Không thể nghỉ dạy đi học chứng chỉ tích hợp, tiền phải tự trả, GV nào mặn mà?
Việc giáo viên phải “tự bơi”, “tự dò đường” nhằm trang bị đủ kiến thức để dạy môn tích hợp khiến không ít thầy cô than khó.
Dù đã qua một năm thực hiện dạy và học môn tích hợp cấp trung học cơ sở, nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo bài bản. Thực tế triển khai dạy môn tích hợp ở các trường hiện nay đa phần là: phân công giáo viên đơn môn tham gia dạy liên môn, việc này khiến giáo viên gặp khó.
Giáo viên khó đủ bề khi phải “tự bơi” để dạy tích hợp, liên môn
Tăng cường năng lực dạy học theo hướng “tích hợp, liên môn” là chủ trương được Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên chỉ đạo khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, do thiếu đội ngũ được đào tạo dạy môn tích hợp chính quy nên hầu hết các trường đang “chữa cháy” bằng cách phân công giáo viên đơn môn tham gia dạy liên môn.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai dạy học tích hợp, cô Nguyễn Như Quỳnh, Tổ trưởng tổ bộ môn Ngữ văn và Lịch sử, Trường Trung học cơ sở xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) cho biết, dù đã có chuẩn bị và triển khai dạy tích hợp đối với lớp 6 từ năm học trước, nhưng khi dạy môn tích hợp lớp 7, giáo viên vẫn gặp khó.
Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 7 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhật Duy).
“Việc 1 giáo viên đảm nhiệm dạy tích hợp Lịch sử và Địa lý, hay Khoa học tự nhiên sẽ đảm bảo tính liên kết, xâu chuỗi kiến thức đúng tinh thần xây dựng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, nhà trường không có giáo viên đào tạo chính quy để đảm nhiệm được trọn một môn tích hợp nên phải bố trí giáo viên có chuyên môn nào thì tham gia dạy nội dung môn học đó. Điều này nảy sinh tình trạng 2-3 giáo viên dạy chung 1 môn.
Đội ngũ giáo viên của trường hầu hết được đào tạo đơn môn, chỉ có một số ít giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn – Lịch sử, Sinh học – Địa lý, Hóa học – Sinh học nhưng khi về công tác cũng chỉ dạy lẻ môn, chứ không có giáo viên đào tạo chuyên ngành Lịch sử – Địa lý hay Vật lý – Hóa học – Sinh học.
Không có giáo viên tích hợp, thầy, cô phải dạy chung với đồng nghiệp trong cùng 1 môn nên việc dạy học, kiểm tra, đánh giá bị xáo trộn nhiều”, cô Quỳnh cho biết.
Theo cô Quỳnh, việc đánh giá học sinh phải được nhìn tổng thể. Song, khi 2 giáo viên cùng dạy tích hợp thì giáo viên chỉ đánh giá được một phần nhận thức của học sinh trên cơ sở chuyên môn mà giáo viên có. Điều này sẽ dẫn đến tình huống đánh giá thiếu chính xác, ảnh hưởng quyền lợi học sinh và mơ hồ về chất lượng đào tạo của trường.
“Để 2 hoặc 3 giáo viên cùng dạy mà vẫn đảm bảo tính liên kết kiến thức thì bắt buộc giáo viên phải trao đổi thường xuyên, liên tục nhằm thống nhất nội dung bài giảng.
Ví dụ, tích hợp Lịch sử – Địa lý có phần chủ đề chung thì 2 giáo viên Lịch sử và Địa lý sẽ phải cùng xây dựng bài giảng đảm bảo giao thoa, liên hệ chặt chẽ.
Video đang HOT
Một môn nhưng 2 giáo viên dạy nên khi ra đề kiểm tra, giáo viên phải trao đổi để xây dựng đề cương nhằm đảm bảo tỷ lệ môn học mới có thể đánh giá được học trò”, cô Quỳnh cho biết thêm.
