Không đảm bảo chất lượng, vẫn tự chủ tuyển sinh
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 2 điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH là đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hiện có trường ĐH không đảm bảo các tiêu chí này nhưng vẫn được tuyển sinh, thậm chí còn được tự chủ tuyển sinh.
Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị không đủ điều kiện cơ sở vật chất của trường ĐH nên UBND TP.Hà Nội kiến nghị Bộ đình chỉ hoạt động nhưng năm nay trường này vẫn được tự chủ tuyển sinh – Ảnh: Ngọc Thắng
Thiếu giảng viên
Năm 2014, Trường ĐH Chu Văn An được Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ tuyển sinh, tuyển 900 chỉ tiêu đào tạo ĐH và CĐ. Trong khi đó điều kiện thực tế của trường lại chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Trường này không đáp ứng được tiêu chí giảng viên. Tại đề án tuyển sinh riêng, trường vẫn liệt kê một đội ngũ giáo viên hùng hậu với 101 người trong đó có 5 giáo sư, 11 phó giáo sư, 22 tiến sĩ. Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, trong danh sách giảng viên cơ hữu, trường này chỉ có vài người là tiến sĩ, một phó giáo sư. Vào tháng 3.2014, trường chỉ có chưa tới 20 giảng viên cơ hữu do năm 2012 và 2013 trường này đã thực hiện giảm biên chế và ép nhiều người nghỉ việc.
Nhiều giáo sư, tiến sĩ và giảng viên chính được nêu tên trong đề án tuyển sinh riêng chỉ là những giáo viên thỉnh giảng, trong đó nhiều người đã nghỉ từ lâu nhưng vẫn còn được nêu tên như: Giáo sư Đỗ Hoàng Toàn, tiến sĩ Dương Xuân Thành, giảng viên chính Nguyễn Tô Thành, giảng viên chính Đỗ Văn Công…
Ngoài ra, từ tháng 4.2012 đến nay trường không có hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách đào tạo và cả trưởng phòng đào tạo. Vậy nhưng Bộ vẫn cho trường này triển khai đề án tuyển sinh riêng.
Không đảm bảo cơ sở vật chất, vi phạm tuyển sinh
Video đang HOT
Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà vi phạm về tuyển sinh bị đề nghị dừng hoạt động nhưng năm nay vẫn được Bộ cho tự chủ tuyển sinh.
Cuối năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP.Hà Nội đã rà soát và kiểm tra hoạt động của các cơ sở đào tạo trên địa bàn, phát hiện Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà không có trụ sở ở Hà Nội nhưng vẫn tuyển sinh trong nhiều năm liền. Đoàn kiểm tra đã kiến nghị với Bộ cho trường này dừng hoạt động. Vậy nhưng năm nay trường vẫn công bố hoạt động tại cơ sở vi phạm và còn được tự chủ tuyển sinh với 650 chỉ tiêu.
Tại đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị không đủ điều kiện hoạt động. Thời điểm đó Báo Thanh Niên đã có bài phản ảnh về thực trạng của trường này với bài viết: Trường đại học không có trường, không có hiệu trưởng. Trường thành lập từ 2007 nhưng đến nay chưa có cơ sở vật chất ổn định, di chuyển nhiều địa điểm. Cơ sở vật chất của trường đang thuê ở một tòa nhà rộng chừng 400 m2, không có khuôn viên, không đảm bảo môi trường sư phạm. Trường cũng không có hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo. Đội ngũ giảng viên cơ hữu chỉ có 7 người. Trường đã liên tiếp vi phạm trong tuyển sinh từ năm 2009 – 2011 vì cho thí sinh có giấy báo điểm giả vào học. Đoàn kiểm tra đã đánh giá thực trạng của trường không tương xứng với yêu cầu của một trường ĐH và kiến nghị Bộ cho đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, đến nay trường chưa hề bị xử lý mà vẫn được tuyển sinh 400 chỉ tiêu.
Không có hiệu trưởng
Trường ĐH Hà Hoa Tiên đã hơn 3 năm liên tiếp không có hiệu trưởng và hiện cũng không có trưởng phòng đào tạo nhưng năm nay vẫn được tuyển 800 chỉ tiêu. Đáng nói là điều này đã diễn ra nhiều năm liền nhưng Bộ vẫn để trường hoạt động bình thường. Điều này sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người học. Như sinh viên tốt nghiệp sẽ không thể được cấp bằng khi trường không có hiệu trưởng. Theo quy định về việc quản lý văn bằng chứng chỉ hiện hành thì chỉ hiệu trưởng trường ĐH mới có quyền cấp bằng tốt nghiệp, nếu hiệu phó thực hiện thì cùng phải có sự ủy quyền của hiệu trưởng. Như vậy, ai sẽ là người cấp bằng cho sinh viên và nếu những trường không có hiệu trưởng vẫn cấp bằng tốt nghiệp cho người học thì văn bằng đó có giá trị hay không?
