Không có đứa trẻ nào “sinh ra ở vạch đích”
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thường nghe thấy những lời nhận xét về ai đó đã “ sinh ra ở vạch đích”.
Câu nói này hàm ý rằng nhân vật đó ngay từ khi sinh ra đã có đầy đủ mọi thứ là đích đến của cuộc đời con người, thứ mà những người khác phải phấn đấu, vật lộn, xoay xở kiếm tìm mới có được.
Vậy thì cái “vạch đích” mà người nói câu trên muốn đề cập là gì?
Có lẽ nó là những gì có thể nhìn thấy, sờ thấy, lượng giá được như nhà, xe, tiền bạc… Về cơ bản, người nói muốn chỉ những người sinh ra trong gia đình có nhà cửa đầy đủ tiện nghi, có tài sản lớn, thu nhập dồi dào, cuộc sống vật chất thoát khỏi bóng ma cơm áo gạo tiền và có thể vào học ở những trường danh tiếng có học phí cao ngất ngưởng mà đại đa số trẻ khác không thể vào học được.
Tư duy này được nhiều người gật gù tán đồng, nhưng thật sự thì mục đích của cuộc đời có phải là giống hệt nhau cho tất cả mọi cá nhân với những tiêu chí cụ thể vạch ra ở trên không? Hạnh phúc và giá trị của cá nhân có phải luôn trùng khớp với những “vạch đích” đó?
“Sinh ra ở vạch đích” như trên là ưu thế tuyệt đối hay nó cũng đem lại những bất lợi khác? Nếu suy nghĩ kỹ về điều đó và phân tích, ta sẽ đọc hiểu, giải mã được rất nhiều điều về giáo dục đương đại và quan niệm của người dân đối với giáo dục.
“Vạch đích” của trẻ em Việt Nam không lung linh như người ta tưởng
Nếu như đích đến của cuộc đời con người không giản đơn là kiếm tìm và tích lũy vật chất để hưởng thụ, thì hoàn cảnh xuất phát của trẻ em cho dù đảm bảo các điều kiện vật chất trên cũng không mang tính chất lý tưởng như nhiều người nghĩ. Môi trường, điều kiện tốt cho sự phát triển của trẻ không phải chỉ có vật chất. Quan trọng không kém là môi trường văn hóa.
Những yếu tố thuộc về môi trường văn hóa rất rộng nên ở đây ta chỉ giới hạn xem xét nó ở góc độ văn hóa đọc. Sẽ rất thú vị nếu như Việt Nam làm một cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc xem có bao nhiêu phần trăm gia đình có tủ sách trong nhà, bao nhiêu cha mẹ đọc sách cho con 0-6 tuổi nghe. Trong đó lại điều tra phân theo tầng bậc thu nhập…
Ở Việt Nam hiện tại, các số liệu như vậy rất khó kiếm và gần như không tồn tại. Tuy nhiên, bằng điều tra thực tế trong phạm vi nhỏ, bằng quan sát và trải nghiệm ta sẽ nhận thấy có một sự không tương đồng, tương xứng khá lớn giữa điều kiện kinh tế và môi trường văn hóa.
Trong rất nhiều ngôi nhà lớn, cao tầng, nguy nga hoàn toàn không có bóng dáng của tủ sách. Thói quen đọc sách trong các gia đình có điều kiện kinh tế này cũng không có. Bởi vậy trẻ nhỏ trong gia đình không được tắm mình trong không gian văn hóa từ nhỏ. Đấy không phải là “vạch đích” mà là một sự thiệt thòi lớn. Bởi vì văn hóa đọc là nền tảng rất cơ bản để phát triển cá nhân toàn diện về mọi mặt và tạo nên năng lực học suốt đời.
Video đang HOT
Trẻ Nhật Bản được khuyến khích đọc sách từ lúc còn rất nhỏ. Ảnh: TL
Để dễ hình dung, ta có thể so sánh với Nhật Bản. Kết quả cuộc điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản có tên “Điều tra về xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em” năm 2017 cho thấy ở tiểu học, tỉ lệ học sinh Nhật Bản không đọc sách là 10% (tức là trong một tháng không đọc cuốn sách nào).
Thói quen đọc sách ở học sinh tiểu học là kết quả trực tiếp của việc tồn tại tủ sách gia đình, thói quen đọc sách trong gia đình và đưa con đến thư viện của cha mẹ. Trong cuốn Nơi chỉ người đọc sách có thể đến (SB Shinsho, 2019), giáo sư Saito Takashi đã dẫn ra một số liệu nói rằng có những trẻ em Nhật Bản trước khi vào tiểu học đã đọc và được cha mẹ, thầy cô đọc cho nghe đến 1.000 cuốn sách các loại.
Như vậy, so sánh với tình hình thực tế ở Việt Nam, ta sẽ thấy “vạch đích” của Nhật Bản ghê gớm hơn nhiều và chúng ta sẽ phải phấn đấu cật lực cho điều đó.
