‘Không cần thiết thì không thay bản dịch Nam Quốc Sơn Hà’
Trả lời chất vấn Quốc hội chiều 16/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, lần làm sách này, nếu thấy không cần thiết, sẽ không thay đổi bản dịch bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”.
Trước khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cám ơn các đại biểu đã gửi lời chúc mừng tới thầy, cô giáo nhân ngày 20/11.
Thiếu cả thầy lẫn thợ, chỉ thừa người kém
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về thừa thầy thiếu thợ, ông Luận cho biết, việc thành lập các trường đại học và phát triển với quy mô nóng bắt nguồn từ thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ ban hành năm 2005, trong đó nêu chỉ tiêu phấn đấu đến 2020 đạt 450 sinh viên trên một vạn dân.
Trong quá trình chỉ đạo, Chính phủ và Bộ GĐ&ĐT phát hiện vấn đề thừa thầy thiếu thợ và đã điều chỉnh sự mất cân đối này. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37, điều chỉnh chỉ tiêu từ 450 sinh viên còn 256 sinh viên trên một vạn dân. Bộ GD&ĐT đã và đang quy hoạch lại mạng lưới, nâng cấp các trường cao đẳng, giảm việc thành lập trường đại học mới.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục thanh, kiểm tra các hoạt động đào tạo, đóng cửa và không cho mở những trường, ngành không đáp ứng yêu cầu; điều chỉnh quy mô đào tạo tại chức, chấm dứt đào tạo từ xa đối với lĩnh vực sư phạm; điều chỉnh chấm dứt đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với các khu vực không phải trụ sở chính của nhà trường.
Bộ cũng thêm chỉ tiêu số lượng sinh viên trên giảng viên, tăng cường bổ sung, nâng cao chất lượng. Chỉ tiêu m2 xây dựng để phục vụ, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Với hai chỉ tiêu trên, tình hình tuyển dụng mới và nâng cao chất lượng thầy cô giáo đã nâng lên rõ rệt. Số lượng nhà trường đi thuê cơ sở vật chất chật chội giảm. Nhiều trường mua đất, xây dựng công trình kiến trúc, mua sắm trang thiết bị …
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, không phải ngành giáo dục thừa mà đang thiếu thầy tại các trường đại học. “Chúng ta thiếu cả thầy và thợ tốt, chỉ thừa những người kém”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Bộ trưởng GD&ĐT trả lời chất vấn chiều 16/11.
Không coi nhẹ môn Lịch sử
Trước câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) về việc tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục mới, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, môn Lịch sử không bị xem nhẹ, thậm chí còn được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.
Ông Luận cho biết, hiện học sinh THPT học 1,5 tiết Lịch sử một tuần. Trong dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội học 2,5 tiết một tuần. Học sinh phân ban khoa học xã hội học 4 tiết một tuần, tất cả đều bắt buộc. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức Lịch sử tăng lên.
Giải thích vì sao lại đưa môn Lịch sử vào Giáo dục Công dân và Tổ quốc, Bộ trưởng Luận cho rằng, đây là chủ chương tích hợp. Luật Giáo dục Quốc phòng có phần giảng dạy về Lịch sử dựng nước và giữ nước nên đã đưa vào phần Giáo dục Công dân để tránh trùng lắp. Dự thảo cũng đưa môn Lịch sử lồng ghép vào các môn học khác như Văn học, Địa lý, Âm nhạc, Thẩm mỹ…
Video đang HOT
Từ đó, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, Dự thảo đang lấy ý kiến nhân dân không làm giảm vị thế môn Lịch sử. Vấn đề cần thảo luận là để môn học này riêng hay gắn với các môn học khác.
Về bản dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà,ông Luận cho biết, văn bản này xuất hiện trong sách giáo khoa từ năm 2003. Theo ý kiến cá nhân của ông, lần làm sách này, nếu thấy không cần thiết và hiệu quả thấp, thì không cần thay đổi.
