Không còn ai học, trường trung cấp về đâu?
Không tuyển sinh được, hàng loạt trường trung cấp rơi vào cảnh sống dở chết dở, đối mặt với nguy cơ giải thể
TS Lê Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Trung cấp Đại Việt TP HCM, cho biết mặc dù rất tích cực truyền thông, quảng bá nhưng trường vẫn không có thí sinh nào đăng ký học. Thực tế này đưa trường rơi vào thế khó là không có nguồn thu để duy trì hoạt động.
Hoạt động cầm chừng
Theo TS Lê Lâm, Trường Trung cấp Đại Việt TP HCM có một thời ăn nên làm ra khi mỗi năm tuyển được từ 5.000 đến 7.000 học sinh. Song, thời hoàng kim đó đã xa khi kết quả tuyển sinh qua mỗi năm đều suy giảm, đến lúc không tuyển được học sinh nào. Trước đây, giáo dục mầm non và trung cấp y là 2 ngành tuyển sinh rất tốt nhưng từ khi có chính sách không tuyển lao động tốt nghiệp bậc trung cấp thì không ai học nữa.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, cho biết số thí sinh đăng ký xét tuyển online đạt khoảng 60% so với chỉ tiêu, tức khoảng vài trăm người. Thực tế, trường chưa biết được kết quả tuyển sinh năm nay vì không dạy online, còn dạy học tập trung thì không tổ chức được do ảnh hưởng dịch bệnh. Phương thức dạy online về cơ bản là không phù hợp với giáo dục nghề nghiệp khi số tiết thực hành chiếm tới 70%. Chưa kể, nhiều em không có máy tính để học online.
Học sinh một trường trung cấp tại TP HCM khi còn học trực tiếp trước đây
Đại diện một trường trung cấp tại TP HCM cho hay trước đây, mỗi năm trường tuyển 2.000 học sinh là chuyện đơn giản nhưng 3 năm trở lại đây tuyển sinh rất khó. Năm nay, trường tuyển được hơn 10 học sinh nhưng lại không cùng ngành nên không tổ chức lớp được. “Trường đang hoạt động cầm chừng để mong chờ chính sách thay đổi” – vị này lo lắng.
Video đang HOT
Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, các trường trung cấp tuyển sinh rất khó khăn, trong đó nhiều trường không tuyển được. Thực tế này có phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh ở các tỉnh không thể, thậm chí lo lắng khi trở lại TP HCM học tập.
Nguy cơ xóa sổ trường trung cấp
TS Lê Lâm cho biết trước đây, học sinh tốt nghiệp THPT chiếm phần không nhỏ của các trường trung cấp. Thế nhưng, đối tượng này tuyệt nhiên biến mất trong những năm gần đây.
Vì thế, các trường trung cấp chỉ còn trông chờ vào học sinh tốt nghiệp THCS nhưng nguồn này không nhiều. Đã thế, 1-2 năm nay, các trường CĐ lại được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ 9 .
“Tốt nghiệp THCS học 2 năm để lấy bằng trung cấp hoặc học 3 năm để lấy bằng CĐ thì đương nhiên nhiều em sẽ chọn học CĐ” – TS Lê Lâm giải thích.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐ-TB-XH, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy đã phát triển nhưng còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị… Bên cạnh đó, quy mô tuyển sinh của các trường không đạt mục tiêu quy hoạch do tuyển sinh khó khăn, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm hơn 80%), trong khi trình độ trung cấp, CĐ chỉ chiếm khoảng 20%.
Dự thảo phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất cho thấy trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ. Theo nội dung dự thảo đặt ra, đến năm 2030, giảm 20% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, giảm 100% số trường trung cấp so với năm 2020, phát triển cơ sở ngoài công lập lên 45%. Để thực hiện chỉ tiêu này, phải sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường CĐ hoặc giải thể nếu hoạt động không hiệu quả.
Không chỉ xóa sổ trường trung cấp công lập, đại diện nhiều trường trung cấp ngoài công lập tại TP HCM dự báo trong 1 – 2 năm tới, hàng loạt trường trung cấp ngoài công lập sẽ phải giải thể vì không thể duy trì trong tình trạng không có người học, không có nguồn thu.