Hiện, lực lượng giáo viên dạy tích hợp, liên môn của trường ở lớp 6, 7 đều do giáo viên đơn môn đảm nhiệm. Bản thân giáo viên tham gia dạy môn tích hợp cũng phải tự học, tự trau dồi thêm kiến thức từ đồng nghiệp để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu dạy và học.
“Một khó khăn nữa là yêu cầu giáo viên dạy tích hợp phải có chứng chỉ mới đủ điều kiện dạy học trọn môn.
Trường hợp giáo viên Lịch sử muốn đi học để lấy chứng chỉ môn Địa lý để dạy tích hợp Lịch sử – Địa lý thì phải tự chi trả kinh phí đào tạo. Tốn kém về tiền bạc, giáo viên vùng núi dù muốn bồi dưỡng nhưng không có đủ kinh tế nên đành phải tự học. Chưa kể, trong quá trình tham gia bồi dưỡng, giáo viên vẫn phải đảm bảo định mức giảng dạy nên cũng là một khó khăn”, cô Quỳnh chia sẻ.
Chi phí trở thành rào cản đối với giáo viên muốn học chứng chỉ dạy tích hợp
Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) cho biết, triển khai dạy chương trình tích hợp, liên môn đối với lớp 7, ngoài bài toán phân công trách nhiệm giáo viên, xây dựng đề kiểm tra đánh giá học sinh, nhà trường còn gặp khó trong xếp thời khoá biểu do đội ngũ giáo viên còn thiếu.
“Nhà trường không có giáo viên chuyên ngành Lịch sử – Địa lý nên khi dạy tích hợp, trường phân công giáo viên có chuyên môn nào thì dạy nội dung môn đó, tương tự, với Khoa học tự nhiên cũng như vậy, 3 giáo viên sẽ cùng dạy.
Triển khai dạy môn tích hợp, giáo viên được nhà trường căn chỉnh thời khoá biểu linh động sao cho việc giảng dạy đảm bảo cân bằng tỷ lệ giữa số tiết với khối lượng kiến thức môn học. Kiến thức môn nào nặng thì số tiết sẽ nhiều hơn.
Về kiểm tra đánh giá, đầu năm học, nhà trường đã được bồi dưỡng về xây dựng đề, căn cứ vào đó, trường phân chia tỷ lệ phần trăm từng phân môn học và giao cho giáo viên phụ trách”, cô Hoà chia sẻ.
Dạy tích hợp cho lớp 6, 7, cô Hiệu trưởng chỉ ra những khó khăn trường đang phải đối mặt:
Thứ nhất, do không được đào tạo bài bản về chuyên môn dạy môn tích hợp, giáo viên phải “tự lực”, “tự dò đường” để đảm bảo kiến thức khi dạy tích hợp.
Tích hợp Khoa học tự nhiên có 3 phân môn Vật lý, Hoá học và Sinh học. Đúng theo yêu cầu thì phải có 1 giáo viên đảm nhận cả môn nhưng hiện trường có 3 giáo viên cùng dạy, chung 1 sách. Do đó, để tạo tính liên kết giữa các môn học, bắt buộc giáo viên phải tự học hỏi từ đồng nghiệp, tự nghiên cứu kiến thức ở từng phân môn.
Thứ hai, thiếu đội ngũ, trong khi kiến thức lớp 7 nhiều nên đối với giáo viên tham gia dạy môn tích hợp, trường phải giảm số tiết đảm nhiệm của giáo viên này ở khối lớp 8, 9, phân công số tiết đảm nhiệm nhiều hơn ở lớp 6, 7.
Thứ ba, việc học bồi dưỡng của giáo viên trên tinh thần tự nguyện nhưng rất tốn kém chi phí.
Ngành giáo dục có văn bản hướng dẫn giáo viên có nguyện vọng đăng ký học bồi dưỡng để cấp chứng chỉ nhằm đủ điều kiện dạy tích hợp. Song, qua khảo sát, giáo viên của trường hiện nay chủ yếu tốt nghiệp sư phạm đơn môn. Do đó, trường hợp giáo viên Vật lý muốn dạy tích hợp được cả môn Khoa học tự nhiên thì phải tự bỏ kinh phí bồi dưỡng thêm 2 môn Hoá học và Sinh học để có chứng chỉ.
