Không quân Việt Nam bảo vệ Trường Sa những năm 1980 thế nào?
Không quân Nhân dân Việt Nam đã điều những máy bay hiện đại nhất làm nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu bảo vệ quần đảo Trường Sa cuối những năm 1980.
* Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lịch sử Dẫn đường Không quân.
Giữa những năm 1980, tình hình khu vực Biển Đông và đặc biệt là quần đảo Trường Sa có những diễn biến hết sức phức tạp do các hoạt động do thám, khiêu khích, quấy phá, chiếm đóng một số đảo do hải quân nước ngoài tiến hành.
Cuối năm 1986, nước ngoài điều máy bay và tàu chiến liên tục thực hiện hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa. Đặc biệt, ngày 24-30/12/1986, nước ngoài cho máy bay trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến khu vực Thuyền Chài. Hành động này đã gây nên tình hình căng thẳng về tranh chấp chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Trong năm 1987, hải quân nước ngoài điều tàu trinh sát phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đó, có những đảo mà Việt Nam đang giữ. Chúng liên tục huy động tàu qua lại khu vực đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, có lúc chỉ cách ta khoảng 1-2 hải lý.
Đứng trước tình hình hết sức căng thẳng, để bảo vệ vững chắc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Quân chủng Không quân và Hải quân trực tiếp được trên giao nhiệm tham gia bảo vệ và chi viện Trường Sa.
Trong đó, Không quân Nhân dân Việt Nam được giao các nhiệm vụ:
- Trinh sát chụp ảnh, quan sát bằng mắt trên các đảo và vùng biển xung quanh Trường Sa
- Bay thả hàng không dù trên các đảo có diện tích rộng
- Tổ chức huấn luyện phi công làm nhiệm vụ bay biển xa, trinh sát chụp ảnh, chi viện cho các đảo
- Sử dụng không quân tiêm kích – bom (cường kích) hoạt động ở tầm bay tối đa, mục tiêu ngắm vào tàu chở quân tiếp viện của đối phương.
Máy bay chiến đấu hiện đại nhất Việt Nam những năm 1980 – tiêm kích – bom Su-22M.
Cơ động máy bay hiện đại nhất vào Nam
Tình hình lúc này, ở phía Nam ta không có loại máy bay chiến đấu nào đủ khả năng bay từ đất liền ra tuần tiễu Trường Sa. Vì thế, Quân chủng Không quân cơ động một bộ phận máy bay cường kích Su-22M từ Bắc vào Nam.
Su-22M là loại máy bay hiện đại do Liên Xô thiết kế dùng cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, trên biển. Cuối năm 1979, không quân ta đã được tiếp nhận những chiếc Su-22M đầu tiên, trang bị cho Trung đoàn 923 Yên Thế (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Có thể nói, vào thời điểm đó, Su-22M là chiến đấu cơ hiện đại nhất của không quân ta với tầm bay xa, tải trọng vũ khí lớn.
Video đang HOT
Ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa. Sáng ngày hôm sau, Tư lệnh Quân chủng Không quân ra lệnh cho Sư đoàn 372 tổ chức cơ động một phi đội Su-22M của Trung đoàn 923 từ Thọ Xuân vào Phan Rang hiệp đồng với Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn Phòng không 378 sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 14/11, đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy của Ban Dẫn đường Sư đoàn 372 và Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 923 cùng đội ngũ phi công thực hiện dẫn bay thành công Su-22M cơ động chuyển sân đường dài lần đầu tiên vào phía Nam.
Từ ngày 21/11, Sư đoàn 372 đã tổ chức trực ban chiến đấu và huấn luyện bay biển cho Su-22M tại sân bay Phan Rang.
Nhờ có công tác huấn luyện bay biển thường xuyên đạt chất lượng cao, tiến độ nhanh và an toàn. Sáng ngày 10/3/1988, phi công Vũ Xuân Cương đã thành công chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên trên cường kích Su-22M từ Phan Rang ra tuần tiễu Trường Sa. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của KQNDVN ra Trường Sa.
Tiêm kích – bom Su-22M 5815 vươn tới Trường Sa ngày 10/3/1988.
Tuy nhiên, ngày 14/3, khi các tàu vận tải của hải quân ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao (quần đảo Trường Sa), thì tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505.
Chúng cho quân đổ bộ lên Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất (3 cán bộ hy sinh, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương và 70 người mất tích). Hành động của Trung Quốc đã làm cho tình hình Trường Sa và Biển đông trở nên vô cùng căng thẳng.
Tăng cường bảo vệ Trường Sa
Trước tình hình đó, không quân được lệnh sẵn sàng xuất kích bảo vệ đảo. Đồng thời, ta cũng điều thêm nhiều Su-22M vào Nam để tăng cường lực lượng.
Từ ngày 1/3-20/4/1988, Trung đoàn không quân 918 thực hiện 10 chuyến bay ra Trường Sa quan sát chụp ảnh, thông báo tình hình đối phương trên biển về sở chỉ huy.
Ngày 30/3/1988, tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển. Ngày 24/4, quân chủng quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Ranh. Cuối tháng 6, có thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang.
Ngày 10/6/1988, Tư lệnh Không quân phê duyệt lại kế hoạch triển khai nhiệm vụ bảo vệ và chi viện Trường Sa. Quân chủng chủ trương sử dụng các lực lượng hiện có (gồm tiêm kích đánh chặn MiG-21bis, cường kích Su-22M, vận tải cơ An-26 và trực thăng Mi-8/Ka-25) thực hiện 4 nhiệm vụ chính: bay trinh sát, vận chuyển đường không; tấn công các mục tiêu trên biển và đảo; tiêm kích bảo vệ đội hình chiến đấu không quân – hải quân; hiệp đồng chặt chẽ với hải quân và phòng không bảo vệ Trường Sa.
Sau chuyến bay đầu tiên của phi công Vũ Xuân Cương vào tháng 3, ngày 24-28/6 hai biên đội Su-22M (4 chiếc) lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và An Bang.
Ngày 24/29/10, không quân và hải quân tham gia cuộc diễn tập lớn mang tên CV-88 do Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Hải quân tổ chức. Tham gia diễn tập có các đơn vị thuộc Sư đoàn 372, 2 trực thăng Mi-8 từ Trung đoàn 917, 2 vận tải cơ An-26 từ Trung đoàn 918, trung đoàn 920…
Biên đội Su-22 phóng rocket diệt mục tiêu.
Diễn tập CV-88 tiến hành theo hai giai đoạn: đầu tiên là chuyển trạng thái sẵn sàng chiến và tiếp theo là thực hành chiến đấu tại Phan Rang và Cam Ranh.
Trong diễn tập, phi đội Su-22M thực hiện các phương án tấn công tiêu diệt và ngăn chặn đội hình hải quân địch trên biển, chi viện yểm hộ cho hải quân phản công chiếm lại đảo. Đội hình tiêm kích đánh chặn MiG-21 yểm trợ bảo vệ đội hình tàu và máy bay Su-22M. Các đơn vị trực thăng Ka-28, Mi-8, vận tải An-26 làm nhiệm vụ trinh sát, chuyển quân, tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 25/11, Tổng Tham mưu trưởng ra mệnh lệnh bảo vệ Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa. Ở phía Nam, Quân chủng Không quân tích cực tham gia bảo vệ Trường Sa, khi tàu nước ngoài gây ra chiến sự thì phối hợp với hải quân đánh bại họ ở vùng biển quần đảo Trường Sa.
Trong suốt những năm bảo vệ Trường Sa, Trung đoàn 923 là đơn vị chủ lực thường xuyên thực hiện các chuyến bay tuần tiễu. Sang tới cuối năm 1989, làm nhiệm vụ Trường Sa có thêm sự tham gia từ Trung đoàn cường kích 937 trang bị Su-22M4.
Ngày 19/10, biên đội Su-22M4 do phi công Vũ Kim Điến và Nguyễn Văn Thận đã hoàn thành xuất sắc chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn 937 ra Trường Sa. Với sự kiện này, đơn vị này đủ cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa và vùng kinh tế biển phía Nam tổ quốc.
Cuối tháng 12/1989, Trung đoàn 923 được lệnh cơ động ra sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Toàn bộ nhiệm vụ chiến đấu của không quân cường kích ở phía Nam giao lại cho Trung đoàn 937.
Theo Kiến Thức
Những khoảng trống chưa thể bù đắp của Không quân Việt Nam
Một số chủng loại máy bay sau đây của KQVN hiện đã phải nghỉ hưu do hết hạn sử dụng nhưng vẫn để lại một khoảng trống to lớn, chưa thể bù đắp trong tương lai gần.
Mil Mi-6 Hook là loại trực thăng vận tải hạng nặng do Liên Xô thiết kế, Mi-6 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 5/9/1957 và chính thức đi vào phục vụ từ năm 1959, đã có trên 925 chiếc được sản xuất trong giai đoạn từ 1960 - 1981. Trong ảnh: Mi-6 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.
Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một lượng nhỏ Mi-6 trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Với kích thước khổng lồ: dài 33,18 m; đường kính rotor 35 m; cao 9,86 m; tải trọng 12.000 kg; Mi-6 thường được dùng để vận chuyển những hàng hóa cỡ lớn ở trong khoang hoặc bằng hình thức cẩu dưới bụng. Trong ảnh: Mi-6 của Việt Nam đang cẩu một chiếc MiG-21 đến nơi sơ tán.
