Không để thí sinh nào bị bỏ lại phía sau
Quan điểm trên đã trở thành tinh thần chỉ đạo bao trùm và xuyên suốt.
Ảnh minh họa/INT
Trên hết, đó chính là mệnh lệnh từ trái tim của những người làm giáo dục, quyết tâm không để thí sinh nào không thể dự thi vì hoàn cảnh hoặc đường sá đi lại khó khăn. Tinh thần ấy đã và đang hiện hữu, được chuyển hoá thành những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Còn nhớ, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức thành hai đợt và trở thành kỳ thi có một không hai trong lịch sử thi cử dành cho học sinh THPT. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh “chiến sĩ áo trắng” và những người tham gia phục vụ kỳ thi, luôn sẵn lòng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, để các em được dự thi an toàn, trường thi diễn ra nghiêm cẩn làm nức lòng phụ huynh và người dân, chạm đến trái tim của những người vốn không mấy thiện cảm với GD-ĐT.
Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, nhưng đại dịch Covid-19 một lần nữa trở lại với những diễn biến khó lường. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, Kỳ thi sẽ được tổ chức theo nguyên tắc bảo đảm an toàn và quyền lợi cho thí sinh. Trong trường hợp cần thiết, Kỳ thi có thể tổ chức thành nhiều đợt.
Có thể nói, bất luận trong hoàn cảnh nào, thí sinh vẫn là nhân vật trung tâm của Kỳ thi, là đối tượng được quan tâm và “bảo trợ”. Chẳng thế mà, từ miền ngược, cho đến miền xuôi, đồng bằng tới miền núi, biên giới, hải đảo đã và đang xây dựng phương án, kịch bản tổ chức Kỳ thi tốt nhất, an toàn nhất cho thí sinh và không để thí sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Hỏi lãnh đạo sở GD&ĐT một tỉnh vùng biển về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở địa phương, câu trả lời đầu tiên là: “Chúng tôi nhận những phần khó về mình, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, để không thí sinh nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh hay do đi lại khó khăn”. Vì thế, ngay từ khâu đăng ký dự thi, sở đã yêu cầu các trường THPT hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Lãnh đạo sở này cho biết, đã đề xuất tỉnh thành lập điểm thi tại huyện đảo, để thí sinh không phải lênh đênh trên biển vào đất liền “ứng thí”.
Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã chỉ đạo các trường lập danh sách thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, hỗ trợ các em trong Kỳ thi sắp tới. Nhiều trường có phương án thành lập đội phản ứng nhanh, giáo viên tình nguyện làm xe ôm chở học trò đến điểm thi, hay sẵn sàng là “chuông báo thức” để học sinh của mình đi thi đúng giờ… Nhiều địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng, xã hội vào cuộc để đồng hành cùng sĩ tử.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Trong đó yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả điểm tổ chức thi; đồng thời vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi… Hơn bao giờ hết, cụm từ “tất cả vì học sinh thân yêu” lại được nhắc đến nhiều hơn cả. Chắc chắn, đó không phải là cụm từ hô hào, khẩu hiệu suông.
Thi tốt nghiệp THPT: Tự tin vượt vũ môn
"Thi tốt nghiệp THPT: Tự tin vượt vũ môn" là chủ đề giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 - 11h00 thứ Ba ngày 27/4/2021.
Chương trình có sự tham gia của các khách mời:
Cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội;
Cô Nguyễn Thị Vân - Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Đ ịa - Giáo dục Công dân , Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên , tỉnh Điện Biên.
Cô Đào Thị Thu Trang - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6-9/7/2021. Trong đó, ngày 6/7 là thời gian làm thủ tục dự thi; 9/7 là ngày dự phòng. 2 ngày thi chính thức là 7-8/7/2021.
Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.
Quy chế thi, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đề thi tham khảo cũng đã được Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo đó, năm 2021, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Thời điểm này, cùng chuẩn bị triển khai đăng ký dự thi (từ 27/4), công tác ôn tập tốt nghiệp THPT được các nhà trường tập trung triển khai.
Kinh nghiệm triển khai ôn tập hiệu quả tại các nhà trường; những lưu ý quan trọng với cả giáo viên và học sinh để ôn thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao... Đây sẽ là nội dung trọng tâm được các khách mời chia sẻ, trao đổi tại Chương trình giao lưu.
Độc giả có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook: www.fb.com/giaoducthoidai.
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
Là học sinh học ở trường THPT thuộc vùng nông thôn nên chúng em còn hạn chế nhiều về kỹ năng nghe, nói tiếng Anh. Chúng em nên cải thiện các kỹ năng này theo cách nào để đạt được cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết khi tham gia các kỳ thi, thưa cô?
Vũ Thảo Lam, Trường THPT Tân Lạc, huyện Hòa Bình
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Kỹ năng nghe, nói luôn là thách thức với phần lớn các bạn học sinh chứ không chỉ mang tính vùng miền. Để học đều cả 4 kỹ năng, trước tiên các em phải tận dụng tối đa thời gian trên lớp vì bản thân bộ SGK đổi mới đã phân chia và tích hợp đầy đủ cả 4 kỹ năng trong mỗi Unit.
Chúng ta không nên coi thường thời gian trên lớp với suy nghĩ là phải đi học thêm thì mới giỏi các em nhé. Ngoài thời gian trên lớp thì về nhà các em hãy tự đặt mục tiêu cho bản thân. Kỹ năng nghe hay nói cũng cần phải được xây dựng từ nền móng cơ bản là từ vựng. Mỗi ngày học 10 từ là 1 tháng, 1 năm chúng ta cũng sẽ có thêm rất nhiều từ mới.
Song song với việc xây dựng nền móng là từ vựng và ngữ pháp thì các em sẽ luyện nghe bằng những cách xem các kênh tivi hay Youtube yêu thích của mình bằng tiếng Anh. Nghe nhiều cũng sẽ tăng cường khả năng nói và phát âm đúng tiếng Anh. Và ngoài cách trên là nghe theo sở thích thì mỗi tuần, các em cũng phải tự đặt mục tiêu nghe và làm bài tập theo một cuốn giáo trình hay một khoá học online... Kỹ năng nói có thể phát triển thông qua việc dám nói, dám sai và sửa sai.
Ở trường THPT Hoàng Long, ngoài các giờ học với giáo viên Việt Nam, các bạn có 3-4 tiết với giáo viên nước ngoài mỗi tuần và các thầy cô giáo bản ngữ đã giúp các bạn học sinh tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp.