“Chưa yên lòng dân”
Tại phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 gây nhiều áp lực và tốn kém tiền của, công sức của người dân. Bộ GD&ĐT có văn bản báo cáo không có số, không người ký, chỉ đóng dấu treo gửi các đại biểu Quốc hội và cho rằng kỳ thi vừa qua là thành công. Đề nghị Bộ cho biết tính pháp lý của văn bản này?”. Đồng thời, cử tri đề nghị nên xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Bộ trưởng GD&ĐT đã xin lỗi về sơ suất trong quá trình gửi văn bản. Ông Luận cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, học sinh thi tối đa 8 môn theo lý thuyết (thường chọn 5 môn) để xét tốt nghiệp, và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cách làm này giúp tiết kiệm từ khâu coi thi đến chấm thi. Học sinh ở tỉnh, thành không phải đổ về thành phố lớn. Việc ra đề thi được thay đổi từ máy móc sang đánh giá năng lực, dẫn đến việc luyện thi giảm đáng kể. Những năm trước, sau khi kết thúc kỳ thi, tình trạng phao thi rơi trắng sân trường, năm nay đã giảm nhiều. Điều này góp phần thay đổi thái độ dự thi và cách dạy, học trong trường THPT.
Theo ông Luận, những đánh giá này dựa trên các cuộc họp với Chính phủ và Sở GD&ĐT của 63 tỉnh thành.
Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Nguyễn Thái Học nói, Bộ trưởng khẳng định kỳ thi tốt nghiệp giảm áp lực, tốn kém dựa vào hội nghị với các trường, các sở là không thuyết phục.
Đại biểu này cho rằng, trước đây, học sinh thi tốt nghiệp tại địa phương, nay sang nơi khác, gia đình phải đi theo, thuê xe, chỗ trọ tốn kém. Thi xong, thí sinh đợi kết quả xét tuyển, rồi đến tận trường chờ nộp – rút hồ sơ, áp lực căng thẳng còn hơn chơi chứng khoán. Những chi phí này có tính vào chi phí cho thi cử không?
“Vì sao Bộ không hỏi nhân dân, hỏi thí sinh xem giảm áp lực, tốn kém hay không? Tôi tin câu trả lời là tốn kém. Câu trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự yên lòng dân”, ông Học nói.
Theo Bộ trưởng Luận, việc giảm tốn kém đã rõ ràng, vì thi tốt nghiệp ở địa phương. Việc báo chí phản ánh thí sinh và cha mẹ căng thẳng như chơi chứng khoán, số liệu thống kê trên máy tính cho thấy, số này chiếm 8% lượng thí sinh dự thi. Hiện tượng này không phải phổ biến ở tất cả các trường và không phải tất cả thí sinh.
4 câu hỏi Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận
- Gần đây, dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là sự xáo trộn tận tâm can, về vấn đề nhạy cảm: Thay đổi môn Lịch sử, từ vị trí độc lập thành tích hợp. Đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu chính kiến về vấn đề này?
- Việc bỏ bản dịch cũ bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 có đúng không? Vì sao?
- Hoạt động tuyển sinh chưa khắc phục được tình trạng thừa thầy, thiếu thợ được lưu ý từ năm 2013 nhưng hiện tại việc làm chưa thể hiện rõ?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 vừa qua nhiều áp lực và tốn kém tiền của, công sức của người dân. Bộ GD&DT có văn bản báo cáo không có số, không người ký, chỉ đóng dấu treo để gửi cho các đại biểu Quốc hội và cho rằng kỳ thi vừa qua là thành công. Đề nghị Bộ cho biết tính pháp lý của văn bản này?
Theo Zing
Thay đổi môn Lịch sử là 'sự xáo trộn tận tâm can'
Tại phiên chất vấn sáng 16/11 của Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT trả lời việc tích hợp môn Lịch sử, cũng như đổi mới giáo dục.
Có hoãn tích hợp môn Lịch sử?
Trước khi đặt câu hỏi, đại biểu Lê Văn Lai gửi lời chúc mừng tới Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Là người công tác 10 năm trong ngành giáo dục, hệ phổ thông, đại biểu Lai cho biết, gần đây, dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là sự xáo trộn tận tâm can, về vấn đề nhạy cảm: thay đổi môn Lịch sử, từ vị trí độc lập thành tích hợp. Ông Lai đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu chính kiến về vấn đề này.
"Bộ trưởng có dự định gì, hoặc hoãn chủ trương thay đổi chương trình sách giáo khoa giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không? Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?", đại biểu tỉnh Quảng Nam chất vấn.
Ông Lai cũng lưu ý thêm, "sai lầm về phương pháp sẽ dẫn đến sai lệch về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và không có chỗ cho việc khắc phục, rút kinh nghiệm".
Trong vài phút ít ỏi của phần đặt câu hỏi, ông Lai trao đổi thêm vấn đề liên quan phần chất vấn. Theo đại biểu này, nhân dân đánh giá cao Bộ GD&ĐT triển khai Đề án cải cách chương trình và sách giáo khoa với khối lượng đồ sộ trong thời gian ngắn. Chất lượng cải cách chương trình và sách giáo khoa cấp phổ thông cơ bản được dư luận đồng tình.
Tuy nhiên, có những thay đổi nhỏ mà không hề nhỏ, như việc bỏ bản dịch cũ bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7.
Từ đó, đại biểu Lê Văn Lai đề nghị Bộ GD&ĐT cần lưu tâm đặc biệt đối với những vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, nhạy cảm để khắc phục sai sót không đáng có.
Nhiều chuyên gia phản đối
Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT công bố ngày 5/8 để tiếp thu ý kiến xã hội, nhiều môn học sẽ bị thay đổi về vị trí theo hướng giảm môn bắt buộc và tăng dần tự chọn.
Trong phần VII của Dự thảo: Định hướng xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục khác, nhiều người quan tâm đến vị trí môn Lịch sử.
Nếu ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, thì ở cấp THPT, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn.
Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh).
Nhiều ý kiến của các nhà sử học, giáo viên dạy Lịch sử không đồng tình với việc này. Ngày 3/10, thầy Trần Trung Hiếu (THPT Phan Bội Châu, Nghệ An) và nhiều giáo viên dạy Lịch sử trên cả nước đã viết thư gửi lãnh đạo Nhà nước, Bộ GD&ĐT "cầu cứu".
Chiều 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ, Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật, giảng viên các trường đại học sư phạm lớn của cả nước, cùng lãnh đạo phòng trung học của một số sở GD&ĐT về Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông. Các đại biểu tập trung vấn đề vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống các môn học ở bậc phổ thông.
Tại buổi làm việc, GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, phương án như trong Dự thảo thiếu cơ sở khoa học, mang tính "chắp - vá", gò ép, phá nát chương trình môn Lịch sử.
Ngày 15/11, Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm giáo sư, phó giáo sư và các chuyên gia.
GS Phan Huy Lê khẳng định, dù Bộ GD&ĐT giải thích thế nào thì trên thực tế, chương trình mới đã "khai tử" môn Lịch sử. Khi một ít kiến thức Lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn học khác, nó không còn vị thế của môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của Lịch sử.
Theo GS Trần Thị Vinh (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội), việc xây dựng môn học Công dân với Tổ quốc bao gồm ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh là không có tính khả thi. Đây là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học do ba phân môn trên có đối tượng, mục tiêu, phương pháp giảng dạy khác nhau.
Thời gian qua, nhiều ý kiến tranh luận quanh bản dịch khác của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà tại trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Đối với nhiều người, bản dịch trước đây thân thuộc và đi vào tiềm thức: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên thay bằng bản dịch mới .
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Cá nhân tôi thấy bản dịch nào đã đi vào nhận thức của mọi người thì không nên thay đổi. Nếu dịch lại phải dựa trên một chuẩn nhất định và giải thích tại sao thay đổi".
GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, cho rằng, bản dịch cũ bài thơ Nam Quốc Sơn Hà có ưu điểm nghe êm tai, nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất.
"Tôi nghĩ rằng, một vài người hiểu chưa đúng nên phản ứng. Khi chọn bản dịch nào, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ", GS Phi nói.
Theo Zing
Dự kiến rút ngắn thời gian thi THPT quốc gia Sáng 13/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016. Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP HCM. Tham dự có đại diện các trường ĐH, CĐ và Sở GD&ĐT các địa phương. Lịch thi THPT quốc gia năm 2016 Kỳ thi dự kiến diễn ra 3...