Toàn bộ số trực thăng Mi-6 của Việt Nam đều đã phải ngừng hoạt động do hết hạn sử dụng, thay thế vai trò vận tải của Mi-6 hiện là những trực thăng Mi-8/17, tuy nhiên đây chỉ là trực thăng hạng trung và có sức tải kém hơn Mi-6 rất nhiều. Trong ảnh: Mi-6 của Việt Nam đang cẩu một chiếc MiG-17 dưới bụng.
Mil Mi-24A Hind là trực thăng vũ trang đúng nghĩa duy nhất đã từng có mặt trong danh sách trang bị của Không quân nhân dân Việt Nam. Mặc dù nhiệm vụ chính là chiến đấu nhưng Mi-24 vẫn có chức năng vận tải với một khoang chứa hàng nhỏ. Trong ảnh: Mi-24A của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Việt Nam nhận được những chiếc Mi-24A Hind đầu tiên từ Liên Xô vào đầu những năm 1980. Với tổng tải trọng vũ khí 1.500 kg gồm bom, rocket và tên lửa chống tăng, Mi-24 có sức mạnh tấn công rất khủng khiếp, đã gây kinh hoàng cho quân Khmer Đỏ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong ảnh: nạp rocket và tên lửa chống tăng cho Mi-24A trước giờ lên đường làm nhiệm vụ.
Đầu những năm 2000, toàn bộ số Mi-24A của Việt Nam đều hết hạn sử dụng. Rất tiếc do sử dụng khung thân khác với thế hệ Mi-24 sau này nên việc hiện đại hóa để tiếp tục sử dụng là bất khả thi, việc phải cho nghỉ hưu toàn bộ số Mi-24A đã để lại khoảng trống chưa thể bù đắp đối với Không quân Việt Nam. Trong ảnh: Mi-24A đã nghỉ hưu của Không quân Việt Nam.
CH-47 Chinook là loại trực thăng vận tải hạng nặng 2 động cơ 2 cánh quạt rất độc đáo do Boeing Integrated Defense Systems thiết kế và chế tạo. Công năng chính của máy bay là chuyển quân, chuyển vũ khí hạng nặng và hỗ trợ hậu cần cho chiến trường. Trong ảnh: CH-47 trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Sau năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam thu được một số CH-47 Chinook từ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa dưới dạng chiến lợi phẩm. Với tải trọng tối đa 12.700 kg (lớn hơn cả Mi-6), CH-47 đã được sử dụng một cách tích cực trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong ảnh: CH-47 Chinook vận chuyển bộ đội ra chiến trường.
Khác với những chiếc C-130A và UH-1 chiến lợi phẩm, CH-47 nghỉ hưu trong tình trạng khung vỏ còn khá tốt, tuy nhiên loại máy bay này không được sử dụng rộng rãi bên dân sự như UH-1 nên việc tìm nguồn phụ tùng thay thế rất khó khăn. Trong ảnh: CH-47 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
C-130A Hercules, chiến lợi phẩm sau ngày đất nước thống nhất chính là loại máy bay vận tải lớn nhất từng có mặt trong biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam. So với An-26, C-130 có ưu điểm hơn hẳn về cả tầm bay, tải trọng và tính đa dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Trong ảnh: C-130A chiến lợi phẩm thu được tại sân bay Tân Sơn Nhất.
C-130A cũng như CH-47 đã có thời gian phục vụ tích cực trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Đến giữa những năm 1980, C-130 đã phải nghỉ hưu do thiếu phụ tùng thay thế và Không quân Việt Nam chỉ còn loại máy bay vận tải cánh bằng duy nhất là An-26. Trong ảnh: C-130A cùng CH-47 trong trạng thái mục nát tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau thời gian dài nằm phơi mưa phơi nắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, gần đây những chiếc C-130 mới được mang đi phục chế nhằm trưng bày tại bảo tàng. Trong ảnh: phần thân máy bay C-130 trên đường đi phục chế.
Theo_Người Đưa Tin
Không lực Mỹ trong chiến tranh VN và nỗi khiếp sợ mang tên MIG-21 MiG-21 là tiêm kích thành công nhất và cũng là đôi cánh làm nên sức mạnh cho Không quân nhân dân Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Với tốc độ cao, hoả lực mạnh cùng với trình độ điều khiển điêu luyện của các phi công quân đội Việt Nam, tiêm kích đánh chặn MIG-21 đã làm nên những chiến công...