Để tự tin và vững tâm vượt vũ môn với môn tiếng Anh, học sinh chúng em cần chuẩn bị tốt những yếu tố gì, thưa cô?
Nguyệt Minh, Mê Linh, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Trước tiên, các em cần lưu ý về cấu trúc đề thi, nắm vững nội dung kiến thức cần học. Và sau đó cần lưu ý thứ tự và thời gian làm bài hiệu quả. Phân bổ thời gian trước khi bắt đầu làm.
Thứ tự làm bài được khuyến khích: Ngữ âm - Câu lẻ - Đọc hiểu dài - Giao tiếp - Tìm lỗi sai - Đọc hiểu ngắn - Điền từ - Đồng nghĩa trái nghĩa. Đoán nghĩa của từ và áp dụng phương pháp phỏng đoán, loại trừ.
Phân bổ thời gian 60 phút cho bài thi như sau: Các em nên dành 30 phút để làm những câu dễ trước như: ngữ âm, ngữ pháp, sửa lỗi sai, chức năng giao tiếp...
Riêng phần đọc hiểu, nên dành từ 15-20 phút cho bài đọc điền từ và hai bài đọc hiểu dài.
Cuối cùng, các em dành 5-10 phút để soát lại bài.
Em năm nay chuẩn bị vào lớp 10, em thấy có nhiều trường học theo hệ Cambridge, nếu học hệ này có được miễn thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không, thưa cô?
Vương Thu Hòa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Giờ học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài của HS trường THPT Hoàng Long. Ảnh: NTCC
Đúng là hiện nay có nhiều trường đã có thêm hệ Cambridge và Trường THPT Hoàng Long cũng không nằm ngoài xu thế chung.
Tuy nhiên, các con cần biết nếu mình lựa chọn hệ Cambridge thì mình vẫn phải song song hoàn thành chương trình của Bộ GD&ĐT. Và khi kết thúc lớp 12 thì ngoài bằng tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT cấp, các con có thể đăng ký dự thi các môn thi của A level. Hệ Cambridge đặc biệt phù hợp với những bạn có định hướng du học sau khi tốt nghiệp THPT, nếu con thi đạt các môn thi của A level thì sẽ tiết kiệm được 1 năm học dự bị đại học khi đi du học.
Vậy nếu theo học hệ Cambridge thì các con vẫn phải thi đầy đủ các môn theo qui định của Bộ GD&ĐT.
Nhà trường hiện có áp dụng hình thức ôn tập kết hợp trực tuyến và trực tiếp hay không? Kinh nghiệm của nhà trường để tận dụng hình thức trực tuyến trong dạy học, ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào?
Trương Thảo - Hải Dương
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nhà trường hiện vẫn đang áp dụng hình thức ôn tập kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các thầy cô sử dụng nguồn học liệu từ trang HanoiStudy, HANOITV cho việc dạy học và ôn tập. Giáo viên sẽ yêu cầu học sinh làm bài hoặc xem video ở nhà và thực hiện trước một số nhiệm vụ học tập. Trên lớp, giáo viên sẽ giải đáp các thắc mắc, khái quát hóa nội dung, luyện tập và mở rộng kiến thức, kĩ năng cho học sinh.
Qua nhiều kênh thông tin, được biết tại trường THPT Thanh Nưa do nhiều học sinh có xuất phát điểm thấp, nhận thức còn hạn chế. Có những em hoàn toàn có thể nằm trong nhóm "báo động", với những học sinh này, cô có giải pháp gì để giúp các em vượt qua kỳ thi với kết quả như mong muốn?
Hương Hà - Điện Biên
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Cô Nguyễn Thị Vân mong muốn học sinh THPT Thanh Nưa sẽ vượt lên chính mình để có kết quả thi cao nhất. Ảnh NTCC
Với những học sinh thuộc nhóm "báo động", mỗi thầy cô giáo luôn nỗ lực để quan tâm các em, không để học sinh cảm thấy mình bị bỏ rơi. Trong các giờ học thường xuyên cho học sinh hoạt động. Chữa bài cho các em cẩn thận. Giao bài tập dễ, rõ ràng, vừa sức để học sinh có động lực phấn đấu vươn lên. Nghiêm khắc với những học sinh thường xuyên vi phạm nội quy môn học. Thường xuyên kiểm tra việc học và làm bài tập ở nhà của học sinh. Khi nhận được sự quan tâm ân cần của các thầy cô giáo thì học sinh sẽ cố gắng hơn trong học tập.
Phần chức năng giao tiếp trong bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh tuy không nhiều nhưng em vẫn rất lúng túng, có những câu không có từ mới nào nhưng em vẫn chọn đáp án sai. Có cách nào ôn thi tốt phần này không, thưa cô?
lylypdp2003@gmail.com
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Phần chức năng giao tiếp chỉ chiếm 2 trong tổng số 50 câu hỏi nhưng không có nghĩa các em bỏ qua. Vậy để làm đúng các câu về chức năng giao tiếp các em nên hiểu sâu về các tình huống giao tiếp, các chủ đề giao tiếp trong cuộc sống, từ việc cảm ơn, xin lỗi, chúc mừng, xin phép, đề nghị... đến những câu hỏi, câu nói thường ngày.
Và lý giải vì sao phần này không có từ mới nhưng nhiều bạn vẫn làm sai vì mình chưa nắm được về văn hóa của các nước nói tiếng Anh. Khi được khen thì việc tiếp nhận lời khen như thế nào, hay khi ai đó xin lỗi thì mình đáp lại ra sao. Văn hoá khác nhau sẽ dẫn đến hành vi được chấp nhận khác nhau, nên mình cũng nên học hỏi thêm về văn hoá qua những bài giảng của thầy cô.
Học sinh phải tự học, tự rèn luyện thì xác suất thành công mới cao. Cô có đồng tình với ý kiến này? Kinh nghiệm của Trường THPT Trần Phú trong rèn kỹ năng tự học, đặc biệt trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT như thế nào?
Nminhanhtn@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Video đang HOT
Việc tự học, tự rèn luyện thực hành là rất quan trọng. Tự học và biết vận dụng kiến thức là năng lực cần thiết trong cả cuộc đời. Tuy nhiên, với học sinh, nếu chỉ tự học thì có thể phương pháp và hiệu quả học sẽ không cao, nhất là với học sinh yếu kém. Các em vẫn cần sự hướng dẫn, trợ giúp của thầy cô.
Tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, chúng tôi luôn kết hợp giữa việc học sinh học từ thầy cô và tự học. Chúng tôi luôn coi trọng tiết truy bài đầu giờ và bố trí các phòng tự học, học nhóm và tự học có hướng dẫn cho các em học sinh.
Nhiều năm qua, ở mỗi kỳ thi THPT, tôi thấy nhiều giáo viên của trường THPT Thanh Nưa đứng trước cổng trường thi từng ngày để tìm gọi học sinh đi thi. Việc làm này xuất phát từ đâu thưa cô?
Anhkhoa87@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Như đã chia sẻ ở trên, học sinh trường THPT Thanh Nưa chiếm 95 % là học sinh dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Các em có thể học được hết lớp 12 đã là một sự cố gắng lớn. Vì vậy chuẩn bị tốt cho công tác thi là một việc làm thiết thực luôn được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Trước mỗi kì thi, nhà trường thường phân công nhiệm vụ cho các thầy cô trực thi. Việc điểm danh học sinh trước cổng trường nhằm đảm bảo 100% học sinh đến điểm thi đúng thời gian. Kịp thời giúp đỡ các em học sinh gặp những biến cố bất ngờ như: ngủ quên, hỏng xe... Vì vậy các thầy cô trong nhóm trực thi luôn đến cổng trường điểm thi từ rất sớm để điểm danh học sinh. Chăm lo cho học sinh nhà trường trước, trong kì thi cũng là sứ mệnh mà mỗi thầy cô luôn cố gắng vì mục tiêu giáo dục bền vững cho con em các dân tộc vùng biên giới.
Sau khi kết thúc chương trình học, nhà trường sẽ triển khai công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh như thế nào, thưa cô Hải Yến?
linhngoctb@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nhà trường sẽ phân ra các lớp nhỏ cho phù hợp với năng lực và môn thi tự chọn của học sinh. Sẽ có những lớp có các thầy cô hướng dẫn học sinh luyện đề, từ đó bù đắp kiến thức và kỹ năng còn thiếu hụt. Có những nhóm học sinh sẽ tự học với nhau tại nhà trường dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Các lớp này, học sinh đăng ký tham gia là hoàn toàn tự nguyện.
Thời gian để ôn luyện kiến thức với học sinh không còn nhiều. Cô có gửi gắm gì đến các sĩ tử trong kỳ thi sắp tới?
Minh Hằng - huyện Tuần Giáo - Điện Biên
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Trường THPT Thanh Nưa tổ chức phân loại đối tượng học sinh để có giáo án phù hợp với năng lực từng nhóm đối tượng. Ảnh: NTCC
Còn hơn 2 tháng nữa là bước vào kì thi tốt nghiệp THPT. Thời gian học tập dưới mái trường THPT không còn nhiều, những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi học trò cũng đang dần khép lại. Mùa thi đang đến gần, tôi mong muốn và hi vọng các em sẽ bình tĩnh, tự tin, vượt lên chính mình để có được kết quả tốt nhất!
Phần ngữ pháp và từ vựng chiểm một tỷ lệ khá cao trong bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Mà ngữ pháp và từ vựng trong tiếng Anh thì rất rộng. Vậy có cách nào khoanh vùng trọng tâm cho phần này không, thưa cô?
Minh Tú, Trường THPT Ba Vì, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Đúng là từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh rất rộng nhưng trong bài thi tốt nghiệp THPT các em cần tập trung vào các chủ đề, chuyên đề chính theo SGK từ lớp 10 đến lớp 12.
Về từ vựng, các em bám sát các chủ đề trong sách giáo khoa như: khoảng cách thế hệ, sự đa dạng văn hoá, giáo dục, cuộc sống tương lai, thể thao, phát minh, trí thông minh nhân tạo... Lưu ý về các dạng từ sau: Liên từ; Mạo từ; Giới từ; Các từ/cụm từ diễn tả số lượng; Cụm động từ; Cấu tạo từ; Sự kết hợp từ.
Ngữ pháp có các chuyên đề chính sau: Các thì trong tiếng Anh; Sự hoà hợp giữa chủ ngữ và động từ; Động từ theo sau động từ khác; Câu giả định; Câu bị động; Câu gián tiếp; Mệnh đề quan hệ; So sánh; Đảo ngữ và các loại mệnh đề.
Kỳ vọng của cô tại kỳ thi THPT 2021 đối với học sinh của nhà trường là gì?
Lehathu@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Người giáo viên cũng giống như người nông dân. Mỗi vụ mùa đều mong mỏi có được mùa vàng bội thu. Kì vọng của tôi cũng chính là kì vọng của tập thể sư phạm nhà trường cũng chính là kì vọng của học sinh và các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội, đó là 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021. Từ đó tạo tiền đề vững chắc, mở ra "cánh cửa" mới để các em bước vào tương lai.
Không chỉ lo ôn thi để đạt kết quả, cao, các thí sinh còn băn khoăn chọn trường, chọn ngành sao cho đúng. Cô có lời khuyên nào với các em trong thời điểm này? Nhà trường có hoạt động nào giúp thí sinh có lựa chọn phù hợp?
binhminh9@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Phụ huynh, học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm trong buổi tư vấn hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.
Việc chọn trường và chọn ngành sao cho đúng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thời điểm này các em phải quyết định chứ không băn khoăn được nữa. Tôi khuyên các em vẫn nên kiên định theo ngành mà mình yêu thích, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Và chọn các trường đại học khác nhau có ngành đó rồi sắp xếp thứ tự nguyện vọng trường theo khả năng có thể đỗ của mình khi làm hồ sơ đăng kí xét tuyển vào các trường đại học.
Tạo tâm lý tốt cho học sinh là một yếu tố cực kỳ quan trọng ở mỗi kỳ thi, giúp các em không bỡ ngỡ, lo âu, mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến quá trình làm bài. Vậy cô Vân đã làm gì để giúp các em tự tin trước mỗi kỳ thi?
Linhdienbien@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Tôi vẫn thường nói với học sinh: "Kiến thức vững vàng chính là chìa khóa vạn năng để các em mở ra mọi cánh cửa". Vì vậy trang bị kiến thức, kĩ năng cho học trò là yếu tố tác động tâm lí tốt nhất giúp các em tự tin bước vào kì thi. Vì vậy, thầy là người tạo động lực, định hướng giúp học sinh tự tin với những kiến thức đã tiếp nhận được. Trò chuyên cần, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để ôn tập, ôn thi hiệu quả.
Em thấy trong bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh phần đọc hiểu rất khó mà lại có đến 2 bài, vậy làm sao để làm tốt bài đọc hiểu?
