“Không nên đặt nặng vấn đề điểm số, đánh giá với học sinh lớp 1, lớp 2″
Hiện nay, mỗi ngày, Hà Nội đều ghi nhận gần 1.000 ca mắc Covid-19 mới, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công văn chỉ đạo yêu cầu kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tiếp với học sinh lớp 1, lớp 2 của Bộ GD-ĐT đang khiến nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học tại Hà Nội băn khoăn, lo lắng.
Cụ thể, ngày 13/12, Bộ GD-ĐT ban hành công văn “Hướng dẫn tổ chức dạy, học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình GDPT ứng phó với dịch Covid-19″. Đáng chú ý, công văn này có nội dung với học sinh lớp 1, lớp 2 việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
Quy định về việc kiểm tra trực tiếp với học sinh lớp 1, lớp 2 khiến nhiều trường học, phụ huynh tại Hà Nội băn khoăn, lo lắng. (Ảnh minh họa)
Nhà trường, phụ huynh lo lắng
Trước chỉ đạo này của Bộ GD-ĐT, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện nay trường vẫn đang đợi hướng dẫn cụ thể từ Phòng GD-ĐT Thanh Xuân cũng như Sở GD-ĐT Hà Nội. Còn theo quan điểm của cô Ngọc, việc kiểm tra trực tiếp chỉ nên thực hiện với những nơi thực sự an toàn. Quyết định hình thực thi trực tuyến hay trực tuyến, hay lùi thời gian kiểm tra trực tiếp còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh từng địa phương.
Nhấn mạnh việc học quan trọng, nhưng sức khỏe của học sinh cần đặt lên hàng đầu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót cho rằng, ở thời điểm hiện tại, với Hà Nội không nên kiểm tra học kỳ trực tiếp.
“Dù có thắt chặt các biện pháp phòng dịch, chia ca, nhưng khi đưa đón học sinh khó tránh tập trung đông người, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Với gần 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày như hiện nay tại Hà Nội, để đảm bảo an toàn vẫn nên cho học sinh thi trực tuyến.
Video đang HOT
Hơn nữa với học sinh lớp 1, lớp 2 không nhất thiết phải kiểm tra định kỳ, đặt nặng vấn đề kiểm tra đánh giá, kết quả thi mà cần xem xét sau một học kỳ các con đã học được những gì. Trong quá trình dạy học hàng ngày, các cô đã có thể đánh giá được năng lực của mỗi học sinh. Bởi vậy, khi nào thực sự an toàn mới nên cho học sinh kiểm tra trực tiếp”, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc nói.
Cô Ngọc cũng cho rằng, quyết định học, thi trực tiếp hay trực tuyến không chỉ là việc của mỗi trường mà còn phụ thuộc vào chính quyết định của phụ huynh. Nếu cảm thấy chưa an toàn, ngay cả khi các trường yêu cầu, nhiều phụ huynh vẫn sẽ lựa chọn cho con ở nhà.
Cô Phùng Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng, việc kiểm tra định kỳ trực tiếp còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nếu các ca mắc F0 tiếp tục tăng cao thì việc kiểm tra trực tiếp sẽ rất khó khăn. Từ đầu năm đến nay, học sinh lớp 1 chưa từng được đến trường, giáo viên chưa có cơ hội cầm tay uốn nắn từng nét chữ, trong khi đó, bài kiểm tra lại cần chuẩn chỉnh từng chữ viết. Hơn nữa lần đầu tiên học sinh lớp 1 đến trường lại là buổi kiểm tra, khi cô trò chưa quen nhau ngoài đời, chưa dạy trực tiếp sẽ rất khó.
