Không bị động khi dạy tích hợp
Có thêm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là điểm mới quan trọng trong Chương trình GDPT 2018.
Ảnh minh họa Internet.
Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp; phát triển trên nền tảng các khoa học vật lý, hóa học, sinh học, khoa học Trái đất. Môn Lịch sử và Địa lý gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lý và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo… Một trong những khó khăn lớn nhất khi tổ chức dạy học hai môn này, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên, chính là vấn đề đội ngũ, vì hiện phần lớn giáo viên (GV) đều được đào tạo đơn môn.
Khắc phục khó khăn này, tháng 3/2021 Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.
Trong đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện các công việc: Rà soát, sắp xếp đội ngũ phù hợp với thực tế địa phương trên tinh thần bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu môn học; đặt hàng đào tạo để có nguồn tuyển dụng GV cho những môn học mới; bồi dưỡng GV dạy môn tích hợp; bố trí biên chế, hợp đồng lao động phù hợp từng năm theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 không bị động về số lượng và theo cơ cấu môn học, nhất là GV cho môn học mới.
Ngoài tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS, Bộ GD&ĐT đã ban hành các chương trình bồi dưỡng. Trong đó có Chương trình bồi dưỡng GV Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Chương trình bồi dưỡng GV THCS dạy môn Khoa học tự nhiên; Chương trình bồi dưỡng GV THCS dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Triển khai nội dung này, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch; phối hợp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để cử GV tham gia tập huấn nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới theo lộ trình phù hợp với thực tế địa phương. Tiến tới mỗi GV có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương còn gặp khó khăn. Nguồn ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức của địa phương còn hạn chế. Có nơi, do số lượng GV đăng ký bồi dưỡng chưa đủ để mở lớp nên phải gộp với chỉ tiêu của năm 2022 hoặc đợi cơ sở đào tạo liên kết với nơi khác. Các cơ sở giáo dục, môn còn thiếu GV, đặc biệt ở trường có quy mô nhỏ, nhiều điểm lẻ, việc cử GV đi bồi dưỡng còn khó khăn. Cũng còn cơ sở giáo dục lúng túng trong bố trí GV thực hiện dạy tích hợp liên môn, môn học mới…
Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng và số lượng; bổ sung kịp thời kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học mới để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông là nhiệm vụ quan trọng mà toàn ngành Giáo dục phải tập trung cao độ để thực hiện. Trong đó không thể thiếu tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ nhà giáo được tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Trên cơ sở kế hoạch của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở GD&ĐT cần tham mưu ban hành các kế hoạch, dự toán kinh phí cho bồi dưỡng liên môn kịp thời, đúng tiến độ; công tác chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên. Tăng cường phối hợp giữa địa phương với cơ sở đào tạo GV để triển khai bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ dạy môn học mới, trong đó có môn tích hợp…
Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với tình hình thực tế GV hiện có. Có phương án bố trí GV dạy môn học hợp lý, bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.
6 giải pháp gỡ rối cho các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở
Các môn học tích hợp đã thực hiện gần một nửa chặng đường mà giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức dạy tích hợp là một bất cập rất lớn.
Video đang HOT
Từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai giảng dạy lớp đầu tiên đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nếu so với cấp tiểu học, trung học phổ thông thì cấp trung học cơ sở có nhiều thay đổi nhất và tất nhiên cũng dẫn đến những khó khăn cho cấp học này.
Hàng loạt các môn học tích hợp được Bộ chủ trương đưa vào cấp trung học cơ sở, đó là: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nội dung giáo dục địa phương; Nghệ thuật.
Chính vì thế, ngay từ khi triển khai giảng dạy ở lớp 6 trong năm học trước đã xảy ra nhiều bất cập trong việc thực hiện.
Tuy nhiên, những khó khăn càng nhiều hơn khi năm học này triển khai thêm lớp 7 và 2 năm học tới là lớp 8 và lớp 9.
Trước thực trạng này, ngành Giáo dục cần phải làm gì để tạo sự yên tâm cho giáo viên và các nhà trường khi phân công, sắp xếp nhân sự và những nhà giáo dạy các môn học này không còn phải lên tiếng than vãn? Giải quyết các vấn đề này có thực sự khó khăn hay không?