Văn Ánh, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Hai bài của phần đọc hiểu có độ dài từ 250-300 từ và 350-400 từ với tổng số là 15 câu. Trong đó có 2 câu hỏi dễ, 8 câu hỏi trung bình và 5 câu hỏi khó. Đây là dạng bài khó nhất trong đề thi do có nhiều từ mới và tốn nhiều thời gian để hoàn thành vì nó chiếm số lượng câu hỏi khá nhiều. Nếu phân bổ thời gian không hợp lí, học sinh sẽ thiếu thời gian làm các phần còn lại.
Để có thể làm tốt dạng bài này, học sinh cần trang bị đa dạng vốn từ theo chủ điểm và nắm vững kĩ năng đọc lướt, thâu tóm nội dung, cũng như kĩ năng đọc chi tiết, tìm nội dung cụ thể. Ngoài ra, việc dựa theo ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ cũng rất quan trọng vì chúng ta khó có thể biết hết được nghĩa của các từ trong bài đọc đó.
Trên thực tế, học sinh chỉ cần hiểu được 60% nghĩa của bài đọc và nắm vững các kĩ năng là đã có thể trả lời đúng hết các câu hỏi trong bài thi. Nhiều em không nắm được kĩ năng làm bài, thường cố gắng dịch nghĩa toàn bộ bài đọc là không cần thiết và mất thời gian.
Học sinh cần áp dụng nhuần nhuyễn các kĩ năng làm bài dựa trên sự thông hiểu 60% nghĩa trở lên. Các em có thể đọc câu hỏi trước để nắm thông tin phần đọc hiểu hoặc đọc kỹ đoạn văn để tóm lược câu hỏi trước khi trả lời câu hỏi. Sau khi trả lời xong các câu hỏi thì phải luôn quay lại đọc toàn bộ bài và lướt lại một lần các đáp án theo ý đã hiểu.
Do đó, để đạt điểm cao thì phần quan trọng nhất là kĩ thuật làm bài, sau đó đến từ vựng, khả năng đoán từ, đặc biệt phải có phải có kiến thức về gốc từ, tư duy phân tích thông tin, lựa chọn từ chìa khóa tốt.
Với dạng bài đọc hiểu, các em cần luyện tập nhiều để nắm vững các kĩ năng, cách tư duy, tìm đáp án và cách phân bổ thời gian.
Nhiều trường càng gần thời gian thi càng yêu cầu học sinh học với cường độ cao. Điều này có phù hợp? Bản thân tôi thì cho rằng cách làm này dễ dẫn đến phản tác dụng do học sinh bị quá tải, áp lực tâm lý.
Thu Ánh - Bắc Ninh
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điều này là không phù hợp. Mỗi nhà trường cần có kế hoạch ôn tập chung, từ đó mỗi thầy cô sẽ có kế hoạch riêng cho từng lớp, mỗi học sinh có kế hoạch học tập riêng phù hợp với bản thân.
Tuy nhiên việc tăng cường giám sát và động viên, giúp đỡ học sinh trong thời gian cuối này là vô cùng cần thiết.
Quá trình học và làm bài, em thường làm sai những câu hỏi về phần ngữ âm, có cách nào để học tốt phần này không, thưa cô?
Vạn Ngọc, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Học sinh Trường THPT Hoàng Long với các hoạt động trải nghiệm
Nếu để sai 4 câu hỏi về ngữ âm này thì thật đáng tiếc, vì đây là những câu hỏi thuộc dạng nhận thức và thông hiểu, là những câu hỏi dễ ăn điểm. Vậy chúng mình cần lưu ý những điểm sau:
Về phần phát âm: bắt buộc phải nhớ được cách đọc các đuôi "ed" và đuôi "s/es" và một số âm đặc biệt.
Về phần trọng âm: Cần nhớ được 8 quy tắc trọng âm cơ bản. Bên cạnh đó, ở dạng bài này thì có rất nhiều "trường hợp ngoại lệ" các bạn chưa từng thấy bao giờ hoặc không theo quy tắc đã học. Vì vậy, việc luyện tập nhiều là vô cùng quan trọng.
Các em cần tạo thói quen khi tra từ điển, không chỉ tra nghĩa mà viết đầy đủ cả trọng âm và phiên âm của từ. Nắm vững lý thuyết về ngữ âm, như: cách phát âm các nguyên âm đôi, các phụ âm trong tiếng Anh...
Cô Vân là người có bề dày thành tích trong ôn luyện kiến thức cho học sinh tại nhiều kỳ thi gần đây. Vậy cô có kinh nghiệm gì trong việc hướng dẫn học sinh ôn tập với bộ môn mà cô đang phụ trách?
Maihathu8@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Trong những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của nhà trường đạt 100%. Đó là nhờ vào những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường. Trong công tác hướng dẫn học sinh ôn tập môn Ngữ văn tôi thường hệ thống kiến thức trong từng bài học. Đồng thời, hướng dẫn học sinh ghi chép khoa học, sách viết chính là tài liệu tham khảo sử dụng trong quá trình ôn ập, ôn thi.
Giáo viên phải luôn cập nhật kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất là sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để lồng ghép nhiều hoạt động trong các giờ học, thu hút sự tập trung cao của học sinh trong quá trình dạy - học. Giáo viên bộ môn còn phối hợp với Đoàn thanh niên cho học sinh trải nhiệm cuộc sống thực tế để có thêm nhưng nguồn tư liệu minh họa, dẫn chứng cho phần nghị luận xã hội cho học sinh, chứ không phải dựa vào những tự liệu có sẵn: Xem phim lưu động, xem thời sự, tham gia các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức theo chủ đề.
Bên cạnh đó, phối hợp với giáo viên Tin học, tích hợp dạy cho học sinh cách thức khai thác Internet hiệu quả, cách đọc những bài báo, trang báo, diễn đàn liên quan đến việc học. Kênh tin tức điện tử của nhà trường là cầu nối, kết hợp kênh Facebook, zalo để giao lưu, hướng dẫn học tập cho học sinh mọi lúc, mọi nơi. Chú trọng nâng cao kiến thức rèn kĩ năng đọc hiểu bằng việc tự tìm hiểu các văn bản đọc - hiểu, tránh việc chép đề trên mạng làm mất đi tính chủ động tích cực của học sinh. Tăng cường làm đề thi, hướng dẫn học sinh giải đề theo hướng dẫn đáp án của Bộ GD&ĐT. Từ đó học sinh ý thức được cấu trúc của đề để tránh bị mất điểm.
