi, đi chơi… sau một kì học căng thẳng.
Với Hương, sinh viên trường Thương Mại, quê ở Thanh Hóa, chỉ mất 4 tiếng để có thể về nhà, nhưng cô bạn vẫn chọn ở lại Hà Nội để theo học một khóa kế toán cấp tốc. Hương cho biết: “Việc học của mình khá bận, trong năm mình không thể sắp xếp thời gian để học thêm. Vì thế mình đang tranh thủ khoảng thời gian nghỉ Tết để học khoá kế toán cấp tốc. Hy vọng ra Tết, trong đợt thực tập, mình sẽ kiếm được công việc làm thêm phù hợp, có thêm kinh nghiệm và thu nhập”.
“Bạn bè mình có khá nhiều người không về quê ăn Tết vì thời gian nghỉ tết năm nay khá dài. Mọi người muốn tranh thủ trang bị những kiến thức còn thiếu trước khi ra trường, phần lớn là đi học ngoại ngữ và kỹ năng mềm.”
Sau Tết là thời điểm sinh viên năm cuối bước vào đợt thực tập nghề nghiệp và chuẩn bị ra trường. Chính vì vậy, đi học thêm để bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu giúp tự tin tiếp cận với môi trường làm việc thực tế là nhu cầu của rất nhiều bạn. Các bạn thường ưu tiên lựa chọn những khóa học cấp tốc như kế toán, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm và học ngay trong dịp Tết để tiết kiệm thời gian tìm hiểu, hy vọng trang bị kiến thức một cách nhanh chóng để có thể đi làm và xin việc được ngay.
Khác với Hương, Nhung – sinh viên trường ĐH Bưu Chính Viễn Thông không phải sinh viên năm cuối nhưng cũng lựa chọn học thêm vào dịp Tết. Nhung chia sẻ: “Mình đã “tăm tia” khóa học tiếng Anh này lâu lắm rồi, nhưng vì kinh phí không đủ nên chưa có điều kiện học. Dịp Tết này trung tâm giảm tới 30% nên mình quyết định đăng ký ngay.”
Cùng quan điểm với Nhung, Ngọc – sinh viên trường Kiến Trúc cũng tham gia khóa học tiếng Nhật vì học phí được giảm tới 50%.
Video đang HOT
Vào mùa lễ, các trung tâm đào tạo thường giảm giá các khóa học, tặng học bổng ưu đãi, từ 20%-50%, thậm chí có trung tâm giảm tới 60% – 70% nên thu hút không ít sinh viên đăng kí học. Đây là thời điểm học phí giảm mạnh nhất nên nhiều sinh viên bỏ qua việc đón Tết cùng gia đình để học thêm vào dịp này.
Oanh, sinh viên ĐH Kinh Doanh và Công Nghệ thì chia sẻ đây không phải là năm đầu tiên chọn học thêm vào dịp Tết. “Mình may mắn hơn các bạn khác vì không phải lựa chọn việc về quê ăn Tết hay học thêm vì nhà mình ở Hà Nội. Ba năm gần đây mình đều đăng ký học thêm vào dịp Tết vì mình thấy kỳ nghỉ quá dài, nếu chỉ đi chơi, ăn uống thì rất lãng phí”.
Hiện nay ngoài các trung tâm đào tạo bên ngoài thì nhiều trường đại học cũng tạo điều kiện cho sinh viên học bổ sung, học vượt giờ trong dịp Tết. Học thêm trong dịp Tết cũng là một cách hay giúp sinh viên nhanh chóng bổ sung kiến thức, tiết kiệm học phí và thời gian học tập. Nếu bạn lựa chọn việc học thêm thay vì về quê ăn Tết thì hãy cố gắng quy tụ những bạn đồng cảnh ngộ, tổ chức một bữa tiệc giản dị, ấm áp vào đêm giao thừa để tiếp thêm động lực cho nhau nhé.
Theo TTVN
"I, Frankenstein" vừa đủ cho một mùa Tết không "hại não"
"I, Frankenstein" là một bộ phim đơn giản, nhưng "xôi thịt vừa đủ" cho một mùa Tết mà chẳng ai muốn phải mệt não sau khi bước ra khỏi rạp.
I, Frankenstein có lẽ là một bộ phim khá "tội nghiệp" khi ngay từ đầu đã bị dìm hàng không thương tiếc, được xếp vào danh sách bom xịt của năm 2014. Nhưng hóa ra, bộ phim này chưa tệ đến mức "chán chả buồn chê". Ít nhất, I, Frankenstein vẫn là một phim hành động giả tưởng "xôi thịt vừa đủ", giúp người xem "xả não" trong những ngày giáp Tết bận bịu này.
Nói về cái "tội nghiệp" của I, Frankenstein thì cũng có không ít. Với số vốn đầu tư chỉ vào khoảng 65 triệu $ (~1.368,9 tỷ VND), rõ ràng đây chỉ là một bộ phim trung bình khá. Có thêm tên tuổi Aaron Eckhart đi chăng nữa thì I, Frankenstein cũng chẳng thể lên hàng phim bom tấn. Thế nên, hoạt cảnh một chàng người lùn bị ép buộc đứng cùng những gã khổng lồ mà bị chê là bom xịt, há chẳng phải là chuyện bất công sao?
Một nguyên nhân nữa góp phần đưa I, Frankenstein lên máy chém của các bình "loạn" gia nằm ở câu chuyện phim chuyển thể. Frankenstein vốn là một cái tên quá sức kinh điển trong trái tim của những người yêu thể loại kinh dị. Đó là câu chuyện kinh hoàng của những năm đầu thế kỷ 19, kể về con quái vật được một nhà khoa học điên tạo ra từ xác chết. Gã đáng sợ từ diện mạo: với khuôn mặt chằng chịt vết khâu, đến cả tính cách: là kẻ không có linh hồn, tàn nhẫn giết chết chính người tạo ra hắn.
Nếu I, Frankenstein được chuyển thể từ nguyên tác tiểu thuyết của Mary Shelley, bộ phim bị "ném đá" có lẽ cũng đáng. Nhưng tiếc là, tác phẩm này lại được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đồ họa của Kevin Grevioux. Điều này mang đến cho I, Frankenstein những yếu tố giống với một video-game. Mà đối với một bộ phim chuyển thể như vậy, câu chuyện nội dung thường đơn giản, yếu tố hành động mãn nhãn mới là chủ yếu. Ở phần nhìn này, I, Frankenstein làm được khá tốt.
Cũng cho nhân vật của mình một hoàn cảnh ra đời như con quái vật trong tiểu thuyết gốc, song, biên kịch kiêm đạo diễn Stuart Beattie lại lướt nhanh qua những năm tháng quá khứ, tập trung vào diễn biến sau đó 200 năm. Đó là thời kỳ xung đột đỉnh điểm giữa 2 thế lực bất tử mà con người không hề biết tới: Ác quỷ địa ngục (Demons) và Quái binh của Nhà thờ (Gargoyle). Adam - sinh vật khác biệt do nhà khoa học Victor Frankenstein tạo ra vô tình là chiếc chìa khóa có thể làm thay đổi trật tự cân bằng của thế giới.
Những yếu tố nội dung kể trên mang đến cho I, Frankenstein những thước phim hành động hấp dẫn, đặc biệt là các trường đoạn chiến đấu giữa ác quỷ địa ngục và quái binh nhà thờ. Thậm chí, "cái chết" trong I, Frankenstein cũng trở thành một hình ảnh đẹp tráng lệ, với biểu tượng quả cầu lửa lao xuống địa ngục và những tia sáng xanh trắng hướng lên bầu trời. Màn đối đầu của 2 thế lực bất tử càng hấp dẫn hơn khi chúng đi kèm với chiến thuật, mang âm hưởng phim chuyển thể video-game rất rõ.
Hàng trăm năm tồn tại của Ác quỷ và Thiên thần cũng mang đến những công trình kiến trúc đậm chất cổ điển, như ẩn chứa bên trong mình cả ngàn câu chuyện truyền thuyết. Nhà thờ của các Gargoyle chính là một ví dụ điển hình.
Trong cái đẹp của hình ảnh và kỹ xảo 3D, cốt truyện của I, Frankenstein có phần đơn giản, nhưng không hẳn là không có ý tứ. Nếu bộ phim có nhiều hơn những phân đoạn khắc họa tâm lý nhân vật, có lẽ I, Frankenstein sẽ tạo ám ảnh tốt hơn.
Tôi đặc biệt thích sự tồn tại của những người phụ nữ trong I, Frankenstein, nhất là 2 nhân vật bên cạnh Adam. Họ đã giúp cho cả bộ phim trở nên có lý. Người thứ nhất là Leonore - nữ hoàng Gargoyle, bà đã cho gã quái vật gớm ghiếc của Frankenstein một cái tên rất đẹp: Adam. Người còn lại là nhà khoa học Terra, cô đã nói với Adam rằng: "Anh chỉ trở thành ác quỷ một khi anh hành động giống như chúng!". Nếu không có họ, chắc rằng con quái vật của Frankenstein sẽ mãi bị gọi bằng đại từ nhân xưng xa lạ: "Nó!".
I, Frankenstein là hành trình đi tìm cái tôi và khẳng định lý tưởng của một sinh vật sống bị cả xã hội quay lưng. Bộ phim tuy đơn giản nhưng vừa đủ để thưởng thức trong một mùa Tết mà chẳng ai muốn phải mệt não sau khi bước ra khỏi rạp. Đây cũng là đại diện duy nhất của phim hành động Hollywood ra mắt khán giả Việt trong mùa Tết Giáp Ngọ.
Theo PLXH
Chả giò hối hả vào mùa Tết Còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm những món ăn như giò chả, nem tré ở các làng nghề, các tiệm ở chợ bắt đầu vào mùa. Người người đổ xô, náo nức đi mua giò chả về cúng Tết và làm quà biếu gia đình, bạn bè. Vào ngày Tết, ngoài bánh chưng, bánh tét,...