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Các môn học tích hợp đã tạo sự hoài nghi cho nhiều người trong thời gian qua
Hiện nay, ngành Giáo dục đã triển khai chương trình mới năm thứ 2 ở cấp trung học cơ sở và đến năm học 2024-2025 là hoàn tất lộ trình cuốn chiếu chương trình mới ở cấp học này.
Tất nhiên, việc Bộ chủ trương đưa môn tích hợp vào giảng dạy đến thời điểm này đã gần như hoàn tất. Bởi lẽ, chương trình tổng thể, chương trình môn học đã thông qua, sách giáo khoa thì Bộ đã thẩm định đến lớp 8 và có lẽ sách giáo khoa lớp 9 cũng đã được các nhà xuất bản đang biên soạn.
Vì thế, những công việc cơ bản đã được thực hiện và xét về mặt pháp lý thì Bộ chỉ còn thẩm định các bộ sách giáo khoa còn lại và tiến hành giảng dạy theo lộ trình.
Điều còn lại bây giờ là giáo viên dưới cơ sở vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều bởi những môn học này đang khiến cho họ thêm phần vất vả và hiệu quả giảng dạy như hiện nay khó có thể đạt được theo kỳ vọng.
Bởi lẽ, chương trình hướng tới môn học tích hợp nhưng với nhân sự hiện có, các trường đang phải bố trí dạy theo đơn môn. Vì lẽ này, khiến cho công việc thực hiện chương trình mới theo lộ trình gặp nhiều chông chênh và dẫn đến hoài nghi cho xã hội.
Nhiều người lập luận rằng môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông lúc đầu được Bộ chủ trương đưa vào môn học lựa chọn nhưng sau đó cận thời điểm triển khai lại chuyển sang môn học bắt buộc thì các môn học khác cũng có thể thay đổi như vậy.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc chuyển các môn học tích hợp về đơn môn như trước sẽ rất khó xảy ra bởi những môn học này hoàn toàn khác với môn Lịch sử. Cái khác ở đây là các môn học này đơn giản là những môn học cung cấp kiến thức phổ thông đơn thuần.
Hơn nữa, muốn góp ý được các môn học tích hợp đòi hỏi những người lên tiếng phải có chuyên môn chứ không thể lên tiếng khơi khơi được nên về cơ bản không có nhiều áp lực như môn Lịch sử vừa qua.
Vì thế, vấn đề còn lại bây giờ là Bộ cần có những giải pháp căn cơ; có những hướng dẫn phù hợp, cẩn thận trong câu chữ trong các văn bản ban hành; những tác giả môn học tích hợp và ngay cả thầy Tổng chủ biên cũng cần có những giải đáp để giáo viên và các nhà trường yên tâm thực hiện các môn học này.
Giải pháp nào cho các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở?
Để tiếp tục triển khai các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở một cách hiệu quả và giúp cho giáo viên yên tâm, chúng tôi cho rằng Bộ và các sở giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai và thực hiện các vấn đề sau:
Thứ nhất: Khi chưa có giáo viên tích hợp, Bộ và các sở cần chỉ đạo cho các trường bố trí linh hoạt giáo viên giảng dạy theo đơn môn nhằm hướng tới hiệu quả giảng dạy cao nhất cho học trò.
Việc thanh tra, kiểm tra, dự giờ chuyên môn của cấp sở, phòng, hội đồng bộ môn trên cơ sở tư vấn, rút kinh nghiệm chứ không phải là về dự trường để "vạch lá tìm sâu", để quở trách và phê bình nhà trường và giáo viên.
Thứ hai: Bộ cần đốc thúc các địa phương triển khai nhanh chóng Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên) và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý).
Bởi lẽ, khi chương trình, sách giáo khoa các môn học tích hợp đã thực hiện gần một nửa chặng đường mà giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức dạy tích hợp là một bất cập rất lớn, không thể bào chữa được.
Một khi chưa được bồi dưỡng, chưa được hướng dẫn cặn kẽ những kiến thức mới thì việc giáo viên lên tiếng là điều hiển nhiên.
Song, việc triển khai kế bồi dưỡng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT phải có chiều sâu, bồi dưỡng để giáo viên lấy kiến thức chứ không bồi dưỡng chỉ để hoàn thiện về mặt chứng chỉ.