Những giáo viên bộ môn như chúng tôi thường xuyên có bài tập kiểm tra lại phần đọc hiểu. Ví dụ, trong 2 tiết ôn thi tốt nghiệp thì dành 15-30 phút làm bài kiểm tra thử (dùng máy chiếu, chiếu câu hỏi, mẫu thi thử, phiếu học tập...). Cùng với đó, xây dựng, bổ sung ngân hàng câu hỏi, đề kiểm tra phong phú và chất lượng cho học sinh tập làm quen cách làm bởi làm nhiều mới nhớ lâu từ đó tạo thành kĩnăng, kĩ xảo cho học trò.
Luôn gần gũi, chia sẻ với HS, kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của học trò, tạo mối quan hệ thân tình, gần gũi để các em không ngại bộc lộ những băn khoăn, những thắc mắc bởi HS người dân tộc thiểu số thường có tâm lí tự ti, ít khi hỏi các thầy cô về những vướng mắc. Vì vậy, thầy cô giáo không chỉ là người dạy tri thức mà còn là người bạn thân thiết với các em trong cuộc sống
Nhà trường có giải pháp hữu hiệu nào với đối tượng học sinh yếu, có nguy cơ đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp?
vuongtrong@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Căn cứ kết quả các bài kiểm tra thường xuyên, định kì và nhận xét của các thầy cô giáo bộ môn, ngay khi kết thúc học kỳ I nhà trường đã lập danh sách những học sinh cần được giúp đỡ trong việc học và ôn thi tốt nghiệp THPT.
Sau đó, nhà trường phân công các thầy cô giúp đỡ những học sinh này ngay từ đầu học kỳ II. Các em được hướng dẫn ôn tập theo nhóm nhỏ, phù hợp với năng lực riêng của mình.
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay được xây dựng cụ thể thế nào, có phân cấp độ các câu hỏi khó dễ không, thưa cô. Chúng em cần bám vào cấu trúc đề thi này để ôn tập thế nào cho hiệu quả?
Nguyễn Thanh Hà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Đề thi năm 2021 về cấu trúc đề thi không có gì thay đổi so với năm 2020, sẽ có các phần như sau: Phát âm; Trọng âm; Chọn đáp án đúng; Đồng nghĩa; Trái nghĩa; Giao tiếp; Đọc và điền từ; Đọc hiểu 2 bài; Tìm lỗi sai; Câu đồng nghĩa; Nối câu.
Dựa trên cấu trúc đề thi cô có một số gợi ý ôn tập, để các em có một kỳ thi thành công:
Về từ vựng, cần phải ôn tập thật kỹ từ vựng trong chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là lớp 11 và 12. Trong quá trình ôn tập, cần chú ý đến sự kết hợp từ, từ đồng nghĩa - trái nghĩa, sự lựa chọn từ, các từ dễ gây nhầm lẫn.
Về ngữ pháp, ôn tập các chủ điểm ngữ pháp được học trong chương trình phổ thông, từ lớp 10 đến lớp 12. Chú trọng ôn những chủ điểm cơ bản, dễ lấy điểm, như: câu hỏi đuôi, câu điều kiện, mệnh đề thời gian, đại từ quan hệ, lượng từ, câu so sánh, câu tường thuật, mạo từ, sự hòa hợp chủ - vị, động từ khuyết thiếu,...
Trong phần đọc hiểu, luyện kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh để có thể làm tốt dạng câu hỏi từ vựng trong bài đọc hiểu. Học sinh cũng cần nâng cao vốn từ vựng để có thể đọc hiểu bài tốt hơn, đặc biệt là bài đọc hiểu số 2. Ngoài ra, các em cần làm thật nhiều bài đọc hiểu để rèn luyện khả năng nắm bắt ý chính của bài và khả năng tư duy, suy luận tìm ra đáp án đúng.
Ở giai đoạn cuối, các thí sinh cũng cần tăng tốc luyện đề thi thử bám sát cấu trúc của đề tham khảo để nâng cao kỹ năng làm bài và ôn tập toàn diện.
Khi làm bài thi, thí sinh nên lựa chọn dạng bài dễ lấy điểm làm trước, dạng khó làm sau để tạo điểm tựa tâm lý vững chắc ngay từ khi bắt đầu làm bài.
Một số dạng bài các em nên làm ngay thi nhận được đề, gồm: các câu hỏi ngữ pháp cơ bản, dễ lấy điểm, 2 câu tình huống giao tiếp, 2 câu tìm lỗi sai (để lại câu từ vựng), 2 câu tìm từ đồng nghĩa, 2 câu phát âm, 2 câu trọng âm, các câu hỏi về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa (để lại câu thành ngữ), 5 câu bài đọc điền từ. Sau đó, 2 bài đọc hiểu và các câu hỏi về từ vựng, cụm động từ, thành ngữ, sự kết hợp từ và bài nối câu nên làm cuối vì đây là những dạng bài khó, cần nhiều thời gian tư duy mới ra đáp án.
Trường THPT Thanh Nưa có khoảng 200 học sinh nội trú. Vậy, ngoài giờ học, Nhà trường có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh như thế nào thưa cô?
Quynhgiaogiao@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Học sinh trường THPT Thanh Nưa tranh thủ phút giải lao để trao đổi kiến thức. Ảnh: NTCC
Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc dạy học 2 buổi/ngày . Ngoài các hoạt động thể chất và hoạt động ngoài giờ lên lớp, với môn Ngữ văn, chúng tôi có thêm 36 tiết/1 học kỳ để ôn tập, phụ đạo buổi chiều. Mục đích của các tiết ôn tập là để củng cố kiến thức cơ bản vì đặc thù của học sinh dân tộc thiểu số, các em ít có thói quen học bài ở nhà trước khi đến lớp. Vì vậy hoạt động phụ đạo 36 tiết là vô cùng cần thiết.
Các em học sinh nội trú học trên lớp vào tất cả các buổi tối trong tuần dưới sự giám sát của các thầy cô giáo bộ môn được phân công trực nội trú. Đây là thời gian tự học, tự ôn tập của học sinh để hoàn thành các bài tập được giao về nhà.
Em là thí sinh tự do. Năm nay em chọn thi Vật lý, Hóa học trong bài Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, năm ngoái chương trình học của chúng em có đặc thù vì 1 thời gian dài trong học kỳ 2 phải nghỉ học do dịch Covid-19. Em băn khoăn là chương trình học năm nay có gì khác với năm trước không? Mong nhận được lời khuyên từ chương trình?