Số tiền học, giáo viên phải tự chi trả nên rất tốn kém, nhất là đối với giáo viên vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Chưa kể, với những giáo viên có thâm niên, ít năm nữa sẽ nghỉ hưu thì việc bỏ một số tiền lớn để đi học và được cấp chứng chỉ sẽ có ý nghĩa gì đối với giáo viên này?
“Qua nắm bắt tâm tư của giáo viên được phân công dạy môn tích hợp chúng tôi nhận thấy, giáo viên có nguyện vọng được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để kiến thức đảm bảo dạy học. Tuy nhiên, việc phải tự bỏ kinh phí để học đang trở thành rào cản. Do đó, mong muốn chung của giáo viên là được ngành giáo dục hỗ trợ khoản chi phí đào tạo này”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cũng theo vị Hiệu trưởng, việc giáo viên phải dạy đủ định mức cũng là một thách thức nếu giáo viên đi học bồi dưỡng. Bởi, trường vẫn đang thiếu giáo viên, nếu giáo viên đi học bồi dưỡng thì ai sẽ đảm nhận dạy thay giáo viên này.
Do vậy, kể cả khi đi học, giáo viên vẫn phải đảm bảo thực hiện đủ định mức giảng dạy chứ “không thể bỏ dạy để đi học vì sẽ thiếu giáo viên” – cô Hoà nói.
Trong quá trình triển khai dạy tích hợp, liên môn, nếu không có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ thì sẽ dẫn đến tình cảnh “mỗi trường một cách làm” trong tổ chức dạy cũng như kiểm tra đánh giá học sinh. Chủ động tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời sẽ giúp mỗi nhà trường, mỗi địa phương và cả ngành giáo dục cùng vượt qua khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là giải bài toán về đội ngũ, chuyên môn cho giáo viên.
Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 dạy môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở. Theo lộ trình, 2 năm học tới sẽ triển khai cho lớp 8 và lớp 9. Nhiều bất cập có thể sẽ tiếp tục phát sinh nếu địa phương không chuẩn bị đội ngũ từ bây giờ.
Hiện, một số trường đại học sư phạm đã mở thêm các ngành đào tạo liên môn và được địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên, trong đó có Trường Đại học Hồng Đức.
Về chuẩn bị đội ngũ cho triển khai dạy tích hợp, liên môn cấp trung học cơ sở, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “Dạy môn tích hợp không chỉ là thời cơ để giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn, mà còn là xu hướng phát triển chung của nền giáo dục hiện đại.
Năm học 2022-2023, trường nhận nhiệm vụ đào tạo thêm ngành Sư phạm Tự nhiên (đào tạo giáo viên môn tích hợp Vật lý và Hóa học). Song, phải 4 năm nữa thì khóa sinh viên sư phạm này mới tốt nghiệp trong khi 2 năm tới sẽ tiếp tục triển khai dạy tích hợp đối với lớp 8, 9. Do đó, việc chuẩn bị về đội ngũ của mỗi địa phương phải được quan tâm và có kế hoạch dự báo trong thời gian tới”.
Cũng theo các chuyên gia giáo dục, sẽ còn nảy sinh nhiều bất cập nếu như những khó khăn trước mắt không được giải quyết như: thiếu giáo viên dạy tích hợp, chi phí đào tạo để cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho giáo viên tốn kém…
Nước mắt giáo viên chủ nhiệm
Học sinh thách thức: 'Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đánh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!'. Vừa xong tiết dạy, giáo viên chủ nhiệm xách cặp ra khỏi lớp mà mắt đỏ hoe.
Khóc vì yêu thương
Đi dạy 15 năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt của các thầy giáo, cô giáo. Có giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên trang viết của học trò khi đọc bài văn con viết về khát khao được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Có giọt nước mắt lăn dài trên gò má khi một học sinh đứng trước lớp bộc bạch: "Thưa cô và các bạn! Ước mơ lớn nhất của con là được làm bác sĩ để chữa bệnh cho em gái vì em con sinh ra đã mắc bệnh tim". Có giọt nước mắt hạnh phúc khi hay tin học trò của mình đạt giải cao mang về vinh quang cho trường sau bao ngày con miệt mài ôn luyện. Có giọt nước mắt không sao kìm được khi chia tay "lũ nhóc" thân yêu trong buổi lễ trưởng thành, được chúng nó vây quanh bắt cô ký tên lên chiếc áo trắng học trò và thủ thỉ: "Chúng con cám ơn cô, cô yêu!"...
Những giọt nước mắt ấy khiến tôi yêu, tôi trân trọng biết bao nghề dạy học mà tôi đã chọn.
Giáo viên chịu nhiều áp lực dạy dỗ học sinh, đặc biệt trong giai đoạn thay đổi chương trình giáo dục mới. ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH
Khi trò thách thức: "Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền"
Nhưng tôi cũng chứng kiến những giọt nước mắt buồn khổ của đồng nghiệp. Tôi tin đó là giọt nước mắt mặn đắng, giọt nước mắt bất lực của người thầy trước học sinh ngỗ ngược.
Khi tôi đang tranh thủ tiết trống để hoàn thành một số sổ sách thì đồng nghiệp của tôi bước vào phòng hội đồng với đôi mắt đỏ hoe. Nhìn em, tôi ngừng viết, xích lại gần hỏi han xem em có chuyện gì. Vừa nghe tôi hỏi, đôi mắt đỏ hoe ấy lại rưng rưng. Em kể với giọng buồn buồn: "Lớp em chủ nhiệm có mấy em học sinh suốt ngày chẳng học hành gì, lên lớp khi thì ngủ khi thì quậy phá. Em đã nhắc nhở nhiều lần, trong giờ sinh hoạt lớp cũng có, gặp riêng cũng có nhưng chẳng có chút thay đổi nào. Gọi điện để trao đổi với phụ huynh thì phụ huynh không bắt máy. Đến nhà cũng chẳng gặp".
Sáng nay, đồng nghiệp tôi vào lớp thì thấy Nam, một trong số những học sinh quậy phá ấy đang trèo trên bàn rượt đánh một bạn nữ. Em liền gọi cả hai lại hỏi lý do thì cô bé bị rượt đánh kể em nhắc bạn trực nhật mà bạn chửi rồi rượt đánh. Nhìn Nam đang dứ dứ nắm tay về phía cô bé lớp trưởng, đồng nghiệp bực mình trách: "Sao chẳng ngày nào em để lớp mình được yên ổn vậy Nam?". Vậy là Nam vênh mặt đầy thách thức: "Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đánh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!". Cô giáo giận tím người nhưng vẫn cố kiềm chế, nói: "Mai cô sẽ mời ba mẹ em lên gặp để trao đổi". Không ngờ Nam nói to : "Em chán học lâu rồi mà ba mẹ cứ bắt đi học. Cô cứ về báo cho mẹ em đi. Em càng mừng", rồi về chỗ ôm cặp đi thẳng ra khỏi lớp.
Tiết học trôi qua thật nặng nề. Vừa xong tiết dạy, cô giáo xách cặp ra khỏi lớp mà mắt đỏ hoe.
Nghe đồng nghiệp kể mà tôi thấy nhói lòng. Từ bao giờ, học trò lại dùng luật để thách thức thầy cô giáo như thế? Từ bao giờ, thầy cô giáo lại bất lực trước học trò thế này?
Nếu không có sự thay đổi từ gia đình, nhà trường thì những giọt nước mắt mặn chát ấy của giáo viên sẽ còn rơi. Và sẽ chẳng thể nào có một trường học hạnh phúc như chúng ta mong đợi.
GV không có chứng chỉ tích hợp, không được bố trí giảng dạy có trái Luật GD? Phân công như thế nào đối với giáo viên không có chứng chỉ tích hợp trong thời gian tới sẽ là điều đáng bàn. Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở cấp trung học cơ sở xuất hiện 2 môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý gây nhiều bức xúc, phản ứng trái chiều...