Ý kiến:
Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ngay cả khi đã tuyển sinh
Chiều ngày 18.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết theo quy định hiện hành, những trường ngoài công lập do các địa phương quản lý nên nếu có sai phạm thì các địa phương phải thanh tra, báo cáo với Bộ thì Bộ mới có hướng xử lý. “Nếu phát hiện trường nào không đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ bị dừng tuyển sinh theo quy định hiện hành. Bộ sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ngay cả khi đã tuyển sinh. Tuy nhiên việc xử lý vẫn phải đúng quy trình và phải có đề xuất của UBND nơi trường đóng”, ông Ga khẳng định.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT giải thích về việc tại sao những trường như ĐH: Quốc tế Bắc Hà, Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã bị đoàn thanh tra liên ngành của UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ tạm dừng hoạt động nhưng vẫn được tuyển sinh. Ông Bằng cho biết: “UBND TP.Hà Nội đã tiến hành thanh tra Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ chưa nhận được kết luận thanh tra và đề xuất của UBND TP.Hà Nội về trường này. Đối với Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà thì Bộ đã nhận được báo cáo kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội và văn bản của UBND TP.Hà Nội đồng ý với đề nghị của Sở GD-ĐT về việc trường này xây dựng phân hiệu tại Hà Nội mà không thấy đề nghị xử lý sai phạm”.
Theo TNO
Cách hiểu tai hại về tự chủ tuyển sinh
Dư luận xã hội chưa quên câu chuyện tuyển dụng của Intel khi tập đoàn này kiểm tra đầu vào 2.000 sinh viên ngành CNTT và chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ dự tuyển. Đây là kết quả tệ nhất mà tập đoàn này gặp phải trong các nước đã đầu tư. Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cần đổi mới đội ngũ giảng viên, chất lượng đầu vào hay đổi mới tuyển sinh?
Bên cạnh những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng như: đội ngũ giảng viên, môi trường đào tạo, nguồn lực..., đầu vào là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sinh viên.
"Khi quyền tự chủ đại học đang được nói tới như là cứu cánh thì có một cách hiểu nguy hiểm là: "Tự chủ là tôi tự tuyển sinh". Đó là ý kiến của GS-TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQG HN, nay là Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng ĐHQG HN. Phóng viên báo Tiền Phong trao đổi với ông về hướng thay đổi tuyển sinh hiện nay. Theo ông Nhuận, chất lượng đầu vào quan trọng vì tuyển sinh phải tìm được người có năng lực nhất chứ không phải tuyển người học thuộc kiến thức.
Kỳ thi đại học 2013. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chúng ta vẫn loay hoay tìm phương án thi đầu vào, quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Phải thay đổi cơ bản nhận thức về thi tuyển sinh: Đánh giá đúng và chọn đúng người có năng lực phù hợp với các ngành học, bậc học tương ứng. Đó mới là cái lõi của đổi mới thi cử. Hai là, phải có bộ công cụ đánh giá năng lực phù hợp với tâm sinh lý, văn hóa, năng lực người Việt. Ba là, phải có hệ thống tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực tự chịu trách nhiệm trước xã hội để tổ chức đánh giá khoa học, công bằng, khách quan và độc lập. Bốn là các cơ sở đào tạo phải có được quyền tự chủ tối cao trong việc ra chính sách tuyển sinh.
Bộ đang triển khai để các trường tự chủ tuyển sinh và sắp tới, nhiều trường sẽ tổ chức thi tuyển sinh riêng. Ông nghĩ sao về điều này?
Đó là sự nhầm lẫn tai hại. Trường nào cũng thi tuyển sinh, và nếu không có năng lực để ra đề thi và tổ chức thi thì quyết định tự làm sẽ rối loạn hơn. Thử hình dung, một trường không có đội ngũ giỏi về khoa học cơ bản, nếu tổ chức thi thì sẽ không có độ tin cậy và hậu quả sẽ là khôn lường.
Hay có trường vì muốn tuyển sinh được nhiều mà ra đề cực dễ, thì loạn ngay. Ở Mỹ, không trường nào tổ chức thi và chấm thi, họ chỉ quyết định chính sách tuyển sinh cho trường mình. Tự chủ không có nghĩa tự làm tất cả mà quyết định phương thức và cách làm. Nội hàm của tự chủ là quyết định phương thức tuyển, người trúng tuyển.
Vậy điều chúng ta cần làm bây giờ là gì?
Thành lập một số trung tâm khảo thí chuyên nghiệp có đủ năng lực tự chịu trách nhiệm cao trước xã hội để tổ chức thi kiểm tra năng lực. Trên cơ sở đó các trường đưa ra chính sách tuyển sinh phù hợp với các ngành nghề đào tạo và các bậc học.
Cảm ơn ông.
Theo TTVN
Lại kiến nghị tự chủ tuyển sinh Dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2014 - 2016 của Bộ GD-ĐT đồng ý cho các trường tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại kiến nghị đòi các quyền tự chủ nhiều hơn. Hội thảo diễn ra chiều 9.1. Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công...