Không nên cứng nhắc khi đưa kết quả viết sáng kiến kinh nghiệm vào tiêu chí thi đua
Theo quy định và hướng dẫn xét thi đua hằng năm của ngành giáo dục thì SKKN là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét các danh hiệu thi đua.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc viết SKKN là một tiêu chí bắt buộc với cán bộ quản lý và giáo viên nếu muốn có danh hiệu thi đua, do đó, hằng năm có rất nhiều người đăng ký viết SKNN.
Người có khả năng viết đã đành, nhiều giáo viên mới ra trường không có khả năng, kinh nghiệm cũng tham gia. Nếu giáo viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của SKKN và thực hiện bằng tất cả trách nhiệm, khả năng của mình thì không có gì phải bàn. Nhưng, có không ít giáo viên luôn đặt nặng vào những danh hiệu cuối năm nên dù chưa thực sự hiểu thế nào là “SKKN” vẫn đăng ký đề tài và viết. Viết SKKN có nhiều cái lợi với người tâm huyết đầu tư, như phải tìm tòi, đào sâu suy nghĩ nội dung cần viết, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn áp dụng vào thực tế, nhưng với cách làm hiện nay, việc viết SKKN cũng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, không nên quá cứng nhắc khi lấy kết quả của việc viết SKKN để đưa vào tiêu chí bình xét thi đua. Nhất là ở cấp học mầm non, khi đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, thời gian dành cho việc chăm sóc, giáo dục các cháu ở trên lớp chiếm phần lớn nên không còn nhiều thời gian để dành cho việc nghiên cứu, đầu tư viết SKKN theo đúng yêu cầu là phải có sự đổi mới, sáng tạo…
Lê Thị Đông
Phó hiệu Trưởng Trường Mầm non Hoằng Thành (Hoằng Hóa)
Theo baothanhhoa
Vẫn mang tính hình thức
Tôi thường xuyên và tích cực tham gia viết SKKN và hiệu quả mang lại từ việc viết SKKN đối với bản thân là rất lớn, đặc biệt là trong đổi mới phương pháp giảng dạy.
Nhưng SKKN nếu chỉ dành để xét thi đua thì không còn là động lực để cán bộ, giáo viên sáng kiến. SKKN chỉ thực sự có ý nghĩa khi chính các cán bộ, giáo viên tự giác tham gia.
Tôi nghĩ, đâu đó việc viết SKKN vẫn mang tính hình thức và thiếu chất lượng. Việc phải viết SKKN đã và đang gây khó khăn, áp lực cho không ít giáo viên, bởi không phải lúc nào giáo viên cũng nghĩ ra đề tài mới, có tính sáng tạo để triển khai thực hiện. Mà muốn viết tốt đòi hỏi phải đầu tư công phu và nhiều yếu tố khác. Sau nhiều năm công tác, cá nhân tôi cũng có 4 SKKN được xếp loại cấp huyện, trong đó có 1 xếp loại A và 3 xếp loại B, nhưng để áp dụng rộng rãi những sáng kiến được xếp loại vào thực tiễn thì chưa nhiều. Với tình trạng viết SKKN ồ ạt, rồi cả tình trạng sao chép sáng kiến diễn ra trong thời gian vừa qua chắc chắn việc viết SKKN sẽ làm nhiều người băn khoăn. Cá nhân tôi nhận thấy, hiệu quả mang lại của những sáng kiến tâm huyết là có thật, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu thay phong trào viết SKKN bằng việc tổ chức thường xuyên các cuộc thi giới thiệu về đồ dùng dạy học làm từ vật liệu sẵn có, hoặc tăng cường, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động ngoại khóa cho học sinh để nâng cao hiệu quả giáo dục thì thiết thực hơn.
Thiều Thị Gấm
Giáo viên Trường Tiểu học Đông Tiến (Đông Sơn)
Theo baothanhhoa
Viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục: Cần thực chất và hiệu quả hơn Trong những năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) áp dụng vào thực tiễn giảng dạy và đã đạt được những kết quả nhất định. Một giờ học của...