Những cách thức khuyến đọc của Nhật Bản
Trẻ em ở Nhật Bản có nhiều cơ hội để hưởng thụ văn hóa đọc và hình thành thói quen đọc sách ở gia đình, trường học, xã hội. Đây là kết quả cố gắng của nhà nước cũng như người dân Nhật trong thời gian dài, với chiến lược cụ thể kể từ thời cận đại và kế thừa truyền thống ham đọc sách trước đó của người Nhật. Ở phương diện quốc gia, nước Nhật có các bộ luật tạo ra hành lang pháp lý và thúc đẩy khuyến đọc như: Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em, Luật Chấn hưng văn hóa đọc, Luật Thư viện trường học, Luật Thư viện…
Định kỳ 4-5 năm nước Nhật lại có chiến lược quốc gia về văn hóa đọc và dựa theo đó các địa phương sẽ có chính sách cơ bản cho địa phương mình.
Ở cấp quốc gia, Nhật Bản có một hoạt động khuyến đọc rất hay, có hiệu quả, kết hợp “nhà nước và nhân dân cùng làm” là chương trình Book-Start.
Book-Start hiểu đơn giản là hoạt động tặng sách tranh (ehon) cho trẻ em 0 tuổi và cho trẻ em trải nghiệm đồng thời hoạt động đọc sách tranh khi nhận quà. Đối tượng là tất cả trẻ em sinh ra ở Nhật Bản, tuy nhiên cách thức tiến hành và danh sách các sách được tặng thì thay đổi tùy theo địa phương. Nguồn lực tài chính đến từ nhà nước nhưng nhà nước ủy thác cho tổ chức NPO (Tổ chức phi lợi nhuận) thực hiện.
Nguồn gốc của phong trào bắt đầu từ nước Anh năm 1992 với khẩu hiệu “Share books with your baby” (Hãy chia sẻ sách với con bạn). Năm 2001, nó được du nhập vào Nhật Bản, khởi đầu từ Tokyo và nhanh chóng gây được ảnh hưởng lớn.
Bản thân con trai tôi sinh ra ở Nhật khi đi khám sức khỏe định kỳ lúc 3 tháng tuổi cũng được Book-Start tặng một cuốn sách tranh (ehon), và vợ chồng tôi được hướng dẫn cách đọc sách cho con. Đó là một cơ duyên, một dấu mốc quan trọng để con tôi trở thành một đứa trẻ ham thích đọc sách và tôi quan tâm đặc biệt tới văn hóa đọc, biến khuyến đọc thành công việc thường ngày của mình.
Trẻ em Việt Nam đã và đang chịu nhiều thiệt thòi vì không có môi trường để hình thành thói quen đọc sách. Khi tuổi thơ không được trải nghiệm sự tuyệt vời của sách, cá nhân lớn lên sẽ trở thành những người phủ nhận sức mạnh và giá trị của văn hóa đọc hoặc ít nhất cũng thờ ơ với nó.
Chúng ta có thể làm gì để trẻ có môi trường đọc sách?
Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển văn hóa đọc, tạo ra nền tảng, động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Trẻ em Việt Nam đã và đang chịu nhiều thiệt thòi vì không có môi trường để hình thành thói quen đọc sách và cơ hội thưởng thức văn hóa đọc ngay từ khi 0 tuổi. Khi tuổi thơ không được trải nghiệm sự tuyệt vời của sách, cá nhân lớn lên sẽ trở thành những người phủ nhận sức mạnh và giá trị của văn hóa đọc hoặc ít nhất cũng thờ ơ với nó.
Trẻ chăm chú đọc sách trên buýt sách đặt tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). Ảnh: Trung Dũng
Trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, xã hội bắt đầu có sự chuyển mình về nhận thức đối với văn hóa đọc và thực tế các biện pháp khuyến đọc đã được tiến hành ở cả khối dân sự và nhà nước. Trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục tiến hành cả các biện pháp ở cấp vĩ mô như hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chiến lược khuyến đọc, hoàn thiện và mở rộng mạng lưới thư viện công, hỗ trợ các hoạt động khuyến đọc dân sự.
Ngoài ra, trong cuộc sống thường ngày, người dân, các đoàn thể có thể tiến hành nhiều hoạt động phong phú để khuyến đọc và giúp trẻ em có xuất phát điểm tốt như: mừng tuổi sách cho trẻ em; xây dựng tủ sách, thư viện trong chính các gia đình; kết hợp tốt giữa khuyến học và khuyến đọc; các công ty, cơ quan, tổ chức xây dựng thư viện phục vụ cho nhân viên của mình; tặng quà là sách cho trẻ em vào các dịp lễ như Trung thu, ngày 1.6, sinh nhật…; tặng quà bằng sách cho các bà mẹ sinh con, cho các em bé mới chào đời ở bệnh viện, phòng khám gia đình (cách thức tiến hành của Book – Start ở Nhật Bản là một tham khảo hữu ích); hoàn thiện và làm cho các thư viện trường học hoạt động thực chất, có hiệu quả; tổ chức các câu lạc bộ đọc sách ở trường học, khu dân cư; bố mẹ, ông bà đọc sách cho con nghe khi con chưa biết đọc (0-6 tuổi); phổ cập việc đọc sách cho trẻ em ở các nhà trẻ, trường mầm non.
