Không để học sinh chưa đạt chuẩn lên lớp
Sau 1 học kỳ triển khai CT- SGK mới lớp 1 ghi nhận kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn một số ít học sinh (HS) chưa đạt yêu cầu chung, đòi hỏi các trường, giáo viên (GV) có giải pháp tháo gỡ.
Giờ học của cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Nhân Thịnh (Lý Nhân – Hà Nam). Ảnh: Đức Trí
Chủ động từ nhà trường
Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Kết thúc học kỳ 1, tỉ lệ HS lớp 1 toàn tỉnh Lào Cai đạt yêu cầu ở tất cả môn trên 92%, (trong đó môn Toán trên 96%; Tiếng Việt trên 94%). Bước vào học kỳ II, các nhà trường không hề bị nặng nề, thúc ép trong việc vừa triển khai kiến thức mới vừa bù lấp kiến thức cũ cho HS chưa đạt ở học kỳ I. Nguyên do bởi triển khai CT, SGK mới theo cách nào thì kết thúc năm học, HS đáp ứng được yêu cầu chung là đạt yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Thúy bày tỏ: Tốc độ, nhịp độ học giữa các trường, HS các lớp khác nhau nên sở không chỉ đạo chi tiết việc bồi lấp kiến thức cho HS chưa đạt. Từ yêu cầu của CT, SGK lớp 1 mới, nhà trường sẽ dựa trên thực tế học tập của HS mà chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học. Miễn sao cuối năm HS đạt được yêu cầu cần đạt trước khi lên lớp 2…
Bà Phạm Thị Tuất -Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng chia sẻ: Tỉ lệ HS lớp 1 Ninh Bình đạt yêu cầu các môn sau khi kết thúc học kỳ 1 trên 90%; Một số HS chưa đạt yêu cầu, chủ yếu ở môn Tiếng Việt.
Tuy nhiên theo bà Tuất, điều này không quá lo ngại bởi tỉ lệ HS chưa đạt yêu cầu chung không nhiều. Mặt khác, cha mẹ thầy cô rất quan tâm tới việc học của trẻ. Học tập không chỉ diễn ra ở trường mà còn được hỗ trợ hướng dẫn thêm sau giờ học.
Hơn thế, dạy học lớp 1 tại Ninh Bình chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19. HS mới nghỉ sớm trước Tết Nguyên đán 3 ngày, sau Tết trở lại học trực tiếp đúng ngày. Do đó sự hỗ trợ HS kiến thức cũ, triển khai kiến thức mới thuận lợi và hiệu quả.
Video đang HOT
Tăng cường khả năng đọc thông viết thạo cho HS tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà- Lào Cai). Ảnh: Đức Trí
Nỗ lực giúp HS về đích
Cô Đỗ Thị Hoàng Mai – GV Trường Tiểu học Nông nghiệp (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Phần lớn HS đều đạt ở mức hoàn thành. Chỉ có một số em (chậm phát triển, có bệnh lý) mới có môn học chưa đạt ở mức hoàn thành.
Bước vào học kỳ II với HS chưa hoàn thành, GV sẽ quan tâm đặc biệt và tăng cường những phút học riêng giúp HS đạt yêu cầu và lên lớp. Đặc biệt trong các tiết học sẽ tạo điều kiện để HS chậm phát triển bất kỳ khi nào dơ tay phát biểu cũng được gọi, được hòa mình với bạn cùng lớp. Ngoài ra, GV có thể tăng cường quan sát ánh mắt, cử chỉ để nắm bắt các em có hiểu bài không, nguyện vọng gì, từ đó hướng dẫn hỗ trợ thêm.
Với kinh nghiệm của mình, cô Đỗ Thị Hoàng Mai cũng cho rằng giải pháp bạn giúp bạn đem lại hiệu quả cao bởi HS có thể tự học và học theo nhau rất nhanh. Muốn vậy, GV xây dựng đôi bạn cùng tiến (bạn học tốt với bạn học chưa tốt), cùng hỗ trợ nhau trong học tập.
Đặc biệt, GV cần tăng cường trao đổi với phụ huynh, đưa ra biện pháp kết hợp giữa gia đình và nhà trường; Hướng dẫn phụ huynh biện pháp GV đang triển khai trên lớp để thống nhất trong quá trình hỗ trợ HS. Tránh tình trạng GV hướng dẫn một đằng, phụ huynh hướng dẫn một kiểu khiến HS tiếp thu chậm càng rối.
Đọc sách truyện giúp HS dân tộc thành thạo hơn với Tiếng Việt. Ảnh: Đức Trí
Bà Phạm Thị Tuất cho biết thêm: Với HS chưa đạt yêu cầu chung ở cuối học kỳ I, sở yêu cầu các trường, GV dựa theo thực tế, tăng cường các hình thức bồi dưỡng trên. Thậm chí, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng phải tìm giải pháp, hỗ trợ GV giúp HS đọc thông viết thạo.
Môn Tiếng Việt được đặc biệt quan tâm, chú trọng bởi HS đọc thông viết thạo mới có thể làm toán và học tốt môn học khác. Ngoài ra yêu cầu các trường, GV chủ nhiệm, cán bộ thư viện quan tâm, giúp HS đọc viết kém được đọc nhiều hơn trong các tiết đọc trên thư viện…
Theo cô Nguyễn Thị Kim Tiến – GV Trường PTDTBT Tiểu học Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai), kết thúc học kỳ I hơn 70% HS của lớp có thể đọc rõ âm, vần khó, tốc độ đọc trơn nhanh. Tuy nhiên, với HS dân tộc, khả năng đọc viết Tiếng Việt bị ảnh hưởng nhiều bởi đây là ngôn ngữ thứ 2. Do đó, muốn học tập hiệu quả nhất thiết phải giúp đỡ HS đọc thông viết thạo Tiếng Việt.
Thời gian tới, GV sẽ tăng cường hỗ trợ HS đọc viết Tiếng Việt sau giờ học và vào các buổi tự học buổi tối tại trường. Đặc biệt, GV đẩy mạnh phong trào bạn giúp bạn từ giờ học trên lớp tới giờ tự học; cùng đọc sách truyện cho nhau nghe vào giờ ra chơi hoặc tại phòng bán trú…
Chúng tôi dạy học theo đúng tinh thần phát triển năng lực của trẻ. Năm đầu tiên triển khai CT, SGK mới sẽ “mạnh dạn” trao đổi, cùng phụ huynh nhìn thẳng vào vấn đề, hãy để những HS chưa bảo đảm năng lực lên lớp 2 được học lại một năm. Không để xảy ra tình trạng HS ngồi nhầm lớp vào cuối năm học…- Cô Đỗ Thị Hoàng Mai
Không cho lên lớp khi học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức
Nhân đọc bài viết: "Hãy trả em về đúng lớp" của nhóm phóng viên trên báo SGSP (16-12-2020), tôi thấy chuyện này không có gì lạ vì đâu đó vẫn còn có tình trạng học sinh học lớp 4, 5 chưa đọc thông, viết thạo như nội dung trong bài báo đã đề cập.
Ảnh minh họa
Suy cho cùng hậu quả này một phần cũng do "bệnh thành tích" mà ra nhưng thử hỏi có bao nhiêu phần trăm giáo viên và ban giám hiệu nhà trường dám nhìn thẳng vào sự thật về hiện trạng mà vẫn ngó lơ để cho học sinh ung dung "ngồi nhầm lớp".
Tôi kể 2 câu chuyện đại khái phần nào đó hạn chế tình trạng hạn chế đáng kể bệnh thành tích trong ngành giáo dục: Một là người mẹ khi thấy con mình cuối năm sức học còn yếu nên đến trường mạnh dạn xin cho con ở lại lớp, hai là cô giáo chủ nhiệm dứt khoát cho học sinh thi lại dù điểm trung bình cả năm chỉ thiếu 0,1 điểm.
Xin thầy cho con ở lại lớp
Giữa tháng 8-2018 theo như kế hoạch của nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra lại học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học năm học 2017-2018, trong đó có em N. T. L. học sinh lớp 1. Trước khi nghỉ hè, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ôn tập lại kiến thức cho em L. để em đảm bảo có đủ chuẩn kiến thức và cho em kiểm tra lại, nhưng kết quả kiểm tra điểm bài làm của em vẫn không đủ yêu cầu xét hoàn thành chương trình lớp học để lên lớp 2 năm học 2018-2019.
Giáo viên chủ nhiệm mời mẹ em đến trường trao đổi và đưa cho mẹ em xem các bài kiểm tra lại của con mình, đồng thời nhắc gia đình trong những ngày nghỉ hè sắp xếp thời gian để kèm cặp em thêm và đầu tháng 8-2018 cô giáo sẽ tiếp tục đến nhà giúp em ôn tâp và sau đó cho em kiểm tra lại lần 2. Mẹ em đồng ý với cô giáo sức học của con mình rất là yếu, học cuối năm chỉ viết được vài con chữ đơn giản còn toán chỉ tính toán được cộng trừ trong phạm vi 5 mà thôi. Phụ huynh vui vẻ nhận lời hợp tác phối hợp cùng với cô giáo kèm cặp em Lộc cho đảm bảo đủ kiến thức để kiểm tra lại đạt kết quả tốt.
Ngày nhà trường cho học sinh kiểm tra lại không thấy phụ huynh đưa em đến trường nên trong lòng rất lo lắng, dù trước đó hai ngày cô giáo chủ nhiệm đã nhắc nhở cho biết ngày giờ cụ thể kiểm tra lại. Cô giáo chủ nhiệm đành gọi điện thoại để nhắc chị tranh thủ chở con đến trường. Nhưng rồi phụ huynh này đáp: "Mấy ngày nay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Con tôi học rất yếu, chậm hiểu bài, cô giáo có nhiệt tình ôn tập, kèm cặp và thương tình cho nó lên lớp 2. Thiệt tình tôi nghĩ nó học cũng không nổi đâu, trí óc của em còn non nớt học mười mà chưa nhớ một, em lên lớp 2 cao hơn học không vô đâu. Tôi xin cho con ở lại lớp 1 để năm học tới nó học vững, cho tốt hơn".
Lần đầu tiên trong đời dạy học và làm quản lý giáo dục, tôi mới thấy có người mẹ xin cho con của mình ở lại lớp do biết trình độ và năng lực của con mình còn hạn chế.
Thiếu có 0, 1 điểm sao không cho con tôi lên lớp
Buổi họp phụ huynh cuối năm lớp 10A9 của trường THPT X, huyện Củ Chi, TPHCM năm học 2017-2018 không khí trở nên nhộn nhịp sôi nỗi hẵn lên khi cô giáo chủ nhiệm công bố xong học lực điểm trung bình cuối năm của từng em, tên em nào được cô giáo nêu đề nghị nhà trường khen thưởng thì phụ huynh em đó mặt mày hớn hở vui vẻ. Còn em nào có học lực yếu phải ở lại, thi lại thì phụ huynh buồn ra mặt tỏ vẻ lo lắng rồi tâm sự hỏi thăm với nhau làm thế nào, có tốn kém bao nhiêu tiền cũng ráng lo cho con được lên lớp.
Còn về phía cô giáo chủ nhiệm phải cố gắng giải thích cho phụ huynh hiểu rõ thêm mấy câu hỏi khó, đại loại có phụ huynh hỏi: Cuối năm con tôi điểm trung bình chỉ thiếu 0,1 điểm, sao cô giáo chủ nhiệm không vớt cho nó lên lớp luôn mà phải cho nó thi lại chi cho cực cho em đến trường ôn tập hè.
Cô giáo chủ nhiệm trả lời với phụ huynh: Các trường hợp học sinh thi lại, nhà trường làm đúng theo điều lệ và công văn hướng dẫn của cấp trên, dù có trường hợp điểm trung bình cuối năm chỉ thiếu 0,1. Mong phụ huynh đôn đốc và theo dõi con em mình ôn tập cho thật tốt.
Sau buổi họp các phụ huynh bắt đầu tìm kiếm, hỏi thăm nhà riêng giáo viên phụ trách các môn con mình phải thi lại để ghi danh cho con được ôn tập với hy vọng con mình đến học nhà thầy cô thế nào thầy cô cũng chỉ đúng bài học, ôn sát đề cương, đúng trọng tâm đề thi và sau thời gian học thêm để thi lại chắc chắn con mình đủ điểm lên lớp.
Phụ huynh hy vọng là như vậy nhưng có điều phụ huynh cần nghĩ lại trong năm học con mình còn yếu do chưa hoặc không nắm vững, không đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu bắt buộc của các môn học nên theo quy chế nhà trường phổ thông học sinh đó phải ở lại hoặc thi lại, còn bây giờ bắt các em học thêm hè để nhồi nhét kiến thức cũng không mấy tác dụng vì sức tiếp thu con mình có giới hạn và thử hỏi trong một tháng các em học được gì và chuyện học thêm mong cho con mình đủ kiến thức thi lại, đủ điểm lên lớp chỉ tốn công sức của con và tiền bạc của phụ huynh mà thôi.
Thà là phụ huynh chấp nhận sự thật con mình ở lại lớp và để mấy ngày hè con mình được nghỉ ngơi thoải mái tinh thần, sang năm cha mẹ sẽ có kế hoạch dành thời gian theo dõi giúp đỡ con mình học một cách có căn bản để đạt yêu cầu cuối năm đàng hoàng đạt yêu cầu lên lớp.
Học sinh sẽ được lưu ban 3 lần trong một cấp học Một trong những điểm mới của Thông tư 32 ban hành Điều lệ HS THCS, THPT vừa được Bộ GD&ĐT ban hành là học sinh được lưu ban không quá 3 lần trong một cấp học thay vì 2 lần như qui định trước đây. Học sinh sẽ được lưu ban 3 lần trong một cấp học theo qui định của Thông tư...