Cần thống nhất một cơ quan quản lý
Hiệu trưởng một trường trung cấp cho rằng thị trường lao động luôn có chỗ cho những người có trình độ đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo đang bị chia tách nên mạnh ai nấy làm, không có chính sách chung để phát triển hệ thống đào tạo.
Theo vị hiệu trưởng này, trong hệ thống giáo dục quốc dân, nên có sự thống nhất một cơ quan quản lý từ thấp lên cao, chứ không nên chia tách như hiện nay.
Cao đẳng gặp khó vì hết nguồn tuyển
Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng năm nay tuyển 4.500 chỉ tiêu theo 3 phương thức xét tuyển là xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức.
Ngày 8-9, khi các trường ĐH chưa công bố điểm chuẩn thì trường đã đóng sổ tuyển sinh với điểm chuẩn vào một số ngành khá cao.
Hay Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại đã hoàn thành kế hoạch tuyển sinh năm 2021 từ cuối tháng 8 để tổ chức đào tạo từ đầu tháng 9.
Đó là những trường công lập có thương hiệu mạnh, được đầu tư lớn, mức thu học phí thấp nên không khó tuyển sinh, thậm chí chất lượng đầu vào xét theo điểm số còn hơn cả nhiều trường ĐH.
Nhưng những trường CĐ tuyển sinh tốt như trên là không nhiều, phần lớn trường đến thời điểm này mới tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu.
TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trường mới tuyển được 50% chỉ tiêu, ít hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cao điểm tuyển sinh đã qua, lượng hồ sơ nhập học theo thời gian cứ giảm dần.
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn trong giờ thực hành
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP HCM, năm nay trường chỉ tuyển tốt ở hệ 9 (đối tượng tuyển là thí sinh tốt nghiệp THCS) với gần 90% chỉ tiêu, còn hệ CĐ tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT chỉ đạt 50%.
Ông Lý cho rằng các trường CĐ đang chịu tác động kép do dịch bệnh khiến tình hình kinh tế khó khăn và các trường ĐH dùng nhiều cách thu hút, chỉ tiêu ngày càng nhiều, điều kiện tuyển sinh ngày càng dễ, nên gần như trường đã không còn nguồn tuyển.
"Mọi năm, tháng 10 trường đã kết thúc tuyển sinh nhưng năm nay sẽ kéo dài thời gian đến cuối năm dù biết không còn nhiều thí sinh" - ông Lý thông tin.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP HCM cho biết năm nay trường có chỉ tiêu 700 nhưng mới tuyển được hơn 100. Khó khăn trong tuyển sinh bắt đầu từ khi CĐ, trung cấp về giáo dục nghề nghiệp, càng về những năm sau này tuyển sinh càng đuối.
TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết các trường CĐ tại TP HCM gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Đợt dịch lần thứ 4 kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến các gia đình có thu nhập trung bình, hộ nghèo - đối tượng chính của bậc trung cấp và CĐ. Với các trường CĐ tại TP HCM, nguồn tuyển chủ yếu dựa vào học sinh các tỉnh nhưng dịch bệnh khiến tâm lý sợ dịch làm cho nhiều gia đình không an tâm cho con em mình học tập ở TP HCM, mà rẽ hướng sang học ở cơ sở giáo dục gần nhà.
Ông Đặng Minh Sự, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, đánh giá 2021 là năm rất khó khăn của khối giáo dục nghề nghiệp tại TP HCM. Dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài khiến học sinh ở tỉnh không sẵn sàng đến TP HCM để học tập. Thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều nên khó có hy vọng các trường sẽ cải thiện được kết quả tuyển sinh.
Trường nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp (gọi chung là trường nghề) tại thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu năm học 2021-2022 bằng hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện hầu hết các trường nghề chưa tuyển đủ chỉ tiêu và gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nguyên nhân là do đời sống của nhiều gia đình gặp khó...