Dù nhà trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện chia lớp kiểm tra trực tiếp như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc cũng cho rằng, trong quá trình dạy học hàng ngày, giáo viên hoàn toàn có thể đánh giá được lực học từng học sinh, do đó không nhất thiết phải đưa học sinh đến trường làm một bài kiểm tra trực tiếp nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Không chỉ các nhà trường, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn về việc kiểm tra trực tiếp với học sinh lớp 1, lớp 2. Chị Vũ Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, con gái chị cũng như nhiều học sinh lớp 1 khác tại Hà Nội chưa được đến trường, mọi hoạt động từ khai giảng, đến dạy học đều diễn ra trực tuyến. Để kiểm tra trực tiếp, ít nhất cũng cần vài buổi học tại lớp để trẻ quen với thầy cô, bạn bè, với không khí lớp học tập trung. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, ngay cả những quận, huyện đang là “vùng vàng” cũng vẫn rất nguy hiểm với trẻ nhỏ khi đến trường thi trực tiếp.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chị Hiền ủng hộ phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến để đảm bảo an toàn cho trẻ. “Việc đánh giá thực chất hay không không quá quan trọng trong giai đoạn hiện nay”, chị Hiền cho biết.
Các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp
Trao đổi với báo chí về kế hoạch kiểm tra đánh giá với học sinh tiểu học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu vì điều kiện chưa thể đến trường học trực tiếp, như thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua, học sinh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
“Ở những địa phương mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cho học sinh theo hình thức trực tuyến. Đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, học sinh có thể đến trường học tập, thì các trường khẩn trương ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trực tiếp.
Đối với các em học sinh lớp 1, lớp 2 đang học qua truyền hình, quá trình học tập của các em thiếu sự tương tác, và nhà trường cùng các thầy, cô chưa có đánh giá chính xác việc các em thu nhận được kiến thức tới đâu. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, cần tạo điều kiện tối đa để học sinh được tới trường củng cố kiến thức và được hướng dẫn thực hiện bài kiểm tra định kỳ trực tiếp.
Với lớp 3, 4, 5, học sinh cơ bản đã có ý thức và kỹ năng học tập, kỹ năng làm bài định kỳ theo đặc trưng của từng môn học trong quá trình học từ các năm trước”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, quan điểm của Bộ là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các sở, phòng giáo dục chỉ đạo các trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện kiểm tra phù hợp với kế hoạch triển năm học này, kế hoạch năm học mới và tình hình dịch bệnh tại địa bàn./.
Kiểm tra học kỳ lớp 1 - 2: Phụ huynh lo, trường rơi thế khó
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc kiểm tra trực tiếp lớp 1, lớp 2 cuối kỳ, trường hợp bất khả kháng mới kiểm tra trực tuyến khiến nhiều phụ huynh, nhà trường lo lắng.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ khẳng định, bài kiểm tra nhằm đánh giá chất lượng dạy học, tránh hiện tượng học sinh "ngồi nhầm lớp".
Gây áp lực cho trẻ?
Chị Nguyễn Thùy Dương, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), nói rằng, chị ủng hộ phương án kiểm tra cuối kỳ trực tuyến. Nếu kiểm tra trực tiếp, các con phải đến trường ôn tập sau đó mới kiểm tra, trong khi dịch COVID-19 đang gia tăng khiến gia đình không yên tâm. Từ đầu năm học đến nay, học sinh học trực tuyến, vì vậy cũng nên kiểm tra trực tuyến và đánh giá nhẹ nhàng, không nên gây áp lực cho con.
Tương tự, chị Trần Thị Thủy, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội), cũng bày tỏ băn khoăn khi hơn 3 tháng qua con học trực tuyến, nếu đến trường kiểm tra học kỳ trực tiếp, trẻ sẽ gặp áp lực. "Hằng ngày, giáo viên vẫn yêu cầu học sinh quay video gửi nội dung bài đọc, chụp bài tập viết, làm Toán qua phần mềm Azota để giáo viên chấm. Do đó, nếu kiểm tra cuối kỳ theo phương thức này cũng thuận lợi và đảm bảo an toàn cho học sinh", chị Thủy nói.