Bằng sự hợp tác, phối hợp của nhiều tổ chức, đoàn thể và tiến hành phong phú các hoạt động nói trên, trẻ em sẽ thực sự có được môi trường tốt để phát triển và hoàn thiện bản thân, từ đó có cuộc sống hạnh phúc và chiếm lĩnh những đỉnh cao trong văn chương, nghệ thuật, khoa học, nghề nghiệp…
Đồng thời, bằng cách xây dựng môi trường văn hóa như trên cho trẻ em, người lớn sẽ dần dần thay đổi nhận thức để thấy rằng không có trẻ em nào, cho dù có may mắn đến đâu, “sinh ra ở vạch đích”, mà tất cả sẽ vẫn là ở phía trước.
Đại học Văn hóa Hà Nội phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021
Sáng 31/3, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021.
Đến dự buổi lễ có ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); ông Nguyễn Quốc Vương- Nhà nghiên cứu văn hóa; Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 Đặng Phương Nam. Về phía Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có TS. Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng, các thầy cô giáo và đông đảo sinh viên trong Nhà trường.
TS. Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh: "Tại các trường đại học trên thế giới cũng như ở Việt Nam, quá trình tự học rất được đề cao. Ngoài giờ học trên giảng đường thì giờ học trên thư viện với những cuốn sách chứa đựng tri thức của cả nhân loại sẽ giúp cho việc học tập trở nên hiệu quả hơn. Và ngay tại ngôi trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trung tâm Thông tin thư viện với nguồn thông tin đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại sẽ hỗ trợ các bạn sinh viên tiếp cận những tri thức ấy.
Cuộc chuyển đổi số đã mang lại nguồn thông tin khổng lồ, gây bối rối cho những người dùng khi tiếp cận với những thông tin đang được chia sẻ thông qua mạng internet, trong đó có cả những thông tin tốt và những thông tin độc hại. Chính lúc này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan thư viện của cả nước nói chung và Trung tâm Thông tin thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng.
Trung tâm Thông tin thư viện phải là đầu mối phát triển văn hóa đọc, chuyển đổi số mạnh mẽ, sàng lọc và cung cấp cho người dùng những thông tin sạch nhất, hữu ích nhất thông qua các tài liệu sách truyền thống cũng như các nguồn thông tin tài liệu uy tín khác. Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin thư viện của trường đang được đầu tư và kỳ vọng sẽ là nơi lan tỏa những tri thức bổ ích đến với thầy cô và sinh viên trong toàn trường".
Các đại biểu ấn nút phát động Cuộc thi.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu niên nhi đồng, từ đó thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên, khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Chia sẻ thêm về Cuộc thi, Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng cho biết: Sau 2 năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Cuộc thi đã thu hút hàng triệu lượt học sinh, sinh viên trên toàn quốc tham gia.
Năm 2021, sau hơn 1 tháng triển khai, đã có Bộ Công an, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 55 tỉnh/thành phố và gần 20 trường đại học, học viện tham gia tổ chức vòng sơ khảo cuộc thi. Điều đó chứng tỏ, văn hóa đọc vẫn đang được nuôi dưỡng, lan tỏa và phát triển rộng khắp trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các em học sinh, sinh viên, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng.
Vụ trưởng cũng mong rằng sau Lễ phát động này, các em sinh viên của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ phát huy niềm đam mê đọc sách, tích cực nghiên cứu thể lệ cuộc thi, chia sẻ những cuốn sách hay, những phương pháp đọc sách hiệu quả, các kế hoạch, biện pháp khuyến khích mọi người đọc sách để truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu đọc sách, văn hóa đọc trong xã hội và giới trẻ.
Cũng trong khuôn khổ Lễ phát động đã diễn ra Tọa đàm "Đọc sách: Vai trò, ý nghĩa và phương pháp". Thông qua đó, giúp các bạn sinh viên hiểu thêm về những lợi ích của việc đọc sách; đồng thời có thêm nhiều kiến thức bổ ích và kinh nghiệm trong việc lựa chọn sách để có thể lĩnh hội được tri thức một cách hiệu quả nhất, góp phần bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh.
Dự án phát triển văn hóa đọc bằng tiếng Anh cho giới trẻ Ngay sau khi trở về từ nước Anh, Trần Việt An (26 tuổi), giảng viên Học viện Ngân hàng nhanh chóng xây dựng dự án giúp các bạn trẻ Việt Nam đến với văn hóa đọc sách bằng tiếng Anh. Dự án đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ trên cả nước. Lan tỏa hành động đọc sách...