Không phù hợp áp dụng tù tại gia
Dưới góc độ xã hội, tù tại gia không những không đạt được mục đích hình phạt mà còn gây tiêu cực trong gia đình và xã hội
Trong buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đã đề nghị nghiên cứu hình thức tù tại gia để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và ngân sách nhà nước. Đề xuất này liệu có phù hợp và khả thi với văn hóa xã hội và tình hình kinh tế của Việt Nam, phù hợp với chế định hình phạt đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015?
BLHS 2015 đã quy định rõ các hình phạt
Điều 32 BLHS 2015 quy định các hình phạt, bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Mỗi loại tội đều tương ứng với những mức hình phạt, cân nhắc giữa nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra mức phạt phù hợp. Ngoài ra, điều 65 BLHS 2015 còn quy định về án treo đối với người phạm tội bị xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, đồng thời ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Cảnh sát Mỹ kiểm tra một thiết bị giám sát điện tử sử dụng cho phạm nhân giam tại nhà Ảnh: TECHWORM
Một điểm mới về chế định án treo theo khoản 5, điều 65 nghiêm khắc hơn so với điều 60 BLHS 1999, đó là người phạm tội được hưởng án treo trong thời gian thử thách nếu cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên, thì tòa án có thể quyết định thay đổi bằng hình thức tù giam.
Không phù hợp với mục đích của hình phạt
Theo quy định tại điều 31 BLHS 2015, “hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.
Video đang HOT
Theo đó, mục đích của hình phạt không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn để giáo dục, răn đe đối với xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội, tù tại gia không những không đạt được mục đích hình phạt mà còn gây tiêu cực trong gia đình và xã hội.
Ông Hồ Đức Phớc cho rằng “tù tại gia có tác dụng về giáo dục, anh phải xấu hổ với cộng đồng, với làng xóm xung quanh và bản thân gia đình cũng phải có trách nhiệm với anh trong việc giáo dục con cái”. Tuy nhiên, đối với bất kỳ gia đình nào có người bị áp dụng hình thức tù tại gia, các thành viên còn lại phải hằng ngày đối mặt với việc người thân của mình không bệnh tật, già yếu nhưng chỉ có thể tồn tại trong một vị trí nhất định, không thể sinh hoạt bình thường với gia đình.
Hơn thế nữa, đối với cha mẹ con cái của họ, đó lại còn là cả một hệ quả nặng nề. Việc một cá nhân bị cải tạo không giam giữ hay thậm chí là phạt tù, gia đình, xã hội sẽ nhắc và biết đến mãi. Tuy nhiên, sẽ chỉ một thời gian sau, họ sẽ dần quên đi và cải thiện cuộc sống để tốt hơn, nuôi dạy con cái lớn khôn. Thế nhưng, khi trong gia đình luôn hiện hữu một cái “khung sắt nhốt người tù” như vậy, sẽ chẳng bao giờ có thể lãng quên được. Gia đình sẽ không thể nào giáo dục được con cái nên người và mục đích của hình phạt cũng không thể nào đạt được.
Không phù hợp với văn hóa, xã hội Việt Nam
Với tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam, không phải nhà nào cũng có thể chứa thêm được một cái “khung nhà sắt”. Với nhiều nhà, cả gia đình cùng sinh hoạt trong một không gian chật hẹp thì việc dành riêng cho người bị áp dụng hình thức tù tại gia một khoảng trời riêng không phải chuyện dễ dàng. Và dù có dành được một diện tích tối thiểu đi nữa thì những thành viên còn lại phải sống như thế nào? Vô hình trung, cái nhà tù được dựng lên trong chính căn nhà của họ khiến cho cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn, tù túng hơn.
Đồng thời, tình hình kinh tế hiện nay của Việt Nam, khoa học xã hội phát triển chưa cao, biện pháp tù tại gia sẽ được áp dụng như thế nào? Liệu có quy định diện tích tối thiểu của “tù tại gia” hay không? Trường hợp nhà quá bé không đủ đáp ứng diện tích tối thiểu thì sẽ như thế nào? Lắp camera quan sát? Gắn chip? Với tình hình kinh tế hiện nay của Việt Nam, việc áp dụng hình thức phạt tù tại gia không những không cắt giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn phát sinh ra nhiều vấn đề nghiêm trọng tốn kém hơn hình thức thông thường.
Tóm tại, hình thức tù tại gia không giải quyết được những vấn đề trong thi hành án hay đạt được mục đích của hình phạt, cũng không khả thi để áp dụng tại Việt Nam.
Hình thức phạt tù tại gia không có gì khác với hình thức cải tạo không giam giữ đã được quy định và áp dụng hiện nay mà còn tốn chi phí lắp đặt công cụ giám sát, quản lý.
Luật sư NGUYỄN VĂN QUYNH (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Theo nld.com.vn
Đề xuất 'tù tại gia': Nghiên cứu kỹ không tạo kẽ hở cho những kẻ phạm tội thoát án tù
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng tù tại gia như thế nào bởi nếu không sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.
Chiều 12/11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM).
Bên hành lang Quốc hội ngày 14/11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng đây là một đề xuất cũng đáng chú ý.
"Đặt trong hoàn cảnh như hiện nay các nhà giam của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải. Đề xuất này cũng phù hợp với Hiến pháp 2013 đó là đề cao quyền con người để việc cải tạo giúp phạm nhân thực sự nhìn được lỗi lầm của mình, sau đó tái hòa nhập cộng đồng", đại biểu Lan nói.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng để áp dụng được đề xuất này có lẽ chúng ta cần có lộ trình và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt cần tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai. Chúng ta cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng này như thế nào bởi nếu không sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.
"Nếu chúng ta không có quy định rõ ràng trường hợp nào áp dụng tù tại gia và trường hợp nào không. Tù tại gia có nhiều điểm tương tự với án treo, như vậy làm cách nào để không có nhầm lẫn giữa hai loại trên. Bởi đối với án treo hoặc tù trong trại giam thì trong Bộ luật Hình sự đã có mức phạt rõ ràng, cụ thể. Do đó, với loại hình tù tại gia này chúng ta cũng cần có những nghiên cứu hết sức thận trọng", nữ đại biểu TP.HCM đề nghị.
Về việc phân biệt án treo và tù tại gia, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng bản thân bà cũng có những băn khoăn.
"Nhìn ở khía cạnh công nghệ từ các nước khi các tù nhân không ở trong trại giam sẽ được gắn con chip hoặc các phương tiện theo dõi, không được đi ra khỏi phạm vi cho phép (không khác án treo), tuy nhiên ở trường hợp này thì có áp dụng công nghệ đó là gắn con chip. Đây chính là điểm khác giữa 2 hình thức này", đại biểu Lan nói.
Trước nhiều ý kiến lo ngại việc chạy án để giảm tình tiết phạm tội để hưởng loại hình tù tại gia, đại biểu Lan cho rằng điều này cũng cần lưu ý.
"Tốt nhất chúng ta cần giáo dục để không phạm tội, bởi khi đã phạm tội rồi nhiều người mới tỏ ra ăn năn hối lỗi.
Nếu như ở trong tù, cách ly xã hội là hình thức trừng phạt nặng hơn nhiều so với hình thức phạt tù tại gia, phạm nhân được ở trong nhà, gặp gỡ người thân với điều kiện sinh hoạt tốt hơn nhiều so với ở trong tù, nên sẽ dễ nảy sinh chuyện "có cung có cầu". Do đó, cần có hình thức quản lý chặt sẽ.
Tuy nhiên, theo đà phát triển của xã hội, theo quyền con người và tiệm cận với xu hướng phát triển của thế giới thì đây là một đề xuất rất đáng chú ý, cũng có thể khả thi.
Tôi cho rằng, mục tiêu cao nhất chúng ta cần giáo dục để không phạm tội. Và đối với những phạm nhân phạm tội phải ở tù, cũng mong rằng tại các trại giam cũng cần đáp ứng được những yêu cầu tối thiếu. Hiện nay, tôi rất băn khoăn về chất lượng y tế tại các trại giam", nữ đại biểu TP.HCM bày tỏ.
MINH ĐỨC
Theo VTC
Đại biểu Quốc hội đề xuất nghiên cứu 'tù tại gia' giảm bớt áp lực quá tải trại giam Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam. Chiều nay (12/11), trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại...