Không thả bóng bay ngày khai giảng: Sự ủng hộ lan tỏa đến TP.HCM
Sau khi nhiều trường học tại TP.Hà Nội cho biết sẽ ủng hộ lời kêu gọi không thả bóng bay ngày khai giảng theo bức thư của cô bé Nguyệt Linh, đến lượt các trường tại TP.HCM ‘lên tiếng’.
Bức thư kêu gọi không thả bóng bay ngày khai giảng của bé Nguyệt Linh đã lan tỏa khắp các trường – Ảnh minh họa cắt từ clip
Sự ủng hộ không thả bóng bay ngày khai giảng không chỉ dừng lại ở trường tiểu học, phổ thông mà cả ở trường ĐH tại TP.HCM.
Từ trung tâm GDTX…
Ngay từ chiều 26.7, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM), cho biết ông có nhận được nội dung bức thư của Nguyệt Linh do một đồng nghiệp của mình ở TP.Hà Nội gửi. Theo người bạn của ông, bức thư gây cảm hứng rất lớn đối với lãnh đạo nhiều trường ở Hà Nội. Và khi nhận được bức thư, ông Hoàng cũng quyết định năm nay sẽ không thả bóng bay trong ngày khai giảng của trung tâm.
Ông Hoàng cho biết: “Bóng bay làm từ cao su về bản chất như túi ni lông hay chai nhựa, không hủy trong nhiều năm. Khi thả xong sẽ rơi tự do khắp nơi sẽ gây xả rác, ô nhiễm môi trường và làm hại cho động vật nếu ăn nhầm. Việc không thả bóng bay là góp phần bảo vệ môi trường sống của ta và loài vật. Và làm điều này cũng rất thiết thực trong việc thực hiện cuộc vận động Không xả rác ra môi trường do Thành ủy TP.HCM phát động”.
Ông Hoàng cũng cho biết dù mới quyết định ủng hộ và mới nói đến chuyện này trên Facebook cá nhân nhưng cũng có khá nhiều người ủng hộ. Các thầy cô trong trường cũng sẽ ủng hộ chủ trương không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm nay. Hy vọng có thêm nhiều trường học ở TP.HCM sẽ ủng hộ điều này.
… Đến trường ĐH
Không chỉ trường tiểu học, phổ thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay cũng sẽ không thả bóng bay trong lễ khai giảng. Mọi năm, trường tổ chức lễ khai giảng ở sân trường và thả bóng bay. Nhưng để ủng hộ, năm nay trường sẽ không thực hiện hoạt động này nữa.
Video đang HOT
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông nhà trường, cho biết: “Thật ra trong khoảnh khắc đầu năm học, nếu chứng kiến cảnh thả bóng bay lên trời sẽ có rất nhiều cảm xúc. Nhưng khi môi trường bị đe dọa như hiện nay thì cũng cần xem xét lại việc này. Nếu muốn tạo không khí, các trường có thể thuê bong bóng khinh khí cầu loại to, có thể tái sử dụng nhiều lần – vừa có không khí, vừa có thể bảo vệ môi trường thì sẽ tuyệt hơn”.
Không nhất thiết phải thả bóng bay để có không khí trang trọng trong ngày khai giảng – Ảnh chụp màn hình
Thạc sĩ Phương cũng cho rằng vẫn có nhiều hoạt động khác có ý nghĩa và tạo không khí trong ngày khai giảng không kém việc thả bóng bay. Chẳng hạn như thực hiện cây ước nguyện – thể hiện những mong ước, lời chúc của sinh viên về một năm học thuận lợi, những quyết tâm trong 4 năm học sắp tới.
Ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Nam Việt, cũng cho biết đã nhiều năm nay, trường không thả bong bóng bay ngày khai giảng. Trường làm rất nhiều hoạt động để lễ khai giảng tạo ấn tượng tốt cho học sinh. Nhưng việc sử dụng bong bóng bay với khí hydro và heli là nguy hiểm. Chưa kể, việc thả bong bóng bay có thể gây ảnh hưởng đến môi trường.
Trong một bài viết trên Facebook cá nhân, nhà báo Trương Anh Ngọc có viết: “Mấy năm đã qua kể từ ngày con tôi vào lớp 1 ở Ý, trong một ngôi trường không thực sự khang trang và hiện đại, nhưng lại không thiếu tình người và tính nhân văn trong giáo dục, nhân văn từ những chi tiết nhỏ nhất. Con bé con sẽ không bao giờ quên ngày khai giảng đầy ý nghĩa của nó. Không ai đọc diễn văn, không ai hứa hẹn, không có những màn ca nhạc ầm ĩ và thả bóng bay. Chỉ có cảnh cha mẹ các bé ngồi trong một sân khấu ở giữa sân trường có mái che, xúc động lắng nghe cô hiệu trưởng đọc tên từng bé một để cô giáo mẫu giáo cầm tay bé ấy trao cho cô chủ nhiệm lớp 1. Cô giáo mới sẽ dẫn từng bé vào lớp như thế trong tiếng vỗ tay của các vị phụ huynh và trong tiếng cười bẽn lẽn của lũ trẻ…”.
Cần gì thả bóng bay! Có khi nhờ thế, các trường sẽ có một lễ khai giảng không lòe loẹt, phô trương, không lễ tân, đầy nhân văn, nhiều tình người như câu chuyện nhà báo Anh Ngọc kể ở trên.
Theo Thanh niên
Vẫn nhiều cơ hội vào đại học nếu điểm thi không như ý
Sau khi biết điểm thi, nhiều thí sinh có mức điểm không như mình kỳ vọng, hoặc cao hơn so với dự đoán. Vậy thí sinh có nên điều chỉnh nguyện vọng? Nếu có thì làm thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?
Chuyên gia các trường đại học trao đổi trong buổi tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều 15.7 - Đào Ngọc Thạch
Các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ đã có nhiều lời khuyên bổ ích trong chương trình tư vấn trực tuyến "Cần làm gì sau khi biết kết quả thi" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 15.7 tại thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Nên tận dụng các phương thức xét tuyển
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), năm 2019 có nhiều phương thức tuyển sinh mới so với các năm trước. "Chẳng hạn phương thức xét từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét từ điểm công nhận tốt nghiệp, tổ chức thi riêng hoặc kết hợp giữa điểm học bạ và điểm thi. Các phương án này có giá trị độc lập", tiến sĩ Hải liệt kê.
Bà Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, khuyến khích thí sinh (TS) nên tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trả lời cho thắc mắc các phương thức xét tuyển này có giá trị như nhau không, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Tất cả các phương thức xét tuyển đều giúp TS có cơ hội như nhau, khi trúng tuyển thì chương trình học, giảng viên, cơ sở vật chất cho việc học tập, học phí, học bổng, bằng cấp... đều như nhau, không phân biệt".
Có nên điều chỉnh nguyện vọng
Thời điểm này, nhiều TS cũng băn khoăn không biết có nên điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian sắp tới hay không. Tiến sĩ Võ Thanh Hải nhìn nhận: "Từ thời điểm này, câu chuyện xét tuyển bắt đầu rất gay cấn. Đó là các bạn cần phải xem mức điểm của mình còn phù hợp so với lúc đăng ký nguyện vọng hồi tháng 4 hay không? Những bạn đạt điểm cao hơn so với mức điểm chuẩn vào ngành, trường mình yêu thích trong 3 năm trở lại đây thì không có gì lo lắng. Nhưng với TS có số điểm thấp hơn so với kỳ vọng, nhất là nằm trong phổ điểm có số lượng TS quá nhiều, thì các em bắt buộc phải cân nhắc để điều chỉnh".
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương phân tích: "Năm nay mức điểm từ 17 - 20 khá phổ biến. Các em xem mức điểm mình đạt được là bao nhiêu, rồi tham khảo điểm chuẩn các năm vào ngành mà mình chọn, đồng thời so sánh với điểm xét tuyển của các trường. Nếu phù hợp rồi thì không cần điều chỉnh, các em chỉ nên điều chỉnh khi điểm quá thấp hoặc quá cao so với dự kiến".
Tương tự, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý TS hết sức thận trọng khi điều chỉnh. "Không nên theo tâm lý đám đông mà phải xem xét có thực sự cần thiết hay không. Trước tiên, phải tìm hiểu phổ điểm của các tổ hợp môn, xem điểm của mình rơi vào phân khúc nào, đồng thời tham khảo điểm chuẩn ngành mình muốn trong 3 năm trở lại đây ở khoảng nào...", thạc sĩ Tư nhận định.
Có 3 ngày điều chỉnh nguyện vọng thử
Từ ngày 16 - 18.7, Bộ GD-ĐT cho phép TS có thể dùng tài khoản của mình để thay đổi nguyện vọng thử nghiệm. Việc điều chỉnh nguyện vọng chính thức bằng phiếu bắt đầu từ ngày 22 - 31.7 (có thể tăng nguyện vọng) hoặc trực tuyến từ ngày 22 - 29.7 (không được tăng số lượng nguyện vọng), nộp tại trường THPT mình theo học.
Cơ hội trúng tuyển nhiều ngành "hot"
Bà Trương Thị Ngọc Bích cho biết Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có mức điểm xét tuyển dự kiến cho 20 ngành đào tạo là 15 điểm ở tất cả các tổ hợp môn. Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến điểm trúng tuyển sẽ tăng từ 1 - 2 điểm so với năm 2018. Nhóm ngành kinh doanh quản lý, marketing, luật, quan hệ công chúng và truyền thông, ngôn ngữ Nhật, Hàn... thu hút nhiều TS.
Thạc sĩ Hồ Thanh Tình cũng thông tin: "Năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét 5.700 chỉ tiêu các nhóm ngành kinh tế, sức khỏe, nhân văn, kỹ thuật nghệ thuật... TS quan tâm nhiều đến các ngành sức khỏe, kinh tế, kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ ô tô".
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dành 65% chỉ tiêu cho phương thức điểm THPT quốc gia, 25% cho việc xét học bạ lớp 12 và 5% cho kết quả thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ở các khối ngành sức khỏe, kinh tế, kiến trúc, mỹ thuật, du lịch...
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn hiện đang nhận hồ sơ theo phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 với điểm trung bình từ 6,0 và điểm 3 môn tổ hợp từ 18 trở lên cho các ngành như kỹ thuật phần mềm, ngôn ngữ Anh, quản trị nhà hàng khách sạn...
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xét tuyển bằng 3 phương thức: xét tuyển thẳng, học bạ lớp 12 và điểm thi THPT quốc gia cho các ngành an toàn thông tin, thiết kế đồ họa, tài chính ngân hàng, kỹ thuật xây dựng... Ngoài ra, trường có chương trình tài năng, tiên tiến và quốc tế.
Tại Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, TS có điểm học bạ 3 môn xét tuyển đạt 15 điểm, thi THPT quốc gia 13 điểm trở lên là có thể nộp hồ sơ vào những ngành mà doanh nghiệp đang cần như ngành công nghệ ô tô, công nghệ cơ khí, điện công nghiệp, kế toán, quản trị nhà hàng khách sạn...
Theo Thanh niên
Đưa con đi xét tuyển ĐH để biết trường 'Sáng nay, tui muốn đến tận ngôi trường mà con gái sẽ học xem ra sao để khi mọi người ở quê hỏi tui còn biết đường trả lời nữa chứ', Ông Phan Văn Sần chia sẻ khi cùng con đến trường ĐH nộp hồ sơ xét tuyển. Chị Ly Ly (bìa trái) và chị Đăng Thị Thanh Hoàng trong lúc chờ đợi...