Trong khi đó, các trường Tiểu học tại Hà Nội cho biết, họ đang mắc kẹt giữa phương án kiểm tra của Bộ GD&ĐT và mong muốn của phụ huynh nên sẽ chờ thêm hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhiều trường dự định trong ít ngày tới sẽ lấy ý kiến phụ huynh về phương án kiểm tra.
Bà Bùi Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, phương án kiểm tra trực tuyến khả thi hơn. Với kiểm tra trực tuyến, trường sẽ chia học sinh theo từng nhóm nhỏ. Đề kiểm tra cơ bản, nhẹ nhàng nhằm nắm bắt xem sau một học kỳ, học sinh có đạt mục tiêu hay không. "Nếu Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm tra trực tiếp, bất khả kháng mới kiểm tra trực tuyến (bất khả kháng là nhóm học sinh nhỏ thuộc diện phong tỏa, F1, F2...), các trường sẽ rất khó khăn để thuyết phục phụ huynh. Hiện nay, như quận Đống Đa, học sinh lớp 12 cũng đã phải dừng tới trường, thử hỏi làm sao lớp 1 có thể đi học để kiểm tra trực tiếp?", bà Thu băn khoăn.
Theo bà Thu, dù học trực tuyến nhưng các trường vẫn phải giải bài toán đảm bảo chất lượng cho học sinh lớp 1. Sau khi học sinh đi học, các trường phải kéo dài thời gian học trực tiếp để học sinh thiếu, hổng kiến thức ở đâu thì bổ sung ở đó, trước khi lên lớp 2, các em phải được kiểm tra lại kiến thức, kỹ năng, đảm bảo đạt mục tiêu của chương trình.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, người sáng lập hệ thống Archimedes Academy School, cho rằng nếu Hà Nội yêu cầu kiểm tra trực tiếp, trường sẽ xin ý kiến phụ huynh, tuy nhiên kiểm tra trực tuyến sẽ thuận lợi cho cả cô và trò. Học sinh lớp 1 học trực tuyến ban đầu rất khó khăn nhưng sau một thời gian nỗ lực đến nay các con đã quen với thao tác máy tính.
Đại diện Trường Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trường dự định tổ chức kiểm tra học kỳ I đối với học sinh lớp 1- 2 vào cuối tháng 12 bằng hình thức trực tuyến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết, trường đang nghe ngóng thông tin từ cả phía Sở GD&ĐT lẫn phụ huynh học sinh.
Kiểm soát chất lượng dạy học
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, nói rằng, địa phương phải đánh giá tình hình diễn biến dịch, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo, xây dựng kế hoạch thực hiện và họp phổ biến đến phụ huynh học sinh về phương án kiểm tra, sau đó mới triển khai.
"Việc tổ chức bài kiểm tra cuối kỳ và cuối năm đối với lớp 1 - 2 chỉ thực hiện ở 2 môn Toán và Tiếng Việt để khẳng định chất lượng dạy học thực chất, giúp nhà trường phối hợp với gia đình điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với học sinh nên cần được kiểm soát và tăng trách nhiệm quản lý các cấp. Nếu không, sẽ phổ biến hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp", ông Tài nói.
Theo ông Tài, văn bản hướng dẫn cho cả nước nên Hà Nội và TPHCM có những điều kiện khác, thuận lợi hơn về nhiều mặt nên linh hoạt và có nhiều cách thực hiện kiểm tra cuối năm phù hợp thực tế.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, đơn vị đang soạn thảo hướng dẫn các trường học kiểm tra cuối học kỳ I với tinh thần mở, trong đó, trường nào cho học sinh đến trường kiểm tra trực tiếp, trường nào dạy học trực tuyến kiểm tra trực tuyến hoặc có thể kết hợp kiểm tra trực tiếp.
Kiểm tra học kỳ trực tiếp với lớp 1, 2: Mức độ khả thi tùy thuộc cấp độ dịch Bộ GD&ĐT vừa có văn bản "Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19", trong đó có nội dung gây chú ý là "đối với lớp 1, lớp 2: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp". Lớp 1, 2 luôn được...