Không thể giảm cước vận tải nếu chỉ một người thấy ‘nhục’
Bài báo ‘Tôi thấy nhục vì doanh nghiệp vận tải bị nói chây ỳ, móc túi’ đăng trên Báo Giao thông vừa qua đã gây chú ý trong dư luận, nhận được nhiều chia sẻ và bình luận trên các mạng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thanh bức xúc với ý kiến của một số doanh nghiệp khi đưa lý do không thuyết phục cho việc chậm giảm giá cước vận tải.
Bài báo đăng tải tâm tư của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam trong cuộc họp với các đơn vị vận tải nhằm có biện pháp điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu sáng 22/2. Ông Thanh nói mình cảm thấy “nhục” khi bị dư luận, báo chí nói là doanh nghiệp vận tải chây ỳ, móc túi người tiêu dùng vì không chịu giảm giá cước theo giá xăng dầu.
Đồng thời, ông Thanh bức xúc với ý kiến của một số doanh nghiệp khi đưa lý do không thuyết phục cho việc chậm giảm giá cước vận tải.
Bình luận về bài báo, bạn Nguyễn Quyền viết: “Xăng lên thì đòi tăng giá, xăng xuống thì chây ỳ giảm giá. Móc túi người tiêu dùng thêm được ít nào hay ít đó, một mình ông Thanh thấy nhục thì cũng chẳng làm được gì đâu. Tiếc là các doanh nghiệp không nghĩ được như ông Thanh”.
Trong khi đó, bạn đọc Phạm Tuyên bình luận: “Sau phát ngôn này tôi nghĩ Hiệp hội cần phải thực hiện triệt để vai trò của mình, hoặc góp ý điều chỉnh chính sách chứ không thì quá khổ cho ông Chủ tịch, nỗi nhục sẽ kéo dài”.
Trước ý kiến của Hiệp hội và các doanh nghiệp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết đã đi thực tế cơ sở và thấy rằng giá xăng dầu giảm rất sâu, nên sau cuộc họp này taxi và xe khách tuyến cố định cần tính toán để giảm giá ngay đợt này. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, liên Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ tính toán để đưa ra một biên độ nhất định của xăng dầu, tương ứng với mức tăng, giảm của cước vận tải. Việc đổi mới có thể theo hướng, nếu xăng dầu tăng, giảm 10% thì DN vận tải tự động tăng, giảm cước mà không phải báo cáo.
Video đang HOT
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị các hiệp hội và doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và phải coi đó là văn hoá doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi tọa đàm về giá cước vận tải gần đây do Báo Giao thông tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức từng nêu ý kiến cho rằng, giá taxi và cước vận tải nên để thị trường quyết định, không nên khống chế miễn là các bên không vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo Báo Giao Thông
Quy hoạch taxi đã vỡ
Số taxi Hà Nội đã vượt 1.000 chiếc so với quy hoạch đến năm 2015; còn ở TP HCM, lượng xe đã vượt xa chỉ tiêu của năm 2020. Vì thế, đô thị ngày càng ngột ngạt, ùn tắc dữ dội
Theo khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT), trung bình mỗi km đường đô thị "gánh" 16 taxi hoạt động. Thực tế, 2 đại đô thị Hà Nội và TP HCM không thể nào đáp ứng được tiêu chí này.
Thở không nổi
Với số lượng taxi Hà Nội hiện có, phải cần tới 10-15 ha đất để dừng đỗ nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được từ 5%-10% nhu cầu. Do không có chỗ dừng đỗ, trên nhiều tuyến đường nội thị, taxi thi nhau lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thậm chí, nhiều taxi còn dàn hàng ngang đỗ dưới biển cấm dừng, đỗ trước cổng các bệnh viện, trường học, nhà ga, bến xe.
Chiều 23-2, tại khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng, quận Đống Đa), dù có mặt lực lượng công an phường nhưng các taxi vẫn vô tư đỗ hàng ba, hàng bốn trước cổng đón trả khách, tràn ra cả giữa đường bắt khách. Thi thoảng mới có xe bị công an nhắc nhở, hầu hết còn lại vẫn vô tư dừng, đỗ, bắt khách giữa đường.
Tại TP HCM, hằng ngày, dễ dàng bắt gặp trên nhiều tuyến đường ở trung tâm như Bùi Thị Xuân (quận 1); Lê Quý Đôn, Võ Văn Tần (quận 3)..., hàng chục chiếc taxi đỗ thành hàng dài trong khi những tuyến đường này khá hẹp. Nhiều trục đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) như Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ... cũng dày đặc taxi, dàn nhiều hàng, chiếm phần lớn diện tích mặt đường vốn rất chật hẹp. Do vậy, tình trạng ùn ứ giao thông diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Ngoài lượng taxi đăng ký tại Hà Nội và TP HCM, xuất hiện rất nhiều taxi biển số ngoại tỉnh hoạt động tại 2 địa phương này. Đây không phải là taxi đăng ký ở các tỉnh đưa khách về Hà Nội hay TP HCM mà phần nhiều là taxi của các doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại 2 địa phương này đăng bạ ở các tỉnh khác rồi đưa về hoạt động để né quy định hạn chế phát triển số lượng xe.
