Không biết con bị rối loạn cảm xúc, cha mẹ vẫn phạt, la mắng
Khi trẻ có dấu hiệu rối loạn cảm xúc hay hành vi, nhiều gia đình tìm cách phạt hoặc la mắng, bêu riếu chuyện của các em với người khác.
Hậu quả là trẻ càng bị rối loạn hành vi với mức độ nặng hơn.
Đây là thông tin trong nghiên cứu về Ứng xử của người thân đối với trẻ vị thành niên có triệu chứng rối loạn cảm xúc, hành vi, do bác sĩ Lê Thị Hoàng Liễu và đồng nghiệp thực hiện tại Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM). Nghiên cứu được chia sẻ tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Lê Văn Việt, vừa diễn ra vào cuối tháng 10.
Theo bác sĩ Liễu, rối loạn cảm xúc, hành vi là sự bất thường trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của trẻ, khó khăn trong việc tuân theo các nguyên tắc hay luật lệ. Các em có biểu hiện như sống cô lập, dễ mệt mỏi, tuyệt vọng, khó tập trung, chán bản thân, mất ngủ, mặc cảm, hành động như có xung lực thúc đẩy…
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 1/2022 đến tháng 7/2023 trên 136 trẻ cùng với 136 người thân, giám hộ. Các em là học sinh từ 12-16 tuổi, được gia đình phát hiện có dấu hiệu hành vi bất thường và đưa đến Phòng tham vấn tâm lý – dinh dưỡng, Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Video đang HOT
Kết quả ghi nhận, khi mới phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường, hơn 82% người thân chưa biết ứng xử thế nào. Sau đó, khoảng một nửa người thân sẽ quan tâm, trò chuyện. Khi qua 6 tháng mà trẻ vẫn còn biểu hiện hành vi, sự kiên trì của người thân giảm dần.
Nhiều trẻ trong tuổi vị thành niên cảm thấy cô độc, tuyệt vọng, rối loạn hành vi. Ảnh: GL.
Khoảng 78% người thân sử dụng hình phạt, thậm chí bạo lực, khiến trẻ có dấu hiệu rối loạn cảm xúc diễn tiến thành rối loạn hành vi ngày càng nặng. Các hình phạt bao gồm: cắt giảm tiền quà bánh, phạt quỳ gối, úp mặt vào tường, viết cam kết, la mắng, bêu riếu hoặc kể chuyện của trẻ cho người khác, bỏ mặc trẻ…
Riêng nhóm trẻ được gia đình gần gũi, chăm sóc và đồng cảm lại có biến chuyển khác. Trẻ giảm dần biểu hiện và điều chỉnh dần hành vi.
Khảo sát này cũng ghi nhận tuổi của người thân càng cao, sự gần gũi với trẻ càng thấp. Trẻ cảm thấy cô lập, thu mình, không muốn chơi với bạn. Khi ở nhà, trẻ ăn uống một mình, không tiếp xúc trò chuyện hay hoạt động cùng gia đình.
Bác sĩ Liễu khuyến nghị gia đình cần quan tâm đến trẻ vị thành niên để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời khi các em có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hành vi. Cha mẹ và gia đình cần điều chỉnh hành vi ứng xử của mình và kiên trì trong giai đoạn can thiệp cho trẻ.
Bác sĩ nhấn mạnh theo UNICEF, năm 2021, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10 – 19 tuổi lại có một người được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần, những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử.
Trầm cảm vì rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Khi gặp vấn đề về giấc ngủ, nếu không được thăm khám, can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm cả về sức khỏe thể chất và tinh thần.
BSCKII Phạm Công Huân - Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết, gần đây viện tiếp nhận bệnh nhân tên T.T.H.T. (42 tuổi), đến khám vì mất ngủ triền miên suốt 3 tháng. Theo chia sẻ của chồng bệnh nhân, trong cuộc sống hàng ngày chị T. sống nội tâm, cầu toàn, dù quan tâm tới người khác nhưng ít chia sẻ. Cuộc sống gia đình hoàn toàn bình thường nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, chị có biểu hiện ngủ ít, lúc đầu ngủ 4-5 tiếng/ngày, gần đây chỉ ngủ 1-2 tiếng/ngày, trằn trọc không sâu giấc.
"Dù có thời gian để nghỉ ngơi nhưng tôi nằm mãi không ngủ được. Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhưng tôi vẫn sinh hoạt, làm việc được nên không đi khám, chỉ thi thoảng mua trà thảo dược về uống để ngủ ngon hơn nhưng không hiệu quả" - chị T. chia sẻ. Sau khi đi khám ở địa phương rồi dùng thuốc 1 tháng không đỡ, nhiều đêm vẫn thức trắng, chị tới Viện Sức khỏe tâm quốc gia thăm khám.
BS Huân cho biết, kết quả thăm khám cho thấy chị T. mắc hội chứng mất ngủ, với biểu hiện điển hình như khó vào giấc, giấc ngủ không sâu, thức giấc sớm và không ngủ lại được. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp với liệu pháp thư giãn, luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý. Hiện bệnh nhân ổn định, ngủ được tốt hơn, ăn uống tốt hơn.
BSCKII Đoàn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng Rối loạn tâm thần người già và y học giấc ngủ (Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia) lý giải, rối loạn giấc ngủ thường xảy ra cùng với các tình trạng bệnh thể chất và sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn nhận thức. Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, tỷ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Theo BS Huệ, rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy với sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần như mệt mỏi, căng thẳng, kém tập trung, suy giảm hiệu quả làm việc, học tập... Do vậy, khi có các biểu hiện của mất ngủ như khó vào giấc, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, thức dậy sớm và không ngủ lại được cần đi khám để điều trị kịp thời.
Đáng lo ngại là tình trạng rối loạn giấc ngủ đồng bệnh lý với rối loạn tâm thần. BS Huệ thông tin, 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có một rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Để điều trị rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân cần được hướng dẫn về thói quen ngủ lành mạnh, tạo thói quen ngủ đúng quy tắc. Bên cạnh đó, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp thể dục, tránh sử dụng các chất kích thích...
Để phòng rối loạn giấc ngủ, cần lưu ý vệ sinh giấc ngủ từ không gian phòng ngủ, giường chiếu, chăn gối luôn đảm bảo sạch sẽ, chú ý các tiếng ồn trong thời gian ngủ, luôn giữ tinh thần thư thái để dễ đi vào giấc ngủ hơn, tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ...
Cách ngăn ngừa sự cố tử vong trong khi chạy thể dục Khi "cha đẻ" của phong trào chạy bộ Mỹ, Jim Fixx, đột ngột qua đời ở tuổi 52 vào năm 1984, môn thể thao này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù ông sống rất lành mạnh, nhưng một kẻ giết người thầm lặng đã ẩn nấp trong cơ thể ông. Sau khi ông qua đời, các bác sĩ đã phát hiện...