Tuantu2k@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Với môn Vật lý, Hóa học, chương trình năm nay không có sự khác biệt lớn với chương trình của năm trước. Tuy nhiên nếu em muốn đạt điểm cao các môn thi này thì cần rà soát và học đầy đủ những kiến thức cơ bản nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Năm nay, được biết Bộ GD&ĐT qui định đưa thêm môn Tiếng Hàn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Xin cô chia sẻ rõ hơn về qui định này?
halinh20...@gmail.com
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang (bên phải) chia sẻ thông tin cùng độc giả Báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội
Bộ GD&ĐT bổ sung môn Tiếng Hàn vào danh mục các môn thi tốt nghiệp THPT từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho đối tượng các thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông, đăng ký dự thi môn Tiếng Hàn để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021.
Như vậy, bắt đầu từ năm 2021, các thí sinh có thể chọn Tiếng Hàn là một trong 7 ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn) để đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, trình độ đại học năm 2021.
Cô có thể chia sẻ về kế hoạch ôn tập của nhà trường dành cho khối 12 để giúp các em chuẩn bị tốt nhất trước kỳ thi?
Tường Linh - Sơn La
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Cô giáo Nguyễn Thị Vân cùng học sinh Dân tộc thiểu số "tăng tốc" ôn luyện
Như ở đơn vị chúng tôi, ngay từ đầu năm học, tổchuyên môn phải bám sát kế hoạch chung của nhà trường, để xây dựng kế hoạch phù hợp, phân công giáo viên dạy và ôn lớp 12 đạt chất lượng.
Cùng với đó là việc vận động giáo viên nghiêm túc chấp hành sự phân công chuyên môn của nhà trường. Mỗi giáo viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc được giao, thẳng thắn góp ý với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Kế hoạch ôn thi năm học 2020 - 2021 được xây dựng trong 48 tiết, chia làm các chuyên đề bám sát các dạng bài trong cấu trúc đề thi: Chuyên đề đọc - hiểu; Chuyên đề Nghị luận xã hội; Chuyên đề kí- kịch; Chuyên đề nghị luận bài thơ, đoạn thơ; Chuyên đề nghị luận tác phẩm, đoạn trích văn xuôi... Chú trọng rèn kĩ năng cho học sinh trong từng chuyên đề. Rèn kĩ năng viết bài, luyện đề, chấm chữa bài cho HS thường xuyên để HS kịp thời bổ sung kiến thức và điều chỉnh kĩ năng làm bài. Mỗi chuyên đề đều được xây dựng theo cấu trúc: Kiến thức cơ bản; Bài tập vận dụng.
Hiện có rất nhiều khóa học, ôn thi online cho học sinh thi tốt nghiệp. Theo cô, học sinh có nên tận dụng kênh học tập này? Nếu có thì phân bổ thời gian học thế nào cho hiệu quả? Em có thể chỉ học qua các bài giảng này mà không tham gia ôn thi trên lớp không?
Tú Anh - Hải Phòng
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Các em cần hoàn thành các nội dung học ở lớp, ở trường vì nhà trường có trách nhiệm dạy học và ôn tập cho các em, đáp ứng yêu cầu của kì thi. Với thí sinh tự do, các em cũng nên liên hệ tới trường mà mình đã học lớp 12 để được tham dự các lớp ôn tập. Các trường THPT có trách nhiệm hỗ trợ các em trong vấn đề này.
Tại Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, tất cả học sinh của trường vì lý do nào đó chưa tốt nghiệp THPT, đều được nhà trường chủ động liên hệ để tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn các em trong việc ôn tập. Với học sinh của trường đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu tham gia kỳ thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, cũng vẫn được nhà trường hỗ trợ chu đáo. Trong cả 2 trường hợp này, học sinh đều không phải mất kinh phí.
Ngoài ra, các em có thể tham gia các kênh học online nếu có thời gian và bản thân thấy có hiệu quả.
Hiện em mới đang học lớp 10, xin cô tư vấn em có cần phải chuẩn bị chứng chỉ quốc tế ngay từ bây giờ không?
phuongtrangth2005@gmail.com
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một điều kiện rất thuận lợi để các con được miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh hay xét tuyển ĐH, thậm chí cho ước mơ du học của rất nhiều bạn. Vậy việc chuẩn bị chứng chỉ quốc tế từ năm lớp 10 là hết sức cần thiết.
Chính vì vậy, các thầy cô ở tổ Ngoại ngữ của Trường THPT Hoàng Long đã kết hợp cùng các chuyên gia về phương pháp giảng dạy của trường ĐH Sư phạm và các cố vấn học thuật của Hội đồng Anh đã xây dựng lộ trình để giúp các bạn hết học kỳ 1 năm lớp 12 đạt được chứng chỉ quốc tế tiếng Anh IELTS từ 5.0-6.5, tiếng Nhật đạt trình độ N3, tiếng Trung đạt HSK 3. Tuy nhiên, các con lưu ý mình sẽ không thi chứng chỉ quốc tế ngay từ khi lớp 10 để tránh trường hợp chứng chỉ hết hạn sau 2 năm.
Như tôi được biết, trường cô đa số phụ huynh là người dân tộc thiểu số. Sự quan tâm đến việc học của con em mình như thế nào? Các thầy cô có gặp trở ngại trong công tác phối hợp giáo dục học sinh không?
Nguyễn Dũng - Nghệ An
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Với đặc thù trường học nằm trên địa bàn biên giới, học sinh chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, dân trí thấp. Nhiều phụ huynh không nói được tiếng phổ thông. Học sinh đến trường học, ở nội trú, coi thầy cô giáo như cha mẹ. Hoặc phụ huynh thường có tâm lí giao con em cho các thầy cô. Ở nhà học sinh ít có thời gian học bài vì phải phụ giúp cha mẹ các công việc nhà, làm nương rẫy. Bên cạnh đó, một số tập tục lạc hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của học sinh như nạn tảo hôn, Học sinh nữ dân tộc thiểu số không được đi học do phải nghỉ học lấy chồng...
Từ đó dẫn tới rất khó khăn trong việc thực hiện công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình do nhận thức của phụ huynh còn chưa đồng đều. Vì vậy mỗi năm học, nhà trường đều có kế hoạch phối hợp với các xã, bản có con em đang học tại trường. Phối hợp với chính quyền các xã trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh đi học, nâng cao ý thức chuyên cần của học sinh, đảm bảo luôn có sự phối hợp trong công tác giáo dục học sinh giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương nơi các em sinh sống.
Triển khai ôn tập từ đề thi tham khảo như thế nào để hiệu quả nhất, mong được nghe chia sẻ từ nhà trường?
giaovientoan7x@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cô Trần Hải Yến (bên phải) giao lưu cùng độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội
Tại Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, giáo viên bộ môn giới thiệu đề minh họa cho học sinh tự làm. Tiếp đó, các thầy cô sẽ chữa, đồng thời ra các đề tương tự đề minh họa, phủ hết nội dung chương trình, cho học sinh tự làm và chấm chéo lẫn nhau.
Sau đó giáo viên bộ môn sẽ chữa và sửa bài cho học sinh, nhận xét bài làm của học sinh để học sinh nhận ra những ưu điểm và hạn chế của mình, từ đó có kế hoạch bồi đắp kiến thức.
Ngoài tiếng Anh, các thí sinh có được chọn một ngoại ngữ khác để thi tốt nghiệp THPT hay không?
Trần Mai Thy, huyện Ba Vì, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Dựa trên quy chế thi tốt nghiệp THPT thì các thí sinh đăng ký môn thi ngoại ngữ không nhất thiết phải thi môn ngoại ngữ mà mình đang học. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 6 môn ngoại ngữ được đưa vào để xét và công nhận tốt nghiệp cũng như lấy điểm vào các trường Đại học. Vì vậy, ngoài tiếng Anh, các con có thể chọn Nga, Pháp, Nhật, Trung, Đức. Và từ kỳ thi năm 2021, Bộ GD&ĐT đã đưa thêm cả tiếng Hàn là ngoại ngữ thứ 7.
Theo định hướng thi này cũng như từ thực tế đa dạng hóa các thứ tiếng trong dạy học, ngoài tiếng Anh, Trường THPT Hoàng Long còn triển khai cho học sinh lựa chọn các ngoại ngữ khác như Nhật, Hàn, Trung. Và nếu theo học hệ song ngữ thì các bạn còn được học 2 ngoại ngữ với tiếng Anh/Nhật là ngoại ngữ chính và một ngoại ngữ 2 tự chọn.
Với những học sinh yếu, các thầy cô có giải pháp gì giúp các em tự tin đi thi?
Muonglay@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Cô Nguyễn Thị Vân trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Điện Biên
Giai đoạn ôn thi nước rút, chúng tôi có giải pháp cụ thể với những học sinh yếu kém. Những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp được dạy theo nhóm vào buổi tối. Với những học sinh này, chúng tôi dạy kiến thức cơ bản, rèn kĩ năng trình bày bài để giúp các em có kiến thức căn bản, tự tin bước vào kì thi.
Mỗi thầy cô giáo phải hi sinh thời gian, bám sát học sinh để cùng các em ôn tập đến cận ngày thi
Đối với đối tượng học sinh yếu, cần có sự phối hợp, đó là sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và gia đình để có sự động viên, nhắc nhở kịp thời khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Những em học sinh yếu kém thường có những biểu hiện cá biệt về đạo đức, nên có sự phối hợp trên để chấn chỉnh kịp thời những hành vi không tốt. Đồng thời qua mối quan hệ giữa giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh sẽ dễ tìm tiếng nói chung trong việc giáo dục các em.
Thí sinh năm nay trải qua 2 kỳ Covid-19 với nhiều biến động trong việc học. Nhà trường có giải pháp nào hiệu quả với các em để có tâm thế tốt trước kỳ thi năm nay?
Levietcuong@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thầy Lê Minh Trung, giáo viên Vật lý Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội dạy học trên truyền hình.
Nhà trường đã gửi thông tin đầy đủ tới học sinh và cha mẹ học sinh; nhất là những văn bản chỉ đạo của Ngành để mọi người được hiểu rõ tình hình và không hoang mang. Nhà trường còn chỉ đạo thực hiện nhiều hình thức dạy học phù hợp theo phương châm "tạm dừng tới trường, nhưng không dừng việc học"; phân nhỏ các lớp học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của học sinh để giúp các em một cách tối đa trong việc học và ôn thi.
Ngoài học tập trực tiếp cùng thầy cô trên các lớp học, các em còn được cùng thầy cô giao bài, chữa bài và thảo luận trên internet để tiết kiệm thời gian di chuyển tới các lớp học. Việc kết hợp nhiều hình thức dạy học giúp nhà trường, các thầy cô giám sát tốt việc học của học sinh và các bậc cha mẹ học sinh cũng an lòng vì thầy cô luôn đồng hành cùng các em.
Hiện trên mạng có rất nhiều kênh quảng cáo ôn luyện tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT cũng như các hiệu sách bán nhiều tài liệu ôn thi khiến chúng em nhiều khi thấy rất mông lung. Để đạt điểm cao môn tiếng Anh thì ngoài việc tập trung học và ôn luyện ở trường rồi, có cần đi học thêm các lớp luyện thi hay làm nhiều đề tham khảo nữa không, thưa cô?
Nguyễn Đức Huy, Ba Đình, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Thời điểm hiện tại đã là giai đoạn nước rút cho việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT nên cô biết rất nhiều bạn tâm lý rất hoang mang muốn nhanh chóng dồn ép lượng kiến thức trong suốt 3 năm học.
Tuy nhiên học là cả một quá trình nên cũng không thể trong một thời gian ngắn tiếp thu cả một lượng kiến thức lớn, hơn nữa các em còn phải ôn thi các môn khác chứ không chỉ riêng ngoại ngữ. Vậy nên cô tin là nếu các em đã có một quá trình học tập nghiêm túc trong suốt 3 năm THPT thì các em không cần phải đi học thêm.
Các thầy cô giáo ở trường sẽ là người hiểu năng lực của các em nhất, sẽ đưa ra cho các em chiến lược ôn tập phù hợp nhất. Còn việc tự luyện thêm đề thì chắc chắn phải có, đặc biệt với những bạn đặt mục tiêu cao đạt điểm 9 tiếng Anh.
Ở trường THPT Hoàng Long, học sinh được học theo phân hóa, ngồi ở lớp đúng trình độ, đúng năng lực của mình. Với những bạn học lực yếu hơn sẽ có những lớp học phụ đạo sau giờ học để các thầy cô ôn tập lại kiến thức cơ bản và giúp các bạn bắt kịp tốc độ với các bạn khác. Vì vậy, việc đi học thêm là không cần thiết và rất lãng phí nhưng tự ôn luyện ở nhà thì chắc chắn phải có. Để tự ôn tập thì các em có thể tham khảo các trang mạng, các tài liệu giấy - tuy nhiên vì nguồn tài liệu rất đa dạng nên các em có thể nhờ thầy cô tiếng Anh tư vấn thêm để lựa chọn cho chính xác.
Tôi thấy ở một số nơi người ta vẫn phân loại học lực học sinh để tổ chức ôn luyện với giáo trình phù hợp. Vậy ở trường THPT Thanh Nưa, các cô thực hiện công việc này như thế nào?
Vuonche789@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Dạy phân hóa đối tượng học sinh là việc chúng tôi làm từ đầu năm học. Từ đó, có phương pháp dạy học phù hợp đối tượng. Thường thì chúng tôi chia làm 3 nhóm học sinh: Khá - trung bình - yếu, kém từ đó xây dựng kế hoạch bài dạy cho phù hợp với năng lực của học sinh. Khâu kiểm tra, đánh giá được đặc biệt chú trọng, đề ra đòi hỏi phải có sự phân hóa rõ ràng.
Cuối năm học, chúng tôi chọn đối tượng học sinh yếu kém để tổ chức kèm cặp vào các buổi tối trên tinh thần tự nguyện và trách nhiệm của thầy cô với mong muốn các em có đủ kiến thức cơ bản bước vào kỳ thi. Trong quá trình lên lớp, giáo viên không tạo áp lực cho học sinh yếu bởi nếu quá áp lực, vô hình chung sẽ khiến cho các em thêm chán nản, thiếu động lực học tập.
Xin cô chia sẻ "chiến lược" ôn thi tốt nghiệp THPT của nhà trường với các môn thi nói chung và môn tiếng Anh nói riêng?
thumaiptth@gmail.com
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh trường THPT Hoàng Long. Ảnh: NTCC
Trường THPT Hoàng Long ngay từ khi bắt đầu học kỳ 2 của lớp 12 đã phân hoá học sinh theo trình độ của từng bộ môn thi tốt nghiệp THPT: Toán, Văn, ngoại ngữ và tổ hợp tự nhiên và xã hội. Các bạn đã được các thầy cô tư vấn về năng lực khả năng của mình từ lớp 10, 11 do đó các bạn đã tự định hướng được những môn học sở trường của mình để có lựa chọn đúng đắn về tổ hợp tự nhiên hay xã hội mình sẽ tham gia thi. Với 2 môn Văn, Toán - nhà trường chú trọng củng cố kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm bài thi, tăng cường học bằng nhiều kênh và đặt mục tiêu cụ thể cần đạt.
Với bộ môn ngoại ngữ là định hướng chiến lược của trường thì việc phân hoá diễn ra ngay từ lớp 10. Và cũng từ học kỳ 2 lớp 12, tất cả học sinh khối 12 được học theo các chuyên đề như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp... theo đúng cấu trúc bài thi tốt nghiệp THPT. Sau khi ôn tập theo chuyên đề, học sinh được rèn kỹ năng làm bài thi và phân biệt được cấp độ khó dễ của những câu hỏi trong đề thi, để từ đó biết cách phân bổ thời gian hợp lý và hiệu quả.
Thưa cô, liệu có hay không việc các trường giảm thời lượng học các môn phụ, tăng thời lượng học các môn học chính để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp sắp tới?
luonghanhnb@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tại trường tôi thì không có việc đó. Song song giữa việc học để hoàn thành chương trình của tất cả các môn học thì học sinh được học tăng cường các môn tự chọn để thi tốt nghiệp.
Điều kiện để được miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh cụ thể thế nào, thưa cô? Có phải cứ có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là yên tâm đỗ Đại học không ạ?
Nguyễn Hà Trang, quận Tây Hồ, Hà Nội
Cô Đào Thị Thu Trang
Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long, quận Ba Đình, Hà Nội
Có 2 điều kiện để được miễn thi tốt nghiệp THPT như sau:
Thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có một trong các chứng chỉ Ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 6/7/2021 và đạt mức điểm tối thiểu như sau:
Tiếng Anh: TOEFL itp 450, TEOFL ibt 45, IELTS 4.0Tiếng Nga: TORFL cấp độ 1Tiếng Pháp: TCF (300-400), DELF B1Tiếng Trung: HSK cấp độ 3Tiếng Nhật: N3Tiếng Đức: Goeth Zertifikat B1
Ở Trường THPT Hoàng Long, các thầy cô ở tổ Ngoại ngữ kết hợp cùng các chuyên gia về phương pháp giảng dạy của trường ĐH Sư phạm và các cố vấn học thuật của Hội đồng Anh đã xây dựng lộ trình để giúp các bạn hết học kỳ 1 năm lớp 12 đạt được chứng chỉ quốc tế tiếng Anh IELTS từ 5.0-6.5, tiếng Nhật đạt trình độ N3, tiếng Trung đạt HSK 3.
Cô có thể cho biết Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm triển khai công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT trong thời điểm này như thế nào?
Minhanhhp@...
Cô Trần Thị Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cô trò Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội trong giờ ôn tập.
Ngoài giờ học chính khóa theo chương trình, các em còn được tham dự các lớp học tăng cường. Lớp học tăng cường là lớp ghép các em học sinh có cùng lựa chọn môn thi tổ hợp và phù hợp với năng lực. Căn cứ vào lực học của mình và thời gian biểu cá nhân, các em có thể tham gia các lớp tăng cường với thời lượng khác nhau và hoàn toàn tự nguyện.
Tuy nhiên, những học sinh có lực học yếu kém của môn nào thì nhà trường sắp xếp lịch học riêng môn đó; và học sinh này phải tuân thủ nhiệm vụ học tập mà thầy cô đã được nhà trường phân công giúp đỡ giao cho. Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém ở trường là hoàn toàn miễn phí.
Trường THPT Thanh Nưa có tới 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của học sinh còn nhiều hạn chế so với mặt bằng chung của tỉnh. Vậy, những giáo viên như cô phải làm gì để các em có kiến thức tốt nhất bước vào kỳ thi?
Phuonganh80@...
Cô Nguyễn Thị Vân
Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- GD Công dân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Ngay từ đầu năm học, tôi đã xây dựng kế hoạch ôn thi một cách hợp lí, khoa học
Thi tốt nghiệp THPT 2021: Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về đề, địa phương tổ chức thi Chỉ thị của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, nghề nghiệp năm 2021. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về đề thi, UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm tổ chức thi. Chính phủ chỉ thị: Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề thi, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thi - ẢNH TUỆ...