Taxi dàn hàng ba, dừng đón khách giữa đường ở TP Hà Nội Ảnh: VĂN DUẨN
Bên cạnh đó, còn hàng trăm xe chạy Uber và Grab đang cùng lưu thông. Trưa 23-2, ở khu vực quận 3, TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động thử dùng phần mềm Uber và Grab để kiểm tra số lượng taxi. Theo quan sát trên màn hình, trong bán kính 500 m có đến 22 xe Uber và 23 xe Grab đang đỗ. Kiểm tra khu vực quanh nhà thờ Đức Bà (quận 1), tổng lượng xe của 2 thương hiệu này là 89 chiếc. Đó chỉ là những xe đang trong trạng thái nhàn rỗi, đỗ tạm chờ khách.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber tại Việt Nam, không tiết lộ số lượng xe Uber vì đây là "bí mật kinh doanh" song cho rằng số lượng xe được phân bổ cân đối, phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông của từng địa phương nên không có chuyện xe quá tải gây kẹt đường (!). Tương tự, đại diện Grab không cho biết hiện có bao nhiêu xe hoạt động cho Grab...
Vượt xa hạn mức
Để quản lý và kìm hãm sự phát triển ồ ạt của số lượng taxi, từ tháng 10-2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 4390/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2015, Hà Nội có khoảng 20.000 taxi; đến năm 2020 và 2030 tương ứng khoảng 25.000 chiếc và 30.000 chiếc. Về giải pháp, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống các điểm dừng đỗ cho taxi; bố trí thí điểm các điểm dừng đỗ đón trả khách ở các trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà ga, bến xe và những nơi hội đủ các điều kiện.
Tuy nhiên, sau 4 năm đề án quy hoạch được phê duyệt, số lượng taxi Hà Nội vẫn không ngừng tăng. Theo thống kê mới nhất của Sở GTVT Hà Nội, tính đến tháng 1-2016, thủ đô có 18.829 phương tiện được cấp phù hiệu "Taxi Hà Nội" thuộc quản lý của 80 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi, cộng thêm 2.364 xe được cấp phù hiệu "Xe hợp đồng" (tính đến tháng 11-2015). Như vậy, tổng số taxi của Hà Nội đã hơn 21.000 chiếc (vượt đề án hơn 1.000 xe).
Tại TP HCM, theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, đến năm 2020, số lượng taxi trên địa bàn không vượt quá 12.700 xe. Nhưng Sở GTVT TP HCM cho biết từ giữa năm 2010, số lượng taxi đã cán mốc 12.600 xe. "Giật mình" vì con số này đã vượt quá quy hoạch, TP đưa ra biện pháp khống chế bằng cách không cho tăng thêm đầu xe mới và kiểm soát niên hạn xe từ 12 năm xuống còn 8 năm. Biện pháp này đã có hiệu quả trong việc giảm số lượng taxi còn khoảng 10.200 xe vào cuối năm 2015. Thế nhưng, con số này chưa sát với thực tế do chưa tính loại hình taxi Uber và Grab; chưa kể, nhiều hãng còn lách luật đưa xe ở các tỉnh về TP hoạt động, cộng với một lượng lớn taxi "dù" khiến số lượng xe hiện nay được cho là đã vượt quá quy hoạch giai đoạn đến năm 2020.
Quy hoạch bãi đỗ, còn lâu!
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng: "Trong quy hoạch hoạt động taxi của Hà Nội, về giải pháp cũng có đề cập đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách bằng taxi, đặc biệt là bãi đỗ, điểm đỗ, điểm dừng đón - trả khách. Tuy nhiên, ngoài việc không có kinh phí thì không biết lấy quỹ đất ở đâu để làm quy hoạch bãi đỗ xe hay điểm dừng đỗ cho taxi".
Theo ông Liên, với mục đích giảm tải lượng taxi chạy lòng vòng trên phố vì thiếu điểm đỗ xe, hiệp hội đã đề xuất với Sở GTVT Hà Nội bố trí 50 điểm đỗ taxi ở các quận nội thành, mỗi điểm có thể cho phép 3-4 xe đỗ cùng lúc nhưng với 20.000 xe taxi hiện nay, số lượng điểm đỗ này không thấm vào đâu!
Trao đổi với phóng viên chiều 23-2, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh, khẳng định bài toán điểm đỗ cho taxi thực sự chưa có lời giải. Kinh phí thì không lo vì có thể kêu gọi xã hội hóa, cái vướng là thiếu quỹ đất. Ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, cho biết sở đang nghiên cứu tìm phương án cụ thể trong quy hoạch phát triển số lượng xe taxi, sắp xếp hệ thống bến bãi... phù hợp với thực tế.
Siết chỗ này, dễ dãi chỗ kia!
Giám đốc một hãng taxi (xin giấu tên) tỏ ra bức xúc vì xe của Uber và Grab không có sự điều phối hợp lý. Mặt khác, trong khi các hãng bị hạn chế phát triển số lượng xe thì thương hiệu chuyên về xe khách đường dài là Phương Trang cũng đang mở rộng dịch vụ taxi khi rao tuyển thêm 3.000 tài xế taxi tại khu vực TP HCM.
Văn Duẩn - Gia Minh - Lê Phong
Theo_Người lao động
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông So với cùng kỳ dịp Tết trước, TNGT đã giảm sâu cả ba tiêu chí: giảm 128 vụ (23,8%), giảm 17 người chết (5,4%) và 129 người bị thương (25,3%); không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe vận tải chở khách. Như vậy, các vụ TNGT dẫn đến thương vong trong những ngày Tết hầu hết đều do mô-tô,...