Việc bồi dưỡng kiến thức tích hợp cho các giáo viên ở các địa phương đòi hỏi các sở giáo dục cần tham mưu tốt với các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) để bố trí nguồn tài chính và sở cần chủ động liên kết với các trường sư phạm để mở lớp nhanh chóng nhằm hoàn thiện việc bồi dưỡng cho giáo viên tích hợp.
Để tránh những xáo trộn trong năm học, các sở cần thực hiện việc bồi dưỡng vào dịp hè và đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên. Đặc biệt, kinh phí đào tạo phải do ngân sách địa phương, nhà trường chi trả.
Nếu yêu cầu giáo viên cùng đóng góp học phí sẽ tạo nên sự bất an và phản đối từ phía đội ngũ nhà giáo vì đây là chủ trương của Bộ chứ không phải nguyện vọng của giáo viên.
Thứ ba: việc bồi dưỡng kiến thức tích hợp chỉ nên tập trung vào đội ngũ giáo viên còn nhiều năm công tác, những thầy cô trên ngưỡng 50 tuổi không nhất thiết phải bồi dưỡng vì thực tế có tổ chức bồi dưỡng thì những nhà giáo này cũng rất khó lĩnh hội được những kiến thức của các phân môn khác.
Hiện nay, cấp trung học cơ sở vẫn có nhiều môn, phân môn không đòi hỏi kiến thức quá khó như môn tích hợp có thể bố trí đúng chuyên môn cho những thầy cô lớn tuổi giảng dạy các môn học này bởi thực tế những nhà giáo lứa tuổi này trong các nhà trường thường chiếm tỉ lệ rất ít.
Đó là, trong tổ Khoa học tự nhiên có môn Công nghệ lớp 7 (35 tiết/lớp/năm), lớp 8 (52 tiết/lớp/năm) và lớp 9 (52 tiết/lớp/năm) nên những trường hạng II, hạng I có tổng số tiết môn Công nghệ thường rất lớn.
Môn Lịch sử và Địa lý cũng sẽ thực hiện tương tự như vậy, những thầy cô không có khả năng dạy tốt cả môn Lịch sử và Địa lý thì nhà trường có thể bố trí dạy phân môn của mình trong Nội dung giáo dục địa phương vì 2 phân môn này có 12 tiết/ lớp/năm.
Thứ tư: trong năm học tới đây, một số trường sư phạm sẽ có lớp sinh viên tích hợp đầu tiên ra trường. Nếu được tuyển dụng luôn, những lớp giáo viên này sẽ là những người gánh trọng trách dạy chính các môn học tích hợp, các giáo viên đã tuyển dụng lâu nay có thể chuyển dần sang dạy các môn Công nghệ, Nội dung giáo dục địa phương như chúng tôi đã đề cập ở phần trên.
Thứ năm: công tác truyền thông của Bộ và các sở cần thực hiện liên tục để chia sẻ những trường, những cá nhân dạy môn tích hợp hiệu quả nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cũng là cách để động viên giáo viên thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần lắng nghe, thấu hiểu để mỗi khi giáo viên phản ánh những khó khăn, bất cập trong giảng dạy thì sẽ cùng với giáo viên tháo gỡ, tránh những phát biểu trịnh thượng làm tổn thương giáo viên dưới cơ sở.
Thứ sáu: mỗi khi Bộ ban hành văn bản cũng cần cẩn thận trong câu chữ để sau này khi đã đi vào triển khai tránh những thắc mắc từ phía cơ sở.
Chẳng hạn, Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT được Bộ ban hành năm 2021 đã hướng dẫn: " Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý" dẫn đến việc khó khăn cho Bộ sau này khi bị giáo viên bắt bẻ.
Vẫn biết, phương án nào cho các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở trong bối cảnh hiện nay cũng đều có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Bộ và đội ngũ nhà giáo cần cùng nhìn vào vấn đề để chia sẻ và tìm ra phương án tháo gỡ. Và, chúng tôi tin những giải pháp nêu trên sẽ tháo gỡ được phần nào khó khăn cho các môn học tích hợp hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Không để giáo viên 'tự bơi' khi dạy học tích hợp Các địa phương có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn về đội ngũ dạy học môn KHTN, Lịch sử và Địa lý ở THCS, không để thầy cô phải 'tự bơi'. Tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang. Ảnh: INT Lên lộ trình bồi dưỡng Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở...